Một số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn Hòe
Biến đổi văn hóa theo các nhà nhân học, xã hội học cho rằng sự biến đổi luôn có sự tác động cả nội sinh lẫn ngoại sinh, tức là sự tương tác văn hóa lan tỏa từ bên ngoài đến và tự thân các thành tố văn hóa bản địa có sự biến đổi.
Ở thành phố Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ quá trình đô thị hóa, điều này làm cho các xã thôn vùng ngoại vi chịu sự tác động mạnh mẽ của sự phát triển của đô thị. Một khi xã hội có sự biến đổi thì văn hóa không thể không chuyển đổi theo.
1. Biến đổi không gian văn hóa làng
Dễ nhìn thấy là biến đổi kết cấu một ngôi làng, từ năm 1971, người Cơtu thôn Phú Túc từ huyện Hiên (cũ) chuyển xuống Ngầm Đôi đã làm vỡ ra không gian làng như vốn có. Tại nơi ở cũ trước 1971, làng có cơ cấu hình thuẫn (evale) hoặc hình tròn, nhà của các thành viên cửa mở ra hướng về nhà gươl. Đến khu ở mới tại Ngầm Đôi nhà được bố trí dọc theo hai bên quốc lộ theo cách bố trí nhà mặt phố. Kết cấu ngôi làng truyền thống đã có sự biến đổi. Sau đó lại dời về thôn Phú Túc như hiện nay, sinh sống đan xen với người Kinh ở Hòa Vang, ngôi làng truyền thống của người Cơtu tại thôn Phú Túc không còn nữa. Trong không gian văn hóa thôn đan xen với người Kinh, văn hóa truyền thống Cơtu bắt đầu có sự biến dịch từ người Kinh sang người Cơtu và ngược lại. Sự giao thoa tiếp biến văn hóa làng bắt đầu
từ đó.
Đối với người Cơtu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí, tình hình diễn ra cũng tương tự, từ khu vực Mũi Trâu huyện Đông Giang, năm 1991, dời xuống vùng đất hiện nay, cư dân sống dọc theo trục lộ, cơ cấu làng bản đã thay đổi.
Theo đó, dễ nhận ra sự biến dịch, dẫn đến biến đổi văn hóa dưới tác động lan tỏa văn hóa đô thị của một thành phố lớn như thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình hiện đại hóa toàn diện là không thể không xảy ra. Từ đó, người Cơtu tại đây đứng trước sự chọn lựa trong tiến trình phát triển của mình.
Công nghiệp hóa đã làm thay đổi không gian văn hóa làng, từ văn hóa làng bản chuyển sang văn hóa đô thị, quản lý xã hội trên cơ sở luật pháp. Không gian văn hóa làng được mở rộng hơn, giao lưu tiếp biến với các thành tố văn hóa bên ngoài du nhập vào, làm cho có sự lan tỏa đến từng hộ gia đình. Đặc biệt mạng lưới truyền thông đã đưa thành tựu khoa học kỹ thuật đến từng nhà và hơn thế, người dân trong làng bản có thể nhìn thấy những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới đến tận từng người trong mỗi hộ gia đình. Lối sống, cách sinh hoạt văn hóa khu vực đô thị từng bước biến dịch dẫn đến biến đổi văn hóa tại khu vực nông thôn.
2. Biến đổi không gian văn hóa nhà
Trên địa bàn Hòa Phú và Hòa Bắc hiện nay có 354 hộ (trong đó thôn Hòa Phú có 102 hộ), qua các đợt điền dã, chúng tôi không nhìn thấy một ngôi nhà sàn nào. Hầu hết nhà ở của người Cơtu ba thôn của huyện Hòa Vang xây cất theo kiểu nhà người Kinh. Nhà cấp bốn chiếm đa số trong số 354 hộ gia đình. Trong số đó có một số nhà tầng, mái đúc vĩnh cửu. Tường xây bằng gạch nung hoặc gạch xi măng, nền lót gạch hoa, gạch men hoặc gạch nung. Mái nhà lợp ngói hoặc lợp tôn. Trong nhà cũng trang trí, bày biện giống như nhà của người Kinh. Gian giữa thờ ông bà, tổ tiên. Nhà ngang dùng để sinh hoạt ngủ nghỉ. Nhà bếp thường là một cái chái hiên dùng để đặt bếp nấu nướng, nơi đan đát. Những nhà đun nấu bằng củi thì có bếp đặt dưới đất như thời cha ông họ. Những nhà dùng bếp gas thiết kế căn bếp theo đúng kĩ thuật của bếp gas hiện nay. Trước đây, khi người Cơtu ở nhà sàn thì gia súc thường nuôi ở phía dưới sàn. Hiện nay, ở Hòa Phú và Hòa Bắc còn ít hộ chăn nuôi gia súc tại gia đình mà thường thả rông trong rừng. Tại đây, đã bắt đầu hình thành những trại nuôi gia súc lớn như trại nuôi heo ở Hòa Phú của anh Lê Văn Hoàng 40 tuổi.
3. Biến đổi phong tục, tập quán
- Việc cưới:
Trước kia trong lễ tục cưới của người Cơtu bắt đầu từ tiền hôn nhân, đây là giai đoạn tìm hiểu nhau, người Cơtu gọi giai đoạn đi sim. Đi sim để tìm hiểu người bạn là cần thiết để hiểu về tính nết, tâm tình,... trước khi tiến đến hôn nhân. Tìm hiểu nhau có thể đến nơi nào đó trong rừng, tại rẫy, tại con suối để thố lộ tình yêu. Cũng có thể như người Kinh ở Hòa Vang do cha mẹ, bạn bè, người thân giới thiệu để tìm hiểu,... Sau đó nếu đôi trai gái đồng ý sẽ tiến tới thăm nhà, lễ hỏi, lễ cưới. Sau lễ cưới có lễ padum (ăn chung, đôi khi đọc thành ăn giùm). Đây là lễ ghi dấu sự hòa hợp giữa hai người. Từ sau lễ padum họ có cuộc sống trăm năm với nhau.
Qua điền dã, chúng tôi được các thanh niên nam nữ Cơtu tại Hòa Vang cho rằng: một lễ cưới của người Cơtu kéo dài thời gian và tốn kém quá nhiều, bởi thông qua nhiều công đoạn, nhiều cuộc chiêu đãi từ người thân của tứ thân phụ mẫu đến bạn bè xa gần và người làng thì quả là một gánh nặng. Gia đình nghèo khó, cưới vợ cho con là hết sức khó khăn.
Ngày nay trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới được quan tâm xây dựng tại vùng nông thôn, miền núi và sự tác động của đô thị hóa, của truyền thông đại chúng, của internet... đã tác động mạnh mẽ đến việc hôn nhân nói riêng và những sinh hoạt khác trong xã hội. Theo đó, hôn nhân ngày nay của người Cơtu huyện Hòa Vang được tổ chức theo hình thức mới, có lúc các nhà nghiên cứu cho rằng “Kinh hóa” trong việc cưới. Theo quan sát, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc cưới người Cơtu Hòa Vang đã biến đổi căn bản. Một số hộ vừa tiến hành việc cưới như người Kinh, nhưng đồng thời vẫn duy trì các thành tố cổ truyền như tổ chức nói - hát lý để hai bên thông hiểu nhau hơn, chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc trọn đời.
- Việc sinh đẻ:
Việc sinh đẻ là quan trọng, từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ đến khi sinh ra cất tiếng khóc đầu đời là cả một thời gian người mẹ tuân thủ những kiêng cử do luật tục quy định.
Những kiêng kỵ vây chặt người phụ nữ nay đã có sự biến đổi phù hợp với cuộc sống đương đại. Lệ cổ truyền buộc người phụ nữ khi mang thai không được đến nơi thờ tự ông bà, không nên bước ngang trước mặt người già, người lớn tuổi. Phụ nữ có thai không bao giờ được đến với lễ hội tại nhà gươl. Xưa quy định trước khi sinh, người phụ nữ ra rừng ở một mình với bà mụ trong trại nhỏ, khi sinh con ra có bà mụ giúp đỡ và tự mình xoay trở những công việc khác liên quan đến sinh mệnh của bé và mẹ. Trong vòng 6 ngày nếu mẹ trẻ sinh con đầu, mẹ tròn con vuông, cả làng mới có thể ra rẫy sản xuất, còn trong những ngày kiêng cử họ không ra rẫy, ra rừng. Chẳng may trong vòng 6 ngày mà người mẹ chết, luật Cơtu quy định chôn đứa con theo cùng với mẹ.
Ngày nay việc mẹ chết trong vòng 6 ngày ở cử phải chôn con trẻ theo cùng đã bãi bỏ từ năm 1975. Hiện tại, người mẹ Cơtu thời nay sinh con đều đến trạm xá, bệnh viện, chấm dứt hoàn toàn tục lệ cổ xưa. Việc sinh đẻ thời nay đã có sự biến đổi sâu sắc. Người Cơtu đã tiếp nhận quy trình sinh sản theo y học, văn minh.
- Việc tang ma:
Năm 1975 về trước, việc tang
ma của người Cơtu Hòa Vang có hai
quan niệm:
Một là chết thường. Những người chết thường là những người già, đau ốm rồi chết là cái chết theo quy luật đời người, theo quan niệm sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên, chết mà người làng thấy bình thường, già chết là chuyện phải thế. Chết như thế là chết hiền, chết bình thường.
Hai là chết xấu. Những người chết xấu được cho là chết do cây đè, đá chần, rắn cắn, cọp vồ, voi đạp, tai nạn rủi ro, do bị bỏ độc, do bị săn máu, chết khi sinh đẻ, chết nước, chết do trèo cây, chết do tự tử... chết như thế được cho là chết không bình thường, chết theo cách bất đắc kỳ tử,... được cho là chết xấu, chết dữ. Hệ quả của chết xấu được quan niệm trở thành “ma chết rất xấu”, nên không được chôn chung trong khu nghĩa địa của làng, chôn cất không chiêng không trống, không người đưa tiễn. Chết như thế ảnh hưởng đến làng nên dân làng trong 6 ngày sau đó không ai ra rẫy, ngoài làng. Đường vào, ra làng được ngăn cản bằng các tượng thần hoặc ma rừng, hoặc ngán cây không cho ai vào ra,... Những kiêng cữ ngặt nghèo cả làng phải tuân theo. Trong trường hợp có bệnh dịch làm chết nhiều người cùng lúc, già làng quyết định dời làng, thì lập tức người dân nghe theo và làng được di dời đến nơi ở mới.
Thì nay, những kiêng cữ khắt khe như thế đã được bãi bỏ sau năm 1975. Ngày nay đám tang người Cơtu từng bước thay đổi theo hướng tiến bộ hơn. Tín ngưỡng dân gian được đan xen với tín ngưỡng tôn giáo, theo đó, cách nhìn vào một hiện tượng chết chóc đã khác trước. Khác trước còn bởi sự quản lý xã hội sau 1975 tác động mạnh mẽ đến cấu trúc xã hội người Cơtu, làng bản được mở ra, giao thoa với các thành tố văn hóa dân gian miền xuôi và với văn hóa đương đại, những thành tố kiêng cữ khắt khe xưa kia đã thay đổi phù hợp với sự phát triển xã hội trong thời đại mới, phù hợp với quan niệm về việc cưới việc tang, lễ hội. Đấy là biến đổi theo sự phát triển chung của xã hội đương thời, là quy luật của sự phát triển.
- Việc trang phục:
Trong những lần điền dã tại ba thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc và những lần khảo sát, phỏng vấn sâu một số người dân tại đây, chưa lần nào chúng tôi nghe hoặc thấy bất kì một người dân Cơtu nào mặc trang phục của dân tộc mình trong sinh hoạt hằng ngày. Có lần, chúng tôi đặt vấn đề trực tiếp là nhờ một vài người Cơtu lớn tuổi hoặc những nghệ nhân được chúng tôi tiếp xúc mặc trang phục dân tộc Cơtu để chụp ảnh làm tư liệu thì được những người có trách nhiệm trình bày rằng: mỗi làng ở đây được văn hóa thông tin địa phương cấp cho dăm ba bộ trang phục dân tộc và giao cho một cán bộ vụ phụ trách cất giữ. Chỉ trong những dịp đại lễ hoặc có một sự kiện trọng đại nào đó của thôn bản thì mới được soạn ra mặc. Đây là những bộ đồ được Nhà nước may phát cho để sử dụng khi thật cần thiết, tuyệt đối không có một người dân nào có ý thức sắm một bộ đồ dân tộc cho riêng mình. Một số thanh niên cho rằng việc mặc trang phục Cơtu không tiện lợi như mặc âu phục và do tiếp xúc với người miền xuôi nhiều nên mặc theo kiểu người Kinh cho phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng mua được tấm dồ, tấm tuốt về làm váy, làm áo phải lên tận Đông Giang hay Tây Giang mới mua được, giá lại đắt đỏ nên mặc như kiểu người Kinh, dễ mua, lại phù hợp với thời đại ngày nay hơn là bộ đồ truyền thống. Y phục truyền thống chỉ dùng trong những ngày hội mà là hội lớn mới dùng đến, chứ lễ hội nhỏ đôi khi không sử dụng. Hầu hết trong sinh hoạt thường ngày, người Cơtu ba thôn của huyện Hòa Vang sử dụng y phục người Kinh miền xuôi. Thanh niên: quần jean áo thun, mũ lưỡi trai. Ngày tết, ngày hội quần jean, áo sơ mi. Người có tuổi sử dụng quần tây, áo sơ mi ngắn hoặc dài tay, những ngày lễ hội lớn mới mặc trang phục truyền thống Cơtu.
Trong quá trình đô thị hóa, người Cơtu Hòa Vang hiện nay không còn đóng khung trong ngôi làng của mình với những ngày hội truyền thống, mà họ đã giao lưu, tiếp xúc với người Kinh, đôi khi cả với người nước ngoài. Ngôn ngữ sử dụng thường ngày là tiếng Việt đan xen tiếng Cơtu trong sinh hoạt gia đình. Đôi lúc chúng tôi gặp nhiều trẻ em học sinh tại làng Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí còn sử dụng tiếng Anh đàm thoại trong lúc tụ tập chơi đùa. Các thành tố văn hóa được du nhập vào làng nay đã không còn khép kín như xưa. Sự lan tỏa do sức hấp dẫn của các loại hình lễ hội ở miền xuôi, của lối sống và phong cách thị dân của đô thị. Các loại hình giải trí đa dạng, phong phú đan xen giữa làng và phố thị. Sự tiếp xúc, giao lưu từ đó diễn ra ngày càng nhanh chóng một cách rõ rệt giữa làng và phố, giữa cổ truyền và đương đại.
V.V.H