Đồi trăng - Vũ Ngọc Giao

04.09.2019

Đồi trăng - Vũ Ngọc Giao

Theo đường lên Bà Nà - Suối Mơ, chúng tôi rẽ vào con đường mòn nhỏ, con đường uốn lượn theo dốc đồi thoai thoải. Chúng tôi đến xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang trời cũng đã về chiều. Hai bên đường bạt ngàn hoa Mua tím, mùi rạ đương phơi, mùa đất đồi thoang thoảng quyện trong gió chiều. Tôi xuống xe đi bộ để tận hưởng cảnh núi rừng nơi đây. Đón chúng tôi hai bên đường là những chú bò hiền lành khoan thai gặm cỏ, thỉnh thoảng dừng lại “Ọ...” lên vài tiếng rồi lại cúi xuống thản nhiên ăn tiếp.

Chúng tôi dừng lại bãi cỏ ven đường nghỉ chân. Tôi chuẩn bị cho chuyến đi này để viết bài. Tôi tìm ngọn núi có trong lòng một tài nguyên quý: Đá, mà hiện nay con người đang biến nó thành một cái mỏ và đang ngày đêm khai thác.

Qua cây cầu nhỏ, núi đã sừng sững trước mặt. Dù ở cách nơi này không xa, nhưng đây là lần đầu tôi đặt chân đến.

Từ lâu tôi đã yêu núi rừng, yêu vẻ thâm u và trầm mặc của núi, có lẽ do tôi là mạng Mộc. Cỏ cây của núi rừng đã quá quen thuộc với tôi, nhưng đến đây tôi không khỏi ngỡ ngàng, càng vào sâu càng thâm u. Núi xanh một màu thật lạ, thẫm lại như nét cọ mạnh tay của họa sĩ phết lên

nền trời.

Chúng tôi đặt chân lên ngọn đồi cao, hoàng hôn cũng bắt đầu buông. Từ nơi này nhìn xuống, một màu xanh mướt. Ở đây người ta đốt đồng vào buổi chiều để tránh cái nắng hè. Một làn khói mỏng là đà quyện lên như dải lụa lả lơi trong chiều. Trong cái thinh không ấy, cảnh vật nơi này như chực níu hồn ai đã ghé qua một lần. Khói hoàng hôn lãng đãng ai nhỡ bắt gặp cũng mơ màng như say...

Núi rừng nơi đây đón tôi bằng một cơn mưa rào Tháng Sáu. Cơn mưa đến bất ngờ khiến tôi ướt lướt thướt, đôi chân cũng đã mỏi nhừ. Chúng tôi xuống núi, nghỉ qua đêm trong một ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm trên đồi. Chủ nhân ngôi nhà là một cụ ông đã ngoài 90. Ông mời chúng tôi ăn tối cùng gia đình. Lửa được đốt lên. Ông kể, cháu ông vừa bẫy được một con heo rừng tận sâu trong núi và hôm nay ông dành đãi chúng tôi. Bữa cơm thịnh soạn được dọn ra bên đống củi đang cháy rừng rực. Thức ăn là thịt nướng và các loại rau rừng. Ông ăn rất ít, cặm cụi ngồi vấn thuốc rồi đến bên đống lửa ngồi hơ hai bàn tay. Cơn mưa bất ngờ có lẽ khiến ông lạnh. Dưới mái hiên, tiếng củi khô tí tách, ngoài trời mưa như trút. Tiếng mưa đêm ở trên đồi, lần đầu tiên tôi nghe, như một giàn đồng ca của núi rừng bởi âm thanh xô dạt liên tục, lúc ào ạt, lúc khoan thai...

Dưới ánh lửa bập bùng, cụ ông ngồi im như  pho tượng, chòm râu trắng như cước rung rung. Tôi lân la lại gần bắt chuyện “Ông, ông cho con ngồi gần chụp hình với ông nghe ông?”“Ông có biết mô, mấy đứa cháu hắn bẫy” “Ông ăn cơm chưa ông?” “Không, ông ngủ khuya lắm, ông ưng ngồi đây chơi”... Cứ thế, tôi hỏi một đường ông trả lời một nẻo. Người nhà bảo ông nặng tai đã hơn mười năm nay. Tuy vậy tôi vẫn thích chuyện trò cùng ông. Tôi nghĩ bụng, tôi sẽ ngồi nghe ông nói chứ không hỏi gì thêm.

Mồi thuốc bằng khúc củi đang cháy, ông bập bập điếu thuốc một lúc rồi kể, ông sống ở đây đã gần 60 năm. Ngày ông lên đây khai hoang, ngọn đồi này hãy còn hoang vu lắm, họa hoằn mới có dấu chân người đi qua. Căn nhà chúng tôi đang ngồi, ngày đó chỉ là một túp lều tạm, đủ che nắng che mưa. Ông cưới bà rồi dắt díu nhau đến nơi này, tại hồi đó nghèo lắm. Ông kể, mắt đăm đăm nhìn vào đống củi khô đang tí tách.Tôi nhìn thấy trong ánh mắt đã mờ đục đó thời trai trẻ mãnh liệt và khốn khó của ông. Ông xòe hai bàn tay ra trước mặt tôi, cười bảo “Có hai bàn tay không ai sợ đói con à!”. Nói rồi ông chỉ ra cái ao sau nhà, một đàn vịt đi kiếm ăn về đang lục tục kéo nhau đi ngủ, tiếng “cạp cạp...” inh ỏi cả một góc vườn.

Hương Sen ở đâu thoảng vào nhè nhẹ, tôi dõi mắt tìm. Như hiểu ý tôi, ông chỉ tay ra cái ao trước nhà, ao mùa này đang nở đầy Sen. Ông bảo dưới kia người ta tìm đến nhà ông để mua Sen lấy hạt và hoa thì mang xuống phố bán, người thành phố rất thích cắm hoa Sen trên bàn thờ Phật.

Nói rồi ông run run chống gậy đứng lên dắt tôi đến bên ao Sen. Mải trò chuyện cùng ông, cơn mưa ngớt lúc nào tôi không hay. Đêm dưới trăng, ao Sen lung linh một màu hồng nhạt. Ông đứng, chòm râu trắng như cước, lưng còng xuống, dấu vết của thời gian ghi lên đó. Dưới trăng ông đẹp như một Tiên ông. Tôi thỏ thẻ hỏi “Hết Tháng Sáu này Sen có còn nở không ông?” “Mô có, ông mô mà trẻ rứa, ông năm ni 91 rồi con!”. Nói rồi ông chống gậy chầm chậm trở vào, đàn muỗi cứ thế vo ve bay theo chúng tôi như trấu. Nhìn đống lửa bập bùng tôi bâng quơ buột miệng “Đốt lửa thế này đỡ muỗi lắm đây!” “Mô có, ông có đau ốm chi mô mà đỡ, ông xưa rày không biết viên thuốc là chi!”. Ôi thời gian!... Tôi yên lặng ngồi ngắm ông, không nói gì thêm. Dưới ánh lửa bập bùng, hai bàn tay ông hiện rõ những vết đồi mồi, tôi bỗng nhớ ông nội tôi hồi còn sống cũng có nhiều vết đồi mồi ở tay như vậy, lòng bỗng ấm áp lạ kỳ!

Mọi người trong đoàn xong bữa tối, cơn mưa cũng tạnh hẳn.Trăng mười sáu hiện lên trong veo. Chúng tôi lại rủ nhau lang thang lên ngọn đồi gần nhất. Đi qua hết một đồng cỏ rộng bao la mới đến nơi. Đồng cỏ nơi này thật lạ, như một lòng chảo trũng xuống giữa những mô đất thoai thoải, nhấp nhô. Cỏ cây mọc thành từng cụm nhỏ, lác đác trải xa tít tắp.

Từ ngọn đồi nhìn xuống, dưới trăng mặt hồ hiện ra như tranh. Hồ Mộng Mơ (hồ Hòa Trung) trong đêm trăng lung linh, huyền hoặc. Một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp! Núi soi mình bên mặt hồ bàng bạc trăng, lặng như tờ. Xa xa một con đò nhỏ neo đậu. Bao quanh hồ, những ngọn đồi ẩn hiện trong mây. Hồ Mộng Mơ trong đêm trăng của Tháng Sáu, mơ màng và dịu dàng như một thiếu nữ. Trăng vằng vặc soi xuống lòng hồ, bảng lảng tựa khói sương. Trong cái tịch mịch đó, phải tĩnh lắm mới nghe được tiếng nước róc rách vỗ vào mạn con thuyền độc mộc.

Gió từ mặt hồ thổi lên lồng lộng, lòng lắng lại, tôi thả trôi những buồn vui, những lao xao, va đập mà cuộc sống vẫn ban tặng mỗi ngày.

Trở về căn nhà nhỏ trên đồi, tôi thiếp đi trong tiếng rả rích của côn trùng như giàn đồng ca bất tận, trong ánh lửa bập bùng, trong hương Sen ngào ngạt quyện lẫn hương rừng. Sớm mai thức dậy tôi lại ra đồng cỏ. Đón tôi là ánh bình minh trên mặt hồ và những dải mây hồng vắt vẻo lưng chừng qua rặng núi.

Tôi đã có nhiều chuyến đi trong đời, nhưng có lẽ đó là chuyến đi đáng nhớ nhất - Cơn mưa bất chợt khiến tôi ướt sũng - Đêm trăng huyền hoặc trên mặt hồ lãng đãng khói sương - Giấc ngủ bên đống lửa trong căn nhà nhỏ trên đồi và cụ ông hồn hậu, nghễnh ngãng nhưng vô cùng đáng yêu đã cho chúng tôi nghỉ lại qua đêm.

Trở về, tôi bắt tay vào viết bài, tôi viết về một ngọn núi xanh thẫm ôm trong lòng một mỏ đá, đang bị con người ngày đêm khai thác. Lạ thay, trong đầu tôi lại hiện ra một bức tranh thủy mặc trên đồi - Một con đò nhỏ lẻ loi neo đậu trên mặt hồ lặng như gương trong đêm trăng huyền hoặc - Một ngọn đồi ẩn hiện trong sương... Tất cả như thực, như mơ...

Tôi biết, tôi sẽ sớm trở lại nơi này...

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Miền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúNhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu BíchMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết Tư