Chiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật Tuyên

16.03.2018

Chiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật Tuyên

“Siêng đi tát, nhác đi câu

Muốn mau đầy bầu, chạy về xách nhủi”.

Có lẽ nơi xuất hiện câu ca dao trên là một làng quê có nhiều đồng ruộng, và người làm ra câu ca ấy chắc chắn phải là người từng trải với thú vui đi bắt cá đồng. Tôi có thể quả quyết như thế là vì tôi biết rất rõ, nhủi cá chỉ có thể nhủi trên ruộng, trên đồng chứ không ai lại đi nhủi trên sông, trên biển. Còn nữa, hồi tôi còn nhỏ, sống ở quê, đi bắt cá đồng là việc làm mà bọn trẻ chúng tôi không đứa nào lại không biết, không mê, mê đến nỗi có nhiều bữa bỏ cả ăn để theo cá. Nếu tôi nhận đại cái câu ca trên có xuất xứ từ làng xã của mình, thì có lẽ cũng chẳng ai bắt bẻ gì, vì quê tôi ở ven sông Thu Bồn, ngày xưa cá đồng rất nhiều.

Thông thường, vào khoảng cuối tháng Tám đầu tháng Chín âm lịch hằng năm, cá từ dưới sông và từ các khe suối theo nước của những cơn mưa đầu mùa, lên đồng rồi đẻ trứng và sinh sôi, nảy nở. Chừng mấy tháng sau, khi những thửa ruộng đã gặt xong, các loại cá xuất hiện rất nhiều, nào cá rô, cá tràu, nào cá trê, cá diếc... Ở những đám ruộng sâu, đầy nước cá tụ lại thành đàn, nhởn nhơ. Ở đôi thửa ruộng, ta còn bắt gặp những đàn cá tràu con mới nở, con nào con nấy cũng mới bằng đầu que tăm, đỏ ửng, quây lại đớp bọt của cá mẹ nhả ra, làm cho cả một khoảng ruộng như có mưa. Cũng có khi, hôm trước mới thấy đám cá tràu con ở đám ruộng này hôm sau lại thấy chúng ở đám ruộng bên cạnh. Thì ra, cá tràu có một bản năng trời cho rất lạ. Khi đàn con còn nhỏ, muốn di chuyển, cá mẹ liền há miệng cho con mình chui vào hết, sau đó nó đánh thót một cú, nhảy qua bờ, vậy là cả nhà đã sang ruộng mới. Cá gáy (còn gọi là cá chép) cũng như các loại cá khác như cá diếc, cá dền, cá leo, cá thát lát… chuyên sống ở sông, thường thì lụt đến chúng mới lên đồng rồi chỉ ở lại các mảnh ruộng sâu…

Để bắt cá đồng, ở quê tôi, có rất nhiều hình thức, kẻ đi úp nơm, đơm lờ, người đi  nhủi, đi câu, thả lưới… Tôi còn nhớ, hồi chiến tranh chưa diễn ra ác liệt, nhà tôi gồm một ngôi nhà rường, ba gian, cột gỗ cùng một ngôi nhà nhỏ nằm ngang gọi là nhà dưới. Phía sau hè của ngôi ba gian có một cái chái rộng, ở đó ba tôi để nào nhủi, nào lờ, nào nơm, nào ống trúm...

Thông thường, lờ chỉ được mang ra đơm lúc trời mưa lụt và dụng cụ này được đặt ngay ở chỗ nước chảy. Cá đi theo dòng nước, trước sau cũng có con chui vào lờ. Nhiều lúc, một chú cá vào lờ, vì lo sợ nên quay đầu này, quay đầu nọ tìm cách chui ra làm cho con cá ở ngoài tưởng bạn đang đùa nên lọt tọt chui vào, thành ra có câu “Con cá trong lờ, xám lơ con mắt. Con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”.

Có một dạo, quê tôi lụt lớn, lụt ngập đồng ngập sá, sau khi nước rút, chúng tôi đi đơm lờ, bất ngờ thấy một con vật rất to, giống hệt một con trăn nhỏ đang mệt mỏi nằm vắt ngang trên bờ ruộng. Chúng tôi la toáng lên làm cho chú Huỳnh, chú họ của tôi ở gần đó chạy tới. Thì ra, đó là một con cá chình chứ không phải con trăn, một con chình chúa lâu năm, dài  phải trên mét, thân to như cái bắp chân, da lốm đốm chấm đen, chấm vàng. Đây là loại cá chỉ sông ở những đoạn suối sâu trên đầu nguồn, vì nó to quá nên dân chỗ tôi gọi là chình chúa. Giống này, hằng năm khi mưa lụt, chúng theo dòng chảy cuồn cuộn của sông, ra tận cửa biển để đẻ, sau đó đi ngược dòng để về nơi sinh sống cũ. Đàn con khi được sinh ra, cũng lặn lội, vượt mọi thác ghềnh để lên các suối sâu ở trên nguồn. Chắc trong thời gian di chuyển để đi sinh, bị nước đánh dập vào ghềnh đá nào đó nên chú chình khổng lồ trôi dạt vào đồng, đuối sức. Lần ấy, xóm tôi, nhà nào cũng được chia một phần cá chình. Ai nấy đều trầm trồ vì cá chình kho gừng thì khó mà chê được...

Đi tát thì có lẽ không cần bàn nhiều. Khi thấy ao hoặc vũng nước nào sâu mà nhiều cá thì ngăn lại, tát cạn, sau đó chỉ mỗi việc bắt cá cho vào giỏ. Còn đi câu thì có khi mang cần câu ra, mắc mồi vào rồi ngồi đợi. Nhưng có một loại câu khá thú vị là chiều chiều, mắc mồi vào rất nhiều lưỡi câu sau đó đem cắm dọc theo các bờ ruộng. Đêm xuống cá đi ăn, mắc câu, sáng ra cứ đi mà bắt. Thả trúm bắt lươn cũng có thú vui rất riêng. Lấy một đoạn tre  rỗng ruột, một đầu bịt chặt, đầu còn lại đặt chiếc hom được đan bằng những thanh tre nhỏ, rất mỏng và như thế có nghĩa là ta đã có một chiếc ống trúm. Chiều chiều, khi trời sắp tối, bắt một ít trùn giả cho nát, bôi lên các miệng hom trúm rồi mang đi đặt dọc theo mấy bờ ruộng cạn. Lươn sống dưới hang, tối tối bò lên tìm thức ăn, nghe tanh, tưởng bên trong có món mồi ưa thích, thế là chui vào. Sáng sáng, đi mở trúm, xóc xóc, thấy chiếc ống trúm nào nằng nặng thì vui lắm, vì bên trong thế nào cũng có một con lươn. Tuy nhiên, cũng không ít lần tôi đi mở trúm và bắt gặp trong đó là một chú rắn liu điu. Cũng may, rắn liu điu chỉ là loại rắn hiền.

Trong các cách bắt cá đồng, bọn nhỏ như tôi ngày ấy rất thích đi nhủi, vì nhủi là hình thức dễ bắt được cá nhất, lại ít tốn công. Nhủi là dụng cụ rất đơn giản, được làm từ những thanh tre già, chẻ nhỏ và đan lại với nhau bằng những sợi mây, tạo thành một tấm mành. Sau đó, người ta ghép tấm mành vào hai cái cán bằng tre, chéo nhau, một đầu xòe ra, một đầu túm lại, phần cuối là một thanh gỗ mỏng. Khi cầm hai cán, kê vào hông để đẩy trên những đám ruộng sâm sấp nước, thanh gỗ mỏng sẽ áp sát vào mặt đất, và  không có cách nào khác, cá sẽ bị ép  vào khoang nhủi rồi nằm lại ở đó.

Tôi còn nhớ, ông Bảy Phán là người làm nhủi có kinh nghiệm nhất làng tôi ngày ấy, cứ đến mùa đông là trước sân nhà ông có khá nhiều nhủi do ông làm sẵn để bán. Nhủi của ông Bảy Phán làm toàn bằng tre già, lại chọn những cây tre nhỏ đặc ruột, sau đó ngâm dưới bùn, do đó rất bền, để lâu mọt cũng không ăn, ai cũng thích. Hằng ngày, vào độ gần trưa, sau khi dắt trâu đi ăn trở về, bọn nhỏ chúng tôi liền rủ nhau vác nhủi ra đồng. Chân tay có khi dính đầy bùn đất, quần áo có khi ướt sũng, nhưng đi nhũi có bao điều lý thú, nhất là lúc nhủi xong, đứa nào đứa nấy vác nhủi ra về với  cái giỏ đầy ắp những chú cá vàng ươm. Không chỉ có các loại cá, đôi khi chúng tôi còn bắt được cả cua đồng hoặc ốc hay niềng niểng nữa, thậm chí có khi có một chú lươn con không hiểu sao cũng chui vào nhủi… Tất nhiên, trong những lần bắt được cá lia thia, chúng tôi không quên chọn ra vài con đẹp nhất, cho vào cái chai bằng thủy tinh đặt trên bàn. Có lẽ lia thia là loại cá đẹp nhất trong tất cả các loại cá sống trên đồng, nhất là cá trống, con nào con nấy màu sắc cũng sặc sỡ với các màu xanh, đỏ tím, vàng...

Xóm tôi ngày ấy, nhà ai cũng có mấy cái lu sành. Cái thì đựng lươn, cái đựng cá. Cá bắt về nhiều, rộng trong lu coi như thức để dành. Nhà nông mà! Ăn ngày trước, song mấy ai lại không tiện tặn, nghĩ tới ngày hôm sau.

Bà nội tôi có cách kho cá đồng, đặc biệt là  mấy loại cá tràu, cá rô. Trước khi kho, bao giờ bà cũng nướng cho da cá hiên hiển trên lửa than, rồi chiên qua, sau đó mới đem kho, làm như thế, mùi tanh không còn mà miếng cá khi đưa vào miệng vừa thơm lại vừa dai. Có khi bà kho hai trã cá cùng lúc, vì theo bà, cá đồng phải kho ít nhất ba lửa mới thấm, ăn với cơm mới thấy đậm đà.

Thật thú vị làm sao,  nhiều buổi tối, giữa tiết trời đông se se lạnh, cả nhà quây quần bên mâm cơm và trước mặt là nồi cá đồng kho kèm lá nghệ mới vừa nhấc từ bếp xuống, hơi nóng đang còn nghi ngút, cùng  nồi canh ốc nấu chuối xanh thơm lừng...

Lớn lên, đi học rồi ra phố sống, chuyện quê với tôi đã lùi dần vào ký ức. Hôm qua, cùng anh em trong cơ quan đi chơi tại một resort có tên Hương Quê nằm ở ngoại ô. Tham quan resort có cả khách tây, khách ta, đông lắm. Ông chủ resort là người khá sành điệu, trong một dãy nhà  dài, ông đã cho trưng bày bao nhiêu là thứ, toàn là những đồ dùng quen thuộc của các gia đình nông dân Việt như cối xay lúa có vỏ đan bằng nan tre, chiếc áo tơi đi mưa đan bằng lá, đôi gióng gánh bện bằng mây... Thôi thì nhiều thứ lắm và thứ nào cũng được đám khách nước ngoài quan tâm, lân la lại gần để tìm hiểu.

 Ở phần trưng bày về các ngư cụ có treo một cái nhủi trông cũ kỹ lắm. Cô bé thuyết minh chắc là dân thành phố nên tỏ ra lúng túng trước câu hỏi của một vị khách Úc về cách sử dụng nhủi. Thấy vậy, tôi liền bước tới giải thích để cô bé dịch lại.

 Chuyện chẳng có gì, vậy mà buổi trưa về nhà, hình ảnh cái nhủi cứ hiện mãi trước mắt. Nhìn lên tấm lịch mới biết, đã giữa tháng Mười âm lịch. Thời điểm này ở quê, ruộng đang đầy cá, tôi nghĩ rồi nhớ tới thằng Cổn, một trong mấy đứa bạn của tôi hồi nhỏ. Thằng Cổn là thằng rất lạ, có cái chân đi vòng kiềng, tướng đi khèo khèo, nhưng leo lên ngọn cây cao để bắt tổ chim hoặc đi nhủi thì không đứa nào bằng nó. Chú Sáu Thành, ba thằng Cổn là du kích xã. Vào giữa năm 1968, sau khi  chú Sáu Thành hy sinh  được vài tháng, thì thằng Cổn được cán bộ trên huyện về, cho lên rừng để vượt Trường Sơn ra Bắc học. Một thời gian sau, chiến tranh càng ác liệt, ba tôi và chị tôi cũng hy sinh. Để tránh bom, tránh đạn, mẹ tôi cùng mọi người trong xóm gánh gồng, dắt con cái, tản cư sang vùng đất bên kia sông. Chuyện bắt cá đồng với tôi kết thúc từ dạo ấy. Về thằng Cổn, nghe đâu nó học rất giỏi, tốt nghiệp phổ thông liền được đi du học ở Ba Lan. Mấy mươi năm chúng tôi chẳng gặp nhau, đôi lần về quê, nghe nói Cổn đã thành Tiến sĩ và cùng vợ con chuyển sang định cư, làm việc ở Thụy Điển. Thằng bé khèo khèo ngó vậy mà giỏi thiệt! Tôi nhớ ngày xưa mỗi lần chờ tôi ở đầu sân, nó hay hát câu:

“Chiều chiều vác nhủi ra đồng.

Giỏ không đầy cá thì không muốn về”...

H.N.T

 

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng