Về hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam Sinh
Tôi chưa một lần được vinh hạnh tới viếng phần mộ cụ Phạm Phú Thứ, một danh nhân đất Quảng, quê tôi. Chỉ gần đây mới tình cờ thấy trên mạng ảnh chụp khu lăng mộ cụ.
Điều đập vào mắt tôi trước tiên là hai câu tiếng Việt ở cổng ra vào khu lăng mộ. Hai câu đó là:
Nước non tươi đẹp có nhân tài xuất chúng
Văn vật nước Nam không thua kém Trung Quốc
Về mặt nội dung, hai câu này đúng là không có vấn đề gì, có thể chấp nhận được, tuy vẫn biết là nó quá chung chung, không có gì là đặc trưng cho tính cách cũng như công lao của cụ Phạm Phú Thứ đối với đất nước, đem đặt ở bất cứ khu lăng mộ của người Việt Nam nổi tiếng nào cũng đều được cả.
Nhưng xét về mặt hình thức thì hai câu này có điều không ổn. Tại khu lăng mộ một bậc túc nho, một danh nhân văn hóa của cả đất nước mà sao lại có hai câu văn xoàng xĩnh, dễ dãi, văn xuôi không ra văn xuôi, câu đối không ra câu đối làm vậy?
Đọc trên trang Faceook của ông Phạm Phú Cường, cháu năm đời của cụ Phạm Phú Thứ hôm 21 tháng 3 năm 2018 mới biết hai câu đó là dịch từ hai câu chữ Hán của một ông bạn người Trung Quốc tặng cụ Phạm Phú Thứ, trong hoàn cảnh nào thì không thấy nói. Hai câu ấy, ông Phạm Phú Cường viết và đọc là:
海 外 蓬 瀛 有 烈光
天 南 文 物 同 中國
Hải ngoại bồng doanh hữu liệt quang
Thiên nam văn vật đồng Trung Quốc
Theo tôi, viết và đọc như ông Cường là không đúng. Bởi, ai chẳng biết các câu đối ở đình chùa, miếu mạo xưa đều phải đọc từ phải sang trái, và chữ cuối của vế thứ nhất, tức vế bên phải thường là kết thúc bằng thanh trắc. Như vậy hai câu chữ Hán ở cổng mộ cụ Phạm Phú Thứ phải viết và đọc theo thứ tự là:
天 南 文 物 同 中國
海 外 蓬 瀛 有 烈光
Thiên nam văn vật đồng Trung Quốc
Hải ngoại bồng doanh hữu liệt quang
Theo tôi hiểu thì hai câu chữ Hán này cũng không phải là câu đối nhưng lại được viết theo kiểu câu đối. Vì nếu ai biết một chút về câu đối cũng đều thấy mấy chữ “đồng Trung Quốc” (同 中 國) không thể đối với “hữu liệt quang” (有 烈 光) được. Hai câu tiếng Việt “Nước non tươi đẹp có nhân tài xuất chúng / Văn vật nước Nam không thua kém Trung Quốc” cũng không thể gọi là dịch được mà phải nói là... bịa mới đúng! Bởi lấy ở đâu ra mấy chữ “có nhân tài xuất chúng” và “không thua kém Trung Quốc” trong nguyên văn hai câu chữ Hán trên kia?
Nhưng điều đáng nói hơn cả là ở nội dung hai câu chữ Hán này. Ai cũng biết chữ “đồng” (同) trong cụm từ “đồng Trung Quốc” (同 中 國) ngoài nghĩa là “cùng nhau” còn một nghĩa khác nữa là “giống như”. Vậy thì hai câu này hoàn toàn có thể hiểu là: “Văn vật nước Nam giống như Trung Quốc / Non Bồng ngoài biển rực ánh hào quang”.
Văn vật nước Nam sao lại giống như Trung Quốc? Còn “non Bồng ngoài biển rực ánh hào quang” kia là ở đâu, có chắc không là Trung Quốc, hay cũng lại là Trung Quốc?
Viết như thế thì có khác gì người Tàu họ khen họ, kể công nước họ đối với nước ta, dè bĩu nước ta, bảo rằng nước ta lệ thuộc vào họ, theo đuôi họ?
Tuy thế nhưng khi xem kỹ ảnh chụp hai câu chữ Hán trên cột cổng nơi lăng mộ cụ thì thấy chữ cuối vế thứ hai, tức vế phải mà ông Cường viết là 光 và đọc là “quang” đó phải viết là 仙 và đọc là “tiên” mới đúng mà không thể viết là “tiên” (先) với nghĩa là “trước” như trên cột cổng được. Bởi “tiên” (仙) là “thần tiên” mới đi được với hai chữ “bồng doanh” (蓬 瀛), còn có tên là “bồng lai” (蓬 萊) hay “bồng đảo” (蓬 島) là nơi mà theo truyền thuyết là chỗ của tiên ở.
Nếu thế thì hai câu chữ Hán kia phải viết là:
天 南 文 物 同 中 國
海 外 蓬 瀛 有 烈 仙
Và đọc là:
Thiên nam văn vật đồng Trung Quốc
Hải ngoại phùng doanh hữu liệt tiên
Dẫu cho có là “hữu liệt tiên” (有 烈 仙) mà không phải là “hữu liệt quang” (有 烈 光) như ông Cường từng cho biết, nghĩa là đúng với hai câu chữ Hán của ông bạn người Trung Quốc tặng cụ Phạm Phú Thứ thì nội dung hai câu chữ Hán này cũng vẫn là đề cao đất nước và con người Trung Hoa, rẻ rúng đất nước và con người Việt Nam, nên cũng không thể chấp nhận được!
Như vậy là con cháu cụ Phạm không chỉ phạm sai lầm khi chọn câu chữ Hán nọ khắc lên trụ cổng khu lăng mộ cụ Thứ mà còn phạm thêm một sai lầm khác nữa là đã viết sai chữ Hán trên cột cổng cũng như viết và đọc sai chữ Hán trên Facebook.
Vì vậy, tôi thiết nghĩ con cháu cụ Phạm Phú Thứ và các cơ quan hữu trách của huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam nên tìm hiểu, và nếu thấy điều tôi nói là đúng thì nên thay cả câu tiếng Hán lẫn câu tiếng Việt ở khu lăng mộ cụ Phạm bằng hai câu khác xứng tầm với cụ hơn, có ý nghĩa hơn, đặc trưng hơn cho tính cách và công lao của Phạm Phú Thứ, nhất là khi lăng mộ Cụ được tỉnh Quảng Nam công nhận là khu di tích lịch sử cấp Tỉnh.
Điều đó cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Bởi ngay trên trang Facebook của ông Phạm Phú Cường đã thấy có câu đối chữ Hán, tương truyền là của Tú tài Nguyễn Tường Tiếp (1831-1890), phụ tá của cụ Phạm Phú Thứ hồi Cụ làm Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương và Quảng Yên) viết tặng.
Nguyên văn hai câu ấy như sau:
蕙 政 奇 熏 六 頭 江 東 下 千 萬 里
雄 文 吏 筆 五 行 山 南 中 第 一 峯
Phiên âm Hán Việt:
Huệ chánh kỳ huân Lục Đầu Giang đông hạ thiên vạn lý
Hùng văn lại bút Ngũ Hành Sơn nam trung đệ nhất phong
Hai câu này đã được con cháu cụ Phạm Phú Thứ dịch là:
Trị chánh tiếng thơm ơn phúc một vùng đông Lục Đầu sông ngàn vạn dặm,
Bút quan hùng tráng miền Nam chính giữa Ngũ Hành núi một đỉnh cao.
Bản dịch này có ưu điểm là theo sát nguyên văn, tiếc là nó hơi dài, có chút bất tiện khi sử dụng, nhất là có sự chênh lệch số lượng chữ giữa hai câu (câu trên 15 chữ, câu dưới 14 chữ), một điều cấm kỵ khi viết và dịch câu đối.
Dựa theo bản dịch của con cháu cụ Phạm, tôi xin mạo muội sửa lại đôi chỗ cho gọn và cũng là để tránh cái lỗi chênh lệch chữ giữa hai vế :
Chánh trị danh thơm đông Lục Đầu sông trăm ngàn dặm,
Văn chương khí mạnh nam Ngũ Hành núi vạn trượng cao.
Rõ ràng câu đối của Nguyễn Tường Tiếp về hình thức và nội dung đều hay hơn câu đối của ông người Tàu để ở lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ hiện nay. Nó không chỉ tiêu biểu cho tài năng, đức độ, những đóng góp của Phạm Phú Thứ cho đất nước mà quý hơn cả, nó là của người Việt viết về danh nhân người Việt.
P.N.S