Tiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang Thiều
(Lời giới thiệu tập thơ của 20 tác giả nữ Đà Nẵng NHƯ TIẾNG BIỂN ĐÊM, NXB Hội Nhà văn 2017)
Như một sự may mắn, tôi được đọc tập bản thảo của các nhà thơ nữ Đà Nẵng. Và trong những ngày này, ở những khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi của mình, tôi chợt nghe những tiếng thì thầm đâu đó vọng về và không rời bỏ tôi. Rồi tôi nhận ra tiếng thì thầm ấy giống như tiếng sóng biển đêm. Những đợt sóng vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa dịu dàng vừa dày vò, vừa thẳm xanh vừa bạc trắng...cứ từng đợt dội về làm tôi thao thức trong suy tưởng. Tôi đã nghe tiếng thầm thĩ của biển đêm hàng ngàn lần. Và lần nào tôi cũng thấy mình trôi trong một cảm giác xao động lạ thường. Đấy chính là tiếng vọng lại của những bài thơ trong tập thơ này. Những câu thơ giản dị, da diết, dày vò và đầy khát vọng đẹp đẽ nhưng âm thầm đã làm lên nhịp điệu lạ kỳ. Trong nhịp điệu lạ kỳ ấy, tôi nhận thấy sự lặng thầm nơi đáy đại dương và sự ngân vang trên những con sóng.
Đó là tiếng thầm thĩ của những câu chuyện về chiến tranh. Chiến tranh đã chấm dứt hơn bốn mươi năm, tôi đã tiếp xúc với nhiều cựu binh của cả hai phía Việt Nam và Mỹ và nhận ra rằng: những mất mát đau thương từ cuộc chiến tranh này hay mọi cuộc chiến tranh trên thế gian ở lại trong lòng những phụ nữ lâu hơn có khi theo họ đến hết cả cuộc đời. Trong một đêm nào đó, những tiếng thầm thĩ vọng về ngôi nhà của những người phụ nữ cho tới sáng.
Đưa em về
Nghe gió biển quê hương
Mẹ lui tới nỗi cô đơn dịu, vợi
Xót thân xác bốn hai năm lạnh lẽo
Rừng Trà Đông chớp giật mưa nguồn
(Thủy Anh)
Những câu thơ của nhà thơ Thủy Anh không làm cho tôi đau đớn như thời gian trong chiến tranh mà làm cho tôi suy ngẫm về thế gian nhiều hơn. Có lẽ chúng ta đã đủ thời gian để suy ngẫm về cuộc chiến này. Chính thế mà trong tiếng thầm thĩ ấy, tôi luôn hình dung những người phụ nữ thức giấc, lắng nghe và lặng lẽ sắp xếp lại những “đồ đạc ký ức” trong ngôi nhà tâm hồn của mình. Tôi luôn nghĩ tới hình ảnh đó qua bà tôi, mẹ tôi và qua những người phụ nữ mà chúng ta biết trên cõi đời này. Những nỗi đau trong tâm hồn người phụ nữ thường biến thành ngọc trai. Nó cho chúng ta cảm nhận nỗi đau đớn trong chính vẻ đẹp của nó. Bí mật nào làm lên điều ấy? Tôi biết những ai đồng cảm với tôi lúc này sẽ có câu trả lời riêng của họ.
Người trở về từng ngày
Trong ngôi nhà có ô cửa đời mình
(Ô cửa chật hẹp một đời không qua hết)
Cầm trên tay đóa hoa hình trái tim
Cắm đầy bình đêm
Đặt cược niềm hạnh phúc
Nhịp đập thời gian
Khói bay mù xa vắng
Phía mỗi căn nhà chúng ta
Cánh cửa mãi đợi chờ.
(Vô Biên)
Cám ơn nhà thơ Vô Biên đã cho tôi hiện ra trong cảm xúc của một đứa trẻ, của một chàng trai và của một người đã già khi đọc những câu thơ ấy. Tôi thấy tôi đang trở về đứng trước một cánh cửa, trước ngôi nhà của mình sau mỗi chuyến đi buồn vui trên cõi đời. Mọi câu chuyện lớn lao nhiều khi lại diễn ra khi ta bước qua cánh cửa ấy. Một câu hỏi về hạnh phúc và cũng là câu trả lời về hạnh phúc đã vang lên thật khẽ như tiếng cửa mở nhưng vọng mãi. Có lẽ lúc này, chỉ có thi ca và chỉ có một cách nói của sáng tạo hình ảnh thực sự của thi ca mới làm cho tôi ám ảnh về những ô cửa của ngôi nhà như thế. Và có lẽ đó chính là cách nói của một người phụ nữ, thật bình dị nhưng thật sâu rộng.
Nếu chỉ đọc qua, nếu không có khả năng hòa vào đời sống của những bài thơ trong tập thơ này, tôi có thể đi qua và không nhận ra được rằng: những câu thơ vang lên như những lời thầm thĩ của biển đêm ấy lại chỉ cho ta nơi chốn của hạnh phúc.
có thể chẳng điều gì đổi thay
những ngày không gặp nhau
mùa đông vẫn đầy đôi mắt
và em vẫn cố giữ nhịp đập con tim mình
đều đặn
bằng tất bật với những điều vô nghĩa
(Đoàn Minh Châu)
Tôi phải thú nhận rằng, một thói quen tồi tệ của tôi và của vô vàn người khi đọc thơ của các nhà thơ nữ là hay bàn đến “tính nữ” trong thơ nữ. Khi nhà thơ Đoàn Minh Châu viết: “ Và em vẫn cố giữ nhịp đập con tim mình đều đặn/ bằng tất bật với những điều vô nghĩa”. Câu thơ tôi vừa dẫn chẳng mặc định một điều gì gọi là “tính nữ” nhưng lại phải thừa nhận rằng chỉ có người phụ nữ mới có khả năng tìm thấy “ý nghĩa” từ “những điều vô nghĩa”. Hay khi nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào viết: “ Chiều nay đưa nhau về chốn bình yên/ để nhìn vùng trời chớm nắng” thì tôi nhận thấy chính những người phụ nữ mới là những người xác lập các giá trị của hạnh phúc trong cả những mơ hồ của họ.
Gió hãy đến với tôi
ôm tôi thật chật
hãy hôn tôi
và đưa tôi đi.
(Khánh Hồng)
Sau câu thơ cuối cùng của nhà thơ Khánh Hồng trong đoạn dẫn trên, tôi thấy có một ngàn con đường đi về ngàn hướng. Và tôi phải chọn lựa một trong ngàn đường ấy. Thơ thế giới trong cả một thế kỷ qua đã tước bỏ đi những mỹ từ một cách không thương tiếc. Bởi càng xa những mỹ từ người ta càng tới gần sự thật. Nhưng có một sự thật về việc đọc thơ của chúng ta lâu nay lại bị những mỹ từ đánh lừa cảm giác. “Và đưa tôi đi” sẽ dễ bị “quy chụp” thiếu tính thơ hoặc chỉ là một câu văn xuôi. Nhưng Charles Simic, nhà thơ Thi bá của nước Mỹ nói “Cái gọi là tính thơ chính là kẻ giết chết thơ”. Còn Joseph Brodsky, giải Nobel văn học, viết: “Thơ ca gần với tiếng nói đời thực nhất “
Những cơn gió gợi màu non tơ thổi ngoài những mùa xuân
Thổi ngoài một chiếc cốc đựng tràn tóc xanh
Đôi bàn tay bưng bầu mắt mỏi
Giới hạn của mùa xuân quẩn quanh cơn gió
Con đường chúng ta đi qua nắng mọc dài những sợi y hệt mưa nhiều đêm thay bằng ánh sáng
mềm của trăng
Mỗi lần em nhắm mắt lại nơi ấy lại trổ ra một bông hoa
Mùi hương buồn đến nỗi em nghĩ mình vừa lại nắm tay nhau lần cuối
Nỗi buồn thường tình như mắt em
(Bách Mỵ)
“Mỗi lần em nhắm mắt lại nơi ấy lại trổ ra một bông hoa”. Sau câu thơ này, tôi đã nhắm mắt và tôi thấy hiện lên vô vàn những bông hoa. Sự nhắm mắt ấy chính là trí tưởng tượng của con người, chính là một cách cho ta trở về quá khứ và dẫn ta tới tương lai, và đó chính là một phép thiền định. Những câu thơ của nhà thơ Bạch Mỵ luôn phá vỡ những biên giới của ngôn từ và của hiện thực.
Những câu thơ năm chữ của nhà thơ Võ Thi Nhung làm tôi đọc lướt qua lần đọc đầu tiên bởi tôi bị thói quen đối diện với sự “mượt mà” của thể thơ này lâu nay. Nhưng tôi đã dừng lại. Một cái gì đó đang vang lên buồn bã và thật đẹp. Một tiếng thầm thĩ nhói đau nhưng lại giống như một làn mưa ấm tháng Giêng. Sự ly biệt đâu phải là bóng tối. Trong sự ly biệt này lại rực ấm lên cảm xúc thương nhớ của người với người.
Năm nay Xoan nở sớm
Giêng hai mãi lạnh phùn
Hoa rơi ngón tay buốt
Xuân trượt dài cô đơn
Em về miền sám hối
Lời kinh buông nhẹ lòng
Thương một mùa Xoan tím
Đã vội vàng sang sông
(Võ Thi Nhung)
Đến lúc này, đoạn này, tôi thực sự tin rằng việc tôi cảm nhận những câu thơ trong tập thơ này là tiếng thầm thĩ của biển đêm là có lý do. Những ai đã nghe tiếng biển đêm nhiều lần hãy nghe lại trong tâm tưởng của mình để chia sẻ với tôi về những câu thơ của các nhà thơ nữ Đà Nẵng. Hãy nghe tiếng thầm thĩ trong chốn tĩnh lặng của tâm hồn nhà thơ Ngô Thị Thục Trang, lời thầm thĩ buốt nhói của một kẻ rời bỏ chốn quê nhà, rời bỏ những vẻ đẹp giản dị nhưng không gì có thể đánh đổi. Những câu thơ như vang lên trong nức nở của một cô bé trước mẹ. Những câu thơ bóp nghẹt trái tim người đọc.
mẹ ơi
vì sao là cánh mua hồng mà con xa mãi gò đồi
mẹ có nhớ vì sao con bỏ mẹ, con vào phố một mình kẹt lại một mình
con đi tìm gì hả mẹ
con tìm gì tìm gì
sao không quay trở lại
sao chỉ gặp quê nhà hun hút chuỗi mê
(Ngô Thị Thục Trang)
Một vẻ đẹp tinh khiết, run rẩy và mãnh liệt hiện ra ngập tràn trên những câu thơ như những con đường của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Đọc thơ chị lâu nay, tôi luôn thấy những bông hoa nở trong bóng tối của mọi nơi chốn. Những bông hoa tỏa sáng và vang lên âm nhạc trong cả tuyệt vọng của chính nó.
chúng ta đi cùng những bông hoa đang ngủ
cảm xúc cũng đang ngủ yên
những ngón tay trên những ngón tay thì thầm kể
về một miền đồi bao la
chúng ta im lặng lắng nghe
đường đi của những ngón tay
dẫn chúng ta
vào tận cùng ma mị
khi mọi thứ bị cấm đoán
vẫn có những con đường
dẫn ta đến
những giấc mơ
những ngón tay thì thầm đánh thức
thấm đẫm chúng ta tất cả dịu dàng
(Đinh Thị Như Thúy)
Và đây là những câu thơ của nhà thơ Hoàng Thị Thương:
Trong căn phòng trống
Tôi học im lặng
Con thằn lằn tặc lưỡi thông dịch
Tiếng nói của những bức tường
Căn phòng trống,
Đầy thứ bụi mang về
Tôi,
Kẻ sẽ thành bụi
Ngồi chơi với bụi
Trong bữa tiệc vô ngôn.
Những câu thơ thật mới mẻ và bất ngờ. Những câu thơ cho thấy tự do của trí tưởng tượng là vô tận nhưng lại chặt chẽ như một bài Đường luật. Tôi cảm nhận được nỗi cô đơn trong những câu thơ trên của nhà thơ Hoàng Thị Thương, một nỗi cô đơn biến căn phòng có bốn bức tường (giới hạn) thành vô tận.
Tôi không thể dẫn hết những câu thơ, những khổ thơ và những bài thơ đầy ám ảnh trong tập thơ này. Và thêm một lần nữa, tôi sẽ được những tiếng thầm thĩ như tiếng biển đêm về cuộc đời này với bao câu chuyện. Đó là những tiếng nói thế gian về mọi phận người mà khi đọc tập thơ này tôi mới nghe được rõ hơn.
Hà Đông, 15 tháng 12 năm 2017
N.Q.T