Nhặt trăng - Vũ Ngọc Giao

04.09.2019

Nhặt trăng - Vũ Ngọc Giao

Lam dừng lại, nâng vạt áo khẽ lau mồ hôi đang thành dòng trên trán, lúc này nàng mới thấy thấm mệt. Đêm xuống nhanh quá, lúc ở ngoài bãi, nàng cố cắt nốt đám cỏ, trời chỉ mới chạng vạng. Gánh cỏ về đến đây, trăng đã chênh chếch bên đồi. Đường làng vắng hoe, trên đống rạ đương phơi từng đàn muỗi bay ra như trấu.

Về đến đầu ngõ Lam đã nghe tiếng khóc ngằn ngặt của thằng Cò. Đặt gánh cỏ trước sân, nàng vội vào nhà bế nó lên. Tiếng cha lầm bầm ở nhà sau:

- Cái thằng khóc dai, dỗ hoài không được!

- Tội nghiệp cháu tôi! Lam ôm thằng bé vỗ nhè nhẹ rồi bế nó ra hiên.

Trong tay nàng, Cò ngoan ngoãn nằm yên, tiếng khóc chỉ còn nghe i ỉ. Lam nhẹ nhàng đặt Cò vào võng, ru nhè nhẹ, một lúc nó đã ngủ say. Lam vội vàng vào bếp, loáng cái đã xong, nàng tất tả bưng mâm cơm đặt lên tấm phản giữa nhà, tíu tít xới cơm cho cha:

- Đám cỏ nhà mình con cắt xong chiều nay. Mai con ở nhà xay bột nếp làm bánh cha ăn.

Ông cụ ậm ừ, uể oải bưng bát cơm nhìn ra hiên bâng quơ:

- Hết lứa bò này thôi con à, việc ngoài đồng con làm không hết, còn lo cho cha, cho thằng Cò, còn đàn bò nữa, con không rảnh rang cho mình.

Lam cười dịu dàng, nàng đến bên cha xoa cái lưng xương xẩu của ông:

- Cha ăn thêm miếng nữa đi. Chuyện nhà con lo được, miễn sao cha với thằng Cò khỏe là con mừng.

Trời mới vào hè đã nóng nực, cả một buổi chiều quần quật với đám cỏ, nàng mệt nhoài. Vắt tấm áo lên giàn mướp bên giếng, Lam buông gàu, ánh trăng tròn vành vạnh dưới đáy giếng vỡ tan từng mảnh. Nước giếng đêm mát lạnh. Tóc nàng ướt đẫm, bộ quần áo trên người sũng ướt, ôm lấy thân hình mong manh. Lam ngước nhìn trăng. Cũng đêm trăng như vầy, trên ngọn đồi kia Lam ngồi bên Thân. Tiếng chuông chùa từ xa vọng lại chậm rãi, thâm u. Thân kể cho nàng nghe chuyện mẹ một mình sinh ra anh ở trên ngọn đồi này và gửi anh vào ngôi chùa kia, cho đến khi anh được ba tuổi... Cũng bên giếng nước này, ngày đó... Thân múc nước cho nàng gội đầu, tiếng cười hai đứa rúc rích bên giếng đêm cứ vang xa. Lúc này, nàng bỗng nhớ Thân, không biết giờ này Thân đang làm gì, ra sao?...

Lam lại buông gàu, bóng trăng dưới đáy giếng lung linh rồi tan ra. Bóng trăng trên đồi cũng chuếnh choáng vì nhớ thương. Nàng để dòng nước từ từ len vào tóc, vào da. Cơ thể nàng nóng bừng. Đêm lặng thinh.

Để quần áo ướt sũng, chẳng buồn thay, nàng lững thững về nhà, con ngõ như dài hơn dưới ánh trăng. Ngoài hiên, cha vẫn còn ngồi, nhìn mái tóc và bộ quần áo ướt rượt của nàng, ông giấu tiếng thở dài. Ông thương con, sau cái cười tươi roi rói ban ngày, là đêm. Mỗi đêm con ông vẫn úp mặt vào gối, giấu nỗi buồn trong đó, để ngày mai lại tươi tắn ra đồng làm lụng, lo cho cha, cho cháu.

- Nhanh vào thay đồ rồi ngủ đi con, coi chừng cảm lạnh. Ông vừa húng hắng ho vừa bảo nàng.

- Sao cha ngồi đó? Muỗi lắm! Để mai con đốt lá vườn, cái đám muỗi này! Vừa nói nàng vừa nhẹ nhàng vào nhà, tránh nhìn bóng cha cô độc in trên vách.

Tiếng thằng Cò ú ớ gọi mẹ. Hơn hai tuổi, nó đã biết nhớ mẹ. Tim Lam thắt lại, nàng ôm thằng Cò vào lòng ru khe khẽ “...năm canh chày thức đủ vừa năm hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi em nhớ tới chàng...” Gương mặt thằng Cò ngủ say giống mẹ nó như đúc. Nàng chạnh lòng nghĩ đến em gái, lâu rồi không thấy Sáo về thăm con...

Đêm tịch mịch, lũ dế trong vườn cũng rủ nhau ngủ hết. Lam vùi mặt vào gối, đêm nay từng giọt nước mắt mằn mặn lại tuôn ra...

Có tiếng ai gọi tên nàng khe khẽ ngoài vườn, một bóng người thoắt hiện, cái bóng dáng nàng chẳng thể nào lẫn với ai. Sao giờ này Thân lại đến đây? Lam rón rén ra hiên. Ngoài hàng rào, Thân đứng đó, bất động, gương mặt chàng cúi xuống. Tim Lam đập thình thịch.

- Sao giờ này... lại đến đây... Thân ơi?!

Người đàn ông vẫn im lặng, gương mặt lúc này mới ngẩng lên nhìn nàng. Bao yêu thương, nhung nhớ dồn nén từ ngày ấy vỡ òa dưới trăng. Nàng cố nén, nước mắt vẫn trào ra. Gương mặt người đàn ông nhăn nhúm lại vì đau khổ, một dòng nước mắt cũng từ từ chảy xuống, lấp loáng dưới trăng. Tiếng người đàn ông thầm thì:

- Nhớ em, tôi ghé qua một chút rồi đi ngay. Nói đến đó người đàn ông vội vàng bước đi, bóng áo nâu lẩn vào đêm.

Lam trở vào nhà, tiếng cha ho khan từ gian nhà giữa vọng lên. Có lẽ ông cũng không ngủ. Ông thức cùng con. Ngày Thân cưới vợ, từ làng trên xóm dưới người ta kéo nhau đi xem đám cưới to nhất làng. Các bà các cô chốc chốc lại tụm đầu thầm thì “Tội nghiệp con Lam” Ông nghe hết cả, lòng ông thắt lại.

Lam hình như chẳng để ý gì, đôi chân nàng vẫn thoăn thoắt trên bờ mương, gánh đất nặng trĩu mà nàng gánh nhẹ như không, miệng vẫn cười tươi rói. Thằng Cò ngày đó còn đỏ hỏn, mẹ nó vừa sinh xong đã gửi về cho cha, cho chị rồi đi. Đêm đêm ông nghe tiếng con gái thủ thỉ với cháu “Sáo ơi... sao mà vội... lấy chồng”. Tiếng thầm thì nấc nghẹn ngồi im bặt trong đêm.

Ngọn đèn dầu soi bóng nàng in trên tường lặng câm. Lam thức khâu cho cháu nốt cái chăn. Ông nhìn con gái, có lúc ông ngạc nhiên không hiểu trước mặt ông có phải là con gái của ông? Nó tỉnh rụi như không, cái ngày Thân cưới vợ, miệng nó vẫn tươi tắn, mắt long lanh nhìn ông:

- Cha nè, ngày mai con lên bãi trên, chỗ mẹ nằm, cỏ trên đó xanh um, cha ở nhà giữ thằng Cò cho con! Vừa nói nàng vừa xới cơm vào bát “cha ăn đi cho nóng”.

Nói rồi Lam ôm thằng Cò lên võng nựng nịu:

- Cò ăn nhiều, mau lớn theo dì ra đồng cắt cỏ nè, đấm lưng cho ngoại nè, mai kia mẹ Sáo về với Cò nè...

Nàng nghẹn ngào nghĩ đến em gái, giờ này... Nàng mường tượng ra gương mặt em gái ngày trước, gương mặt lúc nào cũng ửng hồng, đôi mắt lúng liếng, miệng cười đong đưa, tình tứ. Sáo là em út, hồn nhiên tươi vui nhất nhà. Rồi yêu, rồi lấy chồng, rồi gãy gánh, long đong...

Hôm Sáo về chơi, thằng Cò cứ bám riết lấy mẹ. Lam nhìn em thương cảm:

- Em sống ra sao? Cố mà về thăm Cò nhiều hơn, tội nó!

Sáo im lặng, cô mở túi xách, quà cho cha, cho chị. Cô xuống nhà dưới, ra hiên, ra sau hè, đứng lặng một lúc rồi trở vào, quày quả chào cha:

- Con đi, cha giữ sức khỏe. Nói rồi quay qua Lam, chị ráng hết năm nay, ổn định, em về đón thằng Cò, cho chị còn rảnh rang, chị còn phải lấy chồng cho cha vui. Lam cười:

- Chị ở vậy lo cho cha được rồi. Em cứ lo việc nhà bên kia. Nàng và em gái thầm thì hồi lâu, dùng dằng mãi Sáo mới ra đến ngõ, rồi lại trở vào nhà ôm thằng Cò lần nữa.

... Nhà ai đốt đồng, khói bay trong trời chiều. Lam cố cột cho xong bó rạ, còn về. Nàng nhìn trời chiều âm u, có lẽ sắp mưa. Phải về mau, về còn nấu cho cha nồi lá xông, cho thằng Cò ăn, dỗ nó ngủ, rồi xay bột nếp làm bánh. Có tiếng gọi nàng:

- Lam... Lam ơi! Nàng quay lại, là chị Mận ở xóm trên, chị họ của Thân. Tiếng gọi dồn dập, gương mặt chị hớt hải.Tim nàng thắt lại... là chuyện gì?!

- Thân gặp tai nạn chiều nay, thảm quá em ơi!

Lam đứng sững, nàng không còn nghe tiếng ai gọi tên mình. Mưa trút xuống, từng hạt to như đá. Tiếng ai

gọi nàng:

- Về nhanh đi Lam, mưa to rồi... nhanh đi Lam!...

Tiếng ai gọi nàng? Có phải Thân không? Ừ, phải rồi, là Thân gọi nàng...

Lam vụt chạy qua cánh đồng, mưa táp vào mặt từng cơn bỏng rát. Trong màn chiều âm u, mưa như trút, bùn đặc quánh dưới chân, ngập ngụa, nàng vẫn chạy... Kia rồi, Thân đứng đó, co ro đợi nàng. Thân cũng như nàng, ướt sũng trong mưa. Lam lao tới:

- Thân ơi! Tiếng nàng lẫn trong mưa, trong tiếng sấm ầm ầm trên đầu. Bóng Thân gần lắm, nhưng sao nàng chạy mãi vẫn không đến được. Mặc kệ, Lam vẫn lao tới cái bóng lướt thướt, co ro đang đợi nàng dưới gốc Trâm Bầu. Lại có tiếng ai gọi nàng:

- Lam ơi, dừng lại, về nhà đi! Nàng gục xuống vũng nước mưa trên đường làng. Thân kia rồi, anh chạy đến dang tay ôm nàng vào lòng:         

- Mình về thôi, em ! Cha đợi ở nhà...

 

Dạo này Lam vui, Sáo đã về ở cùng nàng, cùng cha và thằng Cò. Vậy là nàng yên lòng đi lấy chồng, để Thân đợi mãi cũng thương. Cuộc đời với nàng giờ đây là một màu hồng, vậy mà có lúc nàng

khổ đau, nghĩ rằng, tình yêu cho Thân là vô vọng.

Lam lang thang ra giếng, ngẩn ngơ nhìn hoa Mướp vàng lung linh trong nắng, nàng toét miệng cười, chạy khắp cánh đồng. Những giọt nắng nhảy múa tít tắp. Nàng cười như nắc nẻ, quay sang Sáo nàng khoe:

- Ngày cưới chị mặc áo cô dâu, cài hoa vàng cho em coi. Nói rồi nàng cài lên tóc bông hoa vừa nhặt bên giếng nước. Bên hiên, Sáo lặng lẽ lau nước mắt. Lam chạy đến bên em:

  - Sao vậy? Em không muốn chị lấy chồng sao? Sáo lắc đầu:

- Không, em muốn mà. Sáo cười, nước mắt vẫn vòng quanh.

... Đã hai ngày rồi Lam đi không về, Sáo lang thang qua xóm trên, xóm dưới, gặp ai cô cũng hỏi thăm chị. Tụi trẻ chăn trâu mách “có một người đàn bà điên hôm qua đi lên hướng này” Vậy là Sáo lại lang thang lên đồi tìm chị.

Đêm, mưa đột ngột. Tiếng cha thở đều đều, thằng Cò cũng ngủ say. Sáo trở dậy lấy thau hứng nước mưa dột từ mái tôn, từng giọt long tong... Giờ này chị Hai ở đâu? Một suy nghĩ lóe lên, có thể lắm, ngoài mộ, chỗ Thân nằm. Lam vẫn thường chỉ cho Sáo, ngây ngô “Nhà anh Thân đó, cưới xong, chị về đó ở với Thân”. Sáo bật dậy, ra hiên, cô với tấm áo mưa trên móc, mặc vội vào người. Đêm đặc quánh, chốc chốc một tiếng sấm rền vang. Đằng xa, có bóng ai đang chạy trên đồng, ánh chớp lóe lên, là một người đàn bà, mái tóc xổ tung.

- Chị Hai ơi! Tiếng Sáo lẫn vào tiếng sấm, tiếng mưa. Chị Hai ơi!

Bóng người đàn bà sững lại, rồi lại cắm đầu chạy, vừa chạy cô vừa ngửa mặt lên trời cười vang:

- Phải Sáo hông? Tìm chị làm chi? Chị còn phải kết xong vòng hoa đội đầu. Ngày cưới chị, em mặc áo đẹp, chị mặc áo đẹp. Vừa nói Lam vừa chạy long nhong qua mương nước. Sáo nhìn Lam, bộ quần áo ướt sũng, mái tóc xổ tung bết vào gương mặt tái xanh đang loang loáng nước mưa. Nước mắt Sáo tuôn chảy hòa với nước mưa, xuống môi mằn mặn.

- Về đi, chị Hai. Cô nức nở ôm chặt Lam. Lam vùng chạy:

- Em về đi, chị phải đi lấy chồng, lấy chồng... Haha...

Sáo tìm thấy Lam trên cánh đồng vừa gặt xong, tấm áo trắng nàng vẫn mặc vắt vẻo trên cành cây. Lam nằm dưới trăng, ngủ say. Bị đánh thức nàng cằn nhằn:

- Chị phải đi đây, đã xong đâu!

- Chị đi đâu? Về với em, với cha đi!

- Không! chị còn nhặt cho hết mớ trăng ngoài ruộng, chị phải nhốt nó vào lồng cho cha, rồi chị mới đi lấy chồng...

... Người làng đưa Lam về trong đêm. Cha ngồi bất động, ông cụ nhìn vào bóng đêm, hai hốc mắt khô rang, ông không còn khóc được nữa. Sáo ôm thằng Cò, ngồi bên nàng khẽ lay:

- Tỉnh dậy đi, chị Hai! Tỉnh dậy với em một lần nữa thôi!

Môi Lam mấp máy, nàng khẽ mở mắt, bật cười, tiếng cười của nàng trong vắt, lanh canh như tiếng mảnh chai vỡ, giọng nói run run đứt quãng:

- Lấy cho chị cái áo dài treo trên móc... chị mặc cho kịp... cả vòng hoa đội đầu nữa... Nhanh lên! Cho chị kịp sang sông... Thân đợi...

... Thoắt đó đã ba mùa trăng. Ba mùa trăng trước, có một người đàn bà đêm đêm thẫn thờ đi lên đồi nhặt trăng. Nàng vừa đi vừa hát. Nàng hát cho một người đang nằm dưới mộ.

Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương. Cô ngước nhìn mảnh trăng trên đồi, nghe như trăng đang thầm thì kể chuyện:

 

Từng mùa trăng đi qua

Chị dưới lòng đất lạnh

Phút cuối đời chị đòi mặc áo cô dâu, đòi cài hoa lên tóc

Mắt nhắm, miệng cười,

Ơi Sáo đâu rồi... đưa chị sang sông...

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Miền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúNhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu BíchMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết Tư