Thơ Bùi Việt Phương

03.03.2022

Thơ Bùi Việt Phương

Nhà thơ Bùi Việt Phương, sinh năm 1980 tại Sơn La, quê gốc ở Hưng Yên, hiện cư trú tại tỉnh Hòa Bình; Là ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình; Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình.

Tác phẩm đã xuất bản: Ngày lạ (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019); Đồng bạc trắng của bà (Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2019); Mắt trong (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020); Nhựa sống (Tập tản văn, NXB Quân đội Nhân dân, 2020); Dưới chân đèo vẫn có mây bay (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2020); Văn chương - Tầm đón 
(Phê bình tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2020).

Giải thưởng đã đạt được: Giải C, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2019 cho tập thơ Ngày lạ; Giải Nhất, Cuộc thi Ký và truyện ngắn của Tạp chí Cửa Việt - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị cho truyện ngắn Năm tôi 49 tuổi; Giải Ba, Cuộc thi thơ kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2020), Ban sản xuất các chương trình giải trí, VTV3, Đài THVN cho bài thơ Biên thùy).

 

Cánh đồng

Cả cánh đồng vốn đầy ắp cỏ

Cả cánh đồng đã đầy tiếng mõ

Gặm đến khô cằn, đàn trâu là mùa xuân.

 

Khi đủ một bầy chúng mới lạc nhau

Đồng thanh che lấp từng khuôn mặt

Những con trâu to kềnh vẫn cần phải lớn

Bụng tròn nằm đợi cánh đồng

Cánh đồng cũng cần phải lớn

Đợi đàn trâu đứng dậy bước đi…

 

Có những loài chỉ đợi ăn những con sâu

Có những loài chỉ đợi ăn những tiếng hót

Có những loài chỉ đợi mật ngọt

Có những loài chỉ đợi những cái chết

Loài trâu đã gặm sạch cánh đồng

Trước khi xảy ra những điều đó

Nên đàn trâu lớn thêm

Cánh đồng mong đàn trâu đứng lên.

 

Tháng Giêng

Hoa mận, hoa đào tìm thấy nhà ta

Bánh chưng, dưa hành... thành linh hồn

đũa bát

Những chum vại, lọ hoa gặp nhau sau

“loạn lạc”

Còn bây giờ, trật tự: tháng Giêng!

 

Trên chuyến xe cuối cùng chở rác đêm

Ba mươi

Châm điếu thuốc, bác tài thành thi sĩ

Chuyện về rác cũng vô vàn triết lý

Triết lý vật vờ như rác của trần gian...

 

Năm mới hồi sinh cho đến muôn vàn

Ta còn trẻ ta thấy mình còn được

Lại toan tính ồn ào, thất vọng thì khe khẽ

Vụn nghĩ, vụn thương... rồi xe rác giao thừa.

 

Tháng Giêng cứ vô thường

Biết thế đã

Đang mưa...

 

Mường Diềm

Núi cao bao nhiêu, nước xiết bấy nhiêu

Vùng đá ngầm nhọn sắc

Thuyền bè quan quân ngược Bắc

Giáo trùng trùng sương phủ rừng lau.

 

Những người con Tây Bắc đi đâu

Nếu không vượt thác và ra trận?

Chỉ núi biết, chỉ trời hay

Thoắt nhanh như sóc núi Địn Đạnh

Tiếng hô từ Bưa Ka Túng vọng Pu Canh.

 

Những người lính đầu tiên chưa có quân trang

Súng kíp của cha, áo Tày của mẹ

Họ ăn quả rừng cho khỏe,

Họ uống nước ngòi cho can

Qua Bờ* ngước lên bài thơ vua ban

Thấy ngàn quân hò reo trong tiếng thác

Tiểu đoàn lớn lên từ trận mạc

Còn đi giữ bản giữ mường

 

Súng lại trùng trùng tựa rừng lau trong sương.

 

Minh họa Võ Như Diệu

Tây Bắc mùa xuân

Ai cúi mặt,

Cho nước sông xanh ngăn ngắt

Hoa chuối tàn binh đốt đuốc ngẩng đầu

Người tự giấu mình kĩ như mồi lửa

Chạm mặt nhen lên những cái gật đầu.

 

Lời hứa sợ chim muông nhặt được

Vùi đất nâu sinh cụm, sinh bầy

Cái lạnh thức, cả miền Tây Bắc ngủ

Hoa mận, hoa đào về trong chiêm bao.

 

Gió đoản kiếm, cỏ rùng mình cỏ rạp

Thác trắng tung bờm, nơm nớp cả miền lau,

Đỉnh núi của then, ngàn dâu của noọng

Câu khắp dệt chăn, phà

Thấy nhớ phải tìm nhau.

 

Ai mài dao, mủi lòng đá núi

Cứ phát lối về cho xuân sớm chiềng ta,

Người ấy đợi, cây lim giữ đất

Người ấy mong, cây nghiến dựng nhà.

 

Ai ngồi lại đêm nay cùng Tây Bắc

Để sớm mai ám khói bếp trong lòng

Người thật như gai, lời mời không có nọc

Gánh ngược, hẹn thề  lên với nhau không?

B.V.P

(*) Thác Bờ, địa danh thuộc Đà Bắc nay đã chìm dưới hồ thủy điện Hòa Bình nơi có bài thơ khắc trên đá của vua Lê Lợi.