Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho Khiêm

16.03.2018

 Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho Khiêm

(Đọc tập thơ “Tiếng chiều” của Xuân Cừ, NXB Hội Nhà văn 2017)

 

Vào năm 2016 sau khi in tập thơ "Lời Mây" anh Xuân Cừ tổ chức buổi giới thiệu tập có đông vui bạn hữu, bạn văn tham dự. Anh tổ chức ngay tại quán của con trai tại số 168 đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng nên tạo được không khí trang trọng, ấm áp. Tôi được mời đến dự, và đây là lần đầu tiên tôi được biết anh Xuân Cừ và thơ của anh.

Sinh ra ở vùng cát Tam Kỳ với tuổi thơ nghèo khó, vì nghèo nên anh ham học, chú tâm việc học. Ngày ngày anh phải đi bộ qua những nỗng cát bỏng lên thị xã đi học mới biết ý chí ham học biết chừng nào. Rồi quê hương chiến tranh phiêu dạt, anh ra miền Bắc làm "học sinh miền Nam", sau giải phóng anh về lại Tam Kỳ quê hương tiếp tục việc học. Thuở học trò anh có trái tim nhạy cảm, mê văn chương nhưng lại giỏi môn Toán. Hình như văn chương có sẵn trong máu anh, còn ý chí và nỗ lực giúp anh đến với môn toán học. Cuộc sống cứ thế đưa đẩy anh trải qua nhiều công việc khác nhau dường như xa lạ với thơ ca. Cho đến một ngày...

Đến một ngày anh nhận ra những buổi chiều của thời gian, những buổi chiều của cuộc sống như muốn nói với ta một điều gì đó thật bí ẩn. Mật ngôn chăng? Tiếng nói sâu thẳm đó, Xuân Cừ đặt tên là "tiếng chiều", tiếng ấy có thể từ trong lòng anh vọng ra, cũng có thể là tiếng từ xa xưa vọng về.

Thơ Xuân Cừ là một nỗi nhớ dài. Nỗi nhớ theo anh qua các vùng đất quê hương, nhớ đồng đội, bạn bè. Tất cả tình cảm nhớ thương ấy anh dồn nén vào trong những câu thơ tình. Thơ tình của anh không chỉ là những lời yêu đương, mà lớn hơn khi thơ anh chiêm nghiệm ra rằng trong cuộc sống mỗi người điều còn lại thật sự có ý nghĩa không nằm ngoài chữ tình, chữ thương.

“Phút đầu ấy lao xao trong im ắng         

Mắt đưa thơ và môi nở lời mây...

Mùi nguyên hương pha loang mùi tóc mới

Tình thăng hoa như quỳnh nở đầu đêm”.

                                    (Buổi đầu tiên)

 Đây là buổi đầu tiên nhìn ra vẻ đẹp không lời. Câu "Mắt đưa thơ và môi nở lời mây" toát lên được vẻ sâu thẳm của hai tâm hồn. Đôi mắt đưa thơ ấy, đang nhìn nàng, đắm đuối với nàng. Và đôi môi kia không phải nở nụ cười mà là "nở lời mây". Xin bạn đừng hỏi "lời mây" là gì? Ánh mắt ấy, làn môi ấy là một vẻ đẹp "nguyên hương" và có lẽ chỉ có làn hương hoa Quỳnh run rẩy bung nở đầu đêm kia mới thấu được một "mùi nguyên hương pha loang mùi tóc mới".

Tình yêu không phải lúc nào cũng được lên tiếng, trái tim thương có lúc đâu có thể ngỏ lời. Đó là nỗi đau muôn đời và từ đó mới sinh thành ra thơ, ra nhạc chăng?

“Mưa không lời

Có làm em rối

Tình yêu câm

Cháy bỏng trên môi”.

                        (Lời nguyền xưa)

Lời nguyền xưa thầm kín thiêng liêng, bây giờ đi qua hơn nửa đời người Xuân Cừ mới thổ lộ rằng có bao nhiêu năm tháng "Mưa không lời/ tình yêu câm" anh đã gửi trao cháy bỏng trong lặng thầm em có thấu? 

Trước tình yêu nhiều khi ngữ ngôn bất lực không thể diễn tả hết, nói hết mọi ngóc ngách, trạng thái yêu thương. Anh đã nhờ đến những giọt "mưa không lời" tí tách vi diệu của đất trời kia nói hộ anh một "lời nguyền". Những bài thơ mà Xuân Cừ viết hôm nay phải chăng là một cách giải mã lời nguyền xưa?

Có lẽ cũng do từ lời nguyền xưa ấy, mà mỗi người khi đi qua yêu thương đều để lại dấu vết buồn, đau, chia ly, cách trở. Như đóa Quỳnh hương. Như giấc mộng thoáng qua. Trong bài thơ "Tiếng trúc bên hồ" tôi thú vị khi Xuân Cừ dùng chữ "mơ trong mộng":

“Anh về chợp mắt mơ trong mộng

Chợt tỉnh nhìn ra mất em rồi” 

Chỉ chợp mắt thôi chứ không phải là giấc ngủ sâu. Trong khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi đó anh đã mơ mà giấc mơ này lại nằm trong một giấc mộng kia. Thế mà khi chợt tỉnh thì đã thấy "mất em rồi".

Chữ mất em rồi tác giả viết tỉnh queo, đột ngột mà tận cùng đau đớn. Em đến và đi như làn hương, như vết nắng mai.

Trong một bài thơ khác, Xuân Cừ lại chiêm bao:

“Tình ơi! Một giấc chiêm bao

Vỡ ra mới thấu trăng sao ngậm lời!”

                                    (Tình trên bến đợi)

Trong thơ xưa nay viết về giấc chiêm bao để nói về sự ngắn ngủi, mong manh của đời người, của tình yêu cũng nhiều. Hôm nay trong tiếng chiều của thơ, Xuân Cừ đã tặng cho bạn đọc thêm một giấc chiêm bao đẹp mà buồn đến nỗi trăng sao cũng phải "ngậm lời":

“Từ đây, đâu biết về ai nữa

Người ở chân mây, kẻ cuối trời

Gió rủi đường tơ hoa lỗi cánh

Suối ngàn còn lại chút dư thanh”

                                    (Còn lời xưa ấy)

Thơ Xuân Cừ là "tiếng mưa đêm" là "gió qua ngàn" vọng âm yêu thương, vọng “chút dư thanh”. Chút dư thanh ấy được gọi là Tiếng Chiều bàng bạc, mênh mang...

N.N.K

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng