Trăng trong thơ các nhà Thơ Mới ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975
Có lẽ từ khi loài người chưa có chữ viết, trăng đã hiện diện trong thi ca (có thể lúc ấy chỉ là những khúc ca dao!). Vì khi con người sinh ra, vũ trụ đã có sẵn rồi, để sau này, qua mối liên tưởng, đối sánh, ta mới coi con người chính là tiểu vũ trụ tồn tại trong đại vũ trụ này vậy! Nghĩa là, trăng đã trở thành đối tượng của thi ca tự ngàn xưa, lâu lắm. Kể cả trong văn xuôi từ thuở chưa có văn xuôi mà chỉ là những thần thoại được kể bằng lời. Để giải thích về nguồn gốc vũ trụ, hầu như thần thoại của dân tộc nào cũng có Nữ thần mặt trăng trong tương quan với bầu trời, trong đối sánh với mặt trời, mây trời, sấm chớp...
Cho nên, đến bây giờ mà bàn chung về trăng trong thơ thì nghe ra chuyện đã là cổ lổ. Trăng trong ca dao đã được nói nhiều rồi, trăng trong thi ca cổ - trung đại rồi đến Thơ Mới 1932-1945 và thơ ca cách mạng - kháng chiến Việt Nam cũng đã được tìm hiểu khá kỹ... Ở phạm vi bài viết này tôi xin được đề cập đến một cõi thi ca còn ít được nhiều người biết đến. Đó là trăng trong thơ một số nhà thơ thuộc thế hệ Thơ Mới ở miền Nam và vào Nam sáng tác trong giai đoạn 1954 - 1975 mà vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, bấy lâu nay, giới nghiên cứu văn chương vẫn còn chưa vén hết những đám mây mù khuất lấp.
Nguyễn Vỹ (1912-1971) nổi tiếng thời Thơ Mới bên cạnh bài thơ cách tân “Sương rơi” là một bài thơ dùng thể cổ điển nhưng nội dung khá mới là “Gửi Trương Tửu”. Trong ấy nổi bật lên là sự ví von kiếp người cầm bút Việt Nam thời nô lệ thực dân chẳng khác gì kiếp làm thân chó. Và không hiểu sao, con vật này lại xuất hiện trong thơ ông nhiều đến thế, đặc biệt nó lại xuất hiện sóng đôi cùng với trăng qua cảm nhận của một nhà thơ đang bị cầm tù: Tôi giơ tay, muốn níu ánh trăng vàng,/ Lòng xao xuyến, tôi vội ngồi nhổm dậy./ Sau lưới sắt tôi nhìn trăng mê mải,/ Núi rừng hoang trăng giải áng sầu bi.../ Trước sân tù có con chó L’Amie,/ (Con chó trắng dễ thương và ngoan ngoãn,/ Chó độc nhất, và trung thành như bạn,/ Lạc ngoài rừng, chúng tôi bắt về nuôi).
Té ra, lại cũng là nỗi đau của kiếp làm thi sĩ, dùng ngòi bút chống thực dân và bị chính chế độ thực dân cầm tù. So với “Nhớ rừng” của Thế Lữ (nhà Thơ từng đả kích thơ Nguyễn Vỹ lúc đương thời), thì mối tương quan giữa Trăng - Thi nhân - Chó của Nguyễn Vỹ lại độc đáo hơn nhiều so với Trăng - Thi Nhân - Hổ của nhà tiên phong Thơ Mới Thế Lữ!
Thân trong tù hồn lại gởi theo trăng (vốn là đối tượng thường trực của thi ca), nhưng còn chó? Thì té ra! Làm kiếp chó vẫn tự do hơn những thằng làm thi sĩ dưới ách ngoại bang:
Muốn phá tung cửa ngục chạy ra ngoài,
Để ngắm nó, để ngất ngây say với nó,
Để đùa bỡn với bóng Trăng bóng chó,
Để dệt tình, dệt mộng với Trăng tơ...
Bài thơ này, Nguyễn Vỹ làm từ năm 1944, nhưng phải đến năm 1962 mới in trong tập “Hoang vu”. Vì lẽ đó, bài thơ ít người biết đến. Bây giờ, ta mới nhận ra rằng: Đúng là khát vọng tự do của Nguyễn Vỹ trong bài thơ rất ít nổi tiếng này so ra dữ dội hơn nhiều so với lời con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” trong “Nhớ rừng” nổi tiếng: Ôi tự do! Mi quý biết nhường bao!/ Mi là cả Trăng, Sao, Trời, Thơ, Mộng! (Trăng, chó, tù). Ngoài việc xem trăng là đối tượng của thi ca, là biểu tượng của khao khát tự do, Nguyễn Vỹ còn xem trăng như một người tình tri âm, tri kỷ. Khi ngộ gặp thì bẽn lẽn nhìn nhau: Tôi bước trong đêm phố vắng người./ Đầu đường cuối nẻo lá tung rơi./ Gặp Trăng bẻ lá trên rừng gió,/ Bẽn lẽn nhìn tôi, mỉm miệng cười. Khi đã tìm ra sự đồng điệu thì rủ nàng trăng về ngủ cùng như thể người tình lâu ngày lại gặp: Tôi rủ Trăng về ngủ với tôi./ Kể từ thuở nọ đã xa xôi,/ Thuyền Trăng cập bến, sầu ly biệt,/ Bao mảnh Trăng tàn lạnh lẽo trôi!. Cùng sánh bước nhau trở “về dưới mái tranh”: Trăng rẽ đường đi giữa lá cành,/ Gió vờn duyên dáng áo Trăng xanh./ Kề vai Trăng bước cùng tôi bước,/ Tôi đón Trăng về dưới mái tranh. Và say duyên ân ái với nhau cùng:
Ta tặng trái sim với trái tim.
Nàng ôm vô ngực, ấp vô xiêm.
Ta ôm nàng ấp trên môi nóng
Non, nước, trời, mây, đứng lặng im
(Duyên Trăng)()
Bàng Bá Lân (1912-1988) cũng là một nhà thơ tiêu biểu về đề tài nông thôn trong phong trào Thơ Mới. Ông theo gia đình vào Nam trước 1945, làm nghề dạy học và tiếp tục làm thơ hoạt động nghệ thuật mãi đến khi qua đời (1988). Cùng trường phái sáng tác về nông thôn như Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ thời Thơ Mới, và hai câu thơ thời ấy của ông trong bài “Tiếng hát trong trăng”: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi, thôn quê đến mức đã trở thành ca dao không biết tự bao giờ. Vào Nam, ông vẫn thủy chung với đề tài cũ, viết về những cái ngày xưa nơi làng quê xứ Bắc với “tơ trời êm”, “ngày mưa bạc”, “đêm trăng vàng”:
Thu xưa có tơ trời êm,
Có ngày mưa bạc, có đêm trăng vàng.
Có đôi tay đẹp nhẹ nhàng,
Khép đôi cánh cửa, ngăn chàng gió si
(Nhớ)
Mơ tưởng về lại quê xưa trong tâm trạng “ngày Nam đêm Bắc”, canh cánh bên lòng nỗi niềm luyến tiếc về những cái ngày xưa rồi sẽ mất đi: Thế mà xa cách có bao lâu!/ Nào mái rêu đâu? Cổ thụ đâu?/ Còn lại trơ trơ bên giậu mới/ Gốc đa cằn cỗi, lẻ loi sầu! Nhất là không còn những “cô gái đẹp ngây thơ” vào những đêm “trăng trong sáng” ngồi “dệt vải bên song” bàng bạc một màu trăng:
Mất hết! Không còn một dấu xưa!
Nào đâu cô gái đẹp ngây thơ?
Nào đâu những tối trăng trong sáng
Dệt vải bên song ánh bạc lùa?
(Vườn cũ nào đâu, cô hái dâu?)()
Nhìn chung, trăng trong thơ Bàng Bá Lân thuần phác một màu, trong sáng, nhẹ nhàng, sáng soi trên khắp làng quê Việt từ Bắc vào Nam.
Vũ Hoàng Chương (1916-1976) cũng là một tên tuổi lẫy lừng của phong trào Thơ Mới. Sau 1945, tham gia kháng chiến một thời gian rồi vào Nam. Bên cạnh thơ say, ông cũng đã để lại những vần thơ trăng tuyệt diệu cho đời trong tập “Hoa đăng” ấn hành ở Sài Gòn năm 1959. Vẫn phong cách của trường “thơ say”, vầng trăng trong thơ ông sau này ở miền Nam cũng ngả nghiêng, chao đảo, “tan tác, vỡ vụn tơi bời, tới tấp ánh vàng rơi”: Sóng khóc/ Tơi bời/ Tới tấp/ Vàng rơi/ Rối loạn tan hoang cả một trời.../ Gió từng cơn sào sạc/ Mây từng bầy ngơ ngác/ Một vầng trăng bạc/ Trên hồ tan tác/ Hỡi ơi tan tác vầng trăng/ Nửa đêm qua vỡ hết một Cung-Hằng! (Trăng rằm). “Trăng rằm” đã thế! Trăng thu lại pha trộn đủ sắc màu:
Biết đến bao giờ thu có nguyệt
Chén hoa vàng có mắt ai xanh
(Thu có nguyệt)
Thu có trăng, trời thu xanh, hồ thu xanh, mắt ai xanh, trăng thu pha sương trắng loang màu sữa hợp cùng với chén rượu “nếp cái hoa vàng” soi lá vàng thu làm cho câu thơ vừa êm đềm vừa vô cùng sang trọng. Điều thú vị trong thơ trăng của Vũ Hoàng Chương là sự pha trộn sắc màu, dường như không phải sắc màu của họa mà chỉ tuyền màu sắc của thơ với trường liên tưởng rộng. Rồi những cặp đôi sóng sánh bên nhau, khiến trăng như một tác nhân nối đất cùng trời: trăng dịu - gió lành, sông lam - non xanh, hoa - bướm, đất - trời nối liền với em - anh:
Trăng dịu từ phen gặp gió lành
Sông lam từ buổi gặp non xanh
Từ hoa quen bướm trời quen đất
Em đã yêu rồi, đã của Anh...
Ánh trăng đêm đã quy tụ được những cặp đôi trăng gió, sắc màu, hoa bướm, đất trời sánh bước bên nhau, cuối cùng cũng chỉ để hòa điệu cho anh dìu em cùng nghe trăng hòa điệu nước, nước lên cung hòa cùng gió ngang - mây dọc, tạo lên khúc ca “Tuổi xuân” vừa tươi tắn lại rất mơ màng:
Anh muốn dìu Em giờ hiện tại
Nghe trăng hòa điệu nước lên cung
Hòa điệu lên cung trăng nước dậy
Xuyên ngang gió trận dọc mây thành
(Tuổi xanh)()
Khẳng định tên tuổi mình từ Thơ Mới, Đinh Hùng (1920-1967), dù xuất hiện muộn hơn, nhưng chính phong cách liêu trai, bí hiểm đã làm nên sự khác biệt của thơ Đinh Hùng so với các tài danh trước đó. Cũng như ông anh vợ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng cũng tham gia kháng chiến rồi sau đó vào Nam tiếp tục sự nghiệp thi ca của mình. Chính không khí thẩm mỹ liêu trai, chìm đắm trong cái đẹp nguyên sơ, man dã của thế giới nghệ thuật Đinh Hùng mà nàng trăng trong thơ ông cũng mang dáng vẽ “Huyền Diệu” như thế: Em đến, mong manh vóc ngọc chìm/ Tàn canh hồn nhập bóng trăng im/ Ta van từng đóa sao thuỳ lệ/ Nghe ý thơ sầu vút cánh chim. Và như thế, giữa Trăng và Em không biết ai là Huyền Diệu mà ai là Diệu Huyền trong không gian “hoang đường” cùng dáng “thu gầy, vóc ngậm sương” đêm hôm ấy:
Em đến vầng trăng bỗng tỏa hương
Quen nhau, ngờ truyện rất hoang đường
Trang thư xõa tóc cười e lệ
Nét chữ thu gầy, vóc ngậm sương
Tất cả đều “u huyền”, “cổ sơ”, “hư vô” trong “thạch động”, thế giới “tiểu thuyết xưa”. Em là Trăng rừng mà Trăng cũng chính là Em trong mắt nhìn của “Người man rợ” nổi tiếng một thời:
Trăng bỗng u huyền, nắng cổ sơ
Em về, nếp áo rộng hư vô
Khói sương thạch động xa vầng trán
Ta lạc vào trong tiểu thuyết xưa
(Gặp em Huyền Diệu)
Là những “quán tình mái đỏ”, là “gác trăng mây” nơi lui tới “rộn chen” của “gót vương hầu” với những “đêm hoa rượu sánh”, “môi thắm cạn nghiêng” trên “Đường vào tình sử”:
Đây có phải một quán tình mái đỏ
Gót vương hầu chen rộn gác trăng mây
Ôi đêm hoa, rượu sánh rót cho đầy!
Bao môi thắm cạn nghiêng hồn lưu lạc
(Trở bước quê mình)()
Nhìn chung, đối với những nhà thơ nổi tiếng từ thời Thơ Mới thì sáng tác của họ giai đoạn sau này ở miền Nam, mặc dù có sự mở rộng đề tài và gắn thơ với hiện thực cuộc sống nhiều hơn, song phong cách thơ thì vẫn vậy, chí ít là trong phạm vi chủ đề trăng trong thơ.
M.B.Â