Long lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh Thuyên

16.03.2018

Long lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh Thuyên

Chẳng phải đến bây giờ, mà ngay thời tiểu học Đà Nẵng đã rót vào tôi những giọt tình long lanh dịu ngọt. Giọt tình đau xót. Giọt tình thương cảm. Qua người thầy đáng kính đầy tình yêu nước đã truyền lửa cho tôi qua những giờ học  môn lịch sử.  Bởi người Pháp khi xâm lược nước ta, những quả đại bác đầu tiên của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha  đã nã vào thành phố tráng lệ này. Cụ thể là thành An  Hải và Điện Hải, vào rạng sáng ngày 1/9/1858. Cuộc chiến dằng dặc kéo dài đến những chín mươi sáu năm. Rồi đến ngày 6/3/1965, Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên cũng đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê, nhằm mở ra cuộc chiến tranh khốc liệt, tang thương vừa qua. Đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của họ vào miền Nam. Dấu ấn lịch sử bi thương của dân tộc xảy ra đầu tiên ở nơi này. Vết sẹo lịch sử đầu tiên của hai cuộc chiến tranh xảy ra cũng ở nơi này. Cho thấy vị trí địa lý chính trị của Đà Nẵng quan trọng, đặc biệt như thế nào. Những người con dân nước Việt nào mà không ghi nhớ, khắc sâu sự kiện ấy chứ.

Tôi có đến hai lần đi ngang Đà Nẵng, vì nhiều lý do không ghé được. Niềm khát khao tuột mất trong nuối tiếc. Và giữa tháng 11 năm 2017, tôi đã đến Đà Nẵng. Thời gian dài đến những hai tuần, trong lần dự trại sáng tác văn học. (Do Hội Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre tổ chức). Với ngần ấy thời gian tạm đủ để tôi cảm nhận, để yêu mảnh đất Đà Nẵng đầy năng lượng, tràn trề sinh khí như chàng trai trẻ cần mẫn tập thể hình vậy. Và tôi cũng mang tâm trạng như nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Mỗi lần đi dự trại sáng tác tôi đều có một cảm xúc riêng. Song lần dự trại sáng tác ở Đà Nẵng, lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc vừa rất riêng vừa rất đặc biệt. Khi đoàn chúng tôi đi tham quan Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, Thánh địa Mỹ Sơn và Bảo tàng Đà Nẵng. Chính quyền ở đây rất có lý khi cho xây dựng Bảo tàng của thành phố trong thành Điện Hải ngày nào. Phía trước là tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố cao chọc trời bên con đường Trần Phú thênh thang, diễm lệ. Đi qua các nơi vừa kể, cũng như qua sách báo, tôi khái quát được phần nào về chiều dài văn hóa, lịch sử ở chốn này. Người Chăm, người Hoa cũng như người Kinh qua nhiều thế hệ đã dày công vun đắp góp phần cho hai chữ văn hiến rạng ngời. Điều rất đáng lưu ý là Bảo tàng Đà Nẵng bày trí trong không gian rất hài hòa. Từ cổng thành bước vào, tượng đài dũng tướng Nguyễn Tri Phương, Tổng chỉ huy của Triều đình nhà Nguyễn sừng sững, kiêu hãnh như ngày nào ông cùng ba quân tướng sĩ ngoan cường, chống lại giặc Pháp xâm lăng, đánh chiếm Đà Nẵng. Bước qua cửa Bảo tàng, khách tham quan liền bắt gặp bức phù điêu sơn son phết vàng ánh lên niềm kiêu hãnh. Diện tích thật hoành tráng, rộng chừng hai mươi mét vuông. Hình ảnh Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) cao chừng ba mét, làm chủ đạo, cùng ba quân tướng sĩ mang cung tên, giáo mác ra trận thật oai phong. Không ít văn nghệ sĩ trong đoàn chúng tôi đều tập trung, phấn khích chụp ảnh, ghi lại bức phù điêu và sắc dụ của vị vua anh minh này gửi cho Lê Cảnh Huy, viên quan trấn thủ biên giới năm 1473, được ghi dưới bức phù điêu đầy trang trọng. Sắc dụ như sau: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải cương quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

Sắc dụ ấy đến bây giờ hãy còn nguyên giá trị. Thiết nghĩ, sắc dụ đanh thép, đầy kiên quyết kia không những vua Lê Thánh Tông gửi cho Lê Cảnh Huy mà còn gửi cho dân tộc ta hôm nay và cả mai sau vậy.

Trong sự kiện lịch sử “Mùa Hè đỏ lửa”- 1972, cả gia đình của thi sĩ Đình Thu từ Đông Hà, Quảng Trị chạy vào thành phố Đà Nẵng lánh nạn đến những ba năm. Và anh có gần ba mươi năm sống và làm việc ở Bến Tre. Anh cho rằng người Đà Nẵng nói riêng, người Ngũ Quảng nói chung với người Bến Tre gần như là một. Từ tính cách, tình cảm, lời ăn tiếng nói, đến tập quán văn hóa, hay xây dựng nhà ở không khác xa nhau mấy. Đến cây rơm bên nhà với đôi ba con bò nhởn nhơ nhàn hạ nhai rơm ở Bến Tre cũng là hình ảnh xứ miền Trung của Đà Nẵng thân thương, ruột thịt. Nên anh sống ở Bến Tre cũng như anh đang sống ở quê nhà. Thật vậy, trong gia phả, tộc họ Đinh, họ ngoại của tôi còn ghi lại, tổ tiên tôi từ vùng đất khô cằn đầy dông bão cũng từ mảnh đất này ba trăm năm trước đi ghe bầu vào Bến Tre để tìm đất sống. Vậy nên khi ra Đà Nẵng cũng có nghĩa là tôi trở về cố quán. Về với tổ tiên. (Vì tôi nghĩ rằng, rất có thể hài cốt của cha ông tôi hòa vào lòng đất ở nơi này).

Nhà văn, nhà báo Kim Liên, cùng gia đình du lịch Đà Nẵng trước đó ba tháng, nhưng khi nghe tin được mời đi dự trại sáng tác ở đây chị lại mừng vui khôn xiết. Nôn nóng chờ ngày trở lại. Chị say sưa “tuyên truyền” cho Đà Nẵng về danh lam thắng cảnh từ Khu du lịch Bà Nà, chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn... về tính cách người Đà Nẵng như một nhà nghiên cứu văn hóa, hay hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Có lẽ tạng người chị hạp với chất giản dị, nhiệt thành, không khép kín... của người Đà Nẵng cũng như thiên nhiên, văn hóa lịch sử ở đây đa dạng, phong phú mang một nét rất riêng. Có phần khác với sự kỹ tính, dè dặt, quý phái kiểu hoàng tộc của người Thừa Thiên cảnh sắc Huế. Cho dù “hai người hàng xóm” này cách nhau chỉ ngọn đèo Hải Vân. Thật vậy. Và, điều đặc biệt là giọng nói của họ cũng rất khác nhau. Nếu Huế thuần Việt thì Quảng Nam - Đà Nẵng đa văn hóa, đa sắc tộc hơn nhiều. Bởi nơi đây giao thoa hai nền văn hóa Chăm  - Việt mà ảnh hưởng cả nền văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản. Minh chứng là những thương buôn của họ ba bốn trăm năm trước đã đến đây hàng nhiều thập niên. Từ đó họ để lại di sản kiến trúc tầm thế giới - Đó là phố cổ Hội An. Thành phố này chỉ cách trung tâm Đà Nẵng ba mươi ki-lô-mét. Tất nhiên Đà Nẵng cũng đậm đặc văn hóa Tây phương do lịch sử để lại. Vậy nên sự hòa quyện văn hóa ấy tạo cho người Đà Nẵng tính cởi mở, phóng khoáng như  sông, mở lòng như biển. Và điều đặc biệt là, dù người thành thị nhưng họ không hề có chất thị dân. Chúng tôi đến chợ Non Nước, chợ Hàn... để mua sắm, đều cảm nhận sự thành thật,  mở lòng của họ rất chân quê một cách đáng trân trọng, lưu lại đến ngọt ngào. Tránh mưa, tôi với họa sĩ Đặng Văn Long vào quán dưới chân núi Non Nước, nhâm nhi ly cà phê. Hỏi cô chủ quán gần đây có quán mì Quảng nào không? Cô vừa “thưa có” vừa nhanh chân chạy sang đường mang về dùm cho chúng tôi hai tô. Trời lạnh, cái đói nhắc nhở, tôi ngại ngần nhờ cô gọi thêm hai vắt bánh. Cũng dáng vẻ nhanh nhẹn ấy cô mang về như con thoi. Tạnh mưa, nhờ cô chủ quán cà phê gọi chị chủ quán mì Quảng sang tính tiền. Hai tô mì sáu mươi ngàn. Hai vắt bánh cương quyết không tính. Vậy là chúng tôi nợ cả hai chị chủ quán, nợ người Đà Nẵng một chút tình thật đằm thắm, dịu ngọt.

Đà Nẵng còn ràng buộc tôi thêm một chút tình nồng ấm. Đó là đi qua nhiều con phố tôi bắt gặp thương hiệu dừa xiêm Bến Tre. Từ bán trong các quán nước đến xe lưu động. Có cả kem dừa, thạch dừa cũng được bày bán. Rồi kẹo dừa Bến Tre. Có cả đũa dừa Bến Tre nữa chứ. Vào chợ Hàn, tôi tìm mua bộ đũa về vừa để dùng vừa làm kỷ niệm. Cô chủ rất trẻ và xinh “chào hàng” với tôi bằng bộ đũa dừa Bến Tre. Tôi kêu ... trời! Và cô chủ ấy cũng “kêu trời”. Như thể thay cho lời xin lỗi cô tràn ra một câu thành ngữ: “Suýt nữa em cho anh “Gánh củi về rừng” rồi”. Như vậy đó, làm sao tôi “làm ngơ” với Đà Nẵng cho được.

Cùng đoàn thuê xe tắc-xi đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác mãi cũng chán. Tôi với họa sĩ Đặng Văn Long bèn thuê xe mô-tô, nhiều ngày rong ruổi khắp nơi cũng như ra biển Mỹ Khê để ngắm và uống cà phê. Cà phê ở thành phố này rẻ ơi là rẻ, như ở vùng quê Bến Tre. Đâu đâu cũng giá cả như nhau. Cà phê đen: Mười ngàn. Cà phê sữa: Mười hai ngàn. Muốn bồi dưỡng, gọi ly sữa nóng to đùng. Giây lát, cô chủ quán xinh đẹp, hơi cúi người đưa hai tay cung kính ra nhận mười ngàn. Cái chân thật, lịch sự của thành phố du lịch này là ở chỗ đó. Vậy nên được khắp nơi xưng tụng là “thành phố đáng sống” cũng không ngoa. Hay như được Tạp chí Forbes bình chọn biển Mỹ Khê cát vàng ánh, nước xanh trong văn vắt là một trong sáu bãi biển đẹp nhất thế giới cũng không ngoa. Người mua bán ở đây họ không hề có ý thức “chặt, chém” gì, dù biết chúng tôi là khách phương xa. Điều khá thú vị là các điểm du lịch bán vé rất hời hợt. Dựa vào sự tự giác, chân thật của du khách là chính. Vé bán cho người ngoài sáu mươi tuổi được giảm 50%. Đoàn du khách tự khai số người được giảm, nhân viên không hề kiểm tra giấy tờ để làm tin. Hay như tôi với họa sĩ Đặng Văn Long đi chơi Ngũ Hành Sơn. Cô nhân viên nhớ họa sĩ Long mấy hôm trước đã đến mua vé rồi, khi trở lại dù là có tôi mới tới cũng không bán vé. Họa sĩ Long thuyết phục thế nào cô cũng lắc đầu. Ngũ Hành Sơn có chùa Tam Tôn, có động Huyền Không, có động Vân Thông đẹp đến lịm người. Tình cờ gặp chị Lam bán hàng, tóc đã ngả màu, cùng đồng hành lên dốc núi. Chị giục chúng tôi ngồi lại ghế đá nghỉ chân. Chị huyên thuyên, kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết, về chuyện vặt ở quanh ngọn núi huyền thoại  này thật chân thành, gần gũi như người thân lâu ngày mới gặp lại. Từ việc mua bán đến việc nuôi con chó, con gà thật là chi tiết: “Gà nuôi quen tính, quen nết, thương lắm, không thể cắt cổ ăn thịt. Chẳng thà bán đi”. Giọng thì thầm như người chị đáng yêu. Con chó nghịch, giỡn, chụp con gà, dù không chết, chị không nỡ đánh bằng roi. Lấy tờ báo xếp lại, đánh. Chị còn... nói Nho: “Trị quân tử trị bằng cọng lác. Trị tiểu nhân, trị bằng cây trúc”. Vậy là chị cho rằng con chó cưng của chị là... quân tử rồi. Chị gọi gia súc bằng hắn, bằng mi, xưng ta một cách hồn nhiên. Hẳn là chị yêu chúng nó lắm. Chị Lam vừa nói mắt chị vừa rưng rưng, giọng chị cũng rưng rưng đầy thương cảm. Giọng người quê tuy khó nghe nhưng mộc mạc, nhiệt thành nên gợi cảm, dễ thương làm sao!

Đi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Trời còn sớm. Cả đoàn ghé Đại Lộc uống cà phê. Chị chủ quán Hương Lài phốp pháp, duyên dáng, sôi nổi, hướng dẫn đoàn đường đi nước bước thật tỉ mỉ. (Dường như chị chưa có chồng thì phải). Khiến cho nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên khi quay về quyết định ghé lại... chưa từng có... tiền lệ. Cả đoàn đều hân hoan, đồng ý. Tiếc thay, chị chủ quán tốt bụng, vui vẻ này đi vắng. Cửa đóng then cài, khiến cho cả đoàn ngẩn ngơ!

Nói đến Đà Nẵng là nói đến Quảng Nam. Dù Đà Nẵng được tách ra từ Quảng Nam khá lâu. Nhưng ngoài mặt địa lý, hành chánh hai địa phương này chỉ là một. Nơi đây có một vị trí văn hóa, vị trí lịch sử rất đặc biệt. Rất giàu truyền thống văn hóa và mang dấu ấn lịch sử mà ai ai cũng biết tới. Từ đó không ít nhà văn hóa cất công nghiên cứu. Trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân... Đi qua nhiều vùng đất, tôi ngẫm chính nơi này mới đáng gọi nhất là “đất địa linh, sinh nhân kiệt”.

Trước khi rời Đà Nẵng, tôi với họa sĩ Đặng Văn Long quyết định thuê xe ô-tô ra biển Mỹ Khê thêm một lần nữa, để tạm biệt thành phố thân yêu này. Buổi sáng se lạnh. Không khí thật trong lành. Ngoài trời  nhiệt độ xuống đến 17 độ C. Chúng tôi thật an nhiên, khoan khoái. Trông ra biển, trông về phía bán đảo Sơn Trà thấp thoáng nóc chùa Linh Ứng, khói sóng nhẹ dâng, khói núi lan tỏa. Tôi như thấy hương linh của tổ tiên mình hòa quyện trong ấy. Lòng lâng lâng, bất giác, tôi thắp lên điếu thuốc, thả khói bay, rưng rưng tưởng niệm...

P.B.A.T

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng