Nguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình Quang

16.03.2018

Nguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình Quang

Ngày xưa, trên xứ Quảng, từ 29, 30 tháng Chạp, đì đùng tiếng pháo nổ, xì xoẹt tiếng pháo quẹt, đì đẹt tiếng pháo chuột, vi vút tiếng pháo thăng thiên, rộn rịp nhịp điệu tiếng trống con cắc-cà-rụp-cắc, cắc-cà-rụp-cắc...

Sáng mồng Một Tết Nguyên đán, gió đưa hương bông mai và lời hô ân cần mời đón:

Mùa xuân vui khắp nơi nơi

Xin mời cô bác đến chơi bài chòi

Hoặc:

Gió xuân phảng phất ngọn tre

Hai bên thôn xóm lắng nghe hô bài chòi

Ngày xưa ấy, cậu con nít Nguyễn Đáng ngồi cạnh bà ngoại hoặc mẹ và anh chị trong nhà đánh bài tới (có 6 người) hay đánh bài trùng (có 4 người). Những con bài Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ, Nhì bí v...v... Tên gọi của chúng, những hình vẽ trên các con bài cuốn hút tính tò mò của cậu.

Đi theo bà ngoại đánh bài tới ngồi ghế, ở sân đình Thanh Hà (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Lối chơi đơn giản (vì không có dựng chòi). Người chơi chia thành hai nhóm, mỗi nhóm ngồi trên dãy ghế với 4 chiếc. Chính giữa sân là nơi có ống bài cái để anh hiệu rút bài con trao cho người chơi. Một người đánh trống con dắt dần, đỡ nhịp câu hô. Câu hô con bài thường ngắn, gọn, vui:

Con bài rút ra

Đổ ruột, tụt da

Tổ cha ông đổ ruột

                                    (Con Năm rún)

Hoặc:

Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên

Ngày hai ba vợ, tối ngủ riêng góc nhà

                                    (Con Ba gà)

Hoặc:

Đùng đùng trong núi chạy ra

Nước da xam xám chính là ông voi

                                    (Con Tứ tượng)

Nguyễn Đáng nhiễm trò chơi và lối hô đơn giản ấy.

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ngành văn hóa - thông tin phố cổ Hội An tìm, dựng lại trò chơi bài chòi và hô lô tô. Ông Văn Sung cố gắng mò tìm vốn bài hô cổ. Nguyễn Đáng đem hô ở vài cụm gia đình chơi bài tới ngồi ghế tại vùng cát ven thị xã hô giúp vui, không có tiền thưởng, moi trong trí nhớ thời con nít, có được câu nào hô câu ấy. Trò chơi còn luộm thuộm, quá mộc mạc, lối hô điền câu bài chưa đủ sức thu hút người chơi.

Từ lúc có Đêm Phố cổ (14 tháng âm lịch Mậu Dần, từ 6/7/1998), trò đánh bài chòi bắt đầu được dàn dựng ổn định. Có chòi, có trống chầu, có nhóm nhạc (cò, kìm, trống con, song lan), có người mặc trang phục dân tộc trao con bài, bưng trầu cau đến chòi con trúng thưởng.

Nguyễn Đáng nhập vai anh hiệu khá chững chạc, giọng tốt, xử lý nhuần nhị ngữ khí, ngữ điệu trong hô - diễn.

Mở đầu trò chơi, thường là nói vè hơi xuân, giáo trò và dẹp đám.

Các em đừng có la rân

Để cho người lớn đến gần vui chơi

Hãy nghe tôi kể sự đời

Kể tên, kể tuổi quân bài mà chơi

Mũi to mặt đỏ là gã ông ầm

Trợt té xuống hầm là anh tứ cẳng

Nước da trăng trắng là chị bạch huệ

Một có hai kê là anh chín gối

Ba chìm bảy nổi là chị sáu ghe

Mềm mại, trữ tình với những câu:

Xưa kia, ai biết ai đâu

Bởi chưng miếng thuốc, miếng trầu nên thương

Vì tình cho dạ vấn vương

Bốn phương, tám hướng, nàng nương miếng nào?

                                    (Con Tám miếng)

Hoặc:

Biết rằng ai có mong ai

Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này?

Có sao Hôm mà chẳng có sao Mai

Hai đàng hai đứa, tình phai hoa tàn

                        (Con Bánh hai hoặc Tráng hai)

Chê trách nhẹ nhàng:

Tiếc công bỏ yến, nuôi cu

Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay

Cu đắm say nơi mũ cao, áo dài

Cu chê anh nhà dột, cu phụ hoài duyên anh

                        (Con Chín cu)

Hóm hỉnh với:

Chú giỏi sao chú chẳng đi thi?

Cứ ăn ở xó bếp, lại ngủ khì tại chuồng trâu

Chú ơi, tôi chẳng ưng đâu

Trạng không xứng trạng, tôi có hầu cũng uổng công

                        (Con Lục trang hay Lục chàng)

Chín chòi bùng nổ trận cười ồ:

Con cu ăn lúa ăn mè

Ăn chi của chị mà chị đè con cu tôi?

                        (Con Nhứt mọc hay Nọc thược)

Hoặc:

Xoa xoa chị bán mấy đồng

Chị  ngồi, để lộ cái mồng chị ra

Con quạ hắn tưởng bánh da

Hắn đớp một miếng, chị kêu la bớ trời

                        (Con Bạch huệ hay Lá liễu)

Ghép vai với cô hiệu Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Đáng cùng hô câu mới:

Người mẹ:

Con ơi, nghĩ lại mà xem

Đừng cho xấu lá, xấu nem tội tình

Vợ con vò võ một mình

Thân cò lặn lội, gia đình đảm đang.

Người con:

Mẹ ơi, con rất ăn năn

Chửi con, đánh vợ, rõ ràng  là vũ phu

Bây giờ con mới thấy mình ngu

Con như cái bát nứt, con đã hư thiệt rồi.

Người mẹ:

Bát kia mới nứt mà thôi

Lấy dây cột lại, tức thời như xưa

            (Con Bát nứt, Tám dây hay Tám nứt)(1)

Nhóm hô diễn bài chòi tài hoa, đáng yêu: Nguyễn Đáng, Lê Nga, Thu Sang, Kim Anh; ở tổ Thông tin: Thu Hương, Ngọc Huệ, Hồng Hoa, Thu Ly, Văn Quý, Phương Thủy; tổ Nhạc: Đình Tuấn (đàn cò), Văn Tuấn (đàn cò, trống, chiến), Quang Vinh (trống, sênh), Nguyễn Tiến (đàn nguyệt, hồ trung).

Anh hiệu, cô hiệu cùng bộ phận bài chòi ra Đà Nẵng, lên Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc... giúp tổ chức trò chơi và hô diễn. Lại đưa trò chơi hô diễn đến với Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Đã 9 lần xuất ngoại, giao lưu với 6 quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Hungari, Nhật Bản.

Tại Liên hoan văn nghệ dân gian Việt - Nhật ở Sài Gòn (từ ngày 7 đến 22/11/2004), công chúng say mê trò chơi, nồng nhiệt khen ngợi anh hiệu và cô hiệu.

Với các làn cổ truyền, chủ yếu là Xuân nữ chuyển hóa các biến điệu, Nguyễn Đáng hô diễn nhuần nhuyễn các làn Nam Xuân(1), Hồ Quảng(2), Xàng xê pha trộn màu sắc khéo léo. Khi hiệu phụ rút con bài, Nguyễn Đáng vừa hô vừa làm vài cử điệu, xử lý động tác hình thể, gây sự chú ý theo dõi của người chơi, cho đến khi biết đúng tên con bài.

Ngày xưa, những anh hiệu thường tự biên, kiên tại (nghĩ ra lời và hô ngay tại chỗ), Nguyễn Đáng học tập cổ truyền, sáng tác câu bài con Ba gà rút từ cốt truyện thơ dân gian Phạm Công - Cúc Hoa, để hô diễn theo lối một mình đóng nhiều vai.

Hai mái đầu xanh, phải đành mất mẹ

Tuổi dại khờ thất thểu tìm cha

Đó là các con của Cúc Hoa

Cùng chồng tên gọi chính là Phạm Công

Vì đâu thuyền tan tác giữa dòng

Ông trời gieo oan nghiệt, để vợ chồng đôi nơi

Cúc Hoa nàng đã nghỉ ngơi

Nghìn thu yên giấc, thảnh thơi phận má hồng

Thương hai con tuổi còn bé bỏng

Trên dặm đường trần, bữa đói, bữa no

Xin ăn từng bước lần dò

Tìm cha, cha ở phương nào có hay

Đêm về trong giấc nồng say

Các con tìm thấy mẹ trong vòng tay mặn nồng

À ơi… Tấn Lực, Nghi Xuân, ngủ đi các con

Ngày mai mẹ sẽ dẫn đường tìm cha

Cha con trấn giữ quan hà

Các con rồi sẽ cùng cha trùng phùng

(Tiếng gà gáy, trời sáng)

Tấn Lực, Nghi Xuân:

Mẹ ơi, mẹ ơi! Mẹ ở đâu rồi?

Hai trẻ vừa thấy mẹ ngồi bên con

Mẹ hiền thân úa héo hon

Vòng tay âu yếm ru con giấc nồng

Linh thiêng, mẹ hãy dẫn đường

Cho con được gặp tận tường mặt cha

Trần gian mẹ đã lìa xa

Khổ thân cha gánh kiếp gà nuôi con

                                    (Con Ba gà)

Lời tự biên của Nguyễn Đáng hồn nhiên cái chất dân gian.

Vốn tính hóm hỉnh, Nguyễn Đáng tự gọi là Lương Đáng vì mong tài hô diễn của mình đáng với đồng lương.

Trò chuyện với những người lãnh đạo Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vào làm việc ở xứ Quảng, tôi luôn mong anh hiệu Nguyễn Đáng chóng được tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Có tài năng, anh đã hơn 30 năm hô diễn trên sàn chơi bài chòi.

T.Đ.Q

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng