(Tập truyện vừa của Bùi Tự Lực - NXB Kim Đồng in lần thứ 6 - 2009)
Nhà văn Bùi Tự Lực vừa tặng cho tôi tập truyện vừa “Nội tôi” in lần thứ 6. Anh nói: “Tặng là để khoe với anh thôi chớ lần xuất bản nào em chẳng tặng cho anh một cuốn. Đây là quyển in lần thứ 6 ông anh nhé”.
In lần thứ 6! Chỉ mới có 9 năm mà Nội tôi đã xuất bản tới 6 lần. Đây cũng là một kỷ lục trong xuất bản đấy chứ. Tập sách được in đi in lại bởi nhu cầu người đọc cần đến nó, nhất là bà con ở Thăng Bình, ở Quảng Nam quê hương tác giả. Người này đọc, truyền cho người kia: “Có một quyển sách do cháu bà Lê Thị Đỉnh viết về bả hay lắm”. Thế là mọi người đổ xô đi tìm đọc. Không có sách, họ thắc mắc: “Sao nhà xuất bản in ít quá vậy?”. Có người quen Bùi Tự Lực thì viết thư, gọi điện trách tác giả: “Nè, bộ ông quên tui hay sao mà chẳng cho tui một quyển sách?” Thấy tình hình đó, cách đây vài ba năm, Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình mời Bùi Tự Lực về quê tặng cho 5 triệu với ý muốn: “Ông nói nhà xuất bản in lại rồi bán cho tụi tui một số sách với số tiền này”. Sách về được phát hành cho các cơ quan, trường học vẫn không đủ…Để bây giờ nó được in lần thứ 6…
Quyển sách có gì mà làm cho người ta đổ xô đi tìm đọc vậy. Giản dị thôi. Đó là quyển truyện vừa có tính chất tự truyện của người cháu (tức là Bùi Tự Lực) viết về bà nội mình, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà không những là người đã dâng hiến những đứa con cho đất nước, mà bản thân bà là một chiến sĩ cách mạng: nuôi giấu cán bộ, nắm tin tức, cung cấp lương thực thực phẩm cho cách mạng, tổ chức bà con trong làng xóm đấu tranh với địch. Bà là người khái tính, sẵn sàng mượn rượu, dùng thơ để chửi bọn Mỹ-ngụy mà chúng chẳng dám làm gì vì bà được quần chúng bảo vệ. Chính bà đã đứng ra giải quyết mọi khó khăn khúc mắc ở làng xóm hay gia đình (như việc cho con dâu (mẹ Bùi Tự Lực) đi lấy một nông dân bình thường để bọn ác ôn không vấy bẩn truyền thống gia đình; làng xóm trong khi con trai bà vẫn còn sống hoạt động). Bà bị đưa vào khu dồn, bị bắt vào tù, bị tra tấn dã man vẫn không khai báo, một mực giả điên để đòi về nhà, trụ bám nuôi cán bộ, du kích. Bọn giặc đã hèn hạ lén lút giết bà rồi giấu xác khi bà trên đường từ khu dồn về nhà. Bằng giọng xúc động, giàu chi tiết sống, Bùi Tự Lực đã dựng lên hình ảnh một Bà mẹ Việt Nam anh hùng vô cùng sống động và riêng biệt không lẫn với các bà mẹ khác.
Trong đời một nhà văn, viết đến vài chục cuốn sách may mắn lắm mới còn lại được một quyển. Với Bùi Tự Lực, sau Nội tôi, quyển sách đầu tay, anh đã xuất bản hàng chục quyển sách. Nhưng biết đâu, quyển sách đầu tiên này, quyển sách anh không hề cố ý viết văn và “để trở thành nhà văn” này chính là quyển sách để đời của anh, quyển sách đã neo vào trong trái tim bạn đọc?
Mừng và hơi ghen tỵ với Bùi Tự lực được tái bản Nội tôi tới lần thứ 6.
ĐÔNG SAN VĨ