Nhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích

04.09.2019

Nhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích

Người Cơtu xứ Quảng có nhiều sáng tạo trong việc chế tác ra các loại nhạc cụ truyền thống khác nhau như: cồng chiêng, trống lớn Cathu và trống con Ch'gơr, đàn, sáo, kèn sừng trâu với 2 loại là: tù và Tơghêi, asăng và kèn Cơr'zool, đàn Abel, đàn Hroa, đàn Ânjưl, đàn Tơm rech, Tapeh Alui, kèn Kooc, sáo A lươt, sáo Cr'toot, sáo Tơret, sáo Rahel, L'hel ống tiêu Cr' toot. Mỗi loại nhạc cụ Cơtu gắn liền với một chức năng và cách trình tấu khác nhau, tuỳ thuộc vào việc làng hay trong dòng tộc, gia đình, sử dụng trong các lễ hội hoặc trong sinh hoạt hằng ngày, các buổi biểu diễn dân ca, múa. 

Hệ thống nhạc cụ Cơtu khá đa dạng, gồm bộ gõ, bộ hơi, bộ dây, với khoảng gần 20 loại. Trong đó, đặc biệt là bộ cồng chiêng. Có thể tạm phân loại các nhạc cụ tiêu biểu như sau:

1. Bộ gõ gồm các loại trống như:

- Cathu (trống cái): có mặt hầu hết trong các lễ, hội; nhạc cụ này đóng vai trò rất quan trọng khi kết hợp cùng với chiêng tạo nên không khí linh thiêng cho lễ hội.

- Ch'gơr (trống con): cùng hòa nhịp với trống cái hoặc vài chiếc phối hợp với nhau cùng hòa tấu lên tạo nên âm vang tưng bừng rộn rã cho lễ hội.

2. Bộ dây gồm các loại đàn như:

- Đàn Ânjưl: là loại đàn khá phổ biến của người Cơtu, có nhiều dân làng biết diễn tấu nhạc cụ này, đặc biệt là trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng dòng tộc, gia đình, làng buôn. Đàn Ânjưl đệm cho người hát các làn điệu babooch, hát ru, giao duyên, cơlâu - ch' lêêng.

- Đàn Tơm rech: sử dụng trong các buổi biểu diễn văn nghệ của cộng đồng. Loại đàn này thay trống chiêng, giữ nhịp cho toàn bộ dàn nhạc.

- Đàn Abel: Cây đàn này thường các chàng trai thể hiện với điệu hát giao duyên, nhân ngãi với âm điệu quyến rũ nên rất phù hợp để tỏ tình cùng người yêu, thổ lộ tình cảm với bạn gái của mình khi không thể trao gửi bằng lời nói trong những buổi hẹn hò. Cũng nhờ cây đàn này mà nhiều lứa đôi Cơtu đã nên duyên chồng vợ. Theo nhà nghiên cứu Giang Nam: “Trong các loại nhạc cụ như kèn Cabluôc, kèn Kooc, sáo Rahêm, đàn Tapêh... thì đàn Abel (cách gọi của người Cơtu vùng cao) hay còn gọi là đàn H'roa hoặc H'ra - tên phiên âm (cách gọi của người Cơtu vùng thấp) là loại đàn rất độc đáo và gắn liền với truyền thống văn hóa bao đời của đồng bào tộc người Cơtu”.

3. Bộ hơi gồm các loại kèn, khèn, sáo, tiêu như:

- Khèn bè: có trong các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của làng xã hoặc trong lễ hội truyền thống.

- Tơghêi asăng: là loại tù và làm bằng sừng trâu, âm trầm, vang vọng khắp núi rừng đại ngàn, dùng để hú gọi, mời thần linh về dự lễ nên luôn mở đầu buổi lễ.

- Kèn Cơr'zool: làm bằng sừng dê rừng (sơn dương), âm vang cao, sáng, có âm lượng nhỏ hơn tù và Tơghêi asăng.

- Các loại sáo a' hen, l'hen gồm sáo một lỗ, sáo ba lỗ, sáo sáu lỗ, thường ngân vang cao vút trong sinh hoạt hội hè, kết giao, tỏ tình trên nương rẫy.

- Ống tiêu Cr' toot: được chế tác bằng ống nứa ngắn khoảng 20cm. Thường vang lên thanh âm trong trẻo, sắc nét khắc họa tiếng chim hót ríu rít khi lên nương hoặc biểu diễn văn nghệ.

Các loại kèn, sáo, đàn, trống... không thể thiếu được trong các lễ hội truyền thống, trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Cơtu.

4. Cồng chiêng Cơtu.

Cùng với hệ thống nhạc cụ truyền thống thì cồng chiêng của người Cơtu là nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc, đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Cơtu.      

Hầu như ở 54 tộc người thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt, từ xa xưa cồng chiêng là những nhạc cụ thiêng, chỉ được diễn tấu trong các nghi lễ, tiếng chiêng là ngôn ngữ được con người sử dụng để thông quan với thế giới siêu nhiên của thần linh, vì thế không được đánh chiêng tự do trong các sinh hoạt vui chơi. Tuy nhiên, ngày nay thì cồng chiêng không chỉ hiện diện trong các sinh hoạt lễ hội dân gian mà còn có mặt trong các lễ thức đơn giản hoặc trong một số lễ hội đương đại với sự tham gia tích cực của các dạng thức hoạt động văn hóa sinh động. Trong đời sống tinh thần của các tộc người thiểu số, cồng chiêng đi theo suốt vòng đời của con người, từ lễ thổi tai khi mới chào đời vài tháng tuổi đến lễ trưởng thành, lễ cưới cho đến khi nằm xuống trở về với cát bụi đều có tiếng chiêng tiễn đưa đến nhà mồ, rồi tiếng chiêng lại ngân nga trong lễ Bỏ mả dẫn dắt linh hồn về với ông bà tổ tiên.

Tiếng cồng chiêng chỉ gióng lên trong những thời khắc linh thiêng, quan trọng của đời người, tiếng chiêng thúc giục bao trai làng mạnh mẽ chiến đấu chống quân thù hoặc đệm theo điệu múa dân gian tung tung - da dá trong các lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng, mừng lúa mới và có lúc lại trầm lắng hòa cùng giọng kể khan của già làng khắc họa những câu chuyện đậm tính huyền thoại từ kho tàng sử thi quý báu.

Như vậy, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ đơn thuần trong hệ thống nhạc cụ truyền thống của các tộc người thiểu số mà chính là biểu tượng, là linh hồn và sức mạnh của mỗi dân tộc dù trong thời bình hay thời chiến.

Cồng chiêng của tộc người Cơtu có nhiều loại, mỗi loại có một kích thước, một cách sử dụng khác nhau.

- Loại chiêng có núm ở giữa, đường kính 45 cm gọi là goong (cồng). Loại chiêng không có núm ở giữa còn gọi là ching (chiêng hoặc chiêng bằng), có các loại chiêng nhỏ còn gọi là thanh la như sau: Cohr (còn gọi là Prnăh hay Grờm), đường kính 40 - 45 cm, hơi lớn. Âm vang trầm; Cơbhâr đường kính 30 - 35 cm, nhỏ hơn có tầm âm cao hơn. Âm thanh bay bỗng hơn; Đhóoh đường kính 20 cm, to bằng bàn tay, có âm thanh trong và cao nhất trong ba loại thanh la.

Ba loại chiêng nhỏ này phối hợp với nhau, thường hòa nhịp với chiêng lớn tạo nên các bè trầm bổng khác nhau, khắc họa đậm nét không gian đa thanh, đa sắc cho lễ hội. Mỗi loại chiêng có một cách sử dụng khác nhau, cồng đánh bằng dùi mây, đánh điểm âm từng tiếng một, được sử dụng trong các lễ hội đâm trâu. Chiêng lớn và Cơbhâr diễn tấu thành một cặp, cùng với trống đệm theo điệu múa tung tung - da dá trong các lễ hội ăn mừng. Cohr chỉ dùng riêng một chiếc trong gia đình, âm thanh trầm lắng, tạo không khí ấm cúng, Cohr còn được sử dụng trong lễ tang.

Trong các lễ hội, chiêng được đánh lên với những nhịp điệu khác nhau, tùy thuộc vào nội dung sinh hoạt của lễ hội, chủ yếu tập trung vào các điệu Đhương thường, Đhương Brêch, Pr'lư, Đhâp, Aóh, Đhập glêch, T'rưng, Tứ, Hra Roong... Hầu như các điệu này có mặt hầu hết trong các lễ hội Cơtu.

Chỉ riêng tại vùng cao huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, trong thời gian chưa chia tách tỉnh, hằng năm đã tổ chức thường xuyên lễ hội các tộc người thiểu số miền núi. Vào dịp này, dàn cồng chiêng của  tộc người Cơtu đã trình diễn nhiều điệu cồng chiêng và múa dân gian truyền thống đặc sắc, tuy không gian văn hóa cồng chiêng vùng đất này không quy mô như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, song nó vẫn có bản sắc riêng cần được quan tâm nghiên cứu.

Cồng chiêng xuất hiện ở tất cả các lễ hội của người Cơtu: Từ lễ hội đâm trâu, lễ ăn cơm mới, lễ cầu thần linh ban phát điềm lành, lễ chọn đất, dựng nhà lập làng đến lễ tỉa lúa, lễ cưới, lễ đón khách, lễ dồn mồ bỏ mã... và tiếng cồng chiêng còn vang lên trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, thổ lộ tâm tình, cổ vũ người đi chiến đấu, đón mừng ngày vui chiến thắng, lễ ăn thề kết nghĩa anh em, giải hòa mối hận thù, xung đột... Trong mỗi lễ hội, tiếng cồng chiêng được tấu lên theo quy định truyền thống và các loại chiêng bằng, chiêng núm, chiêng to, chiêng nhỏ được người sử dụng tạo thành những tiết tấu riêng biệt, thường là đánh vào bụng chiêng, nếu muốn nhấn âm thì đánh vào lưng chiêng. Có nhiều điệu chiêng được diễn tấu trong những trường hợp khác nhau.

- Điệu chiêng Đh' hương

Trong lễ hội đâm trâu - mừng lúa mới, mở đầu cho năm mới, đồng bào Cơtu tiến hành nghi thức tạ ơn Giàng và thần linh đã đem lại no ấm cho dân làng. Trong lễ hội này, người Cơtu sử dụng điệu chiêng Đh' hương vui nhộn sôi nổi. Điệu Đh' hương có tiết tấu nhanh, linh hoạt thể hiện niềm hân hoan trong lễ hội. Kèm theo nhạc chiêng trong lễ hội này là điệu múa truyền thống tung tung - dá dá đặc sắc và tiêu biểu nhất trong hệ thống múa dân gian Cơtu. Tiếng cồng chiêng luôn ngân vang trong suốt thời gian tiến hành lễ hội. Trước đây, trong những lễ hội quan trọng như lễ mừng được mùa, dựng làng, dựng nhà gươl (nơi sinh hoạt chung cả làng), lễ cưới, lễ cúng Giàng cầu mưa, người Cơtu đều tổ chức lễ đâm trâu và trong những dịp này, dàn cồng chiêng lại trổi lên điệu Đh' hương với 6 chiếc chiêng to nhỏ khác nhau gồm 2 loại chiêng bằng và chiêng núm.

- Điệu chiêng Cr'lới

Cũng có những bài nhạc chiêng được vang lên vào những dịp sinh hoạt cộng đồng mang tính xã hội, gia đình như bài chiêng Crơlới. Điệu Crơlới được sử dụng trong buổi kết nghĩa, ăn thề giữa làng này với làng nọ, ở những cuộc họp bàn làm ăn, cưới gã, giải quyết bất hòa. Tiếng chiêng Crơlới vang lên để kéo con người xích lại gần nhau, thông hiểu cùng nhau, tiết tấu vì thế thể hiện khá nhanh, linh hoạt, đầy chất lạc quan, sôi nổi.

- Điệu chiêng Pr' lư

Ngoài ra nhạc chiêng khóc tế trâu cũng khá điển hình trong nhạc chiêng Cơtu, đó là bài chiêng Pr'lư, tiếng chiêng như kể lể về cái chết của con trâu. Pr'lư được tấu lên vào thời điểm con trâu vừa mới chết, còn nằm ngay bên cột hiến tế X'nur. Điệu Pr'lư do người chủ của con trâu đánh lên, nếu trâu của làng thì chủ làng đánh điệu Pr'lư, qua tiếng chiêng để tâm sự với con trâu, như thông điệp báo cho con trâu biết đã hoàn thành sứ mệnh trong cuộc hiến tế này. Vì vậy, tiết tấu Pr'lư nhanh, nhộn nhịp, ngắt âm liên tục, do người sử dụng dùng bàn tay bịt lên mặt chiêng.

- Điệu chiêng Pr' lư Đhập - Ách

Nếu trong lễ đâm trâu có giết thêm heo thì chiêng được đánh lên bằng điệu Đhập - Ách, tiết tấu giống như điệu Pr' lư nhưng linh hoạt hơn, cường độ mạnh hơn thể hiện niềm vui dâng cao của

lễ hội.

- Điệu chiêng Brếch

Ở những sinh hoạt cộng đồng mừng săn được thú lớn, trong cuộc đi săn các chàng trai thiện xạ đã mang về cho làng nhiều thú rừng, thịt được xẻ ra chia đều cho dân làng và sau đó dân làng lại mở hội ăn mừng, ở lễ hội này dàn chiêng lại trổi lên điệu Brếch. Trong làng có nhiều chàng trai biết chơi điệu Brếch và những cuộc đi săn hầu như diễn ra thường xuyên trong thắng lợi. Tiết điệu Brếch giồng điệu Đh' hương nhưng thể hiện tự do hơn, hoang dã hơn.

- Điệu chiêng Ton mút:

Được trổi lên trong nhịp điệu chậm trầm u uất, nhằm báo hiệu trong làng có người vừa mới qua đời, làng sắp có đám tang. Từ xa xưa cuộc sống của người Cơtu, giữa một vùng rừng núi xứ Quảng huyền bí, hiểm trở khắc nghiệt nên tình người trong cộng đồng, tình thâm cốt nhục luôn đầy ắp trong lòng họ. Những lúc phải xa lìa người thân, từ biệt người thương tất phải đau lòng đoạn ruột. Để nói lên nỗi lòng mình, vừa như tâm sự với người thân, vừa để giải tỏa bớt nỗi đau khổ, dằn vặt của mình, tiếng chiêng buồn thảm vang lên trong khung cảnh hoàng hôn, lúc màn đêm buông xuống, tiết tấu chậm buồn, âm điệu ngân nga tràn đầy thương tiếc.

Vốn mến khách, người Cơtu rất mong khách quý của mình khi đến thăm phải ăn uống no say, khi đi về phải vui và no bụng, những lúc này tiếng chiêng, tiếng cồng không thể thiếu vắng được, nhạc chiêng đón khách chào bạn theo điệu Đh' hương và Đhập như là tín hiệu riêng gửi tới các vị khách quý, bạn bè láng giềng của dân làng, của gia đình. Và cuối cùng, người Cơtu cũng như những người anh em khác, luôn mong muốn mọi người, công việc, mọi ý định đều được thắng lợi mỹ mãn. Trước đây, trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên, với kẻ thù để sinh tồn, người Cơtu đã phải đánh đổi bằng máu để làm nên những thắng lợi, trong giờ phút chiến thắng ấy, tiếng chiêng lại hòa vào niềm vui của dân làng. Tiếng chiêng rộn ràng đi kèm với vũ điệu tung tung - da dá, những chàng trai, cô gái sặc sỡ trong trang phục truyền thống đã hòa cùng nhạc điệu cồng chiêng hùng tráng Đhập - Brếch nhảy múa tưng bừng chào mừng ngày hội.

Hỡi làng buôn, hỡi núi rừng hùng vĩ

Hãy trổi lên giai điệu của cồng chiêng

Cùng ngợi ca sự no ấm lành yên

Của mảnh đất thần linh từng che chở.

Tộc người Cơtu xứ Quảng tập trung chủ yếu ở huyện Hiên tỉnh Quảng Nam trước đây, nay là huyện Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam. Có một bộ phận nhỏ sống tại vùng cao Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, qua quá trình khảo sát và thu thập tư liệu từ các thôn Phú Túc - xã Hòa Phú và Tà Lang - Giàn Bí, xã Hòa Bắc để nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm qua các dạng thức diễn tấu như sau:

* Diễn tấu cồng chiêng riêng lẻ

một chiếc:

- Chỉ ở người Cơtu mới có trường hợp cồng chiêng do một người hát kể tự đánh lên những thanh âm trầm lắng, đậm tính tự sự nhằm bày tỏ tâm tư, nỗi lòng của mình với mong muốn được

sẻ chia.

* Diễn tấu cồng chiêng đối đáp và hòa tấu trong dàn chiêng:

Với cách đánh nhịp một và nhịp đôi đan xen nhau, tiết tấu sôi nổi, cả  chiêng và trống Ch'gơr cùng ngân vang khi cùng phách, khi lại nghịch phách, khắc họa tiếng kêu gọi và đối đáp nhau thật sinh động... Những thanh âm này nhằm thông báo rằng làng buôn đang diễn ra lễ hội lớn, trong lễ hội có đâm trâu để hiến tế. Còn ngược lại, nếu trong dàn cồng chiêng không có sự tham gia của cồng lớn đi bè trầm mà chỉ có cồng nhỏ đi bè cao hòa cùng với tiếng chiêng thì lễ hội này có quy mô nhỏ hơn, trong lễ hội chỉ đâm heo để hiến tế.

Trong trường hợp, trong dàn chiêng có đủ chiêng, cồng, trống lớn nhỏ, trong nền nhạc thi thoảng có điểm xuyết điệu chiêng Ton mút theo tiết tấu chậm rãi, u ám rồi nối tiếp là tiếng chiêng luân phiên gọi nhau theo một chu kỳ đều đặn, những âm thanh hòa quyện với tiết tấu mỗi lúc một nhanh dần... thì điệu chiêng đó lại thông báo là trong buôn làng có người qua đời và sắp diễn ra đám tang, mọi người hãy chuẩn bị đến chia buồn cùng gia đình người đã khuất.

Nhìn chung, mỗi loại cồng chiêng đều có một âm điệu đặc trưng, tiêu biểu, khi thì được đánh riêng lẻ, khi thì hòa tấu cùng dàn chiêng, ngoài ra dù chỉ với một dàn chiêng nhưng khi diễn tấu lên trong một biên chế có số lượng chiêng cồng khác nhau, tiết tấu khác nhau và những bài chiêng với giai điệu không tương tự nhau thì điều ấy cũng khắc họa tính chất của từng buổi lễ có nội dung không giống nhau. Nếu nhịp chiêng vui nhộn, náo nức thì đó là lễ hội mừng, còn ngược lại nét nhạc chiêng chậm rãi, u buồn thì đó là nghi lễ tang ma.

* Giá trị vật chất và giá trị tinh thần của cồng chiêng trong đời sống của tộc người Cơtu:

Về mặt vật chất, cũng như ở những tộc người khác, trong cộng đồng người Cơtu, Cồng chiêng chính là của cải, biểu hiện sự giàu có của bản thân, của gia đình, sự phồn vinh của tộc họ và ngay cả của cộng đồng. Cồng chiêng là thứ tài sản quý giá được sánh với vòng vàng, mã não, nhà cửa, đất đai, chum ché...

Bên cạnh giá trị vật chất thì giá trị tinh thần của cồng chiêng cũng luôn được đề cao. Trong dân ca Cơtu có bài hát đối đáp theo điệu Cr'lới được nam nữ hát lên nhằm miêu tả về mối quan hệ giữa cồng và chiêng, nội dung được nhạc sĩ  Thái Nghĩa dịch sang lời Kinh. Cả nam và nữ Cơtu ở vùng cao Hòa Vang trước đây, thường hát giao duyên - đối đáp như sau:

Nam: Nhà trai chúng tôi có nhiều cồng, nhiều chiêng

Có nồi to, nồi nhỏ

Chiêng kêu rất rõ

Cồng kêu rất vang...

Nữ : Tùng tùng tùng

          Trống vang qua mười núi

          Cồng vang qua mười sông

          Buôn làng vang tiếng hát

          Cho hai sừng trâu cong vút

đều nhau

Qua lời hát chúng ta thấy cồng chiêng không chỉ là tài sản quý giá mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Cơtu.

Về mặt hòa âm thì cồng chiêng của người Cơtu được diễn tấu trong phạm vi một trục âm cố định, tuy nhiên phong cách diễn tấu tự do tùy theo cảm hứng đã tạo cho âm vang cồng chiêng Cơtu có thêm những biến tấu thật linh hoạt, phóng khoáng, thiên về phần tiết tấu hơn giai điệu, khắc họa đậm nét không gian của núi rừng đại ngàn hùng vĩ.

Cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Cơtu, nhất là trong các lễ hội, trong mỗi lễ tết, trong từng nghi thức cúng bái đều có sự tham gia của cồng chiêng và song hành với nó là điệu múa tung tung - dá dá truyền thống. Cồng chiêng mang tính thiêng liêng nên chỉ vang ngân trong các dịp lễ hội, đặc biệt có loại tiết tấu chậm rãi, giai điệu trầm buồn đặc trưng của cồng chiêng chỉ ngân vang trong lễ tang thì tuyệt đối không được vang lên ở bất cứ nơi đâu ngoài địa điểm có đám tang, vì lo sợ thần linh quở phạt.

Hiện nay tại thành phố Đà Nẵng, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang đã nỗ lực đưa hoạt động âm nhạc truyền thống của vùng cao Hòa Vang đến với công chúng Đà Nẵng và du khách gần xa. Trong những năm gần đây, các đội múa cồng chiêng Cơtu của thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc vẫn thường xuyên được mời biểu diễn trong các khách sạn, resort tại Đà Nẵng, được khách du lịch hoan nghênh đón nhận. Mỗi chúng ta đều có thể chung tay để giữ gìn loại hình âm nhạc truyền thống của người Cơtu thông qua những việc làm cụ thể. Chúng ta đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cha ông mình để lại. Song, bảo tồn, lưu giữ trong quá trình tiếp biến văn hóa để phát huy tốt các giá trị văn hóa mới là mục đích hướng tới.

 V.T.B

Bài viết khác cùng số

Miền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúNhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu BíchMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết Tư