Tìm lại ký ức trong những bức họa

03.03.2022
Nguyễn Thị Kim Oanh

Tìm lại ký ức trong những bức họa

Những người vào giải phóng Đăk Tô. Ký họa Giang Nguyên Thái

Như một cơ duyên, tôi được về làm việc cùng với họa sĩ Giang Nguyên Thái ở Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Được nghe anh kể rất nhiều chuyện và được anh cho xem những bức ký họa anh vẽ trong những năm tháng anh công tác ở chiến trường B Khu V làm chúng tôi vô cùng nể phục. Dưới đây là những câu chuyện thời khói lửa của họa sĩ Giang Nguyên Thái mà tôi đã ghi lại được trong những chuyến cùng Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội đi điền dã.

Anh kể... trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bao lớp thanh niên đã tạm biệt quê hương lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Thời điểm đó, tôi vừa tốt nghiệp khoa Sơn dầu của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thế hệ chúng tôi hồi đó sống có lý tưởng lắm. Mọi người đều nghĩ việc đầu tiên là ra tiền tuyến để cống hiến sức mình cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mặc dù trong gia đình chỉ có tôi là con trai duy nhất, khi biết tôi có ý định vào chiến trường B, thầy tôi có thoáng chút băn khoăn, Người nói thầy muốn anh yên bề gia thất rồi đi, thầy không cản. Tôi thưa với Người rằng con chỉ đi hai năm rồi sẽ trở về. Dù Người vẫn tỏ ra cứng rắn là thế, nhưng lúc tôi khoác ba lô lên đường, thầy tôi lặng lẽ quay mặt để giấu đi những giọt lệ già... Tôi hiểu đó là khí chất của một nhà nho đã nhiều năm học chữ thánh hiền.

Anh Xu man, dân tộc Ba Na. Ký họa Giang Nguyên Thái

Nhưng hai năm sau tôi chưa thể về như đã hứa với cha. Trong một bức thư gửi về từ chiến trường khu V, tôi viết: Thầy vẫn dạy con “Tổ quốc lâm nguy thất phu hữu trách” (khi đất nước có giặc xâm lăng thì những người đàn ông phải ra mặt trận). Thầy tôi viết thư trả lời: Còn một câu nữa, anh không nhớ “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn dương” (cha mẹ còn sống thì đạo làm con không được đi xa). Vì nhiệm vụ, tôi đành thất hứa với Người...

...Để chuẩn bị vào chiến trường nhận công tác theo sự phân công của Bộ Văn hóa, tôi và họa sĩ Trần Thành Công được tập huấn 3 tháng tại vùng núi Lương Sơn Hòa Bình. Đến cuối năm 1969, chúng tôi nhận lệnh lên đường vào Nam. Hành quân dọc Trường Sơn, trèo đèo lội suối, ngày đi đêm nghỉ. Sau 3 tháng ròng, tôi đã có mặt tại Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung Bộ (họa sĩ Trần Thành Công vào thẳng TW cục ở chiến trường Nam Bộ). Hội Văn nghệ Khu V hồi đó đang ở vùng sông Bui, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam... Lúc đó Quảng Nam đang là vùng chiến trường trọng điểm vô cùng ác liệt. Đâu đâu cũng nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom mìn, tiếng súng nổ. Nhiều khi bị địch phục kích truy đuổi, chúng tôi phải chạy men theo bờ ruộng cao để tránh đạn, có lần phải liều vượt sông Thu Bồn khi bị xe lội nước M113 rượt đuổi. Cũng có khi hàng tháng trời không có gạo, do đường dây 559 bị địch đánh phá ác liệt, nên không vận chuyển được lương thực chi viện từ Bắc vào. Các văn nghệ sĩ phải vào rừng lấy măng, lấy nấm mèo (mộc nhĩ) về ăn thay cơm, nhiều khi gặp mưa, vắt ra nhiều, có con chui cả vào ống tay áo, ống quần. Chúng tôi tự phát rừng chặt cây làm rẫy trồng lúa, trồng sắn, trồng bắp để tự túc lương thực. Bao khó khăn gian khổ, bao hiểm nguy giữa sự sống và cái chết cũng không ngăn được những bước chân của các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở chiến trường. Chúng tôi đã ghi lại những chiến công của bộ đội, du kích và của người dân sống trong vùng giải phóng, bằng những bức ký họa làm tư liệu sống để sáng tác những tác phẩm hội họa sau này.

Anh Bùi Quang Bang, bác sĩ quân y, đội trưởng đội phẫu thuật tỉnh đội Kon Tum. Ký họa Giang Nguyên Thái

Trong 5 năm gắn bó với chiến trường Khu V, tôi đã đi vẽ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Duy Xuyên, Trà My, Gò Nổi, Điện Thọ, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quảng Đà, sông Thu Bồn, các xã miền núi của tỉnh Quảng Nam và chiến dịch Đăk Tô Tân Cảnh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi vẽ được khoảng hơn 200 bức ký họa. Tôi vẽ nhiều chân dung các mẹ, các chị ở Đại Lộc như mẹ Tứ, mẹ Ký, mẹ Thanh, mẹ Hòa, mẹ Sâm, thím Phi, thím Thanh, chị Bảy A... là những người bám trụ kiên cường, chặn xe tăng địch, đấu tranh chính trị với giặc không cho chúng xúc đất của dân, đòi xóa bỏ các khu dồn dân để trở về làng sinh sống. Tôi lại vẽ các chiến sĩ du kích, các cô gái giao liên dũng cảm, các già làng, già bản hay anh du kích ở xã Lộc Thuận gài mìn trên cây cao để đánh tàu gáo (một loại máy bay trực thăng của Mỹ). Tôi vẽ cầu Cẩm Lý, ngay dưới chân đồn giặc Bồ Bồ, nơi đồng bào ta cắm cờ giữ đất. Tôi lại vẽ các em thiếu niên dân tộc Kdong ngồi vót tên và em Tượng, em Xi, em Nghĩa mới 14,15 tuổi đã tham gia du kích đánh giặc rất gan dạ, kiên cường.

Không thể nói hết những cảm xúc trong tôi với các chiến sĩ đánh giặc vô cùng quả cảm trong đội biệt động Lê Độ - Thành Đà Nẵng. Được nghe kể về nhiều trận đánh vô cùng táo bạo, nhiều chiến công thần kỳ của các nữ biệt động xinh đẹp mà gan góc phi thường. Họ là những chiến sĩ trẻ măng, đang độ tuổi trăng tròn, họ đánh giặc ngay trong lòng thành phố, luồn sâu đánh hiểm vào tận sào huyệt của kẻ thù. Những cái tên như Thái Hùng, Học, Minh, Thúy, Lan, Tứ, Chiến, Mười, Bông... làm cho quân thù lo sợ đến mất ăn mất ngủ.

Tết năm đó tôi được ăn tết cùng anh chị em trong đội biệt động, cũng có bánh tét, giò heo và cây mai vàng nở rất nhiều hoa. Đêm đến, nằm nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn vang rền trong thành phố, anh chị em lại bảo nhau: đêm nay đội Thái Hùng đánh đấy, tiếng AK phát một là của Minh, tiếng lựu đạn là của các nữ biệt động đánh chặn cho anh em rút lui... nghe mà thương mà cảm phục các em nhiều lắm.

Khi họa sĩ Giang Nguyên Thái cho tôi xem cuốn sách Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến tôi rất thích bức ký họa  anh vẽ nữ chiến sĩ biệt động Đoàn Thị Tứ bằng chì than, anh bảo: lúc ấy Tứ vừa tròn 17 tuổi. Đằng sau làn da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh, ánh mắt kiên nghị và mái tóc thề buông lửng trên lưng, là những chiến công làm quân thù thất kinh khiếp đảm.

Trong một bức ký họa khác anh vẽ ba nữ chiến sĩ biệt động bằng màu nước trong đó có chị Trần Thị Chiến. Anh vẽ chị Chiến mặc chiếc áo màu hồng, chiếc thắt lưng da ôm gọn vòng eo của người con gái, vai đeo khẩu AK báng gấp. Tôi rất thích khuôn mặt và nụ cười hồn nhiên trước giờ vào trận của chị. Họa sĩ Giang Nguyên Thái ngậm ngùi nói: “Không thể ngờ được đó lại là lần cuối tôi được gặp và vẽ hình em Chiến. Do có chỉ điểm Chiến đã bị địch bắt, chúng trói em rồi cho xe chạy rong khắp thành phố. Chúng còn đưa cả cha mẹ em đến để đánh đòn tâm lý, ép em phải khai, nhưng chúng đã thua khi em lắc đầu không nhận. Biết không khuất phục được người nữ chiến sĩ biệt động ngoan cường, chúng đã điên cuồng tra tấn em rất dã man. Chúng còn hèn hạ cắt tai, xẻo vú, giết em rồi đem xác bêu ngoài chợ huyện.

Sau này anh Thái đã gửi tặng gia đình chị Chiến bức ký họa để làm ảnh thờ vì khi ra đi chị chưa có bức ảnh nào. Sự hy sinh dũng cảm bất khuất kiên cường của chị Chiến là tấm gương sáng cho lớp lớp đàn em noi theo và học tập. Liệt sĩ Trần Thị Chiến thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng.

Tháng 6 năm 1974, họa sĩ Giang Nguyên Thái được ra Bắc chữa bệnh và bày triển lãm tranh. Đến đầu năm 1976, anh được cử đi tu nghiệp cao học và học chuyên khoa Mỹ thuật hoành tráng tại Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Xôphia - Bungari. Trong hành trang của anh khi sang nước bạn, ngoài những đồ dùng cá nhân là những bức ký họa thời khói lửa ở chiến trường Khu V. Mùa xuân năm 1978, anh được Hội Mỹ thuật Bungari mời trưng bày triển lãm hội họa cá nhân tại nhà Triển lãm của Hội ở phố Racopxki, ngay trung tâm thủ đô Xôphia. Anh đã trưng bày và giới thiệu 12 bức tranh sơn dầu anh vẽ tại Xôphia về đề tài chiến tranh và hơn 100 bức ký họa anh vẽ ở chiến trường. Anh kể rằng, một số tranh sơn dầu đã được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương và các địa phương ở Bungari đặt mua. Riêng các bức ký họa thì anh không bán vì đây là những tài liệu quý, những hình ảnh của đồng đội, của cán bộ, bộ đội và bà con Khu V, còn có cả những người thân yêu của anh đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho chúng ta hôm nay.

Sau này trong những lần đi công tác, hay vào những dịp được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam mời gặp mặt anh chị em kháng chiến Khu V về thăm chiến trường xưa. Họa sĩ Giang Nguyên Thái đều dành thời gian tìm về những nơi năm xưa anh đã từng đi vẽ để hàn huyên với những người còn sống, thắp nén tâm hương cho những người đã khuất. Và vui nhất là anh đã được gặp lại các anh chị em trong Đại đội biệt động Lê Độ - Thành Đà Nẵng. Sau bao năm xa cách là những cái ôm không muốn rời và những giọt nước mắt rơi nghẹn ngào hạnh phúc trong ngày gặp mặt.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái cho biết, anh còn có một dự định với kỹ sư Ngô Hùng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, là sẽ cùng nhau trở lại những địa phương anh đã từng đi vẽ ở chiến trường Quảng Đà, cũng là quê hương của anh Hùng. Một ý tưởng hay, các anh đang thu xếp thời gian để cùng nhau thực hiện.

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, thời gian không làm mờ được ký ức trong anh. Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm khảm, anh lại mở xem những bức ký họa của hơn 50 năm về trước. Những hình ảnh thân thương chân thực và sinh động, phản ánh về cuộc sống chiến đấu của những năm tháng cam go, đầy khó khăn gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của đồng bào và chiến sĩ Khu V. Những bức vẽ vẫn vẹn nguyên màu mực, anh vẫn nhớ từng khuôn mặt, từng nụ cười, dáng đứng, điệu đi, nhớ những mất mát đau thương, những ai còn ai mất. Tất cả đều là dấu tích để chứng kiến những thời khắc đã làm nên lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

N.T.K.O