Miền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ Bình
Làng Yến Nê trước đây là một miền quê yên tĩnh, đường làng quanh co rợp bóng tre trúc xanh mướt và những vườn cây ăn trái, có cánh đồng Thạch Bồ, La Bông trải rộng và những bàu nước, dòng sông nhỏ hiền hòa ken dày lục bình đầy tôm cá. Chim chóc ríu rít suốt ngày. Trên những cây tre cao vút, lũ chim dồng dộc làm tổ rất đẹp. Ngôi nhà của chúng được đan lát vừa đẹp vừa chắc chắn, nhìn cái tổ chim lủng lẳng đong đưa trước gió, cứ tưởng nó sẽ chịu không nổi trước những ngọn gió mạnh, cây tre cũng nghiêng ngả huống gì...
Thời kháng chiến chống Mỹ làng tôi thuộc xã Hòa Thái, sau 1975 mới lấy lại tên Hòa Tiến. Sau những biến đổi bể dâu của thời gian và lịch sử khắc nhập, xã Hòa Tiến ngày nay gồm mấy thôn sau: Thôn La Bông, Lệ Sơn 1, thôn Lệ Sơn 2, thôn Nam Sơn, thôn Thạch Bồ, thôn Yến Nê1, thôn Yến Nê 2, thôn Cẩm Nê, An Thạch. Vùng quê được bao bọc bởi con sông Yên - hợp lưu của sông Vu Gia và sông Túy Loan, góp phần làm nên một miền “châu thổ” êm đềm. Miền quê này từng được đưa vào danh mục là những làng nghề truyền thống của Quảng Nam như Dệt chiếu Cẩm Nê, đan rổ, mủng Yến Nê, chặm nón La Bông, nhuộm chàm An Thới.
Người Yến Nê ngày trước phần đông đều lấy Dĩ nông vi bản, lấy nghề nông làm chính, lúc nông nhàn mới làm thêm nghề phụ là đan lát rổ, mủng. Những ai về Yến Nê ngày trước đều thấy tre làng không chỉ quanh co đường quê xanh mướt mà ngay cả trong vườn nhà cũng um tùm tre trúc. Có thể nói, đi đâu cũng gặp tre. Cho nên việc làng Yến Nê chọn nghề thủ công chuyên về đan lát rổ mủng cũng vì làng trồng quá nhiều tre. Cây tre đã phủ lên tâm hồn trẻ thơ của người dân quê niềm yêu thương vô vàn với quê hương làng mạc đi nhớ về thương.
Suốt thời kỳ kháng Pháp, chống Mỹ phần đông người Hòa Tiến đều đứng về chính nghĩa, đều lựa chọn con đường yêu nước, một lòng đi theo Đảng Cộng sản để chiến đấu giải phóng đất nước. Trước đây, xã Hòa Tiến từng được nhà nước tặng 1 Huân chương lao động hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng 3. Năm 2000, Xã Hòa Tiến được Chủ tịch nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Công an xã Hòa Tiến được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Cả xã có gần 1000 liệt sĩ đã cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trước mặt làng Yến Nê là con sông đào nhỏ nối thông ra với sông Cái là sông Yên. Nếu như chiến tranh không xảy ra, giặc không đan tâm cướp phá dày xéo quê hương, khung cảnh làng rất êm đềm thơ mộng. Yến Nê là một ngôi làng cổ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với bề dày truyền thống hơn 450 năm kể từ ngày ngài Thủy tổ Dương Oai Hầu Nguyễn Văn Tráng theo phò Chúa Tiên Nguyễn Hoàng năm 1558 vào trấn nhậm đất Thuận Hóa và phát triển xứ Đàng Trong. Ngài khai canh lập làng Yến Nê đã có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp bình định và phát triển xứ Đàng Trong trong buổi đầu dựng nước. Sau gần 150 năm, năm 1805, vua Gia Long còn truy tặng phong chức Thống chưởng phủ sự, tước Dương Oai Hầu, Chánh vị tiền hiền làng Yến Nê.
Làng Yến Nê được hình thành từ 2 xóm: xóm Làng nay gọi là Yến Nê 2, xóm Rừng (còn gọi là xóm Bứa vì có nhiều cây Bứa, cây Thị) là Yến Nê 1. Chuyện 2 xóm này còn để lại một câu ca trong dân gian: Xóm rừng nuốt bứa nằm ngay cổ cò (chết). Nhưng ngày nay về lại xóm Rừng tìm quanh không còn cây bứa nào cả. Yến Nê còn có những địa danh như: đồng Trên, đồng Dưới, Tư Hương Trạng, Cồn Mô, Ba-ra, Cầu Cháy... Nhìn ra xa là rừng Thạch Bồ, chùa Ăn Mày. Cái tên chùa Ăn Mày không biết có từ đâu, có lẽ đó là nơi mà hằng trăm năm trước người ăn mày ở đâu thường về tập trung nên gọi là chùa Ăn Mày.
Những năm 40, làng quê thật sự đói kém vô cùng, người dân luôn đối mặt thường xuyên với thiếu ăn. Năm 1945, phong trào chống thực dân Pháp nổi lên khắp cả nước, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp vào chiếm nước ta, chúng tiêu hủy lương thực. Nhân dân vốn đã đói khổ quanh năm giờ càng rơi vào tình trạng màn trời chiếu đất. Nạn đói kinh khủng năm 1945 đã làm 2 triệu người ở miền Bắc phải chết.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, người làng Yến Nê tiếp nối truyền thống đấu tranh quyết liệt để giải phóng quê hương đất nước, biết bao những hy sinh mất mát, lớp này ngã xuống thì tiếp nối lớp khác lại đứng lên, suốt gần cả 100 năm dưới bóng tre làng xanh biêng biếc chưa khi nào phong trào cách mạng lại thôi hoạt động. Người Yến Nê trong kháng chiến từng thể hiện sự kiên định trong lập trường tư tưởng, chiến đấu đến cùng vì lý tưởng cách mạng, không ngại hy sinh gian khổ, tù đày. Trong 2 cuộc kháng chiến, Yến Nê đã trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng với biết bao tấm gương hy sinh anh dũng như Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phú Hường mà tên anh đã được đặt cho một ngôi trường tại địa phương. Chỉ là một làng quê nhỏ bé, dân cư thưa thớt mà người làng đã hy sinh biết bao xương máu. Tổng kết qua 2 cuộc kháng chiến, trên Bia Ghi danh Anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng của làng (tại Đình làng Yến Nê) đã ghi: Liệt sĩ 197 người, Liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc: 5 người, Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 25 Mẹ... Đình làng Yến Nê được tặng Di tích lịch sử cấp thành phố, nơi có đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được người làng giữ gìn trân trọng xem như là nỗi tự hào của người làng.
Làng có 11 tộc họ gồm: Tộc Nguyễn Văn, tộc Nguyễn Phú, tộc Trần Đình, tộc Võ, tộc Nguyễn Viết, tộc Bùi, tộc Lê, tộc Huỳnh Văn, tộc Huỳnh Công, tộc Cao, tộc Trương. Mỗi tộc đều có nhà thờ họ, lễ lạt thờ cúng được tổ chức rất nghiêm túc, trân trọng, thấm đẫm tình nghĩa họ hàng.
Sau năm 1975, người Yến Nê ở xa hay đang sinh sống tại làng đều có chung một tâm nguyện quyết tâm ra sức xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, đồng thời giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Phong trào hiếu học của Yến Nê đặc biệt được chú trọng, khuyến khích, những kết quả thu được rất khả quan, đáng được cổ vũ. Chi hội Khuyến học của tộc Trần Đình làng Yến Nê đã trở thành đơn vị lá cờ đầu toàn thành phố về phong trào Khuyến học -Khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học và đã được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen, đạt danh hiệu “Dòng họ hiếu học xuất sắc toàn quốc năm 2013”.
Đường làng ngõ xóm quy hoạch khu dân cư và sản xuất của Yến Nê được bố trí rất hợp lý, bộ mặt nông thôn đã thay đổi theo hướng văn minh; giao thông, trường học, môi trường, vệ sinh y tế, an ninh quốc phòng... những tiêu chí xét duyệt của Nông thôn mới, Yến Nê cũng như xã Hòa Tiến đã đạt được rất sớm. Xã Hòa Tiến là đơn vị đầu tiên của thành phố Đà Nẵng được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới.
Người Yến Nê tự hào trong quá khứ, qua 2 cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đã hy sinh máu xương cho cách mạng. Ngày nay, những thế hệ tiếp nối đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Có thể kể đến thế hệ những con cháu với những gương mặt đáng tự hào của người làng: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng bộ Công an - gia đình có 5 Liệt sĩ; đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công An TP. Đà Nẵng, đại tá Trần Đình Liên (con liệt sĩ), Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, Nguyễn Phú Ban (con liệt sĩ), Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng, Nguyễn Văn Phụng (con liệt sĩ) Giám đốc Sở Tài chính hiện nay, Nguyễn Văn Đáng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (đã mất), Trần Nhật Bằng, nguyên Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn và rất nhiều người con ưu tú đã nghỉ hưu, từ trần.
Trong tâm thức của người làng,Yến Nê là quê hương đi nhớ về thương với những tự hào bên con sông Yên hiền hòa dù cho thời gian có thương hải tang điền vẫn một dòng chảy không hề thay đổi như tấm lòng của người dân quê dù trải qua trong khổ cực gian nan, mưa nắng đồng bãi vẫn một lòng hướng về Tổ quốc. Người Yến Nê thẳng thắn bộc trực và kiên định đến cùng với những gì mình cho là đúng, là chân lý. Giá trị lớn lao nhất của Yến Nê chính là tiếp truyền dòng máu cách mạng không chỉ trong chiến đấu với kẻ thù mà còn trong xây dựng đất nước.
H.S.B