Con gái của thần sông

03.03.2022
Trần Thiên Hương

Con gái của thần sông

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Nàng là công chúa của Thần Sông, nhưng không thích chốn Thủy cung lạnh lẽo. Nàng hay ngồi trên mỏm đá sát mép sông ngắm cảnh hai bên bờ, và mỗi sớm mai, khi những tia sáng bình minh vừa chiếu xuống là nàng lại ngao du khắp đó đây. Rồi một ngày, nàng nói với Vua cha:

- Thưa cha, con muốn trải nghiệm cuộc sống chốn nhân gian cha ạ!

- Con nói sao, không được, chúng ta là Thần Tiên, có việc của chúng ta, không thể tùy tiện đến chốn Con Người đâu con!

- Con muốn, cha giúp con đi!

- Như vậy là phạm luật trời, con sẽ bị phạt, rồi con sẽ phải chịu đựng nỗi đau đớn về tinh thần và thân xác giống như Con Người.

- Vâng, con chấp nhận! Nàng quả quyết nói với Vua cha.

Thần Sông không ngăn cản nữa, ông nói với công chúa:

- Ta đồng ý cho con ra đi một năm, là bằng khoảng hai mươi năm ở chốn nhân gian, con sẽ phải trở về!

- Vâng, con xin nghe lời cha!

 

Một buổi sáng đẹp trời, hoàng hậu Vương quốc Chăm Pa cùng đoàn tùy tùng lên thuyền dạo chơi trên sông. Nước sông trong xanh mát, in rõ cả từng đám mây mỏng trên không. Cá lội tung tăng theo từng cơn sóng gợn. Bỗng hoàng hậu thấy nổi trên mặt sông một bông sen trắng muốt, thơm ngào ngạt. Ra lệnh cho quân lính hái đem về, vừa cầm trên tay thì bông sen bỗng nhiên tan biến, chỉ còn lưu lại mùi hương...

Sau hôm đó hoàng hậu mang thai.

Đủ tháng đủ ngày bà sinh hạ được một nàng công chúa xinh xắn. Vua cha và hoàng hậu yêu qúy vô cùng.

Công chúa càng lớn càng xinh đẹp. Vua cha vì muốn con gái sau này giỏi giang nên không chỉ cho nàng học chữ mà còn học cả các môn cung kiếm. Nàng thông minh nhanh nhẹn nên chẳng bao lâu đã thuộc làu kinh sử, bắn cung bách phát bách trúng và cưỡi ngựa rất tài hoa.

Nàng cũng ít ở trong cung điện mà thường dạo chơi ngắm cảnh, quan sát cuộc sống dân tình. Thương dân bệnh tật, nàng hái thuốc và dạy dân làm thuốc chữa bệnh từ những thảo dược trên rừng núi. Nàng dạy dân cách làm các món bánh ngon, trong đó có loại bánh gừng mà cho đến bây giờ người dân vẫn còn nhớ rõ. Nguyên liệu làm bánh gừng là hỗn hợp bột gạo nếp, đường, trứng gà và men rượu, tất cả đem giã nhuyễn. Sau nặn thành hình củ gừng, đem chiên giòn rồi nhúng nước đường sẽ cho ra những chiếc bánh bóng mịn đẹp mắt và ngon lành.

Năm 16 tuổi nàng đã trở thành một trang tuyệt sắc giai nhân. Những hoàng tử các nước láng giềng biết tiếng nàng công chúa xinh đẹp thì đều ngấp nghé, nhưng tuyệt nhiên nàng chẳng màng đến chuyện kết duyên. Vua cha cũng muốn gả nàng cho hoàng tử nước láng giềng để kết thân nhưng nàng một mực từ chối.

 Bấy giờ trong rừng có một con hổ rất lớn, cứ đêm đêm là vào làng bắt trâu bò của dân làng. Nhưng không ai dám ra tay. Tin báo đến tai Vua. Nhà Vua cho quân lính rình bắt suốt mấy ngày liền nhưng con hổ rất khôn ngoan và hung dữ nên vẫn không có kết quả. Công chúa lúc bấy giờ mới nói:

- Thưa cha, con đã có cách!

Vua hỏi con có cách gì thì nàng bảo phải lập bẫy mới bắt được hổ. Sau đó nàng lệnh cho quân lính đào bốn năm cái hầm trên đường con hổ hay đi qua, ở dưới cắm chông, bên trên ngụy trang lại như cũ, cấm dân làng đi đường đó để khỏi dính bẫy. Con hổ thấy im ắng, không có nhiều người cầm giáo mác như hôm trước nên ngang nhiên vào làng, và nó đã sập bẫy, trong niềm vui sướng của dân làng.

Đến năm hai mươi tuổi, công chúa có mái tóc dài đen mượt như dòng suối, tài nghệ không một ai sánh bằng. Nàng trở thành niềm kiêu hãnh của đất nước. Vua cha vô cùng tự hào về con gái. Bấy giờ các nước láng giềng cứ lăm le xâm lược, nàng trở thành nữ tướng chỉ huy quân lính. Dưới trướng của nàng không chỉ có nam giới mà còn có nhiều cô gái cũng được nàng huấn luyện cung kiếm và cưỡi ngựa, nhiều người cũng  trở nên tài giỏi phi thường.

Sau nhiều lần thất bại, nước láng giềng đã tìm mọi cách khống chế sức mạnh và áp đảo. Quân của nàng thua trận. Xóm làng tan hoang. Hoàng hậu bị trúng tên ngay trước cổng kinh thành. Nỗi đau đớn thấu tận trời xanh! Nàng chỉ kịp cùng Vua cha nhảy lên lưng Bạch Mã nhằm hướng Tây thẳng tiến. Lên đến đèo Phường Rạnh (ranh giới giữa huyện Nông Sơn và Duy Xuyên ngày nay), mái tóc dài sổ tung, vướng vào chân con Bạch Mã, ngựa hí vang lên một tiếng rồi ngã quỵ.

Quân lính đuổi kịp, ngay tức khắc chúng chém nàng và Vua cha rồi hất xác xuống sông.

Thi thể của nàng trôi theo dòng nước và dừng lại ở  một làng nhỏ ven sông. dân làng nhận ra công chúa, vớt lên chôn cất, sau lập lăng thờ.

 Anh linh của nàng đã  trở về  chốn Thủy cung. Nàng đã mãn nguyện, vì đã  được làm một kiếp Người, nếm trải những niềm vui, hạnh phúc và cả khổ đau!

 Mọi người lấy tên nàng là Bô Bô đặt tên cho làng, dòng sông chưa có tên cũng được mang tên nàng từ đó. Sau này người Việt tiếp quản vùng đất Chăm Pa, phát âm theo Hán Việt là Thu Bồn. Làng Thu Bồn, sông Thu Bồn là như vậy.

Xúc cảm trước cuộc đời đẹp đẽ và oanh liệt của công chúa Bô Bô - hay Bà Thu Bồn, gần một nghìn năm sau, triều đình nhà Nguyễn  sắc phong cho Bà là “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”.

Hằng năm, vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch, dân làng lại lập đàn cúng Bà Thu Bồn, tưởng nhớ công ơn của Bà đối với dân với nước.

Sau này mở rộng ra thành Lễ hội Bà Thu Bồn, trong  đó  có Lễ rước kiệu Bà, bao giờ trong Lễ rước cũng có cô gái hóa trang thành Bà Thu Bồn và 5 cô gái khác hóa thành 5 vị nữ tướng dưới trướng của Bà. Trong những món ăn dâng lên cúng Bà bao giờ cũng có món bánh gừng huyền thoại. Món bánh này cho đến nay đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận cũng vẫn còn lưu giữ và cũng thường dùng để dâng lên cúng tổ tiên của họ.

Dòng sông Thu Bồn, dòng sông quê đã từng chứng kiến bao lần khói lửa  chiến tranh, và cũng  trải qua bao năm tháng yên bình, từ bấy đến nay, luôn là niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho hai bên bờ sông, nước sông xanh mát tưới khắp mọi cánh đồng từ Quế Sơn, xuôi xuống  Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An rồi mới đi ra biển qua Cửa Đại.

Có lẽ trong mỗi giọt nước, mỗi hạt phù sa ấy đều được công chúa của Thần Sông thổi hồn mình vào để đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi một cuộc đời.

T.T.H