Miền quê xanh - Nguyễn Thị Phú

04.09.2019

Miền quê xanh - Nguyễn Thị Phú

Buổi sáng đầu thu, vợ chồng tôi tìm về Túy Loan, thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang thăm quê chồng của Hoàng. Hoàng là bạn tôi,  từ thành phố Đà Nẵng về đây dạy học và cũng đã thành nàng dâu của vùng đất hiền hòa này. Tính ra cũng đã gần hai năm tôi mới có dịp trở lại nơi đây.

Tìm về miền ký ức ước chừng không dễ vì ngần ấy thời gian, cuộc sống và cảnh vật đã nhiều đổi thay, nhất là khoảng chục năm trở lại đây, khi mà huyện Hòa Vang tích cực chuyển mình từ phong trào xây dựng Nông thôn mới. Từ một vùng quê cách mạng, nổi tiếng trung dũng, kiên cường đi đầu chống ngoại xâm trước đây, nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục phát huy truyền thống, đi đầu xây dựng quê hương giàu mạnh, thì chắc chắn, cuộc sống nơi đây không còn là một khoảng cách quá xa so với thị thành. Theo hướng dẫn của cô bạn, từ đoạn đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chúng tôi chạy xe theo hướng quốc lộ 14B cũ, đến cầu Giăng mà không khỏi bồi hồi xúc động chạnh lòng thương bạn ngày xưa hôm nào cũng phải gồng mình trên những đoạn đường mưa lầy, nắng bụi đến trường dạy học. Hoàng đã gắn cả tuổi thanh xuân của mình nơi miền quê này vì một tình yêu sâu đậm mà khởi đầu là tình yêu với một chàng trai tên là Đặng Vân. Sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Phong này nên anh Vân gần như biết rõ ngọn nguồn từng con đường làng, dòng sông, đình chùa cổ kính... Hồi mới quen nhau, có lần, Vân dẫn Hoàng đi dọc theo bờ sông Túy Loan ngắm bóng chiều rơi. Cô gái Đà Nẵng vừa mở lòng theo những màu mây vương trong nắng nhẹ, vừa lắng nghe tiếng sóng khẽ khàng trên con nước trong veo. Vân bảo với Hoàng rằng dòng sông này dài khoảng 30 km bắt nguồn từ vùng núi Bà Nà ở phía Tây Hòa Vang. Sông chảy theo hướng Tây - Đông, đến xã Hòa Tiến thì hợp lưu với sông Yên tạo thành sông Cẩm Lệ chảy qua Cầu Đỏ, rồi từ đó chảy về hòa nhập với sông Hàn. Dòng chảy của con sông khiến Hoàng thấy đường về nhà không xa xôi lắm. Cô có thể yên tâm làm cô giáo trường làng và hy vọng về một ngày mai những con đường mở rộng và đường nối đường kéo gần khoảng cách Đà Nẵng - Túy Loan. Giờ thì thấy rõ suy nghĩ của Hoàng rất đúng. Người ta bảo tình yêu thường làm cho con người mù quáng, thế mà vì tình yêu, bạn tôi lại sáng suốt lạ kỳ!

Cầu Giăng đây rồi!Bảo chồng dừng xe, tôi lấy điện thoại gọi Hoàng. Chưa đầy năm phút, đã thấy vợ chồng Hoàng đưa tay vẫy vẫy từ bên kia cầu Giăng. Vẫn những bước chân thong thả pha chút điệu đàng y như thời còn đôi mươi, Hoàng vừa tiến về phía tôi, vừa nở nụ cười tươi:

- Người ta biểu qua cầu Giăng mà sao đứng đây?

Tôi đi vội lên cầu đón bạn, cười

tinh nghịch:

- Chứ chỗ này không phải cầu

Giăng sao?

Hai đứa ôm nhau, hồn nhiên như thời con gái, bỏ mặc hai ông chồng gặp gỡ chuyện trò với nhau.Tôi nhìn quanh, tìm những nét thân quen:

- Tau nhớ hình như ngày xưa chiếc cầu này bằng gỗ và hẹp lắm, mỗi lần có ô tô chạy qua là nghe chiếc cầu rung rung phát sợ. Đúng không mi?

- Ê, hồi đó bọn mình đứng đây xem đua thuyền nè. Mi nhớ không?

- Nhớ bữa đó, ông Vân cho bọn mình cả xách bánh tráng đem về. Ngon ơi là ngon, mà ăn bắt mệt, cả tuần mới hết. Hì hì. Hồi đó là tau “ăn theo” mi thôi. Ổng “ga-lăng” với mi nên tau được nhờ.

Cứ như thế, chúng tôi vừa ôn kỷ niệm, vừa đi về phía ngôi nhà có giàn hoa vàng trước ngõ. Hoàng bảo ông nội thích hoa vàng nên tự tay trồng và chăm sóc từ mấy chục năm nay. Từ khi về làm dâu, Hoàng đã thấy có hoa vàng rồi. Nó làm cho ngôi nhà nổi bật và trở thành tâm điểm cho người ta hướng dẫn đường đi... Sau khi vào nhà chào hỏi thăm nhau và “khai lý lịch” cho ba mẹ anh Vân biết, chúng tôi “được” phép đi chơi. Anh Vân dẫn chúng tôi đi qua cầu Túy Loan, rẽ phải rồi ghé vào quán cà phê đối diện dòng sông. Cảnh quang đẹp, thoáng và đậm nét cổ kính do sự lựa chọn lối kiến trúc cổ của chủ quán. Bờ tường được xây bằng đá ong, bên trong trưng bày nhiều chiếc cối xay bằng đá, xưa cũ; dưới chân tường rêu phong là mấy chiếc lu sành. Lối đi thẳng tắp, thỉnh thoảng, có chỗ để đá gồ ghề tự nhiên, thậm chí vài chỗ lở lói như thể cố tình gợi nhớ về chốn nào đó cho những ai vốn đa cảm hoặc trêu tức người khó tính bất chợt bị gập ghềnh bước chân. Hoàng bảo huyện Hòa Vang này đổi thay nhanh chóng vì người dân ý thức xây dựng Nông thôn mới là “cơ hội vàng” để cuộc sống của gia đình và làng xóm tốt đẹp hơn...

Tôi nhìn ra dòng sông. Đôi bờ vẫn tre xanh ngắt hiền hòa soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Biết đâu nét quê duyên dáng dịu dàng này cũng đã góp phần khiến cho Hoàng yêu thương, gắn bó với nơi này. Tôi hỏi thăm về chuyện dạy học, trường lớp. Hoàng bảo cô đang làm đơn xin chuyển về dạy ở trường Tiểu học Lâm Quang Thự cho gần nhà. Đó là ngôi trường khang trang nằm ngay trên quốc lộ 14B cũ, cách cầu Giăng khoảng ba, bốn trăm mét. Trường cũng đã được công nhận là “Trường học xanh”, phong trào dạy học ở đây cũng được Phòng Giáo dục - Đào tạo đánh giá cao. Nghe nói đến Phòng Giáo dục, tôi chợt nhớ đến Quỳnh Trang, cô bạn của tôi đang làm Trưởng phòng ở đó. Tôi rủ Hoàng lên đó thăm Trang. Hoàng tìm cách từ chối. Tôi biết, tâm lý, giáo viên thường không thích gặp lãnh đạo nên tốt nhất là chiều lòng cô bạn của mình thôi. Nhưng Đặng Vân nghĩ khác, anh Bảo:

- Từ đây lên Phòng Giáo dục cũng gần, năm phút là tới. Hai bạn cứ ghé vào đó thăm cô Trang đi, bọn mình về nhà chuẩn bị bữa trưa cho “khách quí”. Cố gắng khoảng mười một rưỡi quay về ăn trưa. Hoàng đã chuẩn bị các đặc sản quê kiểng để chiêu đãi hai bạn đó.

Thái độ và lời lẽ chân tình của Đặng Vân khiến tôi vô cùng cảm động. Tạm chia tay vợ chồng anh, chúng tôi đi thăm Trang ở Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện.

Phòng Giáo dục - Đào tạo nằm trong khu Trung tâm hành chính. Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang nằm ngay trên quốc lộ 14B - hướng về đường Hồ Chí Minh - Hành lang kinh tế Đông Tây, là vùng đất trung tâm của 11 xã Hòa Vang hiện nay, với diện tích gần 180.000m2 và tổng kinh phí xây dựng hơn 119 tỷ đồng. Trung tâm đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2008, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp đến đây. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên lẫn thích thú trước lối kiến trúc đẹp, có những tòa ngang dãy dọc giữa thế núi hình sông đẹp đẽ của vùng đất Dương Lâm - Túy Loan (thuộc xã Hòa Phong) này. Mỗi cơ quan ban ngành của huyện đều có một cơ ngơi riêng và tất cả nối liền bằng hệ thống giao thông bàn cờ dễ kiếm tìm và mát rượi bóng cây xanh.

Chúng tôi tìm đến cơ quan Phòng Giáo dục - Đào tạo.Tiếc thay, cô Quỳnh Trang - Trưởng phòng, đi vắng. Cô được Ủy ban Nhân dân huyện triệu tập làm công tác thi tuyển công chức. Để đảm bảo an toàn và bí mật cho kỳ thi nên phải tập trung tại Hội đồng thi ba ngày và cắt đứt mọi thông tin liên lạc, giao cả điện thoại cho tổ Công an cất giữ. Biết tôi là bạn của cô Trang, lại là người công tác trong ngành giáo dục, anh Hữu Dũng - Phó Trưởng phòng, ân cần tiếp chuyện. Nâng chén trà thơm, chúng tôi trò chuyện với nhau về những buồn vui trong ngành giáo dục, “khoe” với nhau về những thành tích của Phòng Giáo dục mình. Anh Dũng chia sẻ: chất lượng dạy học ở huyện có những thành công mà mình rất đổi tự hào. Đó là chất lượng giáo dục ở các bậc học đều ngày một nâng cao. Riêng bậc tiểu học,100% trường đạt Chuẩn quốc gia, 100% trường dạy học hai buổi/ngày, 100% trường đạt Trường học xanh. Căn cứ đặc thù của địa bàn dân cư, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc” được thành phố phê duyệt và đã bắt đầu triển khai từ năm học 2017 - 2018...

Tôi cũng cảm thấy tự hào theo anh về những điều mà thầy cô giáo huyện Hòa Vang làm được. Đáng nể là phong trào xây dựng “Trường học xanh” và thú vị nhất là các chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc cấp tiểu học trường Hòa Bắc và Hòa Phú. Năm 2017, UBND huyện Hòa Vang tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện xây dựng “Trường học xanh” đối với các trường Tiểu học trên địa bàn huyện thì số trường đạt được chỉ mới có 7/19 trường. Thế mà chỉ hơn một năm sau thôi, 100% trường tiểu học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn “Trường học xanh” (trong khi kế hoạch là đến năm 2020). Rõ ràng là việc xây dựng cảnh quang trường lớp an toàn, bố trí khoa học, trồng cây, hoa phù hợp... hỗ trợ cho các hoạt động dạy học và ngoại khóa cũng như việc giữ gìn môi trường sống đã được nâng cao từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn huyện.

Còn về chuyện giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, anh Dũng nói rằng:

- Ngày hội giao lưu được tổ chức với mục đích giúp học sinh dân tộc phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt và thêm yêu thích học môn Tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt trong nhà trường. Đồng thời, thông qua các buổi giao lưu, Ngành cũng đánh giá kỹ năng dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc của đội ngũ giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn sát hợp.

Anh Dũng cũng cho biết thêm là hiện nay ngành rất quan tâm đến giáo viên người dân tộc và tình hình “ngoại ngữ” tiếng Cơtu cho giáo viên. Anh bảo có nhiều em học sinh dân tộc rất ba lém. Chúng hè nhau nói tiếng Cơtu trêu cô giáo rồi cười rúc rích với nhau. Cô giáo phải năn nỉ hết lời chúng mới chịu dịch ra tiếng Việt cho nghe. Nghe xong, quay lại, chẳng còn đứa nào đứng đó. “Thiệt là... tức chết!”.

Chúng tôi cùng bật cười. Tôi tiếp lời:

- Cho nên phải lo học “ngoại ngữ” Cơtu thôi. Đúng không anh Dũng?

Anh mỉm cười đồng thuận.Tôi nhờ anh chuyển lời thăm cô Trang và cảm ơn anh về buổi gặp gỡ tình cờ này. Hẹn nhau năm học mới, có thể sẽ gặp nhau trong Hội nghị của toàn ngành.

Rời Trung tâm Hành chính, chúng tôi quay lại nhà Hoàng. Đường về ban trưa nhưng không mấy nắng, có lẽ vì đất trời đã chuyển tiết sang thu, các nẻo đường xanh ngắt bóng cây. Đó đây, những cánh đồng lúa vụ hè thu đã thoảng mùi hương lúa ở độ quá tuổi đòng đòng, hứa hẹn một mùa vui cho nông dân trong tháng tới.

Từ chuyến đi thú vị này, mảnh đất nơi đây chợt gần gũi với tôi hơn. Dòng sông đẹp, những mái ngói xưa, những ngôi trường xanh mát, nhũng nụ cười hồn hậu... đã trở thành ký ức đẹp. Sẽ có một ngày không xa, tôi trở lại, để hiểu hơn về cuộc sống nơi này - một cuộc sống luôn đổi thay và không ngừng phát triển nhưng cũng biết trân quí giữ gìn những giá trị truyền thống bao đời để có một Hòa Vang xanh đẹp như hôm nay.

N.T.P

Bài viết khác cùng số

Nhặt trăng - Vũ Ngọc GiaoMiền quê xanh - Nguyễn Thị PhúMiền quê bên dòng sông Yên - Hồ Sĩ BìnhNét văn hóa Cơtu và điểm đến du lịch - Đoàn Hạo LươngDu lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân HùngĐồi trăng - Vũ Ngọc GiaoNhững mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh ĐàoVai trò của Hòa Vang trong phát triển Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngHòa Vang xây dựng nông thôn mới - Minh NamVề Hòa Vang - Hồ XoaBùn đất chân nâu - Nguyễn Hoàng SaMỳ Quảng Túy Loan - Lê Anh DũngQuê xưa nguồn cội Túy Loan - Đinh Thị Như ThúyBên sông Túy Loan - Thanh PhúNước mắt chảy ngược - Thụy SơnVề đi anh - Thụy DuThương lắm Hòa Vang - Vạn LộcPhố mới - Mai Hữu PhướcHô bài chòi trên sông Yên - Lê Anh DũngĐồng Xanh - Đồng Nghệ - Đinh Thị Như ThúyVề hai câu chữ Việt và chữ Hán tại mộ phần cụ Phạm Phú Thứ - Phan Nam SinhNgười Cơtu ở Đà Nẵng - Huỳnh Viết TưThế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và công tác hội - Đinh Thị TrangMỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam KhaMột số biến đổi văn hóa Cơtu ở huyện Hòa Vang - Võ Văn HòeTrách nhiệm thế hệ - Lê HuânPhát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ - vấn đề tiếp nối thế hệ - Bùi Văn TiếngThần thoại của dân tộc Cơtu ở miền núi Đà Nẵng - Đinh Thị HựuNhạc cụ truyền thống của người Cơtu xứ Quảng - Văn Thu Bích