Người Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết Tư
1. Huyện Hòa Vang nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển về phía Tây thành phố Đà Nẵng. Nơi đây có cộng đồng người Cơtu cư trú ở 3 thôn: thôn Phú Túc ở xã Hòa Phú, thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang ở xã Hòa Bắc, thuộc huyện Hòa Vang. Người Cơtu đại diện cho một trong những tộc người thiểu số, có quá trình sinh tụ lâu đời nhất ở miền Trung. Ngày nay còn bảo lưu đậm nét những dấu ấn văn hóa nguyên thủy, là chủ nhân lâu đời của vùng núi rừng rộng lớn trải dài từ thượng nguồn sông Bắc và sông Nam, dãy núi Trường Sơn hùng vĩ đến Bãi Bọt, nơi hợp lưu sông Nam và sông Bắc thành sông Cu Đê chảy xuống biển ở cửa Nam Ô.
Khi xưa đồng bào Cơtu cư trú phân tán và biệt lập, làng mạc phân bố rải rác thành những điểm tụ cư nhỏ cách xa nhau, qua nhiều con suối, ngọn đồi. Về kinh tế, dân tộc Cơtu cơ bản lấy hoạt động nương rẫy làm nguồn sống, chủ yếu với việc trồng lúa khô mỗi năm hai vụ. Về xã hội, do cư trú phân tán, biệt lập nên trong tổ chức xã hội người Cơtu chỉ biết đến một tổ chức gần gũi, đó là Vel (làng). Hầu hết mọi hoạt động của đồng bào đều quẩn quanh trong phạm vi Vel và chịu sự điều hành, quản lý của bộ máy tự quản. Trong quan hệ xã hội, khác với người dưới đồng bằng, giữa những người Cơtu ở Hòa Vang chưa có sự phân hóa giai cấp sâu sắc mà chỉ mới diễn ra sự phân hóa giàu nghèo thành hai lớp người đủ ăn và người nghèo. Bản thân sự phân biệt giàu nghèo này cũng không như kiểu “môn đăng hộ đối” của cư dân thành thị dưới miền xuôi, mà dễ thay đổi do nguyên nhân quan trọng nhất là từ sự chi phối bởi mối quan hệ về kinh tế và xã hội mang tính tập thể, cộng đồng làng bản cố kết.
Theo các già làng, người Cơtu ở xã Hòa Phú, Hòa Bắc cũng như người Cơtu ở các xã vùng thấp của huyện Hiên như xã Ba, xã Tư đều có cùng gốc gác. Tổ tiên của họ trước đây ở khu vực Nam Ô,
quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, do chiến tranh họ chạy lên các khu rừng ở Quảng Nam để sinh sống.
Theo số liệu của huyện Hòa Vang, đồng bào Cơtu ở đây có 200 hộ với gần 600 nhân khẩu. Người Cơtu ở Đà Nẵng
là người Cơtu vùng thấp. Họ sống tập trung ở 2 xã Hòa Phú và Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, họ sống ẩn tại những khu rừng rậm thuộc huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Từ khi hòa bình, nước nhà thống nhất, họ bắt đầu trở về định cư ở thôn Phú Túc thuộc xã Hòa Phú và thôn Tà Lang, thôn Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Các già làng cho biết, đồng bào Cơtu thường mang họ A lăng, Briu... nhưng bây giờ sống chung với người miền xuôi, nên tên họ cũng thay đổi, trẻ em trong thôn đều mang họ mới, giấy khai sinh ít còn ai mang theo họ của ông bà nữa, để tiện cho con cháu của mình sau này đi học, dễ xin việc làm, quan hệ với người miền xuôi được tự nhiên, không bị phân biệt.
Xã Hòa Phú gồm 10 thôn, trong đó chỉ có thôn Phú Túc đồng bào dân tộc Cơtu định cư. Là một xã miền núi phía Tây của huyện Hòa Vang cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 25km, diện tích tự nhiên của toàn xã 9.005,1ha dân số toàn xã là: 1.156 hộ, 4.567 khẩu, riêng đồng bào Cơtu 102 hộ, 342 khẩu. Phía Đông giáp xã Hòa Phong, phía Tây giáp xã Ba, huyện Đông Giang, phía Nam giáp xã Hòa Khương, phía Bắc giáp xã Hòa Ninh.
Xã Hòa Bắc nằm ở phía Tây - Bắc huyện Hòa Vang, giáp với xã Hòa Liên ở phía Nam, giáp với quận Liên Chiểu ở phía Đông. Hòa Bắc còn tiếp giáp với hai huyện Nam Đông và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam ở phía Tây - Nam. Xã có diện tích khoảng 33.864 ha trong đó diện tích rừng chiếm trên 96%. Toàn xã có 7 thôn bố trí dọc ven sông Cu Đê và có 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, nơi người đồng bào dân tộc người Cơtu đang sinh sống. Dân số xã Hòa Bắc gồm 830 hộ với 3.406 nhân khẩu. Trong đó dân tộc Cơtu là 131 hộ với 552 nhân khẩu, sinh sống ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Xã Hòa Bắc cũng đã xây dựng các mô hình kinh tế mới và vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các thôn Lộc Mỹ và Nam Mỹ, do đất không phù hợp cây lúa nên người dân trồng nhiều loại cây hoa màu có năng suất cao như đậu, ớt... Còn ở một số khu vực đất cao, người dân chuyển qua trồng mía, thu nhập ổn định hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa nhiều lần.
Trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày và tổ chức lễ hội, người Cơtu sử dụng rất nhiều vật dụng, dụng cụ cầm tay, làm ra từ những nghề truyền thống có từ lâu đời, rèn các dụng cụ cầm tay, nghề điêu khắc gỗ, trang trí nhà Gươl, dệt thổ cẩm, đan lát các loại gùi, nia, thúng... Những nghề này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Họ đan lát những nong, nia làm thóc, mâm ăn cơm, đựng đồ cúng. Chiếu, gối để nằm và đặc biệt là rất nhiều loại gùi với mẫu mã và công dụng khác nhau. Các vật dụng thường thấy trong mỗi gia đình Cơtu là gùi, như gùi vận chuyển lúa (zôống), gùi mang trẻ em (p'reng), gùi 3 ngăn của đàn ông (tàlét)...
Các loại gùi này để trên bếp lâu ngày ám khói, đen bóng rất đẹp nên không bị mối, mọt ăn và bền chắc. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống là mây, tre, lồ ô, dứa... lấy trong rừng và qua một số công đoạn sơ chế rất công phu. Người lên rừng khai thác nguyên liệu, việc đan lát ở nhà được giao cho những người có kinh nghiệm nghề. Sau khi nguyên liệu được lấy về, tùy từng loại sản phẩm mà họ có thể đem ngâm ở khe suối hoặc chẻ ra rồi vót thành nan, đặt trên giàn bếp để tránh khỏi bị mọt, tạo cho sản phẩm có độ bền. Kỹ thuật đan lát của người Cơtu rất phức tạp, tùy thuộc vào từng sản phẩm mà chọn, áp dụng nhiều kỹ thuật đan khác nhau. Nghề đan lát truyền thống cũng góp phần tạo nên nét riêng của văn hóa Cơtu. Hiện nay xã Hòa Bắc đang khôi phục một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, dệt chiếu...
Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, nhà nước cần có giải pháp khôi phục, để sản phẩm làm ra trước mắt là phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong đời sống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình đồng bào ở đây và trở thành sản phẩm kinh doanh, vật lưu niệm ưa thích của nhiều du khách. Từ nhỏ mỗi khi lò rèn đỏ lửa, trẻ em trong làng đến xem và đã hình thành lòng yêu nghề để sau này chúng tiếp bước ông cha làm ra các dụng cụ phục vụ cho sản xuất. Hằng năm, cứ trước mùa phát rẫy chuẩn bị gieo hạt khoảng 2 đến 3 tháng, đây là thờì kỳ nông nhàn, đàn ông Cơtu đốt lửa lên rèn cái cuốc, cái liềm, cái rựa chặt cây, phát cỏ... Hiện nay các dụng cụ được sản xuất bằng máy móc ra đời với đầy đủ các tính năng nhưng lại không phù hợp với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, địa hình rừng núi, cách trồng trọt theo kinh nghiệm, nên vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công có chất lượng và độc đáo được làm ra ở đây.
Hiện nay người Cơtu phát triển nhiều mô hình kinh tế tư nhân, trong đó có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng mít xen lẫn trồng gừng trong bao, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao. Mô hình trồng lan Mokara phát triển tốt, đã ra hoa, chờ ngày thu hoạch. Nhiều hộ dân vượt khó vươn lên làm giàu, nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm dần qua từng năm. Khi các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, người dân sẽ rà soát không bỏ đất hoang, chủ động chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và nhận đất trồng rừng theo mô hình mới để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
2. Tại xã Hòa Bắc được hình thành từ những dãy núi với độ cao trung bình 200m so với mặt nước biển và các dòng sông, suối, tạo ra những thác ghềnh tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng, có vị trí địa lý đặc thù và tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, là vùng đệm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã. Đặt biệt là dòng sông Cu Đê uốn lượn quanh chân các dãy núi rất xinh đẹp và thơ mộng đã tạo nên cảnh quan sinh động. Đây là những yếu tố quan trọng để tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch, dựa trên các tài nguyên du lịch tại chỗ.
Khai thác các giá trị tài nguyên văn hóa, phong tục tập quán, các sản phẩm của cộng đồng dân cư với các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, sản phẩm nghề thủ công, ẩm thực truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơtu, để thu hút nội lực và ngoại lực vào hoạt động mở rộng các dịch vụ du lịch để tăng việc làm, tăng nguồn thu cho người dân, tổ chức tốt việc bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên hiện nay, những thuận lợi này vẫn ở dạng tiềm năng, chưa được quan tâm khai thác đúng mức.
Ngày nay, kinh tế trên vùng đất cư trú của đồng bào Cơtu đang từng bước phát triển theo hướng mở, thu hẹp dần nền kinh tế tự cung, tự cấp. Vì vậy, cần phải dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Phù hợp với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các khu du lịch đã và đang hình thành, đang thu hút một một lực lượng lớn người lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn.
Lễ hội văn hóa - thể thao là những nét đặc sắc nhất về văn hóa của đồng bào Cơtu tại huyện Hòa Vang. Trong ba ngày, bà con không lên rẫy, trẻ con ở làng cũng tạm nghỉ học để cùng bố mẹ dự hội làng. Họ vui hội từ sáng tinh mơ và kéo dài đến tận đêm khuya, mang đến lễ hội những nét đặc sắc về văn hóa như biểu diễn cồng chiêng, múa tung tung za zá, hát lý, bắn nỏ, kéo co... Tập tục đâm trâu trong lễ hội truyền thống không còn nữa, thay vào đó là trâu gỗ hay trâu làm bằng hình nộm, vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vừa tiếp biến theo hướng nhân văn, không để người dân và du khách tham dự lễ hội thấy cảnh con người đâm con trâu chết từ từ rất dã man và gây phản cảm.
Cứ đến tháng tư hàng năm, đồng bào Cơtu nơi đây lại tổ chức lễ hội luân phiên giữa ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc. Khi đó các già làng uy tín nhất như già Nhơi lại lấy sáo rahêm, kèn par ngong (A sàng) ra biểu diễn cho con cháu nghe. Các già còn giới thiệu mục đích, ý nghĩa và cách sử dụng từng loại nhạc cụ... Tuy nhiên bây giờ lớp trẻ ít biết sử dụng nhạc cụ của cha ông, thay vào đó là sự biến đổi trong đời sống âm nhạc theo miền xuôi. Tối hôm đó, chúng tôi đốt lửa trại bên cạnh bờ suối tại Vũng Bọt, ngay ngã ba sông Nam, sông Bắc và sông Cu Đê để sinh hoạt cùng đồng bào Cơtu. Người già như các ông Trần Xuân Thành, Trần Văn Khớt, bà Trương Thị Sơi hát lý, nói lý, còn cánh trẻ thì chỉ hát tân nhạc, hát bolero như thanh niên miền xuôi.
Các luật, tập tục cổ xưa của đồng bào Cơtu vẫn được các già làng phổ biến cho con cháu như cấm không cho ai đốt phá rừng đầu nguồn. Nếu ai phá rừng đầu nguồn phải chịu một khoản chi phí cho làng cúng, ít nhất phải có một con heo to, một con dê và gộc rượu. Ngoài ra, nếu phá cây ch'păr (cây dùng để bắt chim), bọng ong mật (ư'măl), phá đoạn sông ngăn để bắt cá (viêr), hộc nước chủ thường nuôi cá (clong)... thì trong gia đình tự đề ra những hình thức phạt như đền bù theo kiểu vật trả vật, phá cái gì trả lại cái đó. Nếu không có thì trả bằng dụng cụ sản xuất hoặc sản vật: Rựa, rìu, gạo nếp... Tuy nhiên bây giờ ít ai làm theo các luật này nữa.
Cuộc sống của đồng bào Cơtu hiện nay đã có nhiều thay đổi, xe máy, ti-vi, điện thoại di động đời mới... và những ngôi nhà xây lợp ngói dần thay thế những ngôi nhà sàn với mái lá truyền thống. Điều đó cho thấy đã có sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống ngày càng thể hiện rõ nét. Chính như gươl - “ngôi nhà chung” của đồng bào cũng không còn nguyên bản. Những già làng lớn tuổi cố gắng bảo tồn được văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào Cơtu vì đó là những gì còn lại của một tộc người với bề dày văn hóa đầy đặn trên nhiều phương diện. Có thể nói, sau này lớp người già mất đi, thì kho tàng văn hóa đồng bào Cơtu nơi đây có nguy cơ thất truyền. Hơn nữa, văn hóa Cơtu truyền thống bám rễ vào núi rừng, nếu bảo tồn tốt sẽ giảm thiểu phần lớn nạn phá rừng và tình làng nghĩa xóm sẽ không phai nhạt. Thực trạng tại thôn Giàn Bí và thôn Tà Lang, thôn Phú Túc cũng đã đánh mất phần lớn bản sắc của người Cơtu. Đồng bào các bản làng này, nay đã bỏ trang phục truyền thống, thay vào đó là những bộ quần áo được mua hay may từ dưới xuôi mang lên với giá rẻ hơn một bộ quần áo truyền thống Cơtu, lại tiện lợi cho sinh hoạt đời sống thường ngày, hòa nhập với số đông khi đi ra ngoài và cái chính là quan điểm thẩm mỹ của thanh niên đã thay đổi!
Để hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng ở Tà Lang và Giàn Bí, xã đã đi khảo sát, thuê người từ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam về truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống và đưa người dân hai thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm, trải nghiệm về việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, thành lập các tổ văn nghệ (múa cồng chiêng), ẩm thực và đan lát. Ngoài việc hướng đến bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn xã, cốt lõi đề án là bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơtu. Bản thân người dân phải nâng cao nhận thức, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, tổ chức nhiều mô hình, chương trình hằng năm để duy trì các hoạt động, trong đó tập trung vào các lễ hội văn hóa Cơtu. Nếu không, nguy cơ bị mai một văn hóa bản địa là điều đáng quan tâm.
Tận dụng thế mạnh của địa phương và sự quan tâm của cộng đồng xã hội sẽ kết hợp việc tổ chức lễ hội và hoạt động của các đơn vị làm du lịch để phát triển du lịch cộng đồng. Hy vọng trong thời gian đến, các thôn Tà Lang, Giàn Bí và thôn Phú Túc sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn. Bởi du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những sản phẩm quan trọng, có sức hấp dẫn mạnh đối với khách du lịch quốc tế và nội địa. Mặc dầu sản phẩm du lịch rất đa dạng và chất lượng, tuy nhiên, đối với các sản phẩm thuộc loại hình du lịch văn hóa cộng đồng thì ít có sản phẩm và chưa có điểm đến nào được tổ chức tương đối hoàn thiện. Trong khi đây là xu hướng du lịch đang phát triển hiện nay, được yêu thích đặc biệt đối với thị trường châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... và nhiều nhóm đối tượng khách trong nước.
Hằng năm, địa phương tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, duy trì lễ hội ăn mừng lúa mới lồng ghép tuyên truyền pháp luật, bảo vệ thiên nhiên, giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Đặc biệt, việc học tập của trẻ em được các gia đình quan tâm nhiều hơn. Các em được học từ nhỏ đến lớp 9, sau đó sẽ xuống trường ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang để học từ lớp 10 đến lớp 12. Con em dân tộc người Cơtu có thể học tiếp tục lên đại học, cao đẳng và trung cấp hay học nghề để vào làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc tìm phương trời khác thuận lợi hơn.
Sự hiện diện của cộng đồng người Cơtu trong lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và cộng đồng người Cơtu tại các thôn Phú Túc, Tà Lang và Giàn Bí huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nói riêng, đã góp phần làm nên diện mạo của một vùng đất đã hình thành nên một vùng dân cư quy mô, đa dạng về văn hóa, giàu tiềm năng phát triển kinh tế của một thành phố trực thuộc Trung ương. Chính vì sự không gián cách về mặt không gian cư trú, điều kiện giao thông lẫn sự khác biệt về trình độ là những điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển của người Cơtu ở huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa có quy luật riêng, có lúc đi ngược với sự phát triển về kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi nhà nước nắm bắt và có sự điều chỉnh thích hợp, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với việc bảo tồn các giá trị truyền thống.
H.V.T