Tín ngưỡng thờ Ông Mốc ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

05.12.2017

Tín ngưỡng thờ Ông Mốc là một dạng thức tín ngưỡng cổ xưa và phổ biến tại nhiều làng quê Việt Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Học giả người Pháp Léopold Michel Cadière (1869 - 1955) cho rằng, “người Việt thờ bái các Thần Mốc, và việc thờ kính này cũng liên quan đến việc thờ cúng một số viên đá mà họ cho là nơi cư ngụ "thạch thần", hoặc như có một sức mạnh siêu nhiên”.

Tín ngưỡng thờ Ông Mốc ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

Ở Đà Nẵng, việc thờ cúng Ông Mốc xuất hiện từ lâu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ việc thờ cúng “cây cột mốc”, nguyên thủy của nó có chức năng phân chia địa giới hành chính giữa các làng hay các xã ngày xưa, nhưng dần về sau người dân đã thần thánh hóa và coi là vật linh thiêng để thờ tự. Người dân tin rằng, cây cột mốc là nơi ngự trị của thần linh dân dã và những linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa, theo thời gian, người ta dựng lên tại nơi đó ngôi miếu để thờ thần.

Vào cuối thế kỷ XVIII, J. Barrow (1764 - 1848) - một chính khách, nhà du hành và tác giả du ký người Anh, trong một lần đến Đà Nẵng, trong tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2008, đã nhận xét về tín ngưỡng này như sau:

“Người Nam Hà cực kỳ mê tín, và cũng như người Trung Quốc, việc thờ cúng của họ được thực hiện rất thường xuyên với quan niệm là để ngăn ngừa tội lỗi trong tâm tưởng hơn là hy vọng đạt được một điều tốt lành trong thực tế. Nói cách khác người ta sợ ma quỷ ác độc hơn là những thánh thần tôn kính.

Ở nhiều nơi trong nước, họ dựng lên những cọc tiêu hay cột gỗ, không chỉ nhằm mục đích đánh dấu nơi xảy ra một tai họa lớn của đông người hay của cá nhân như một cuộc thất trận, một vụ giết người hay những sự cố bất hạnh khác, mà còn được coi như để làm dịu đi cơn giận dữ của những hung thần được coi là có ảnh hưởng đến việc xảy ra tai họa.

Vì vậy, một khi trẻ sơ sinh chết đi, cha mẹ của nó cho là đã làm phật ý một quỷ thần ác độc nào đó, và họ đã gắng sức làm cho vị thần kia nguôi giận bằng những đồ cúng lễ như cơm gạo, dầu ăn, trà uống, tiền bạc hoặc bất cứ thứ gì mà họ nghĩ ra cho là thích hợp nhất đối với vị thần nóng giận”.

Trong bài viết “Lưu dấu Champa tại Cẩm Lệ”, hai tác giả Đinh Bá Truyền và Bùi Ngọc Minh cho biết, vào đầu thế kỷ XX, tại Cẩm Lệ, nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet đã tìm thấy một trụ biểu bằng đá của tháp Chăm Cẩm Bắc đang bị vùi ở dưới mương, ông đề nghị trục nó lên và sau đó nó đã trở thành cột mốc phân định ranh giới giữa hai làng Cẩm Lệ và Hóa Quê.

Trụ đá này đột nhiên trở nên linh thiêng bởi sự ngộ nhận của dân làng và nghiễm nhiên trở thành Ông Mốc, được dân địa phương và những khách qua đường dâng hương, sùng bái. Cũng theo hai tác giả này, đến trước năm 1980, trụ Ông Mốc vẫn còn, nằm gần bến đò Nga, ranh giới giữa Khuê Trung và Cẩm Lệ, trên trụ có dòng chữ: 嘉隆十二年七月二十五日 (Gia Long thập nhị niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật). Dịch nghĩa: ngày 25 tháng 7 năm Gia Long thứ 12 (tức năm 1813).

Còn ở Ngũ Hành Sơn, tại tổ 27, Đông Trà, phường Hòa Hải, cũng có một ngôi miếu thờ Ông Mốc. Nguyên nơi này trước đây có cây cột mốc bằng gỗ phân chia địa giới của hai làng Khái Đông và Trà Khê. Về sau người ta xây dựng miếu thờ Ông Mốc.

Miếu quay mặt về hướng bắc, kiến trúc như hình chiếc ấn có bốn cửa mở ra bốn hướng. Vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, khi người dân Hòa Hải tổ chức lễ cúng xóm ở miếu Cây Xoài và miếu Bà gần đó thì các cụ lớn tuổi ở hai xóm phải đem lễ vật ra cúng xin phép Ông và rước Ông về miếu dự lễ. Trước năm 2016 ngôi miếu vẫn còn, nay bị san lấp để xây dựng khu đô thị FPT Đà Nẵng.

Có thể thấy rằng, những ngôi miếu thờ Ông Mốc ở Đà Nẵng thực chất là cây cột mốc, theo thời gian, người ta thêm thắt vào đó những câu chuyện huyễn hoặc về sự linh ứng của cây cột mốc và tôn xưng nó bằng danh từ tôn kính Ông Mốc.

Người ta đã biến cây cột mốc trở thành một chốn linh thiêng, là nơi đến để cúng vái của nhiều người dân trong làng. Và tại nơi này, người ta dựng lên ngôi miếu để thờ ông. Người dân trong làng thường đến miếu Ông Mốc thắp hương vào các ngày rằm, mồng một, nhằm cầu xin cho con cháu trong gia đình ăn no, ngủ kỹ, mau lớn, dễ nuôi.

Thậm chí người ta không dám làm những việc xúc phạm đến thần, vì như thế sợ sẽ làm thần nổi giận. Trước đây, có trường hợp trẻ con đau ốm thường xuyên khó nuôi, người dân mang tên con “bán” cho Ông Mốc để Ông nuôi giúp, sau một giáp (12 năm) lại sắm lễ vật bằng hương hoa, trà nước xin được chuộc về.

Như vậy, việc thờ cúng Ông Mốc trong các cộng đồng cư dân ở Đà Nẵng luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở của cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh.

Thông qua sự thờ cúng, đã giúp họ thông quan với các thực thể, các sức mạnh siêu nhiên. Tất cả những niềm tin, sự thực hành và tình cảm tín ngưỡng của họ dành cho vạn vật đều được sản sinh và tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa kể từ khi con người họ đặt chân đến vùng đất này.

Đ.T.T