Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng - Đinh Thị Trang
Quận Ngũ Hành Sơn nằm về phía đông nam của thành phố Đà Nẵng, được thành lập theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23.01.1997 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 4 phường: Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Quý và Hòa Hải. Phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ; phía bắc giáp quận Hải Châu và quận Sơn Trà; phía nam giáp với huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam. Diện tích tự nhiên 36,52 km2,dân số 61.441 người.
Căn cứ vào thư tịch cổ và kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã đặt vùng đất Ngũ Hành Sơn trong một diễn trình lịch sử gồm 3 thời kỳ: Tiền, sơ sử - Chămpa - Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam. Tương đương với 3 thời kỳ này là 3 lớp cư dân kế tục nhau sinh sống, họ để lại nơi đây những di chỉ, di tích, hiện vật chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng vô cùng độc đáo, trong đó có hệ thống miếu thờ.
Một số khái niệm về miếu thờ
Cho đến nay, có khá nhiều khái niệm khác nhau về miếu thờ. Các học giả Trung Quốc cho rằng: “Miếu vốn là nơi thờ cúng tổ tiên của người cổ đại. Thời đó, người ta hạn chế đẳng cấp một cách nghiêm ngặt về quy mô của miếu. Trong sách ‘Lễ ký’ có viết: ‘Thiên tử thất miếu, khanh ngũ miếu, đại phu tam miếu, sĩ nhất miếu’. Tức là vua được 7 miếu, các quan được 5 miếu, quan đại phu được 3 miếu, quân sĩ được 1 miếu. Thái Miếu là miếu tổ của Đế Vương, còn các miếu khác của những người có quan tước cũng được xây theo kiểu ‘Gia Miếu’. Sau đời nhà Hán, các ngôi miếu dần dần được pha trộn với thần xã ban đầu (tức miếu Thổ địa) và được biến thành thần coi giữ giang sơn, sông núi dưới âm tào địa phủ. ‘Nhân tử viết quỷ’, miếu là nơi cúng tế thần quỷ và cũng thường là nơi sắc phong, chiêu tài văn võ sĩ như văn miếu - miếu Khổng Tử, võ miếu - miếu Quan Vũ”.1
Ở Việt Nam, khi nói đến miếu thờ, học giả Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển cho rằng, miếu là “nhà thờ tổ tiên, nhà thờ thần, cung điện của vua”.2 Còn theo Hoàng Phê thì “miếu là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật đã được thần thánh hóa; đền thờ nhỏ”.3 Giáo sư Phan Đại Doãn trong công trình Mấy vấn đề văn hóa Việt Nam trong lịch sử đã cho chúng ta biết rõ hơn về kiến trúc cũng như vị thần được thờ tự trong miếu: “miếu có kiến trúc nhỏ hẹp, thường thường là của cộng đồng xóm ngõ. Vị thần được thờ cũng thường là Thổ công, Thổ địa hoặc các vị tổ sư nghề”.4 Còn Giáo sư Vũ Ngọc Khánh thì nhận xét một cách khái quát: “Đền miếu là những công trình tín ngưỡng hoàn toàn của Việt Nam, của làng này, thôn nọ… nó liên quan chặt chẽ với tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng phồn thực của thời đại cũ”.5
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam về văn hóa cũng đã đưa ra những khái niệm về miếu thờ. Chẳng hạn, Phan Kế Bính khi bàn về “Đình Miếu” đã viết: “Mỗi làng thờ thần phải có một tòa miếu. Có nơi thì vừa có miếu vừa có đình. Làng nào to thì mỗi thôn lại có lập riêng một đình. Miếu là chỗ quỷ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng và để làm nơi công sở cho dân hội họp. Miếu thường hay kén những nơi đất thắng cảnh, nhất là trên gò cao hoặc là nơi gần hồ to sông lớn thì mới hay”.6 Cũng trùng với ý kiến của Phan Kế Bính, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh trong công trình Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng) nhận xét rõ hơn: “Miếu cũng là nơi để quỷ thần an ngự,… miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiến trúc chữ Nhất, với hai phần cách biệt bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài,… Miếu thường được xây dựng trên gò cao, nơi sườn núi hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị không bị mọi sự ồn ào của dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng đặt tượng thần hoặc bài vị thần linh đặt trên ngai, ngai được đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao,… có nơi gọi miếu là nghè”.7
Qua một số khái niệm trên về miếu thờ, phần nào đã cho chúng ta thấy, miếu là nơi tôn nghiêm được cộng đồng cư dân trong cùng một làng dựng lên để thờ phượng các vị thần có nguồn gốc từ tự nhiên còn gọi là “thần linh”; và những vị thần là những bậc thánh hiền, khai quốc công thần hoặc những người có công giúp đời, linh hiển,... còn gọi là “thần người”. Hằng năm, đúng vào những dịp xuân thu nhị kỳ hoặc ngày vía của các thần, người dân lại cùng nhau tham gia tổ chức cúng tế tại miếu, điều này đã tạo nên một nét đẹp của đời sống văn hóa làng xã Việt Nam.
Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn
Niên đại hình thành
Theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn hiện diện khoảng 69 miếu thờ. Trong đó, phường Hòa Hải có 34 miếu, phường Hòa Quý có 29 miếu. Đây là hai phường có số lượng miếu nhiều hơn cả do nằm ở vị trí ven sông Cổ Cò, nơi những lớp cư dân người Việt đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp từ lâu đời. Hiện nay, ở ven sông Cổ Cò còn khá nhiều miếu thờ như: miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư, miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Lồi, miếu Bà Thủy, miếu Thành Hoàng Thọ Khương,... Riêng hai phường Mỹ An và Khuê Mỹ còn rất ít miếu, bởi hai phường này đã được quy hoạch, tái định cư. Điều đó phần nào cho thấy, những phường chưa bị đô thị hóa thì miếu thờ còn hiện diện khá nhiều, còn những phường đã được quy hoạch theo kiến trúc đô thị thì hệ thống miếu thờ cũng ít đi.
Đến nay, việc xác định niên đại hình thành cho các ngôi miếu trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn gặp không ít khó khăn. Bởi chính những vị cao niên trong làng cũng chỉ biết, theo lời truyền lại của ông bà thì những ngôi miếu đó đã hiện diện từ lâu đời, đến nay có niên đại hàng thế kỷ, gắn liền với cuộc Nam tiến của dân tộc. Ngoài ra, phần lớn các ngôi miếu đều được trùng tu hoặc xây mới sau thập niên 80 của thế kỷ XX, nhất là sau phong trào bài trừ mê tín dị đoan, dẫn đến việc đập phá miếu. Do đó, các thư tịch liên quan phần lớn bị hủy hoại, các văn bia trong miếu phần nào cũng bị đập nát chỉ còn lại rất ít nên khó khăn cho việc xác định niên đại của miếu.
Chúng tôi chỉ xác định được niên đại trùng tu của một số ngôi miếu khi dựa trên các bia ký còn sót lại ghi danh tánh của những người đã góp tiền của trùng tu, như miếu xóm Bình Kỳ 1 (tổ 9, phường Hòa Quý) có một tấm bia bằng đá cẩm thạch, xung quanh được bao bọc bởi rễ cây bồ đề, nằm ở phía trước bức bình phong của miếu ghi: Đại Nam, Hóa Giang, Tiền Hương binh Chánh Quản cơ Nguyễn Công tự Quỳnh phủ chi vị (Tạm dịch: Thần vị ông họ Nguyễn tên Quỳnh giữ chức Chánh Quản cơ của quân đội ở làng Hóa Giang, nước Đại Nam), xung quanh không có bất kỳ dòng lạc khoản hay minh văn nào cho biết về thân thế, sự nghiệp của vị Quản cơ này nên khó khăn trong việc xác định niên đại xây dựng. Nhưng bên trong miếu còn có một tấm bia khác ghi danh tánh của những người đã góp tiền trùng tu miếu được khắc vào năm Bảo Đại thứ 4 (1929). Điều đó giúp chúng tôi nhận định, ngôi miếu này đã được xây dựng trước đó khá lâu, sau đó bị hư hại nặng, đến năm 1929, nhân dân trong vùng đã góp tiền trùng tu để thờ vị Quản cơ họ Nguyễn và tôn xưng là Thành Hoàng của làng? Tuy nhiên, để xác định chính xác niên đại của ngôi miếu thì cần phải tìm hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp của vị Chánh Quản cơ này. Đến nay, cho dù đã rất cố gắng, nhưng do điều kiện nghiên cứu hạn chế (không chỉ hạn chế về thời gian mà cả về tài liệu thư tịch) nên chúng tôi vẫn chưa xác định được thân thế cũng như hành trạng của vị Chánh Quản cơ này.
Ngoài việc căn cứ niên đại xây dựng và trùng tu trên các bia đá, chúng tôi cũng dựa vào thư tịch cổ để xác định khoảng thời gian xây dựng một số miếu. Chẳng hạn, ba ngôi miếu ở làng Hóa Sơn là miếu Ông Chài, miếu Bà Chúa, lăng Ông Ngư được người dân xây dựng vào năm 1933 (tức năm Quý dậu, niên hiệu Bảo Đại thứ 8) sau khi làng Hóa Sơn được thành lập 3 năm. Ngoài ra, còn có miếu thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục mà nhân dân thường gọi là miếu Tiến Sĩ hay miếu Một Cây Da Quỳ ở phường Khuê Mỹ. Theo sử cũ, vào tháng Giêng năm 1471, vua Lê Thánh Tông đưa quân chinh phạt Chiêm Thành, khi đến cửa biển Đà Nẵng thì cả hai đạo quân phải chờ đoàn vận lương do Nguyễn Phục dẫn đầu, vì gặp thời tiết xấu nên đoàn thuyền tải lương của ông đến muộn nên ông bị hành quyết. Sau sự biến đó thì nhân dân lập miếu thờ ông tại nơi ông thọ hình.9 Như vậy, căn cứ vào Ô châu cận lục (do Dương Văn An nhuận sắc năm 1553) thì có một ngôi miếu thờ Nguyễn Phục ở đền Tùng Giang, cửa biển Tư Khách (nay thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) và một ngôi miếu nữa ở cửa biển Đà Nẵng.10 Điều này giúp ta có thể tạm xác định niên đại của ngôi miếu này có thể được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI?
Cá biệt có hai ngôi miếu ở tổ 91, phường Khuê Mỹ là miếu thờ Thành Hoàng bổn xứ và miếu Bà Chúa Ngọc thì một bên cửa có tấm bia đá khắc chữ Quốc ngữ cho biết rõ năm xây dựng và năm trùng tu miếu. Tại miếu Thành Hoàng ghi: “Miếu Thần Hoàng bổn xứ xây dựng năm 1858 đến nay trọn 145 năm. Trùng tu ngày 25 tháng 4 năm Quý mùi (2003) với sự tham gia của nhân dân xóm Sơn Thủy Trung Ấp”. Còn miếu Bà Chúa Ngọc: “Miếu Bà Chúa Ngọc xây dựng năm 1858 đến nay trọn 145 năm. Tái tạo ngày 15 tháng 4 đến ngày 25 tháng 4 năm Quý mùi (2003). Hoàn thành với sự trợ giúp xây dựng của toàn dân Trung Ấp Sơn Thủy”. Một số ngôi miếu được xây dựng và trùng tu những năm gần đây thì thời gian xây dựng hoặc trùng tu được ghi ở trên mi cửa.
Có thể nói, đến nay cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định chính xác niên đại của những ngôi miếu cho dù chúng mang phong cách kiến trúc cổ xưa nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Qua đó, chúng tôi tạm cho rằng, phần lớn các ngôi miếu trên địa bàn quận được xây dựng vào thời nhà Nguyễn, cá biệt có từ thời nhà Lê, và phần nhiều được tôn tạo, xây mới vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX cho đến sau này.
Đặc điểm kiến trúc
Kiến trúc miếu thờ là một bộ phận của kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nước ta. Quan điểm kiến trúc truyền thống của người Việt thường theo thuyết phong thủy “minh đường thủy tụ”. Do đó, khi xây dựng miếu, người xưa đã chọn thế đất để tạo ra một khung cảnh có núi rừng, có sông nước bao bọc với một bầu không khí tĩnh mịch, u huyền, hoặc những nơi mà vị thần đó hiển linh. Điều này được Vũ Tam Lang nhận xét: “Kiến trúc đền đài - miếu mạo là một bộ phận của kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng nước ta. Một số công trình đền đài - miếu mạo là nơi thờ cúng của Đạo giáo (Lão giáo) - nguyên là một thứ triết học của quần chúng bị áp bức thể hiện trong học thuyết đạo đức của Lão Tử,… Địa điểm xây dựng đền đài - miếu mạo thường được lựa chọn ở những vị trí có liên quan đến những truyền thuyết hoặc sự tích, cuộc sống của vị thần siêu nhiên hay nhân vật được tôn thờ”.11
Qua khảo sát miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn chúng tôi nhận thấy, các ngôi miếu thường nằm trên một khoảng đất cao ráo, xung quanh bao bọc bởi sông ngòi hoặc những cây cổ thụ um tùm, tạo nên sự thâm nghiêm, u tịch như miếu Cây Da, miếu Bồ Đề (Hòa Quý), miếu Tam Vị (Hòa Hải),... Hầu như ngôi miếu nào cũng có đầy đủ “tiền án - hậu chẩm”. Điển hình như miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư, miếu Bà Chúa thì được xây dựng quay mặt ra sông Cổ Cò, dựa lưng vào ngọn Hỏa Sơn; miếu Công chúa Huyền Trân nằm dựa lưng vào núi Kim Sơn; lăng Bà Thủy ở Hòa Hải thì được xây dựng trên một gò cao, phía trước là một cánh đồng trũng; lăng Ông ở Tân Trà, Hòa Hải thì tiền án chính là biển Đông,… Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, miếu thờ ở Ngũ Hành Sơn cho dù được xây dựng giữa một làng đồng bằng ven biển mà lại có cảnh núi sông như vậy đã thể hiện sự gắn bó giữa con người với tổng thể thiên nhiên. Khung cảnh miếu thờ ở đây khác hẳn với khung cảnh kiến trúc phương Tây, nếu như ở phương Tây, một nhà thờ mang phong cách Gothique vượt trội giữa làng quê đơn sơ, hay một lâu đài của lãnh chúa được xây dựng to lớn nổi bật giữa những trang trại thấp bé vẫn chỉ là vẻ đẹp tách biệt với thiên nhiên12, thì ở nơi đây, sự hài hòa, cân đối đã tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc Việt.
Miếu tuy là nơi thờ tự chung của cả làng nhưng kiến trúc của miếu lại rất đơn giản thậm chí là nhỏ bé. Những ngôi miếu ở đây phần lớn thường không có cổng tam quan.13 Một số miếu có tường thành bao quanh và cổng khá đơn giản như miếu xóm Đình Dương, miếu Ông Bà Ngũ Hành, miếu xóm Đồng Nò (Hòa Quý), lăng Ông làng Tân Trà (Hòa Hải),… Phần lớn các ngôi miếu còn lại không có tường bao, cổng ngõ.
Khi bước vào các miếu thờ, chúng ta thường bắt gặp chiếc bình phong nằm án ngữ ở phía trước, trang trí các đồ án tứ linh, hổ,... Phía sau bình phong thường có một ban thờ, có miếu thì ban thờ có mái che như miếu xóm Chùa (Hòa Hải), còn lại thì bàn thờ lộ thiên. Đây là nơi đặt các lễ vật trong những dịp cúng tế và là nơi tế âm linh, cô hồn.
Kiến trúc miếu thường được xây theo hình chữ Nhất , nhiều miếu chỉ có một gian thờ như miếu Bà Thủy, miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Cây Xoài (Hòa Hải), miếu Cây Da (Hòa Quý); hoặc hai gian ba chái như miếu Bà Chúa Lồi (Mỹ An), miếu Ngũ Hành (Hòa Quý), miếu Tiến Sĩ (Khuê Mỹ)... Một số miếu ở phía trước còn xây thêm sảnh dài như miếu Ông (Hòa Hải), miếu xóm Đại An (Hòa Quý),… Những miếu có kiến trúc hai gian ba chái thường có hai phần: hậu tẩm và chính điện. Hậu tẩm là nơi linh thiêng nhất của miếu, được xây theo lối ba mặt bịt kín chỉ có một cửa thông với miếu và xây cao hơn so với miếu. Như vậy, khi đứng ở ngoài nhìn vào bên trong ta thấy một không gian hẹp và sâu làm cho ngôi miếu trở nên thâm nghiêm hơn.
Hầu hết các ngôi miếu đều được xây bằng gạch và xi măng cốt thép. Diện tích của miếu cũng to nhỏ khác nhau. Miếu kiểu một gian thì thường có diện tích khoảng 4 m2 đến 5 m2. Những miếu có ba gian hai chái thì có diện tích khoảng 15 m2 đến 20 m2. Đỡ mái là một hệ thống cột gỗ hoặc đúc bằng xi măng. Bộ khung mái làm theo kiểu chồng rường, đây là lối kiến trúc truyền thống của xứ Quảng. Mái lợp ngói âm dương, tôn, ngói vảy cá, ngói mũi hài hoặc đổ bê tông giả ngói âm dương. Mái thường có hai tầng theo kiểu chồng diêm, có miếu thì xuôi một tầng mái. Trên bờ nóc thường trang trí motif “lưỡng long tranh châu” hoặc hình con dơi, bốn góc mái thường có đắp nổi các hình long, lân, phượng bằng sành sứ cách điệu rất thanh thoát. Ngoài ra, một số miếu có kiến trúc khá độc đáo như miếu Tam Vị (Hòa Hải) và miếu Bồ Đề (Hòa Hải), chúng tọa lạc dưới gốc cây cổ thụ, theo thời gian, rễ cây bám vào miếu và tạo thành cửa hình vòm rất đẹp.
Phía trên chính điện của gian thờ thường có bức hoành ghi tên miếu hoặc những câu ngụ ý chúc tụng. Hai bên gian thờ thường có hai câu đối thể hiện lòng tôn kính của nhân dân trong vùng ca ngợi công đức của thần hoặc ghi lại vị thế đất đai mà ngôi miếu tọa lạc. Trên những bức tường phía trong gian thờ được trang trí rất nhiều đồ án như: mặt trời, chim hạc, hoa sen, hoa cúc, lưỡng long tranh châu, long mã hà đồ, kỳ lân, chim phượng, long ẩn vân, long bàn hổ cứ, hoa đào, quả đào, quả lựu, tranh phong cảnh Non Nước Ngũ Hành Sơn,…
Qua đó, chúng ta thấy kiến trúc của các ngôi miếu tuy không lớn, đồ án trang trí tuy không nổi bật như những công trình tín ngưỡng khác nhưng phần nào đã phán ánh được đặc điểm kiến trúc của cộng đồng người Việt trên vùng đất Ngũ Hành Sơn.
Đối tượng thờ phụng
Miếu trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thờ những vị thần có nguồn gốc khác nhau, trong đó có những vị thần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, có vị thần của người Chăm nhưng được Việt hóa, hoặc thần của người Hoa. John Barrow trong một lần du hành đến Đà Nẵng cuối thế kỷ XVIII, ông quan sát đời sống của người dân nơi đây và đã nhận xét về tín ngưỡng của họ: “Người Nam Hà cực kỳ mê tín, và cũng như người Trung Quốc, việc thờ cúng của họ được thực hiện rất thường xuyên với quan niệm là để ngăn ngừa tội lỗi trong tâm tưởng hơn là hy vọng đạt được một điều tốt lành trong thực tế. Nói cách khác người ta sợ ma quỷ ác độc hơn là những thánh thần tôn kính. Ở nhiều nơi trong nước, họ dựng lên những cọc tiêu hay cột gỗ, không chỉ nhằm mục đích đánh dấu nơi xảy ra một tai họa lớn của đông người hay của cá nhân như một cuộc thất trận, một vụ giết người hay những sự cố bất hạnh khác, mà còn được coi như để làm dịu đi cơn giận dữ của những hung thần được coi là có ảnh hưởng đến việc xảy ra tai họa. Vì vậy, một khi trẻ sơ sinh chết đi, cha mẹ của nó cho là đã làm phật ý một quỷ thần ác độc nào đó, và họ đã gắng sức làm cho vị thần kia nguôi giận bằng những đồ cúng lễ như cơm gạo, dầu ăn, trà uống, tiền bạc hoặc bất cứ thứ gì mà họ nghĩ ra cho là thích hợp nhất đối với vị thần nóng giận. Từ những tình cảm như vậy, người ta có thể dám hy vọng rằng tục lệ khủng khiếp giết trẻ sơ sinh không nằm trong số những phong tục tệ hại mà họ đã giữ lại của người Trung Quốc”.14 Để tiện cho việc tìm hiểu, chúng tôi tạm chia đối tượng thờ phụng trong các miếu thờ thành hai nhóm chính, đó là: nhiên thần và nhân thần.
2.3.1. Thờ nhiên thần
Việt Nam vốn là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có nghề nông nghiệp lúa nước truyền thống lâu đời, họ sống gắn bó với thiên nhiên và cũng sợ thiên nhiên, nhất là những khi thiên tai bất thường xảy ra, họ không giải thích được vì sao lại có hiện tượng đó. Họ tưởng tượng có một lực lượng vô hình nào đó tác động vào đời sống của họ. Họ sợ hãi hoặc kính phục lực lượng ấy và dẫn đến việc tôn thờ, từ đó “thần linh” xuất hiện. Nhà nghiên cứu X.A. Tôcarev cho rằng: “Nguồn gốc này chính là sự bất lực của con người trồng trọt. Cây trồng không phải bao giờ cũng được mùa, mà mùa màng phụ thuộc vào những điều kiện mà con người cần đến sự phù trợ, giúp đỡ việc trồng cây, từ đó các lễ nghi ma thuật ra đời”.15
Ở Ngũ Hành Sơn, trong các ngôi miếu thờ các thần có nguồn gốc từ nhiên thần như: thực vật, động vật, đá, Ngũ Hành, cá Ông, Bạch Mã Thái Giám, Bà Thủy, Thổ địa, Thiên Y A Na,… được hình thành qua tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, có ảnh hưởng lớn trong tín niệm của cộng đồng cư dân làng xã và gia đình nơi đây. Đặc biệt ở Ngũ Hành Sơn hiện nay có nhiều ngôi miếu liên quan đến tín ngưỡng thờ cây16 như: miếu Cây Da ở Hòa Quý; miếu Cây Xoài, miếu Bồ Đề, miếu Ông Mốc17 ở Hòa Hải,... như John Brown đã từng nhận xét: “Bên rìa một lùm cây nhỏ gần vịnh Turon (Đà Nẵng), người ta đã treo hoặc đặt cố định vào giữa các cành những hộp nhỏ bằng gỗ hoặc những giỏ đan bằng dây liễu gai, một số chứa những hình ảnh tượng làm bằng các vật liệu khác nhau, một số khác mang những tờ giấy vẽ hoặc thếp vàng cắt ra thành những hình thù khác nhau, những tấm gỗ nhỏ trên viết những chữ Hán, và nhiều chỉ dẫn khác ghi về các thần linh được cúng tế”.18
2.3.2. Thờ nhân thần
Cũng từ cuộc sống gắn bó với tự nhiên nên trong tư tưởng của họ, những người nào đó không may bị sét đánh chết, bị chết đuối hay cây ngã đè chết, họ cũng cho đó là cái chết không bình thường, bất đắc kỳ tử, hẳn là có điều gì thiêng liêng uẩn khúc nên cũng thờ làm thần. Rồi còn cho rằng, có người từ nơi khác đến vùng đất mình đột ngột chết, qua đêm mối đùn lên thành mộ, họ cho là người chết thiêng nên cũng được tôn thờ làm thần. Thậm chí có người chết nghẹn, chết đuối cũng cho là chết khác thường,… và được tôn làm thần để thờ. Đặc biệt, từ thực tế của cuộc sống cũng đã xuất hiện những con người khỏe mạnh, mưu lược, tài ba, giết thú dữ, cứu thoát được nhiều người, hay những người có công với dân với nước, khi chết cũng được đưa vào các miếu thờ. Tất cả đã họp thành một lớp người được tôn thờ, đó là “thần người”.
Ở Ngũ Hành Sơn, nhiều miếu thờ liên quan đến nhân vật lịch sử, đã có công với dân với nước như miếu Huyền Trân công chúa thời nhà Trần, miếu Tiến Sĩ thờ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục thời nhà Lê, miếu thờ Quan Công - người anh hùng của Trung Hoa thời Tam quốc, cùng những miếu thờ khác liên quan đến những người đã hy sinh vì dân vì nước. Cho nên, từ lâu, các ngôi miếu thờ đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
Giá trị của miếu thờ quận Ngũ Hành Sơn
Giá trị tâm linh tín ngưỡng
Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn là một trong những thiết chế văn hóa làng xã của người Việt, chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Đó là nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, sự ngưỡng vọng của mình đối với các bậc thần linh, thần người, đồng thời cũng là nơi để họ thể hiện niềm tin cùng những ước vọng của mình trong cuộc sống.
Cư dân quận Ngũ Hành Sơn chủ yếu là người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ theo các cuộc Nam tiến đã vào đây định cư. Trên hành trang thiên di của họ, ngoài những vật dụng cần thiết cho công cuộc mưu sinh, họ còn mang theo trong tâm tưởng mình những vị thần gắn liền với tín ngưỡng dân gian ở quê hương cũ đến vùng đất mới để thờ phụng. Ngoài ra, khi đến đây, bên cạnh những vị thần của người Việt họ còn đón nhận cả những vị thần của người Chăm, họ Việt hóa rồi thờ phụng trong các ngôi miếu. Về sau, có cả những vị thần người Hoa như Quan Thánh Đế Quân, Châu Thương, Quan Bình, Thái Thượng Lão Quân, Ông Tơ Bà Nguyệt,… cũng được họ đưa vào miếu thờ. Thêm vào đó, họ luôn hướng đến các vị thần, đến những người đã khuất với sự tôn trọng và lòng thành kính sâu sắc. Do đó, vào các ngày lễ tết, ngày sóc, ngày vọng họ đều hương khói, cúng tế đầy đủ nhằm tưởng nhớ, ghi công ơn các vị thần.
Việc thờ cúng ở miếu thờ cũng là biểu hiện của tinh thần nhân văn trong ứng xử với môi trường xã hội. Ví dụ như việc thờ cúng các bậc tiền hiền khai canh lập ấp cũng nhằm giáo dục con cháu đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”. Họ là những người có công khai khẩn đất đai, xây dựng làng xóm và đặt nền móng cho cuộc sống của con cháu sau này. Việc thờ cúng âm linh trong các miếu thờ cũng thể hiện tình cảm yêu thương, tấm lòng nhân ái của người dân đối với những người không may qua đời như cô hồn hay các chiến sĩ trận vong như Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã từng nhận xét: “Đền miếu Việt Nam là nơi chứng tỏ cái “lễ” của người Việt Nam (tất cả các dân tộc chứ không riêng gì người Kinh). Đâu đó vài định kiến với chữ “lễ”, cho là phong kiến hoặc là hình thức, quá hơn nửa là mê hoặc, ngu dân. Thực ra “lễ” là điều tiêu biểu văn hóa hơn cả… Tại các đền miếu Việt Nam, “sự lễ” rất được tôn trọng và phải công nhận là có tính chất Việt Nam, hợp với phong tục Việt Nam hơn cả”.19
Phần lớn lễ ở các miếu thường được tổ chức vào dịp xuân thu nhị kỳ. Thông qua hàng loạt nghi thức, nghi lễ và diễn xướng mang tính “thiêng”, người dân cầu mong mùa màng bội thu, phúc lộc đa đề. Điều quan trọng hơn là qua đó, người dân vững tin hơn vào chân lý thiện thắng ác, chính thắng tà, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo,… cho dù niềm tin ấy có phần ngây thơ, hồn nhiên như chính tâm hồn của người nông dân chân chất.
Giá trị lịch sử
Miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không những có giá trị tâm linh tín ngưỡng mà còn có giá trị lịch sử, gắn với hành trình mở cõi về phương Nam và lịch sử đánh giặc giữ nước của quân dân ta. Chẳng hạn, miếu thờ Huyền Trân công chúa (Hòa Hải) được nhân dân dựng lên với lòng biết ơn một vị công chúa đã hy sinh hạnh phúc của mình để góp phần mở mang bờ cõi Đại Việt mà vẫn giữ được hòa hiếu với vương quốc Chămpa; hay miếu Tiến Sĩ (Khuê Mỹ) thờ ngài Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, đánh dấu năm 1471, vua Lê Thánh Tông thực hiện cuộc Nam chinh bình Chiêm do quân Chiêm Thành quấy phá bờ cõi; hay trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, miếu thờ là nơi ẩn náu cho bộ đội, du kích. Nhiều khi, đây còn là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của những người hoạt động cách mạng.
Bên cạnh đó, miếu thờ còn là nơi ghi lại ranh giới giữa các làng với nhau. Chẳng hạn miếu Ông Mốc ở làng Đông Trà (Hòa Hải), nguyên nơi này trước đây là cây cột mốc phân chia địa giới giữa hai làng Trà Khê và Khái Đông, trải theo thời gian, người ta đã lập nên ngôi miếu để thờ phụng. Ngoài ra, miếu thờ cũng là nơi ghi lại chứng tích về sự lao động kiên cường của người xưa như miếu Bà Đa thờ vị Thành Hoàng là người Chăm mang họ Bà đã có công khai phá nên mảnh đất này.
Ngũ Hành Sơn ngày xưa còn là nơi diễn ra cuộc giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Chăm. Dấu ấn của nó là việc cư dân Việt cũng thờ phụng những vị thần của người Chăm trong các ngôi miếu của mình như: miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi. Qua đó cung cấp cho ta hiểu hơn về lịch sử của tộc người Chăm trên vùng đất này,…
Giá trị văn hóa, nghệ thuật
Các hoạt động văn hóa tại miếu thờ trên địa bàn Ngũ Hành Sơn thường nghiêng về phần lễ là chính. Ngày xưa tại các miếu người ta thường tổ chức thi hát dân ca, bài chòi, nhưng hiện nay chỉ còn một vài miếu lớn mới tổ chức.
Ngày cúng lễ, bà con trong xóm tập trung về sân miếu để làm công tác chuẩn bị. Các cụ già thì chuẩn bị cho việc tế lễ, những người đàn ông thì trang trí cho buổi tế, các bà, các cô thì chuẩn bị những thức cúng để dâng lên các vị thần, không khí ngày lễ diễn ra nhộn nhịp và trang nghiêm. Trong ngày này, người dân có dịp chia sẻ với nhau những công việc, những tâm tư trong cuộc sống làm cho tình cảm xóm làng thêm gắn bó, làm nên tính cộng cảm, cộng mệnh của người Việt.
Phần hội trong các tín ngưỡng dân gian ở miếu thờ thường có hai phần, gồm hát bả trạo, lễ hội đua thuyền hoặc các trò chơi dân dã. Lễ hội đua thuyền thì chỉ diễn ra ở lăng thờ cá Ông. Hát bả trạo thường diễn ra trong lễ Cầu ngư và lễ tế Âm linh. Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian độc đáo, đó là cuộc diễn hầu thần mang tính linh thiêng. Tuy nhiên, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không còn nhiều ngôi miếu có hình thức lễ hội này. Hiếm hoi chỉ có một vài nơi như lăng Ông Tân Trà, miếu Bà ở làng Đông Trà ba năm mới tổ chức một lần. Theo khảo sát của chúng tôi thì lễ hội đua thuyền chỉ thấy ở lăng Ông Tân Trà cách đây vài năm.
Như vậy, các phong tục nghi lễ, lễ hội đã thể hiện đời sống tinh thần, tâm linh của người dân nơi đây. Đặc biệt, phần nghi lễ hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị thẩm mỹ và đạo đức của cộng đồng.
Các công trình tín ngưỡng trong kiến trúc truyền thống của Việt Nam thường không hoành tráng, không lấn át thiên nhiên. Hệ không gian liên hoàn nửa mở, nửa đóng và rất chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức đều chứa đựng chất triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm kín đáo nhưng sâu lắng trí tuệ. Miếu tuy là công trình kiến trúc tôn giáo nhỏ hơn so với đình chùa nhưng vẫn mang đầy đủ những đặc tính trên. Tổ chức không gian đến kết cấu chất liệu đều đơn giản, hợp lý, và hài hòa với môi trường, vừa hòa nhập vào môi trường, vừa thích ứng với hoạt động đời sống nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Một ngôi miếu ở gò đất cao, nằm riêng biệt ở ven làng, cách ly với đời sống nhộn nhịp của người dân nhưng lại nằm lọt giữa những cây cổ thụ tạo nên vẻ thâm nghiêm, kín đáo. Như vậy, bên cạnh đình là nơi thờ các vị thần, thành hoàng làng những người có công với đất nước, chùa là nơi thờ Phật thì miếu cũng là một kiến trúc có mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống tín ngưỡng của người dân Ngũ Hành Sơn.
Những trang trí trên miếu rất phong phú với các đồ án trang trí quen thuộc như tứ linh, tứ quý, bát bửu, hoa sen,... Đặc biệt, ở vùng đất Ngũ Hành Sơn người ta thường vẽ những bức họa phong cảnh sông Cổ Cò với năm cụm Ngũ Hành soi bóng xuống mặt nước rất độc đáo, nhằm ca ngợi cảnh đẹp của quê hương. Những trang trí này vừa làm tăng thêm nét tôn nghiêm cho ngôi miếu đồng thời thể hiện những ước mong của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong mỗi xóm, mỗi làng đều có miếu thờ. Hầu như các ngôi miếu được xây mới lại ít có giá trị kiến trúc, tuy nhiên, một số ngôi miếu vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo như miếu Ông Chài (Hòa Hải), miếu Thành Hoàng, miếu Bà Chúa Ngọc (Mỹ An), miếu Tam Vị (Hòa Hải), miếu Ngũ Hành (Hòa Quý)… Với kiểu kiến trúc mái vòm, mái ngói âm dương, bờ nóc khảm sành sứ cho ta thấy đây là đặc trưng kiến trúc tín ngưỡng dân gian thời Nguyễn.
Bảo tồn và phát huy giá trị miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn
Thực trạng miếu thờ
Hiện nay, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn hiện diện khá nhiều miếu thờ. Một số miếu vẫn giữ được nét cổ kính trong kiến trúc như miếu Tam Vị, miếu Ông Chài, lăng Ông Ngư, miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi, miếu Bồ Đề,... Một số miếu khác do trải qua thời gian, bị thiên tai và cả con người tàn phá nên có miếu bị sụp đổ hoàn toàn, sau ngày giải phóng đã được người dân quyên góp xây dựng lại nên chúng mang phong cách kiến trúc hiện đại hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, vấn đề bảo tồn di tích miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện nay còn nhiều bất cập, cho dù thời gian qua quận đã thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đã tác động một cách sâu sắc, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của quận Ngũ Hành Sơn. Trong đó, việc hình thành các khu du lịch, khu đô thị và các khu dân cư mới khiến nhiều ngôi miếu phải di dời, xây lại ở địa điểm khác phần nào đã làm biến dạng hoặc mất đi, dẫn đến “tính thiêng” của di tích cũng bị giảm sút.
Mặt khác, do những biến động xã hội như dân số tăng nhanh, sự nhập cư của người dân từ vùng ven hoặc từ các tỉnh, thành khác đến cư trú cũng làm thay đổi về nếp sống tập quán, lễ hội, cách ứng xử với di sản văn hóa trong đời sống của một bộ phận nhân dân. Còn giới trẻ dường như ngày càng ít quan tâm đến những hoạt động văn hóa tín ngưỡng do ảnh hưởng của dòng văn hóa ngoại lai.
Bảo tồn và phát huy giá trị miếu thờ
Trước thực trạng đó, để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, theo chúng tôi, cần tiến hành một số giải pháp sau:
- Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động: Các cơ quan văn hóa - thông tin trên địa bàn quận cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến toàn thể nhân dân để họ nắm và hiểu rõ về giá trị của di sản miếu thờ trong đời sống hiện nay và mai sau, nhằm nâng cao nhận thức và huy động mọi nguồn lực vào việc gìn giữ phát huy giá trị di sản.
- Cần đẩy mạnh việc thực thi các văn bản chỉ đạo từ trung ương đến địa phương: Hội nghị lần thứ 5, khóa VIII, của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1998) đã xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
- Cần khẳng định vai trò, ý nghĩa miếu thờ trong cộng đồng dân cư: Có thể nói rằng, nhiều thế kỷ trôi qua, miếu thờ đã tồn tại và có một sức sống bền bỉ trong đời sống dân cư quận Ngũ Hành Sơn. Niềm tin vào các vị thần đã đem lại cho người dân nơi đây tâm lý bình yên trước những khó khăn của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của miếu thờ trong đời sống tâm linh của cư dân là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức này không chỉ đối với cộng đồng cư dân nói riêng mà còn đối với những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Đây chính là cơ sở quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của miếu thờ tại địa phương. Do đó, cần có những nghiên cứu đầy đủ, các cuộc hội thảo khoa học về vấn đề tín ngưỡng thờ thần trên địa bàn quận để có cái nhìn sâu sắc hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa nhân văn đã tích tụ qua thời gian, đây chính là cội rễ để bảo tồn đúng hướng các giá trị văn hóa có trong tục thờ.
- Đầu tư về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa các cấp: để họ có thể nhận thức được giá trị của văn hóa và các kỹ năng, phương pháp trong lĩnh vực văn hóa, bởi họ đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề triển khai các hoạt động văn hóa, đưa ra những quyết định đúng lúc và hợp lý. Điều cần thiết là cần có đội ngũ cán bộ có sự say mê nghiên cứu để không ngừng nâng cao kiến thức, tiếp thu được những yếu tố văn hóa hiện đại và có bản lĩnh bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa trong một môi trường mới. Đồng thời, họ mới có thể giúp cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa có chất lượng, tránh sự lai tạp, bảo đảm được các giá trị truyền thống của địa phương.
- Phát huy vai trò của cộng đồng là một vấn đề quan trọng và cốt lõi trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của tục thờ: Chính hoạt động của con người trong cộng đồng đã tạo nên diện mạo của nét văn hóa này, tục thờ và lễ hội sẽ được những con người hiện tại mang theo với những nét đặc trưng và sống động nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, mọi giá trị đều có thể bị biến đổi. Phải làm sao cho mỗi người dân đều nhận thấy được vai trò của chính mình trong cộng đồng, từ đó họ mới tận tâm tận lực góp sức xây dựng và gìn giữ những gì đáng quý của quê hương.
- Phối hợp việc bảo tồn và phát huy giá trị của miếu thờ với phát triển du lịch của địa phương: Hiện nay, miếu thờ trên địa bàn quận còn hiện diện khá nhiều, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa độc đáo, nhưng chúng vẫn chưa được xem như là tài nguyên du lịch có giá trị. Các giá trị văn hóa diễn ra xung quanh các ngôi miếu cần được tôn vinh và phát huy dưới góc độ kinh tế du lịch như một “tài sản văn hóa đặc trưng” để thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của du khách trong và ngoài thành phố, khách quốc tế. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn quận như hiện nay đã làm cho những ngôi miếu có niên đại hàng trăm năm tuổi phải “biến mất” hoặc thay đổi không gian mà nó từng tồn tại trong đời sống làng xã, tạo nên những lo ngại đáng báo động về đời sống tín ngưỡng dân gian. Do đó, cần có kế hoạch bảo tồn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, đồng thời khai thác kinh doanh du lịch. Việc làm này tuy không dễ dàng, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, nhưng nó có tác dụng bảo tồn văn hóa làng xã, giáo dục tinh thần dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Có thể nói, miếu thờ trong đời sống của cộng đồng cư dân người Việt trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn là bộ phận quan trọng, chủ đạo, một tổng thể văn hóa và là những di sản quý báu trong đời sống văn hóa của cư dân Đà Nẵng suốt bao thế kỷ qua. Thông qua các miếu thờ cùng những hình thức cúng tế, thờ tự, lễ hội,… phần nào đã phản chiếu được quá trình phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây từ thuở khai hoang lập ấp cho đến nay. Nó còn là biểu hiện của quá trình giao lưu và dung nạp văn hóa giữa cộng đồng các tộc người đã và đang sinh sống trên mảnh đất Ngũ Hành Sơn, nên cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong tình hình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
CHÚ THÍCH
1 http://baike.baidu.com/view/38987.htm, truy cập ngày 7.1.2013.
2 Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2010), 451.
3 Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 1996), 611.
4, 12 Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề văn hóa Việt Nam trong lịch sử, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2006), 19, 209.
5, 19 Vũ Ngọc Khánh, Đền miếu Việt Nam, (Hà Nội: Giáo dục, 2009), 10, 17.
6 Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2005), 60.
7 Toan Ánh, Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng, quyển Hạ), (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ, 2005), 143-144.
8, 10 Dương Văn An (1553), Ô châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải), (Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2009), 98-100, 98.
9 Lê Duy Anh - Lê Hoàng Vinh, Lược sử Đà Nẵng 700 năm (1306 - 2006), (Đà Nẵng: Đà Nẵng, ), 137.
11 Vũ Tam Lang, Kiến trúc cổ Việt Nam, (Hà Nội: Xây dựng, 1999), 89.
13 Chỉ có miếu Âm Linh ở tổ 59, phường Hòa Hải và quần thể miếu Ông Chài, miếu Bà Chúa, lăng Ông Ngư ở làng Hóa Sơn là có cổng tam quan
14, 18 J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), (Hà Nội: Thế giới, 2008), 104-105, 103.
15 X.A. Tôcarev, Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 1994), 21.
ĐTT