Hòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh Nam

04.09.2019

Hòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh Nam

(Tạp chí Non Nước phỏng vấn đồng chí Trần Văn Trường, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)

* Phóng viên: Kính thưa đồng chí Trần Văn Trường, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, chúng tôi nhận thấy chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tại huyện Hòa Vang đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn trước. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020. Đồng chí cho độc giả tạp chí Non Nước biết đôi nét về xây dựng nông thôn mới trong những năm qua.

* Đồng chí Trần Văn Trường: Bước sang năm 2017 huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai thực hiện

Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020. Đặc biệt thông qua chương trình xây dựng thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu nông thôn mới, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã khuyến khích thúc đẩy phong trào thi đua trên địa bàn toàn huyện. Đến cuối năm 2017 toàn huyện đã có 9 thôn được công nhận là thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được tổ chức thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm như đường giao thông, đường hoa, hệ thống điện chiếu sáng đường kiệt xóm... góp phần đáng kể trong việc xây dựng hạ tầng, cảnh quan nông thôn “sáng, xanh , sạch, đẹp”.

Các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, có nhiều mô hình cách làm hay nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Chuẩn mực đạo đức, nếp sống văn hóa văn minh cũng từng bước hình thành góp phần xây dựng gia đình, tộc họ, cộng đồng cố kết nghĩa tình, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Công tác an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật, nhất là chăm lo các gia đình chính sách luôn được chú trọng, xóa nhà tạm cho hộ nghèo được quan tâm thực hiện tốt, đặc biệt là thực hiện giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện với phương châm giảm nghèo theo phương án đa chiều. Tổ chức gặp mặt đối thoại trực tiếp đối với từng hộ nghèo xác định rõ nhu cầu, yêu cầu của từng hộ đưa ra phương án hỗ trợ giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Vì vậy chỉ tiêu giảm hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố luôn đạt và vượt hằng năm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 97,1 %.

Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, gắn với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Đảng bộ huyện Hòa Vang đã tập trung lãnh đạo ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Hình thành và phát triển được nhiều vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả, tạo cơ hội cho nông dân Hòa Vang tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của từng xã, từng vùng và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Giá trị sản xuất của huyện bình quân hằng năm tăng 5,5%, duy trì sản xuất 5 vùng rau chuyên canh với 42,7 ha, nuôi trồng thủy sản với diện tích 175 ha. Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết của Đảng bộ huyện đưa ra phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hình thành 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đến nay huyện đã và đang hình thành 7 mô hình ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, hình thành nên nhãn hiệu rau, củ quả Hòa Vang. Đây là bước đột phá quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang những năm gần đây. Công tác thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực, đến nay đã có 5 doanh nghiệp đã và đang trực tiếp đầu tư với nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng.

Có thể khẳng định hiệu quả từ chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần đem lại đời sống tốt đẹp cho cộng đồng dân cư, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân của người dân từ 27 triệu năm 2015 đến nay đã đạt 48 triệu. Diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể, tạo tiền đề cho huyện Hòa Vang tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

* Phóng viên: Chúng tôi được biết đến nay huyện Hòa Vang có 02 xã được công nhận đạt chuẩn là xã Hòa Châu và Hòa Tiến. Năm 2019 này huyện tiếp tục lập thủ tục trình công nhận 07 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đó là các xã Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Bắc. Đến cuối năm 2019, tiếp tục đề nghị công nhận cho 02 xã còn lại là Hòa Liên và Hòa Sơn. Như vậy đến cuối năm 2019 huyện Hòa Vang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt được kết quả nêu trên, huyện đã triển khai thực hiện khá đồng bộ các tiêu chí trên địa bàn huyện, đồng chí vui lòng cho biết chi tiết một số kết quả huyện đã đạt được đến thời điểm hiện nay.

* Đồng chí Trần Văn Trường:

Chúng tôi đã triển khai khá đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 11/11 xã của huyện. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng Nông thôn mới theo quy hoạch phân khu của thành phố. Lập quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh công nghệ cao nhằm kêu gọi đầu tư. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành nông nghiệp. Ban hành và triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị” và đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất rau, hoa, lúa hữu cơ, nấm, chăn nuôi... đã hỗ trợ hơn 100 mô hình sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Về giao thông, nâng cấp 04 tuyến đường giao thông nông thôn; Hỗ trợ 100% vật tư để đầu tư nâng cấp 55,2 km đường giao thông kiệt hẻm, 9,2 km đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Về thủy lợi, bê tông hóa 29 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 23,9 km; Sửa chữa, nâng cấp 09 công trình hồ đập, đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai.

Từ năm 2015 hệ thống điện trên địa bàn huyện đảm bảo đạt chuẩn phục vụ sản xuất và dân sinh, 100% số hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Trong 03 năm huyện đầu tư 152 tuyến đường điện chiếu sáng với tổng chiều dài hơn 100 km, phục vụ dân sinh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Về Văn hóa, toàn huyện có 119/119 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn nông thôn mới; có 11/11 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn nông thôn mới, có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Bên cạnh đó, huyện đầu tư một số công trình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Cơtu trên địa bàn.

Về giáo dục, 3 năm qua huyện đã tiếp tục đầu tư hoàn thiện 27 công trình trường học các cấp, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi. Toàn huyện có 11/11 xã đạt phổ cập giáo dục bậc trung học; Duy trì và nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục đúng độ tuổi cấp THCS trên 96%, tiểu học 98%. Giữ vững tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm trên 98%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 các trường Trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề đạt trên 93%.

Chúng tôi đồng tâm, hiệp lực xây dựng các chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao nhất. Đến nay cơ bản đời sống nhân dân, chất lượng sống của từng người dân đã được nâng cao hơn trước.

* Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đáng mừng nêu trên, đồng chí cho biết thêm việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian tới có những khó khăn, hạn chế gì?

* Đồng chí Trần Văn Trường: Theo tôi, khó khăn trước hết là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư và phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Cụ thể là về cơ chế chính sách đất đai khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chậm được thực hiện. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm và chưa được giải quyết có hiệu quả. Một dự án của thành phố trên địa bàn chậm tiến độ, ảnh hưởng môi trường và đời sống nhân dân. Phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện Hòa Vang thời gian qua chưa thật sự khởi sắc, nhiều dự án chậm phê duyệt triển khai dẫn đến mất cơ hội trong việc thu hút đầu tư.

Đó là một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm những giải pháp khả thi để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

* Phóng viên: Để Hòa Vang hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới 2016 - 2020 và Đề án xây dựng nông thôn mới Hòa Vang giai đoạn 2017 - 2020 đồng chí cho biết thời gian tới huyện quan tâm đến những nhiệm vụ quan trọng nào?

* Đồng chí Trần Văn Trường:

Trong thời gian đến trong phương hướng nhiệm vụ Đảng bộ huyện đề ra cho những năm cuối nhiệm kỳ là tiếp tục tập trung thực hiện tốt 2 nhiệm vụ:

Thứ nhất: Tập trung huy động nguồn lực đầu tư để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện đề án nông thôn mới giai đoạn 2017 -2020, bộ tiêu chí thôn kiểu mẫu nông thôn mới, bộ tiêu chí xã nâng chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% xã đủ điều kiện được công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới và 30% số thôn được công nhận thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Trong đó, chú trọng phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của  địa phương; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn.

Thứ hai: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội,  phát triển nông nghiệp toàn diện: thực hiện có hiệu quả đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị. Trong đó, chú trọng tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như hoa, nấm, dưa hấu, lúa giống, rau... Thực hiện chuyển đổi cây trồng ở một số vùng sản xuất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây trồng khác, tiếp tục thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống người dân.

* Phóng viên: Cám ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Non Nước. Chúng tôi chúc huyện Hòa Vang đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong các chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần đem lại an vui, hạnh phúc cho mỗi người dân.

M.N

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích