Tương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu Bích
Rất nhiều nhạc sĩ đã gửi gắm vào ca khúc của mình những tình cảm sâu nặng qua ca từ và giai điệu thấm đẫm trữ tình, lãng mạn với Huế. Riêng đối với nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, sống xa Huế từ lâu, gần năm mươi năm qua anh chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai, anh đã cho ra đời nhiều ca khúc mượt mà đi vào lòng người nhưng ca khúc Tương tư Huế là anh tâm đắc nhất.
Suốt quãng đời hằng nửa thế kỷ sống tha phương, thi thoảng anh lại về thăm Huế, song tình yêu tha thiết với quê hương nguồn cội vẫn đau đáu trong anh, Huế vẫn luôn sâu thẳm trong tận cùng trái tim anh. Chính nỗi nhớ ấy đã len lỏi theo anh vào từng câu ca tiếng đàn, dù viết về vùng đất khác song vẫn nghe thoang thoảng âm hưởng giai điệu Huế. Có lẽ vì thế mà hầu hết ca khúc của anh dễ làm rung cảm trái tim người nghe với chút dịu ngọt, say đắm, lửng lơ trong mỗi âm giai.
Tương tư Huế là nhan đề ca khúc duy nhất viết về Huế mà anh ưng ý, chỉ với ba từ đơn giản song chất chứa nỗi mong nhớ miên viễn chôn vùi sâu kín trong trái tim sầu muộn từ bao lâu, ngỡ rằng đã mãi mãi lãng quên. Rồi một ngày về thăm Huế thương, cảnh cũ còn đây mà người xưa xa khuất, anh ngỡ mình chìm theo giấc mơ xưa.
Có phải là mơ không chiều nay tôi về lại
Đặt trái tim mình giữa lòng phố Huế yêu thương
Năm xưa ai hát không vô trong nội nhớ hoài
Chừ tôi yêu Huế tương tư đã mấy mươi mùa
Ca khúc vang lên ở giọng Sol trưởng, nhịp 2/4 khắc họa hình ảnh tác giả lang thang lê bước tìm về quá khứ của một thuở dại khờ. Nội dung câu hát phảng phất bóng dáng đơn côi của chàng trai ngày trở lại Huế xưa tìm về dĩ vãng lẩn khuất như những vần thơ Ngày xưa Hoàng thị, một thời làm chao đảo bao trái tim lứa tuổi học trò.
Về đây tôi nhớ áo dài nón lá nghiêng che
Một thời Tôn Nữ em làm đau trái tim tôi
Tóc thề mắt biếc nay đâu? Gót sen còn bước qua cầu
Để màu áo tím giăng sầu trong mắt ai
Người tình đã xa, cuộc tình đã qua.
Gió đưa rụng hạt sầu đâu, thương tôi ngồi hát, tình tôi một mình
Với hòa âm dung dị, giai điệu giản đơn, không vận dụng chút thủ pháp sáng tác hoa mỹ, song với tình yêu chân thật che lấp bao năm, nay chợt hiện về da diết trên miền đất sông Hương núi Ngự đã ẩn hiện trong tâm tư anh, đeo đẳng như mối tương tư không dứt để cảm tác nên những giai điệu đầy lôi cuốn, thể hiện nỗi đợi chờ vô vọng trong hoài niệm.
Có hẹn cùng ai mô mà răng tôi cứ đợi
Đợi bóng con đò đưa ai về trên bến sông Hương
Thương thương nhớ nhớ lang thang tôi nhặt lá vàng
Tìm trong cơn gió hương xưa của Huế hôm nào
Yêu cố đô nồng nàn da diết, song vì cuộc mưu sinh cùng gia đình, hoàn cảnh sống xa Huế đã lâu, càng làm khắc khoải trong từng ngõ ngách tâm hồn chàng trai xứ Huế mộng mơ ngày nào, để rồi trong một chiều về thăm phố Huế thân thương, chìm trong nỗi buồn đau quặn thắt về một bóng hình xa khuất, trong anh chợt hiển hiện lên giai điệu khúc ca Tương tư Huế thấm đậm ân tình.
Ngày xưa xa Huế quê người sương gió hai vai
Nợ nần cơm áo lối về sao quá xa xôi
Thân gầy chiếc bóng tha hương
Nắng mưa bạc áo phong trần
Nhiều đêm tôi khóc âm thầm tôi với tôi
Đừng buồn Huế ơi! Đừng giận Huế ơi!
Cuối cùng, trong nỗi cô đơn lẻ bóng anh lang thang như kẻ si tình mong Huế thứ tha cho những lần lỡ hẹn của người con tha hương. Yêu thương xứ Huế ngút ngàn nhưng do cách trở, ngày quay về chút hương xưa chỉ còn là kỷ niệm. Ca khúc phảng phất chút bi lụy song thật dễ cảm thông cho tâm hồn đa cảm của tác giả.
Trái tim tội nghiệp là tôi, hôm nay về Huế, mồ côi một mình
Đừng buồn Huế ơi, đừng giận Huế ơi!
Đừng buồn Huế ơi, đừng giận Huế ơi!
Có thể nói, Duy Khoái thuộc trong số hiếm hoi tác giả liên tục đạt giải thưởng cao tại các cuộc vận động sáng tác âm nhạc của Trung ương và địa phương với các ca khúc đậm tính ngợi ca. Song khi viết về Huế trong nỗi niềm của người con xa xứ, tấm lòng luôn khắc khoải hướng về quê hương dấu yêu với tình cảm trân quý. Tất cả được thể hiện trong từng câu ca chân thành được nâng niu, trìu mến cùng nỗi mê đắm lặng thầm không chút ngợi ca thường tình song vẫn có sức thu hút lạ kỳ, đậm chất Huế như những mảnh ghép đầy gợi nhớ từ trầm tích lắng đọng tận thuở xa quê.
Tương tư Huế được nhiều ca sĩ thể hiện trên sóng DRT, VTV Huế..., riêng giọng ca Hồng Vân - quê Hòa Tiến, thành phố Đà Nẵng, hiện là sinh viên Học viện âm nhạc Huế biểu diễn lần đầu tiên tại Liên hoan âm nhạc khu vực Tây Bắc năm 2016 đã đạt giải thưởng cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt mới đây vào cuối năm 2017, Tương tư Huế lại được đông đảo công chúng Đà Nẵng đón nhận nồng nhiệt khi ngân vang trên sân khấu chương trình kỷ niệm 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.
V.T.B