Nhà văn Trần Trung Sáng
Tập thơ đầu tay in vào năm 17 tuổi, tựa đề Vành khăn tang cho tuổi, bút danh Trần Sao Hoa. Truyện ngắn đầu tay in ở tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn cũ), tựa đề Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan, bút danh Tần Hoa. Bên cạnh công việc viết văn, anh chính thức bước vào nghề báo từ năm 1988, chuyên trách về nghệ thuật của các báo Quảng Nam - Đà Nẵng, báo Văn Hóa. Hiện nay, anh công tác tại cơ quan đại diện Tạp chí Văn Hiến tại miền trung - Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội nhà văn Đà Nẵng.
Trần Trung Sáng được đánh giá là một người tài năng và chịu khó anh đã “bao quát chữ nghĩa”, "đá" được trên cả hai sân viết cho thiếu nhi và người lớn. Nhiều tác phẩm của anh được đánh giá cao và được giải thưởng. Văn của Trần Trung Sáng dễ làm cho người đọc tương tư vì phần hoài cổ vẫn đạm sâu hơn phần phản ảnh thế sự hiện đại. Trần Trung Sáng viết nhiều về ký ức tuổi thơ, về những chuyện tình, về kỷ niệm, về những nhân vật gần gũi... Cách xây dựng nhân vật trong văn xuôi Trần Trung Sáng rất trong sáng, rất đẹp. Văn của anh luôn thể hiện tấm lòng nhân hậu, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Xuyên suốt các tác phẩm của anh là giọng điệu trữ tình, lãng mạn. Điều này chi phối cách kể, cách dàn dựng nhân vật luôn có sự đan xen, đắp đổi giữa điểm nhìn khách quan của người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật tạo nên tính độc đáo cho câu chuyện.
Đặc biệt, trong tập Ký nhân vật Hạt bụi bay xa, anh viết về 34 gương mặt văn hóa, văn nghệ xứ Quảng. Có những tên tuổi đã rất nổi tiếng như nhà thơ Tế Hanh, thi sĩ Bùi Giáng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phạm Thế Mỹ, Lê Trọng Nguyễn, giáo sư Hoàng Châu Ký, họa sĩ Vũ Giáng Hương… nhưng cũng có những gương mặt gần như bị lãng quên hoặc lần đầu được nhắc đến: nhà văn Phan Du, nhà thơ Võ Minh Trang, người nặng lòng với tờ báo dành cho tuổi học trò - nhà báo Đà Linh, nhà giáo Nguyễn Văn Anh... Mỗi bài khắc họa chân dung không quá năm trang sách, nhưng giá trị nằm ở tư liệu và kỷ niệm của chính tác giả với các nhân vật lúc sinh thời. Ngôn từ không trau chuốt, hoa mỹ nhưng đủ níu giữ độc giả bằng cái thật và sự thấu hiểu của tác giả với các nhân vật.
Ngoài làm báo, viết văn, Trần Trung Sáng còn là một họa sĩ chuyên về tranh dán giấy. Nhiều tranh của anh có trong các bộ sưu tập trong và ngoài nước. Anh đã có 2 triển lãm cá nhân: Tranh dán giấy Trần Trung Sáng, năm 1999 (Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức); Ký ức phố xưa năm 2019 (Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng và Thông tấn xã Việt Nam tại miền trung - Tây Nguyên tổ chức). Cũng ở mảng hội họa, anh còn thường xuyên hợp tác với Bác sĩ Gérard Chapuis - nhà sưu tập nghiên cứu văn hóa người Pháp gốc Việt (hiện sinh sống tại Marseille) chuyển tải, quảng bá thông tin các họa động mỹ thuật Việt Nam đến công chúng quốc tế.
Tác phẩm xuất bản:
– Ngày Chủ nhật tuyệt vời (tập truyện 1988)
- Cổ tích hoạ sĩ gù và con chim xanh ( tập truyện 1989)
- Búp bê phiêu lưu ký( truyện vừa 1991)
- Ông hoàng đu đủ( tập truyện 1994)
– Ký sự về người hoạ sĩ ở ngục tù Côn Đảo (truyện ký 1995)
– Đêm trắng phập phù (tập truyện 2009)
– Nữ hoàng nhạc Twist (tiểu thuyết 2011)
– Những cuộc hẹn bên lề (tập truyện 2017)
– Hạt bụi bay xa (Ký nhân vật 2018)
– Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu (Tản văn 2020)
Giải thưởng đã đạt được:
- Giải thưởng văn học thành phố Đà Nẵng năm 2009, tác phẩm Đêm trắng phập phù.
- Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II, 2009-2013, tác phẩm Nữ hoàng nhạc Twist.
- Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam 2017, tác phẩm Những cuộc hẹn bên lề.
- Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II, 2014-2019, tác phẩm Hạt bụi bay xa.
- Giải thưởng văn học Đà Nẵng 2018, tác phẩm Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Trung Sáng
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Trung Sáng
Ngoài ra, Trần Trung Sáng còn nhận được các Giải thưởng về truyện ngắn, bút ký của báo Tuổi Trẻ, báo Văn Hóa, Hội nhà báo thành phố Đà Nẵng…