Những mùa quả ngọt trên đất Hòa Vang - Nguyễn Thị Anh Đào
Tôi thực sự cảm nhận được cuộc sống mới đã và đang đổi thay rất nhiều trên mảnh đất Hòa Vang giàu truyền thống cách mạng. Nhiều mảng xanh đã được phủ dày trên những vùng quê một thời đạn bom khốc liệt. Sự thay đổi đó, có cả một quá trình cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự tiếp sức của rất nhiều nguồn lực từ trung ương đến địa phương “rót” về giúp Hòa Vang hoàn thiện chương trình Xây dựng nông thôn mới. Nông dân Hòa Vang bây giờ, đã từng bước chạm ngõ được các kỹ thuật làm nông nghiệp hiện đại thời công nghệ 4.0, để xây dựng, làm giàu trên chính mảnh đất cằn ngày xưa, thổi vào đó một luồng sinh khí mới.
Những mùa bưởi ngọt
Nằm dưới khu du lịch Bà Nà Hill nổi tiếng, mảnh đất khô cằn Hòa Ninh hôm nay đã khoác lên màu áo mới với nhiều mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, trong đó, những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng cây trồng chuyên canh... đã thực sự mang lại sức sống xanh trên mảnh đất này. Trong thành quả đó, bưởi da xanh Hòa Ninh trở thành thương hiệu nông sản đặc trưng, là một trong 41 sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng. Theo chân những cán bộ nông thôn mới của xã Hòa Ninh, chúng tôi tìm đến vườn bưởi đặc sản của hộ gia đình ông Đặng Văn Nhân, 66 tuổi (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) và không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm trọn vườn bưởi chi chít quả đang vào mùa thu hoạch. Người dân, du khách khi biết được thương hiệu bưởi da xanh Hòa Ninh, họ đã tìm đến vườn nhà ông Nhân để được tham quan, mua và thưởng thức bưởi. Hơn mười năm trước, không ai có thể nghĩ và tin đất và thổ nhưỡng nơi này lại phù hợp để trồng các loại cây ăn quả lâu năm, hoa, rau sạch hay các loại rau củ quả khác. Bởi, người dân sống dưới chân núi Bà Nà phần lớn theo nghề trồng cây keo lai và các diện tích đất rừng ở đây cũng chỉ có loài cây keo lai phát triển. Sự thay đổi của quê hương Hòa Ninh hôm nay, có sự góp sức không nhỏ của chính quyền địa phương khi tìm được phương án phát triển kinh tế cho người dân, gắn kết chặt chẽ với chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Theo lời “Vua bưởi” Đặng Văn Nhân kể, trước đây, mảnh đất vườn gia đình ông quanh năm chỉ trồng ít rau củ theo mùa nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng khi đánh liều cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, ông đã có một quyết định đúng đắn. 2005, ông Nhân đặt quyết tâm chinh phục vùng đất khát của gia đình bằng việc trồng bưởi - cây bưởi gốc đầu tiên như một cơ duyên đến với ông bởi ông tìm thấy trong khu vườn tuổi thơ của mình. Ông đã đầu tư công sức, học hỏi kỹ thuật để tách chiết giống bưởi và cải tạo toàn bộ diện tích hơn 5000m2 để trồng 100 gốc bưởi. Thấy được hiệu quả kép của việc trồng bưởi, ông đã bàn bạc với ba anh em ruột trong gia đình dành toàn bộ diện tích vườn nhà trồng bưởi.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn, dưới những gốc bưởi tỏa bóng mát rượi và chi chít quả, ông Nhân một lần nữa khẳng định về hiệu quả kinh tế mà vườn bưởi rộng 2,5 ha với gần 400 gốc của mấy anh em trong gia đình ông mang lại. Cũng nhờ thu nhập từ bưởi mà gia đình ông dần ổn định cuộc sống, mua được cả xe ô tô bảy chỗ, điều mà trước đây ông chưa bao giờ dám nghĩ tới. Với ông, cơ duyên đến với bưởi không chỉ để làm kinh tế, mục đích xa hơn của ông là khi khu vực trồng bưởi mở rộng dưới chân núi Bà Nà trở thành vùng chuyên canh bưởi, ông cùng với người dân nơi đây sẽ xây dựng bưởi da xanh Hòa Ninh thành thương hiệu bưởi đặc biệt cho Đà Nẵng. “Mấy năm trở lại đây ít bão, lũ, vườn bưởi phát triển ổn định và có sức chống chịu cao so với thời tiết khí hậu khắc nghiệt của khu vực miền Trung. Từ sức chống chịu đó, có thể khẳng định, vùng đất cằn khô khát này rất hợp với bưởi, người nông dân mất một thời gian đầu để chăm sóc vườn bưởi, nhưng khi bưởi ra hoa và cho quả mùa đầu tiên, người nông dân có thể bắt đầu yên tâm. Đến hôm nay, nhìn mảnh vườn khô cằn ngày trước giờ đã phủ xanh sắc bưởi, rất mừng.Thực sự, hiệu quả kinh tế từ vườn bưởi mang lại khá cao và ổn định”, ông Nhân cho hay.
Mùa quả ngọt đầu tiên mang lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với gia đình ông Nhân và của cả huyện. Bởi, ít ai có thể tưởng tượng được rằng, sau hơn mười năm chăm bón, chính những cây bưởi vườn nhà ông đã giúp nhiều hộ gia đình trong thôn, xã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng, chăm sóc bưởi. Giấc mơ đổi đời của người nông dân là có thật và vị ngọt của bưởi da xanh Hòa Ninh trên mảnh đất khát là minh chứng cụ thể, rõ ràng nhất. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, anh chị em trong dòng họ nhờ bưởi, ông Nhân còn tự mày mò kỹ thuật để tách chiết ươm giống bưởi cung ứng cho bà con nâng dân trong xã. Hiện nhiều hộ kinh doanh, thương lái buôn bán hàng trái cây ở các chợ Đà Nẵng đã đến tận vườn ông Nhân cũng như nhiều hộ gia đình trong xã để thu, mua bưởi với mức giá từ 18 - 20 ngàn đồng/kg. Riêng trong vườn bưởi gia đình, ông Nhân dành hẳn một khoảng không gian để tiếp đón người dân, du khách khi họ đến thăm và mua bưởi tại vườn. Vài năm trở lại đây, hàng ngàn tấn bưởi da xanh Hòa Ninh đã đến được tay người tiêu dùng. Bưởi sạch, ngọt và đặc biệt đây là loại bưởi da xanh mỏng vỏ, ruột đỏ rất mọng nước, ăn có vị ngọt tan đầu lưỡi và vị thanh mát độc đáo không thể lẫn với các loại bưởi khác trên thị trường.
Thực tế, thành công từ mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình ông Đặng Văn Nhân đã và đang trở thành mục tiêu hướng tới của các hộ nông dân trong khu vực này. Với hiệu quả thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm từ bưởi, bước đầu khẳng định đây là loại cây phù hợp với vùng đất này. Thấm vị bưởi ngọt thanh mát đặc trưng, rồi cả vùng đất cằn này sẽ hồi sinh với màu xanh của bưởi khi dự án mở rộng mô hình bưởi da xanh Hòa Ninh được triển khai. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Thị Chinh cho biết: Từ sự thành công của mô hình điểm gia đình ông Nhân đã trồng, năm 2017, cùng với chương trình xây dựng Nông thôn mới, hơn 100 hộ dân xã Hòa Ninh đã chọn cải tạo vườn tạp để trồng bưởi. Hiện nay, huyện Hòa Vang đang tiếp nhận Dự án của Bộ Khoa học - Công nghệ về nhân rộng diện tích trồng bưởi trên địa bàn xã Hòa Ninh lên 10 ha theo chương trình hỗ trợ phát triển nông thôn miền núi với tổng kinh phí bảy tỷ đồng. Các hộ đăng ký trồng bưởi được tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng cơ bản, hướng dẫn biện pháp, quy trình chăm sóc. Tương lai gần, vùng đất cằn dưới chân núi Bà Nà này sẽ là vùng chuyên canh bưởi phát triển bền vững, hiệu quả. Đất đai, khí hậu phù hợp sẽ giúp các hộ dân trồng bưởi có thu nhập ổn định và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tư duy làm nông nghiệp thời 4.0
Với mục tiêu đến năm 2025 hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhiều năm qua, Đà Nẵng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bằng các giải pháp cụ thể như, rót nguồn vốn lớn khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp CNC cùng nhiều chính sách ưu đãi, Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư đồng hành cùng thành phố trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững, là hướng đi được Đà Nẵng quyết tâm, cùng với việc lồng ghép các mô hình tiêu biểu, điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới. Đà Nẵng đã đưa khoa học - công nghệ, ứng dụng CNC đến với người dân, thay đổi cách suy nghĩ làm nông đơn thuần của người dân, tổ chức bài bản các khóa tập huấn tại địa phương và đưa nông dân đi học tập làm nông nghiệp sạch ở nước ngoài.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch bảy vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu với diện tích 500 ha. Triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất, thành phố đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu cho hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang. Riêng mô hình sản xuất rau sạch, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ Hội Nông dân thành phố 10 tỷ đồng. Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện tăng 5,6%. Chính quyền địa phương đã thực hiện các đề án phát triển sản xuất như đề án cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi gần 354 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Huyện đã tập trung hỗ trợ, nhân rộng hơn 50 mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình như: mô hình trồng hoa Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh, Hòa Liên; mô hình trồng nấm Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh; trồng thanh long ruột đỏ Hòa Phú, Hòa Sơn; trồng rau, dưa lưới ứng dụng CNC Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn...
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Tại Khu công nghiệp xã Hòa Ninh, từ tháng 6-2017, ông Nguyễn Thắng và một số nông dân trong xã cùng hùn vốn lắp đặt nhà kính cùng các thiết bị trồng rau, quả ở khu CNC tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Đây là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với tổng mức đầu tư ban đầu của ông Thắng là 3,57 tỷ đồng, trong đó huyện Hòa Vang hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, đây là “vựa” rau lớn cung ứng rau, củ, quả sạch cho người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở sản xuất rau trong nhà kính, ông Thắng đã liên kết với nhiều gia đình cùng sản xuất, thành lập hợp tác xã rau sạch. Chia sẻ về những kết quả bước đầu, ông Thắng cho hay, nếu so sánh với trồng rau truyền thống thì hệ thống nhà kính ứng dụng CNC vào sản xuất đã làm giảm nhiều tác động tiêu cực của thời tiết. Với mô hình sản xuất hoa treo, hoa thảm trang trí cảnh quan, cơ sở của ông Nguyễn Ngọc Chương tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang sản xuất các loại hoa mới, hoa cao cấp như dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường, đồng tiền mini, dừa cạn, cẩm chướng... Đến nay, diện tích trang trại hoa này lên tới 6.000m2, hằng năm cung ứng ra thị trường khoảng 24 nghìn chậu hoa các loại, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Ông Chương cho biết, trồng hoa trong nhà màng, tưới bằng công nghệ nhỏ giọt cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Hòa Phú, một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Hòa Vang, chúng tôi gặp anh Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Afarm. Được thành lập năm 2017, đây là một trong số ít những công ty khởi nghiệp trẻ đầu tư ứng dụng CNC vào nông nghiệp đầu tiên tại Đà Nẵng, với mong muốn mang đến cho từng gia đình những bữa ăn có rau sạch; với đội ngũ kỹ sư trẻ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, điện tử, cơ khí chế tạo và phần mềm. Tất cả hệ thống nhà kính sản xuất được nghiên cứu, lắp đặt và điều khiển hoàn toàn tự động. Khởi nghiệp ngay trên quê hương, Nguyễn Tấn Phương cùng các cộng sự đã mất nhiều thời gian để tìm hiểu, chọn vị trí đất đồi phù hợp: “Chúng tôi phục vụ khách hàng từ những chi tiết nhỏ nhất như thiết kế, sản xuất, lắp ráp bo mạch, đóng gói, chế tạo các chi tiết cơ khí tự động hóa. Khi làm chủ được công nghệ, chúng tôi đã xây dựng trang trại trên diện tích 2,8 ha, nguồn vốn đầu tư đến thời điểm này là 10 tỷ đồng. Hiện tại, trang trại sản xuất rau sạch, dưa lưới cùng các loại củ, quả phong phú, mục tiêu hướng đến là đáp ứng nhu cầu của 10% dân số Đà Nẵng trong ba năm tới” - anh Phương chia sẻ.
Nhìn lại lịch sử địa phương và công cuộc phát triển hôm nay, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường tâm huyết: Trong kháng chiến, Hòa Vang là vành đai bảo vệ, là căn cứ cách mạng của Đà Nẵng. Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, hiện Hòa Vang đang là mảnh đất, là nguồn dự trữ về nguyên liệu, đất đai để TP. Đà Nẵng phát triển. Đây cũng là huyện thuần nông duy nhất của TP. Đà Nẵng. Hiện, trên địa bàn đã hình thành một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lãnh đạo huyện Hòa Vang xác định sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, thể thao, nhằm góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng. Qua tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, mức sống trung bình của người dân đã tăng lên gấp hai lần so với khi chưa thực hiện chương trình, với mức bình quân khoảng 48 triệu đồng/người/năm. Trong tương lai, theo định hướng đầu tư và phát triển của TP. Đà Nẵng về phía nam, thì Hòa Vang có điều kiện tốt nhất vừa khai thác quỹ đất, vừa phân bố lại dân cư, tạo điều kiện góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững.
N.T.A.Đ