Văn hóa-văn nghệ dân gian trong đời sống đô thị đương đại – Bùi Văn Tiếng

11.02.2017

Sự tích hợp giữa văn hóa/văn nghệ dân gian với đời sống đương đại nói chung và đời sống đô thị đương đại nói riêng được thể hiện rõ nhất qua một vế đối cực hay mà mấy năm rồi vẫn chưa ai đối được: Năm mèo nhấp chuột gửi meo cho mèo. Động tác nhấp chuột máy tính và gửi email/thư điện tử là đặc sản phổ biến của đời sống đô thị đương đại, vài thập niên trước đây chưa từng có; còn thách đối lúc Tết đến xuân về là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền có thể bác học có thể dân gian rất quen thuộc với người Việt - ở đây có phần thiên về phía dân gian qua cách gọi năm Tân Mão là năm mèo và nhất là qua cách gọi tình nhân là mèo. Sự tích hợp phong phú đa dạng này chứng tỏ văn hóa/văn nghệ dân gian hoàn toàn có thể đồng hành cùng đời sống đương đại và hơn thế nữa là cùng đời sống đô thị đương đại.

Văn hóa-văn nghệ dân gian trong đời sống đô thị đương đại – Bùi Văn Tiếng

Sự tích hợp giữa văn hóa/văn nghệ dân gian với đời sống đô thị đương đại càng được thể hiện rõ qua lời ăn tiếng nói thường nhật của người Việt ngày nay. Nào là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, nào là nói một đàng làm một nẻo, nào là ỷ mạnh hiếp yếu, nào là gieo gió gặt bão, nào là nực cười châu chấu đá xe - tưởng rằng chấu ngã nào dè xe nghiêng… những thành ngữ tục ngữ này không chỉ được dùng lúc trà dư tửu hậu mà còn được sử dụng cả trong các bài xã luận hay các diễn văn chính trị. Đáng chú ý là sở trường nói lái của ông cha xưa được người Việt - nhất là người Quảng - đương đại kế thừa và phát huy với nhiều sắc thái độc đáo mới mẻ, hoặc để nghịch ngợm trêu đùa - con gái Củ Chi chỉ cu hỏi… củ chi, có chỗ đứng cứng chỗ đó, hoặc để tỏ ý khinh thường những nhân cách hèn kém trong quan trường - tiền thì quý quỳ thì tiến…

 

Trong hôn nhân đương đại, chủ yếu ở các đô thị và với các tầng lớp xã hội từ trung lưu trở lên, có hai nghi thức khá phổ biến và rất tây phương là cắt bánh gateau và rót rượu vang, nhưng hầu như chỉ diễn ra ở những lễ cưới tổ chức tại nhà hàng; còn đối với lễ cưới - kể cả lễ hỏi - tổ chức tại gia đình thì nghi thức quan trọng không thể thiếu lại là trình và nhận lễ vật trầu cau. Người dân Việt còn sáng tác hẳn một thiên cổ tích để giải thích nguồn gốc tập quán này. Và nay, dù người Việt đương đại còn thích ăn trầu cau ngày càng thưa vắng, nhưng hình ảnh trầu cau luôn xuất hiện trang trọng trong lễ hỏi lễ cưới ngày nay, chứng tỏ tập tục văn hóa dân gian này vẫn có khả năng tích hợp với đời sống đô thị đương đại.

 

Sự tích hợp giữa văn hóa dân gian với đời sống đô thị đương đại cũng được thể hiện rõ qua xu hướng mang làng xuống phố như một cách để người dân đô thị nhớ lại/tìm về nguồn cội dân gian. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên từng nhận xét rất tinh tế về các đường hoa ngày Tết ở thành phố Hồ Chí Minh - và dường như cũng sát đúng với các đường hoa ngày Tết ở Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng: Làng quê bỗng chốc mọc lên trong những khu phố hiện đại từ lâu nỗ lực thoát ra khỏi tình trạng “nông nghiệp lạc hậu” để tìm đạt cho bằng được các giá trị văn minh đô thị thời toàn cầu hóa (…) Việc tái hiện thiên nhiên, nếp sinh hoạt làng quê trong lòng đô thị hiện đại Sài Gòn trong mỗi dịp Tết có thể xem là một sự đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cư dân sống trong môi trường hiện đại nhưng vẫn còn xem truyền thống, ký ức là một phần quan trọng của đời sống.(1)

 

Sự tích hợp giữa văn nghệ dân gian với đời sống đô thị đương đại còn được thể hiện rõ qua một dòng nhạc được mệnh danh là dân gian đương đại. Hiểu một cách đại thể thì đây là dòng nhạc bao gồm những ca khúc có âm hưởng dân ca mang không khí âm nhạc hiện đại, chẳng hạn Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương), Ca dao em và tôi (An Thuyên), Chiếc khăn Piêu (Doãn Nho), Cô Tấm ngày nay (Ngọc Châu), Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), Con cò (Lưu Hà An), Bà tôi (Nguyễn Vĩnh Tiến)… Dòng nhạc dân gian đương đại vừa ra đời đã nhanh chóng chinh phục thị hiếu nghệ thuật của người Việt ngày nay và không phải ngẫu nhiên mà từ khi bắt đầu có giải thưởng âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì âm hưởng dân gian trong ca khúc dự thi sớm trở thành tiêu chí đầu tiên để được trao giải.

Tương tự như trên lĩnh vực âm nhạc, trên lĩnh vực hội họa ở nước ta cũng xuất hiện một dòng tranh dân gian Việt Nam hiện đại mà người giữ ấn tiên phong là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Đặc biệt mỹ cảm dân gian càng được tích hợp đậm nét trong tranh của họa sĩ Thành Chương qua “những cái mặt ngửa lên trời hoặc lấp ló, hoặc ngoẹo đầu rất dân gian, nhiều tính ước lệ, giống như ở các hình chạm khắc đình làng Việt Nam, nơi các phường thợ xưa kia nhiều khi do bản gỗ hẹp mà phải tùy tiện co kéo hình, bất chấp tỷ lệ (…)  và do vậy Thành Chương được xem là “một trong những họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian - hiện đại Việt Nam đương thời”(2). Sự tích hợp giữa hội họa dân gian với đời sống đô thị đương đại còn được thể hiện qua khả năng tồn tại dài lâu của các dòng tranh dân gian làng Sình, Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng…  

 

Những hình thức tích hợp giữa văn hóa-văn nghệ dân gian với đời sống đô thị đương đại như nêu trên đa phần đều được bộc lộ trong quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng. Người Đà Nẵng nói lái ngay cả khi thù tạc chén chú chén anh, chẳng hạn muốn nhắc nhở những ai có ý định “thiếu sòng phẳng” trong cuộc chơi bia rượu này, người Đà Nẵng ngày nay thường dí dỏm: “Tưởng quê mình chỉ có cầu Quá Giáng, giờ mới biết còn có cầu Quá Lâm” - cầu Quá Lâm là cầm quá… lâu! Người Đà Nẵng không có làng tranh dân gian nào nhưng không ít ca khúc của các nhạc sĩ Đà Nẵng thấm đẫm âm hưởng dân gian, chẳng hạn như Thương em chín đợi mười chờ của nhạc sĩ Minh Đức: Hãy hát lên anh hát nữa đi anh - Anh hát bài tình ca về đất Quảng quê ta - Hãy hát điệu dân ca ôi nghe sao ngọt ngào - Để lòng em xốn xao…

 

 Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là lễ hội văn hóa dân gian rất độc đáo thể hiện khát vọng dân chủ của người Đà Nẵng xưa và nhìn từ góc độ nào đó thì đây cũng là cách để thế hệ trẻ tập làm… lãnh đạo. Mặc dầu đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Hương Việt phục dựng công phu vào năm 2007, nhưng do Đà Nẵng ngày nay hầu như không còn trẻ chăn trâu nên không đủ cơ sở xã hội cho lễ hội mục đồng làng Phong Lệ một thời vang bóng thực sự hồi sinh để người Đà Nẵng có thể trực tiếp hòa mình vào không khí sống động của một lễ hội thật, chứ không phải một lễ hội được phục dựng theo kiểu sân khấu hóa. Tuy nhiên lễ hội văn hóa dân gian khác của thành phố bên sông Hàn là lễ hội cầu ngư ở các làng ven biển như Xuân Hà, Mân Thái... thì hoàn toàn có khả năng trở thành điểm nhấn trong đời sống tinh thần của ngư dân và cư dân Đà Nẵng đương đại.

 

B.V.T

 

(1) Nguyễn Vĩnh Nguyên: Đường hoa, chất liệu và văn hóa đô thị, Báo điện tử Một Thế Giới ngày 22-1-2014.

(2) Xem Bùi Như Hương: Thế giới hội họa của họa sĩ Thành Chương, thanhchuongartist.com.vn