Nghề đan thúng chai ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang
1. Nghề đan thúng chai của ngư dân Đà Nẵng đã hình thành từ những thế kỷ trước, được trao truyền qua nhiều thế hệ, và đó là những phương tiện đầu tiên để ngư dân ra biển đánh bắt hải sản. Thúng chai còn được mệnh danh là “trí khôn sông nước Việt”, một phương tiện đặc trưng, truyền thống thân thiết trong khai thác thủy sản của ngư dân.
Ở Đà Nẵng, thúng chai đóng vai trò như là “cánh tay” của ngư dân, thuyền “con” của thuyền “mẹ” nên luôn là vật quan trọng của các tàu cá. Chiếc thúng chai được ngư dân dùng để đánh bắt hải sản gần bờ, hoặc dùng để vận chuyển cung cấp nhu yếu phẩm trên biển. Những tàu đánh bắt xa bờ thường phải đem theo 5 - 10 thúng chai. Chính thúng chai cũng là phương tiện thoát hiểm hữu hiệu khi tàu có sự cố. Thúng chai còn kiêm nhiệm những công đoạn trong một số nghề câu như mực, bò gù, cá hố...
Ưu điểm của thúng chai là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp bởi đặc điểm hình dáng tròn, nhỏ gọn. Thúng chai còn có ưu điểm là không cần dụng cụ chèo vẫn có thể lướt trên nước nhờ cách lắc thúng. Muốn bơi thúng chai phải biết cách, hai chân phải đứng vững ở bụng thúng, hai tay nắm chặt vành thúng, người hơi chồm về hướng cần đến, mông và hai vai lắc mạnh, lượn theo nước mà nhịp nhàng lướt tới. Ngư dân biển quen thuộc với việc bơi thúng chai nên làm việc rất tiện lợi.
2. Về nguồn gốc của thúng chai, một số nhà nghiên cứu cho rằng, thúng chai ra đời sau khi các chúa Nguyễn cho phát triển vùng đất Đàng Trong. Ngư dân vùng này phải ra biển từ các bãi ngang sóng lớn nên sáng tạo ra loại thuyền hình tròn giống chiếc thúng để tăng khả năng lướt sóng, chinh phục biển khơi.
Nghề đan thúng chai đã từng rất phát triển ở Đà Nẵng. Tập trung ở các vùng Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Nhưng ngày nay chỉ còn một vài hộ ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà còn làm nghề mà thôi.
Cuối năm 2017, chúng tôi tiến hành khảo sát tại các quận, huyện ven biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt tại hai cơ sở là nhà ông Phan Liêm (sinh năm 1946, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và ông Hồ Văn Sáu (sinh năm 1968 ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thì được các ông cung cấp thông tin và thực hiện quy trình làm thúng phải qua các công đoạn: gia công tre nứa, đan nan, tạo hình, xảm, làm khung bên trong. Các dụng cụ làm thúng có 8 loại, bao gồm cưa để cắt và dao rựa để chẻ, dùi và đục dùng để đục lỗ ở chỗ nối giữa phần thân thúng với vành. Búa gỗ và đột tre dùng để dồn các thanh tre cho khít với nhau khi đan. Ngoài ra để nối thân thúng với vành còn phải dùng nêm.
- Gia công tre nứa: Nguyên liệu chính của sản phẩm thúng chai là tre. Xưa kia, tre ở các vùng núi Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang còn nhiều, thợ làm thúng đi gần cũng đốn được tre. Cho nên một chiếc thuyền thúng thành phẩm giá chỉ hơn một triệu đồng. Nhưng hiện nay, quá trình đô thị hóa khiến cho nhiều làng quê ở Đà Nẵng biến mất, những cây tre cũng không còn. Việc một cây tre khi được mua ở nơi khác chuyển về đến nhà thường có giá lên đến 80 ngàn đồng do mua ở xa (mua ở huyện Nam Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam).
Công việc đốn tre hết sức vất vả, nếu không cẩn thận sẽ bị gai cào chảy máu nên dân gian mới truyền lại câu “Nhất đốn tre nhì ve gái”, ý nói công việc đốn tre khó khăn bậc nhất. Tre thường được đốn vào mùa Thu Đông là tốt nhất vì dịp này tre ít ra măng, thân tre ít nước, chẻ ra mau khô. Tre sau khi đem về đến nhà phải cưa, chẻ để làm nan. Nan sau khi ra chỉ lấy cật, được chuốt kỹ rồi trải đều phơi khô thì thúng mới bền. Nan đều bề ngang, không chỗ dày chỗ mỏng, không khuyết tật gọi là nan suốt. Phải lựa chiều để chẻ mới lợi nan. Nan chẻ ra phải đều, hẹp thì đan thúng mới chắc.
- Đan nan tre: Cách đan thuyền thúng là đan hai nan dọc, hai nan ngang đan dích dắc vào nhau giống hình dấu thăng (#) tạo nên hình vuông hoặc hình chữ nhật. Khi đã đan thành hình xong thì dùng búa và đột bằng tre để dồn các thanh nan vào cho khít với nhau.
- Tạo hình: Có hai cách tạo hình. Cách thứ nhất là khi đan xong thì đạp xuống khuôn (khuôn này là hố đào sẵn có hình hơi tròn). Cách thứ hai là người ta tạo hình ngay ở công đoạn đan, vừa đan vừa uốn để đưa thúng vào vành trong.
- Làm vành trên: Tùy vào kích cỡ của thúng mà dùng 5 - 6 thanh tre đã chẻ, nẹp thành hình tròn và dùng dây quấn tạm thời để các thanh tre không bị tuột ra.
- Nối thân thúng và vành trên: Dùng nêm để cố định thân thúng và vành trên, sau đó dùng dây cước quấn chặt lại.
- Xảm: Lấy phân trâu trộn với dầu rái rồi dùng khăn lau đều lên hai mặt tấm tre. Sau đó dùng xơ vỏ trái dừa làm bút quét dầu để giữ độ bền và chống thấm nước. Cuối cùng đem phơi khô dưới ánh mặt trời.
- Làm khung bên trong: Khung bên trong thúng không làm bằng gỗ giống như thuyền nan mà chỉ đơn thuần là các thanh tre đan theo hình dấu thăng (#) để chống trơn trượt và bảo vệ đáy thúng. Để các thanh tre không trượt khỏi vị trí thì phải dùng đinh tre cố định khung tre (gọi là găng, có hình chữ điền 田) với vành trong sau đó dùng dây câu buộc chặt các chỗ thanh tre giao nhau. Đây là các công đoạn để hoàn thành một cái thúng.
3. Ngày nay thúng chai được lắp thêm máy nên hình dáng, kích thước của thúng cũng được cải tiến cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của ngư dân. Kích thước của thúng có chiều dài từ 3,4 đến 6 m, chiều cao từ 0,9 đến 1,2 m với nhiều kích cỡ đa dạng mà người ta thường gọi là thuyền thúng. Khi di chuyển thì dùng mái chèo hoặc máy để ra khơi xa đánh bắt. Buồng máy của các loại thuyền thúng đều được đặt ở giữa và lắp lô hai đầu để bảo vệ mũi và đuôi thúng. Ở phía đuôi thúng còn được lắp thêm giá đỡ chân vịt để đảm bảo tính kiên cố. Đặc biệt, do hiện tượng máy rung và sự xâm hại của môi trường biển nên mỗi năm người ta thường xảm (xử lý chống thấm nước) và sơn lại thúng khoảng 3 lần. Phương pháp xảm dùng hỗn hợp bột chai phà (nhựa thông), bột vỏ sò, mùn cưa, nhựa cây dầu, xăng trộn đều sau đó quét lên chỗ bị rò nước hoặc bị hư hỏng.
Hiện nay nhu cầu mua thúng chai đi biển cũng vơi dần nên người làm nghề đan thúng chai cũng thưa dần. Thêm vào đó, sự xuất hiện của loại thúng nhựa với giá thành rẻ hơn và không cần sửa chữa làm cho nhu cầu sử dụng thuyền thúng bị thu hẹp. Thế nhưng theo lời ông Phan Liêm thì cách nay vài năm, một đoàn khách du lịch đi ngang qua, thấy những chiếc thúng chai của ông Phan Liêm đan, họ đề nghị ông làm bán cho họ đem về nước để phục vụ du lịch. Cứ thế, mỗi năm đôi ba cái hợp đồng với độ dăm ba chục chiếc thúng được đặt. Khách mua đến từ nhiều quốc gia như: Anh, Úc, Philippines, Nhật… Hy vọng trong tương lai vẫn còn có hướng đi để những nghệ nhân tiếp tục làm nghề, bảo tồn nghề đan thúng chai truyền thống ở Đà Nẵng!
Đ.T.T