Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy Ái

16.03.2018

Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy Ái

Lê Thị Thúy Ái sinh ngày 14/5/1994. Chị tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng. Chị hiện đang công tác tại Viện Đại học Mở Hà Nội - Trung tâm Đà Nẵng. Thúy Ái bắt đầu sáng tác vào năm 2009, đến nay chị đã có các tác phẩm: 7 ngày và một cuộc hẹn (2012, in chung nhiều tác giả); Way back into love (2014, in chung nhiều tác giả); Mưa ở LaPlume (2014, in chung nhiều tác giả); How to Study (sách dịch, sắp xuất bản) cùng một số tác phẩm online khác.

Thúy Ái quan niệm về văn chương “Viết văn đối với tôi giống như một cuộc rong chơi, viết trước nhất cho mình rồi sau mới đến cho người.”

 

Truyện ngắn: Những giấc mơ nối liền

Ôi Shiva, Shiva!

Hãy để lửa kia thiêu cháy xác thân này.

Và rồi phù phiếm thế gian sẽ hóa thành hư vô. 

Khi nàng dâng mình cho lửa đỏ, nỗi đau của Ngài bao phủ cả nhân gian.

Tôi mở mắt trong một sáng mờ sương lạnh, phố cao nguyên im lặng như tờ. Rồi tôi thấy bóng cô bạn guồng chân đạp vội vã trên chiếc xe màu hồng, lướt nhanh, lướt nhanh. Sáng ấy trôi qua như mọi ngày, hoặc tôi không đủ tinh tế để nhận ra những dấu hiệu của sự bất thường, cho đến khi có ai đó thoảng thốt báo tin cậu lìa đời. Tôi chệch choạng hụt chân. Một cái giật thót và tôi nhận ra mình vừa văng khỏi cơn mơ.

Đồng hồ chạy tíc tắc, tíc tắc.

Vạn vật sinh thành và hoại diệt trong điệu nhảy của Ngài. Tàn tro phủ lên làn da của Ngài. Và, lửa thánh thần lả lướt trong nhịp trống Ngài cầm. Cớ gì thượng thần buồn bã bởi tử sinh?

Tôi mở mắt trong một sáng xám ngắt màu mây trời, phố biển leng keng tiếng rao hàng buổi sớm. Cửa sổ căn phòng trọ lầu ba đóng khung một khoảng có tán cây, có mái nhà cao thấp cùng những dòng xe cộ ào ào lượn qua. Tháng 12, tôi của tuổi mười chín ngồi vắt vẻo trên bệ cửa sổ, lim dim nhớ lại giấc mơ về tuổi mười tám, choáng kín bởi người bạn học năm nào. Đám tang của cậu, hình như cũng vào một sáng như thế này. Sáng ấy, tôi tìm tới ngôi nhà đẹp đẽ của cậu, nằm trong ngõ sâu hun hút được bao quanh bởi hoa là hoa, lằng lặng len lỏi giữa những dáng người phủ kín hai màu đen trắng đang mang nặng u sầu và ám mùi hương trầm thơm ngát. Đám ma của người trẻ ảm đạm hơn nhiều lắm, bởi người ta tiếc thương tuổi thanh xuân. Cậu được tiễn đưa bằng những hồi trống dài, đập vỡ vụn cả không gian và xé tan lòng kẻ ở lại.

Một cái giật thót, khung cửa sổ vụt biến thành giấc mơ.

Đồng hồ chạy tíc tắc, tíc tắc.

Ngài ôm xác nàng phiêu bạt khắp đất trời, đảo điên trong tận cùng đau đớn. Kẻ hành khất mang quyền uy tối thượng lại thả chìm mình trong vũ điệu khóc thương. Ngài giẫm đạp lên thế giới, Ngài tàn phá vũ trụ. Không có nàng tất cả thảy chỉ là khoảng không trống rỗng.

Tôi choàng tỉnh giữa đêm, trong ánh trăng leo lét chảy qua khe cửa sổ. Mơ rồi mơ chất chồng lên nhau. Tôi hai mươi tuổi, lại mơ giấc mơ về ngày xưa cũ của tuổi mười tám, bên tai văng vẳng tiếng cồng chiêng ăn mừng lễ bỏ mả. Một cái nhà mồ nào đó hẳn đã đến lúc cần phải lãng quên.

Bạn của tôi, bạn của tôi, nhưng sao tôi vẫn tha thiết những ngày đã qua? Nghe xem, ở chỗ nào đó ngoài kia người ta đang quây quần bên đống lửa, nhảy nhót cùng ăn uống để khỏa lấp đi chỗ trống mà kẻ quá cố để lại khi gửi thân vào lòng đất mẹ. Cậu hình như cũng để lại khoảng trống, lạ lùng thay nó lại chẳng thể đong đầy được bụi thời gian. Tôi nghĩ miên man về cậu cho đến khi chìm vào giấc ngủ, tôi mơ thấy mình rơi, rơi mãi,...

Cú ngã xuống mặt sàn lạnh ngắt làm tôi mở mắt.

Đồng hồ chạy tíc tắc, tíc tắc.

Từng mảnh xác thịt nàng gieo xuống mặt đất, Ngài ru thế gian lịm đi trong tĩnh lặng. Ngài bỏ quên vũ điệu hủy diệt, còn vạn vật chẳng màng đến tái sinh. Này cỏ cây, hãy ngừng lay động vì Ngài không dõi nhìn nữa đâu. Này sỏi đá, hãy ngừng lạo xạo vì chân Ngài chẳng còn bước lên đâu. Hơi thở của Ngài nhè nhẹ, Ngài đang thương nhớ nàng trong lặng câm.

Cơn gió lạc lõng khe khẽ lay tôi dậy. Tôi của tuổi hai mươi mốt đã ngủ quên trong ánh hoàng hôn. Chỗ này gần trời cao và xa mặt đất, tôi cảm thấy mình như đang lơ lửng giữa không trung, đắm mình trong ánh mặt trời rực rỡ. Tuổi mười tám của tôi cũng có những chiều đẹp như thế này, khi nắng hắt qua cửa sổ để vờn quanh đóa cúc trắng nơi chỗ ngồi góc lớp. Mọi người chẳng ai nỡ gạt đi chỗ ngồi của cậu, thế là hằng tháng trời luôn có một bình hoa tươi tốt bày ở trên bàn. Một sự tưởng niệm lặng lẽ, đơn thuần của những kẻ non nớt còn chưa hết bàng hoàng trước lẽ vô thường của tử sinh.

Nhìn những vệt mây dát lấp lánh nắng tàn kéo dài trên nền trời xanh mát, tôi mường tượng đến cánh chim phượng hoàng. Cuốn truyện cổ tích nào đó như có viết loài chim bất tử ấy phải chết đi để được tái sinh, phải hóa tàn tro mới ra màu lửa đỏ. Liệu cậu có giống như vậy không?

Tôi đứng ở lưng chừng đất trời và chợt cúi xuống nhìn phía dưới. Không có ánh sáng rực rỡ, không có cánh chim phượng hoàng, chỉ có một thành phố ngược xuôi giờ tan tầm ngập ngụa khói xe. So với trời cao, mặt đất thật xấu xí, nhưng những người tôi thương yêu đều đang ngụ chốn đó...

Đồng hồ tíc tắc, tíc tắc.

Ngài bất động hằng ngàn năm, không còn đau thương, không còn nhung nhớ. Thượng thần như rời khỏi trần gian, bỏ lại hồn nàng lưu luyến núi non xanh.

Mưa rơi tí tách, khi nặng khi nhẹ như cung trầm cung bổng của một bản nhạc ồn ã. Tôi của tuổi hai mươi hai tỉnh dậy trên chiếc ghế đặt ở hiên nhà, hít hà mùi trà ướp hoa nhài thoang thoảng sưởi ấm ngày mưa gió. Mơ đan vào mộng biến hồi ức tuổi mười tám nửa thực nửa hư.

“Liệu mai trời có tạnh kịp không nhỉ?”

Cô bạn học năm nào chậm rãi nhấc tách trà, nhấp một ngụm rồi hỏi bâng quơ.

“Chắc sẽ ổn thôi. Hình như hôm nó đi trời cũng mưa thế này”.

Cậu bạn lớp trưởng điển trai khi xưa đáp lại quả quyết, chẳng chừa dịp cho tôi bắt lời.

“Hôm đấy trời vừa ướt, vừa lạnh. À, tao nhờ người làm một tấm ảnh nhỏ để mai ra gắn lại rồi, mưa gió làm tấm cũ bạc trắng ra, nhìn chẳng rõ nữa”.

Cô bạn lại tiếp.

“Ừ, cũng lâu lắm rồi mà. Mày có cầm theo thì đưa tao xem thử xem”.

Họ đang nhớ đến cậu, cũng giống như tôi nhớ đến cậu. Tôi tới ngồi cạnh cậu bạn lớp trưởng để nhìn tấm ảnh của cậu.

Và, tôi thấy mình ở đó. Khuôn mặt cậu với tôi là một.

Tiếng đồng hồ tíc tắc chìm nghỉm trong tiếng mưa.

Nàng sẽ tái sinh trong một hình hài khác, để tìm Ngài. Và rồi thế gian bừng tỉnh khỏi giấc nồng...

 L.T.T.A

Bài viết khác cùng số

Mèo trong mưa - Ernest Hemingway (Mỹ)Những giấc mơ nối liền - Lê thị thúy ÁiNgày buồn quá thể - Nguyễn Chí Ngoan Người săn côn trùng - Tống Ngọc HânChiều chiều vác nhủi ra đồng - Hoàng Nhật TuyênĐất người quê xứ - Kai HoàngĐi trong mưa bụi tháng Giêng - Sơn TrầnChuyện những người gieo hạt - Nguyễn Văn LanhLong lanh giọt tình Đà Nẵng - Phạm Bội Anh ThuyênCà phê với núi - Trần Nhã MyVề với mẹ - Võ Quảng ViệtKý ức Mẹ - Nguyễn Nho thùy DươngĐời ngọt ngào khi có anh - Thụy DuBúp bê - Nguyễn GiúpĐà Nẵng vào xuân... - Phan NamChiều tha nhân - Văn Công HùngMùa xuân hoa xuyến chi - Nguyễn Thanh Ngã Thơ Pơloong PơlênhNhững góc khuất - Nguyễn Hải TriềuHoa cải tháng Giêng - Từ Dạ Linh Nhớ bạn thơ Phan Minh Mẫn - Nguyễn Tấn TháiNhà thơ “mù” và bút danh ngẫu nhiên mệnh số - Võ Khoa ChâuSố cô đơn chẳng thoát vòng cô đơn - Huỳnh Văn HoaNghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang Tiếng yêu thương - Nguyễn Nho KhiêmTinh thần sinh thái trong tập thơ Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế - Hoàng Thụy AnhTiếng thầm thì của biển đêm - Nguyễn Quang ThiềuTương tư Huế - âm giai sâu lắng của người con xa xứ - Văn Thu BíchNguyễn Đáng - anh hiệu hô bài chòi của phố cổ Hội An - Trương Đình QuangBút pháp “dòng ý thức” qua thể nghiệm của nhân vật nhà văn - Phạm Thi Thu HươngPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu - Nguyễn Văn Hùng