Thành phố của những cây cầu

03.03.2022
Dân Hùng

Thành phố của những cây cầu

Đôi bờ, tranhSơn dầu của Vũ Dương

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, đứng trên những cây cầu bắc qua sông Hàn, từ cầu quay sông Hàn độc đáo, đến Thuận Phước uy nghi, Tuyên Sơn khiêm nhường, Trần Thị Lý thanh thoát..., trong lòng tôi đều phảng phất một cảm giác lâng lâng, thật dễ chịu, sảng khoái khi ngắm nhìn phố phường, nhìn dòng sông Hàn như dải lụa xanh uốn lượn giữa phố phường; hai bờ sông với những con đường khang trang, hiện đại nhưng cũng không kém phần nên thơ; những công trình đang vươn cao như muốn “gần lại với trăng sao”... những dòng người hối hả ngược xuôi...

Quay về quá khứ, khi đất nước còn chia cắt, Đà Nẵng lúc đó được coi là một đô thị lớn thứ 2 của miền Nam, nhưng cái “lớn” ở đây là lớn về quy mô của căn cứ quân sự, quân cảng, sân bay và các dịch vụ giải trí phục vụ chiến tranh. Chính vì vậy mà giao thông qua sông Hàn cũng chỉ là cây “cầu vàng” (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) và cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý) thời Pháp để lại đã hư hỏng.

Sau khi trực thuộc Trung ương và sau đó là Đô thị loại I cấp quốc gia, đã có những thương hiệu gắn với hai tiếng Đà Nẵng, mà những ai là người Đà Nẵng không thể không tự hào. Đầu tiên, không thể không nhắc đến chiếc cầu quay sông Hàn. Đây có thể xem là  cây cầu “độc nhất vô nhị” ở nước ta, mà giờ đây nó đã là biểu tượng đáng tự hào của thành phố. 22 năm sau ngày đất nước giải phóng, năm 1997 cây cầu đầu tiên được chính quyền Đà Nẵng xây dựng bằng tiền đóng góp của doanh nghiệp và người dân đã được khởi công, cây cầu là một biểu trưng cho ý chí quyết tâm thay đổi đời sống kinh tế của người dân Đà Nẵng. Cầu quay sông Hàn chính thức trở thành biểu tượng mới cho hình ảnh một Đà Nẵng với sức bật mới, xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ Đông và Tây sông Hàn. Hình ảnh của những xóm nhà chồ xập xệ ven biển quận Sơn Trà và những gia đình sống mưu sinh, chen chúc trên những con thuyền nhỏ từ bao đời dần lùi vào dĩ vãng, chấm dứt một thời gian khó lênh đênh trên những chuyến phà và chuyến đò ngang dọc ngang con sông Hàn. Sự đổi thay kỳ diệu này không chỉ làm cho nhiều người dân nơi đây mà cả nước cũng ngỡ ngàng trước sự thức tỉnh của cả một vùng phố Đông.

Càng phát triển, Đà Nẵng càng có thêm nhiều chiếc cầu bắc ngang sông Hàn. Sau chiếc cầu quay là cầu Thuận Phước, chiếc cầu dây võng đến thời điểm này là dài nhất Việt Nam, được đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Đó còn là chiếc cầu Rồng kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh nối dài đến đường Hoàng Sa nguy nga và tráng lệ, lại càng hấp dẫn hơn khi “rồng” phun nước, phun lửa vào những buổi tối cuối tuần, thu hút hàng ngàn khách thập phương tới chiêm ngưỡng. Rồi tiếp theo là cầu Trần Thị Lý với kiểu dáng lạ và đẹp... đó là chưa kể  những chiếc cầu khác như Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương.

Kiểu dáng của mỗi chiếc cầu đã, đang và sẽ làm cho Đà Nẵng nói chung, sông Hàn nói riêng ngày càng đẹp hơn lên. Mỗi cây cầu sẽ là một công trình kiến trúc độc đáo, có những nét riêng không trùng lắp. Cũng chính vì vậy mà bên cạnh những phương án thiết kế về kiểu dáng, mỗi cây cầu đã có những phương án thiết kế về màu sắc, hệ thống đèn chiếu sáng v.v... để chúng không chỉ hoành tráng, hiện đại vào ban ngày mà còn là những công trình mỹ thuật lộng lẫy khi màn đêm buông xuống.

Nếu nhìn ra nước ngoài, ngoại trừ Venice của Italia được mệnh danh là thành phố duy nhất trên thế giới có đến 444 cây cầu... không là “đối tượng so sánh” của Đà Nẵng thì ngó sang một đất nước gần gũi hơn ở châu Á là Hàn Quốc, thủ đô Seoul của họ rộng lớn, đông dân hơn Đà Nẵng, cũng có con sông mang tên sông Hàn chảy ngang qua thành phố này, từng được mệnh danh là “Thành phố nhiều cầu” cũng chỉ tới 9 cây cầu. Nói như vậy để thấy trong tương lai, Đà Nẵng cũng chẳng thua kém là bao... Ở tầm cỡ quốc gia, có thể khẳng định, không có thành phố nào có sông chảy qua thành phố lại có nhiều cầu như Đà Nẵng.

 Có thể khẳng định rằng kinh tế - xã hội Đà Nẵng phát triển đi lên song hành cùng với sự ra đời của những cây cầu qua sông, và cả những cây cầu vượt tại các nút giao thông lớn. Đó cũng là thể hiện sự quyết tâm vươn đến tầm cao mới của các thế hệ lãnh đạo thành phố, từ điểm xuất phát  là những ý tưởng, ước nguyện và khát vọng vì một Đà Nẵng phát triển văn minh và hiện đại, thể hiện ở tư duy và ý chí của người đứng đầu và sự đồng lòng thuận chí của cả hệ thống chính trị.

Từ chỗ chỉ có 1 cây cầu trước và sau ngày 29 tháng năm 1975 lịch sử, giờ đây Đà Nẵng đã có thêm một thương hiệu mà ít nơi nào có được: “Thành phố của những cây cầu”. Người Đà Nẵng sẽ tự hào hơn khi thành phố quê hương có thêm nhiều thương hiệu, mang dấu ấn khó phai, trường tồn theo năm tháng, mà trong đó sẽ có thương hiệu “Thành phố của những cây cầu”.

D.H