Trách nhiệm thế hệ - Lê Huân

04.09.2019

Trách nhiệm thế hệ - Lê Huân

So với các ngành văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam, tuổi đời của ngành múa bao giờ cũng là trẻ nhất. Trẻ bởi sự sinh sau, đẻ muộn. Trẻ bởi đặc thù nghề nghiệp trên sân khấu biểu diễn. Nghệ sĩ múa tài năng nhất thế giới Ulanôva của Liên Xô cũ có tuổi biểu diễn cao nhất là 60. Đến năm 60 tuổi bà diễn vai chính trong vở diễn ba lê huyền thoại  “Hồ thiên nga”  tại Nhà hát Bolshoi - Mascơva rồi tuyên bố từ giã sân khấu. Còn ở Việt Nam, các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu như NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Phùng Thị Nhạn, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Kim Qui không đến 50 tuổi đã rời khỏi sân khấu. Nhan sắc, xương cốt và cơ bắp ở cái độ tuổi trên 40 với nữ diễn viên múa, trên 45 với nam diễn viên múa thực sự không còn cố gắng được với nghề.

Câu các cụ truyền lại “Thầy già, con hát trẻ” đúng 100% với nghề múa.

Tôi giảng dạy bộ môn lý luận múa cho nhiều lớp đào tạo diễn viên, buổi đầu tiên lên lớp bao giờ tôi cũng nói một câu: “Theo nghề múa các em đừng múa bằng chân tay mà hãy múa bằng cái đầu!”. Bởi vì nghiệp biểu diễn sân khấu rất ngắn, muốn lâu dài ở các lĩnh vực khác như biên đạo, huấn luyện, nghiên cứu, thậm chí hoạt động phong trào nếu không có kiến thức, không có sự hiểu biết về nhiều mặt các em không thể tồn tại với nghề này.

Trang bị cho các em kiến thức về nghề nghiệp tôi không chỉ dạy theo những định nghĩa sách vở mà lồng vào đó cả những nỗi niềm đắm say, tâm huyết của người đã gần trọn cuộc đời cống hiến, sáng tạo cho nghệ thuật. Cũng như mỗi khi gặp gỡ đồng nghiệp hoặc các lứa đàn em trong các ngành nghệ thuật tôi thường nói tiếng lòng mình động viên mọi khả năng, ý chí sáng tạo của mỗi người.

Tôi bước vào con đường nghệ thuật từ tuổi trên vai quàng khăn đỏ là một trong nhưng học sinh Trường múa Việt Nam đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 5 năm dưới mái trường được bốn lần gặp Bác. Hai lần được Bác đến tận nơi thăm trường chúng tôi và hai lần tôi được cùng các bạn vào Chủ tịch phủ biểu diễn cho Bác xem, được vui múa cùng Bác đón khách. Suốt đời tôi nhớ lời Bác dạy: “Các cháu cố gắng học tập, rèn luyện thành tài để sau này cống hiến xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân”. Trở thành biên đạo múa, trong gần 60 năm lao động sáng tạo nghệ thuật với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ, tôi luôn muốn gắn con tim, khối óc vào sứ mệnh mà Bác đã trao cho “nghệ sĩ là chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Bởi vậy, hầu như mọi sáng tác phẩm của tôi mọi xuất phát đều cấu tứ đều từ tình yêu Tổ quốc nhân dân và lý tưởng cao đẹp của Đảng, của Bác Hồ.

Thế hệ chúng tôi được rèn giũa, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có ba điều lớn lao đến với trái tim người nghệ sĩ: thứ nhất là lý tưởng, tình yêu Tổ quốc sáng ngời chân lý; thứ hai sự quan tâm trân trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của lãnh đạo địa phương, sự yêu mến của nhân dân, chiến sĩ dành cho những người làm công tác văn hóa nghệ thuật và điều thứ ba là sự chiến đấu hy sinh anh dũng của những người đồng chí, đồng đội cùng chung trận tuyến hàng ngày, hàng giờ xung quanh mình. Ba điều ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc cảm để tư duy, để sáng tạo, để có được những tác phẩm có giá trị nhất phục vụ cho cuộc chiến đấu giành chiến thắng.

Tôi lo rằng thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay khó có ba điều tâm huyết ấy để nuôi dưỡng tâm hồn, tư duy và kích thích sáng tạo. Hơn nữa sống, hoạt động nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường “cơm áo không đùa với khách thơ”. Mỗi tác phẩm trước lúc làm ra phải có một mệnh đề “đầu tiên”, “tiền đâu”, nhất là những sản phẩm múa và sân khấu.

Tác động của lớp già với lớp trẻ thật khó cảm thông bởi thế hệ hôm nay họ có cuộc sống vận hành và tư duy sáng tạo theo cách của họ, ít có thời gian để nghe các cụ kể chuyện ngày xưa. Thế hệ U80 của chúng tôi hôm nay có thể coi là thế hệ lão thành, những “thầy già” chỉ quen với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa còn nghệ sĩ trẻ ngày nay thỏa sức tung hoành sáng tác theo các dòng hiện thực mở, hiện đại, hậu hiện đại bởi xu thế hội nhập toàn cầu. Các bạn có thể tùy ý lựa chọn phương pháp sáng tác mà mình yêu thích, tuy nhiên, muốn kiểu gì thì kiểu tác phẩm phải đạt đến cái chân, thiện, mỹ. Tác phẩm phải đi được vào lòng người, tác phẩm phải định hướng theo tinh thần của một nền văn học - nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngành nghệ thuật múa của chúng tôi hiện đang có cái vấn nạn bắt chước sự hư cấu, tư duy, đề tài, ngôn ngữ theo trào lưu hiện đại Âu Mỹ. Thậm chí có nhiều tác phẩm múa trên sân khấu, hội thi ca múa nhạc chuyên nghiệp, biên đạo múa sáng tác theo ý tưởng trừu tượng, xa lạ với sự cảm thụ của dân tộc đã đành còn vận dụng ngôn ngữ múa hiện đại lê lết, quăng quật, nghiêng ngửa khiến những người nghệ sĩ gạo cội của ngành múa còn không hiểu, chưa nói đến khán giả đại chúng.

Năm 2018, Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam chúng tôi sau khi rà soát lại toàn bộ dăm bảy chục tác phẩm múa được Huy chương Vàng, Bạc trong các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao tổ chức. Chúng tôi đã đánh giá xem xét lại cho đúng với tiêu chí của sự phát triển nghệ thuật múa dân tộc. Kết quả không một tác phẩm múa chuyên nghiệp nào đạt giải A năm 2018 của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Trách nhiệm của “thầy già” đối với thế hệ kế tiếp về sự phát triển của một nền nghệ thuật dân tộc là như vậy. Cái thiếu sót lớn nhất của thế hệ trẻ làm công tác sáng tác của ngành nghệ thuật múa Việt Nam là ít chịu đọc, kiến thức văn học, nghệ thuật hạn hẹp. Ngay ở Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng cũng hiếm có biên đạo viết được kịch bản hoặc có công trình nghiên cứu, lý luận.

Điều cuối cùng muốn nói trong tham luận này là Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trở thành nơi tập hợp, giao lưu thoáng đãng, thân tình nhất của thế hệ văn nghệ sĩ. Cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật không chỉ là nơi ra vào của mấy ông bà phụ trách của các Hội chuyên ngành đến nộp công văn, giấy tờ hoặc thanh toán tiền bạc. Cơ quan Liên hiệp Hội chúng ta tuy ở sâu trong ngõ, nhưng có sân, có vườn, có sách báo đọc, có nhiều ghế ngồi nếu tạo được thành nơi giao tiếp cho văn nghệ sĩ đến chắc chắn sẽ có nhiều điều bổ ích.

Sự trao đổi có tính chất thân tình của thế hệ già trẻ, sự gợi mở, kích thích sáng tạo sẽ có ích lắm cho cái nghề “cô đơn”.  Cuộc sống của văn nghệ sĩ là thế.

L.H

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích