Du lịch cộng đồng kết hợp đường sông - nhìn từ Hòa Vang - Diệp Dân Hùng
Nói đến du lịch cộng đồng, có lẽ loại hình du lịch này không phải là quá xa lạ với nhiều người. Nó thường gắn liền với những loại hình cụ thể như Homestay (du lịch lưu trú tại nhà dân), Farmstay (du lịch ở nông trại). Đi sâu về Homestay, đây là loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương, nơi mà họ đặt chân đến, qua đó giúp họ khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của địa phương đó. Hiểu một cách đơn giản và bao quát nhất, đây là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức du khách lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi họ đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật. Loại hình du lịch lưu trú này chỉ tồn tại và phát triển trên nền tảng cộng đồng, mà ở đó, khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ngủ và cùng sinh hoạt với người dân bản địa, họ được coi như là người nhà, được tham gia vào các công việc thường ngày cũng như các hoạt động văn hóa, lễ hội tại đó. Đây cũng là cách hữu hiệu để du khách nhanh chóng và trực tiếp hòa nhập, cảm nhận về vùng đất mà họ đang đến, chứ không đơn thuần chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng.
Về Farmtstay, gọi một cách dân dã là “Du lịch trồng rau nuôi gà”. Loại hình này không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho du khách, mà còn là hình thức Homestay mang tính trải nghiệm cho họ sống bình yên như một người nông dân thực thụ. Du khách có thể học cách trồng rau, bón phân, gieo hạt từ người nông dân và đặc biệt là trải nghiệm những niềm vui với những thành quả mình làm nên...
Về khách quan, tính chất hiện đại của một đô thị phát triển như Đà Nẵng không thể hấp dẫn những du khách muốn khám phá những không gian mang tính thiên nhiên và tự nhiên, với cảnh vật yên bình và hiền hòa. Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, phân khúc khách châu Âu rất thích 2 loại hình này vì nó gắn với những nét hoang sơ, dân dã như con trâu đầm dưới vũng bùn, đàn vịt tung tăng trên ao hay những cảnh vật đậm chất thiên nhiên và tự nhiên, càng ít bê tông hóa càng hút khách. Tương tự, cũng như Homestay, địa điểm để làm Farmstay thường xuất hiện ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng quê hoặc vùng đồi núi, do cần có diện tích đất rộng. Người chủ Farmstay thường là người dân bản địa và khách du lịch có thể trực tiếp tham gia canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả hay rau xanh. Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng như nguyên vật liệu nấu ăn tại chỗ. Bên cạnh đó, các dịch vụ đi theo Farmstay đem lại cho du khách những trải nghiệm canh tác, trồng trọt, chăn nuôi; cũng như các khoản thu nhập từ việc cho phép chủ nhà sử dụng nông sản sạch do chính họ thu hoạch được để nấu nướng... Tất cả đều là những giá trị bổ sung cho dịch vụ chính là cho thuê nơi nghỉ ngơi, nhưng lại có thể thu lại nguồn lợi lớn. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, nuôi một đàn vịt, một vài con trâu, trồng một vườn rau, vườn cây ăn quả, ao nuôi cá v.v... đều có thể thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách Tây, những người đa số đã ngán chốn phồn hoa đô hội, ồn ào và bị bê tông hóa. Sẽ thuận lợi hơn nữa khi có cảnh (view) sông, núi, rừng, có những đường làng, ngõ xóm không nhất thiết là bê tông hay tráng nhựa v.v... là có thể “nuôi” được loại hình du lịch này một cách “bền vững” và sâu xa hơn là đem lại thu nhập không nhỏ cho những người chủ, trong đó có không ít là người nông dân thuần túy.
Về yếu tố kinh tế, Homestay hay Farmstay đều là phương thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư chính là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, đôi khi còn “bao” luôn cả vai trò của một hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh lam thắng cảnh đẹp, lạ, hoang sơ mà nếu không phải người bản địa, chưa chắc người khác đã biết. Có thể nói, các Homestay, Farmstay đa phần thường được hình thành và phát triển ở những vùng, khu vực có tài nguyên hoang dã cần bảo tồn, các khu vực dân cư có tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét đặc trưng văn hóa tộc người, các khu vực mà không đủ điều kiện (kinh phí, quy mô, quy hoạch...) để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn hay nhà hàng, quán ăn phục vụ nhu cầu của du khách.
Từ thực tế trên và liên hệ đến huyện Hòa Vang, huyện nông nghiệp - nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng để thấy rằng, nơi đây có rất nhiều những tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng. Nói đến làm du lịch ở Hòa Vang thì không gì ưu thế hơn du lịch cộng đồng. Hòa Vang vẫn có những nơi khá hoang sơ, đậm chất quê như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn v.v... cũng như có những nét đặc trưng của văn hóa Cơtu, có những làng quê còn chưa mất hết bản sắc. Những mảnh vườn, trang trại cây ăn quả, ao cá... ở Hòa Vang có thể năng suất chưa cao như ở nơi khác nhưng để du khách đến ngắm hoa,vun rau, tưới cà, thu đậu, hái bí là hoàn toàn khả thi. Nguồn tài nguyên khá phong phú và dồi dào, có nhiều nơi có diện tích rộng, rất thích hợp để làm Farmstay. Và trên hết là có những người đang muốn làm Homestay, Farmstay. Người viết cũng được biết, hiện đang có những bạn trẻ sẵn sàng đón du khách về trải nghiệm tại các nông trại trồng rau quả của mình tại Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Bắc, trong số đó có những bạn đã đi tìm hiểu mô hình này ở các địa phương bạn và cả ở nước ngoài để về làm Farmstay một cách bài bản.
Một yếu tố khác không thể không quan tâm là Hòa Vang có lợi thế là các dòng sông uốn lượn từ vùng đồng bằng đến miền núi, những khu vực ven sông “thuần túy thôn quê” đa phần thuộc huyện Hòa Vang từ sông Yên, sông Túy Loan, đến sông Cu Đê. Khai thác du lịch đường sông, gắn liền với những điểm đến để phục vụ du lịch làng quê, nơi 2 bờ còn tồn tại những hình ảnh điển hình của làng quê như bến nước, đình làng, hàng cau, hàng rào chè tàu, ô rô, dâm bụt... Và cũng là nơi để làm những Homestay, Farmstay cho du khách đến lưu trú, trải nghiệm ăn ở, trồng rau, nuôi cá, làm bánh tráng, mì Quảng, cùng nông dân...
Phát triển loại hình du lịch cộng đồng từ Homestay đến Farmstay gắn với khai thác lợi thế từ các dòng sông là một vấn đề rất được quan tâm ở Đà Nẵng, đặc biệt là Hòa Vang, nhất là trong bối cảnh các loại hình du lịch mang tính truyền thống đã có dấu hiệu bão hòa ở khu vực đô thị. Nên giữ lại “hồn quê, nét làng”, với “hương đồng gió nội” bằng việc phát triển du lịch một cách bền vững. Không nên “đô thị hóa” Hòa Vang một cách “mạnh mẽ” mà phải giữ lại một vùng quê thuần túy nhưng không lạc hậu, giàu bản sắc và không hòa tan trong cái xô bồ, náo nhiệt của đô thị.
Thiết nghĩ, nếu có những bước đi bài bản, và đặc biệt là được sự ủng hộ có trách nhiệm của chính quyền cũng như các sở ngành liên quan, Du lịch cộng đồng nói chung sẽ có cơ hội phát triển ở Hòa Vang, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, giúp người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Cơtu tiến lên làm giàu một cách chính đáng từ loại hình du lịch mới lạ nhưng hoàn toàn phù hợp để phát triển trên nền tảng hiện hữu, qua đó giúp giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho thành phố, thu hút thêm lượng khách tiềm năng là khách Âu - Mỹ đến Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn. Cùng với lợi thế, tiềm năng về tự nhiên, Hòa Vang còn có những con người tâm huyết, trong đó có nhiều Startup muốn làng quê đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc. Cái còn lại là chủ trương, cơ chế rõ ràng cùng một sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và cơ quan có liên quan.
D.D.H