Thơ xưa viết trên Hải Vân quan

03.03.2022
Hồ Sĩ Bình

Thơ xưa viết trên Hải Vân quan

Đọc lại sử cũ và chuyện xưa, tính từ khi 1306, cây quế Huyền Trân nước non ngàn dặm ôm cái tình chi ra đi để đổi lấy 2 châu Ô, Rí thì khó kể hết, không biết bao nhiêu người đã viết, đã suy nghĩ về Hải Vân quan, từ Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Thích Đại Sán, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Nguyễn Thông, Ông Ích khiêm, Trần Cao Vân, Tản Đà,... hầu như không thiếu một danh sĩ nào, nhưng có lẽ người cảm khái, nhận chân được giá trị đầu tiên của Hải Vân là Lê Thánh Tôn với bài thất ngôn Hải Vân Hải môn lữ thứ viết vào năm 1471 - sau nhiều ngày chinh phạt đất Chiêm trở về ngủ lại trên đỉnh đèo. Trong hương nồng chiến thắng, đứng ngay ở vị trí cửa ải để nhìn ra thế núi, thế sông; vừa kỳ vọng, vừa trầm tư nội cảm, bậc minh vương không khỏi tự hào: Hỗn nhất xa thư cộng bức thiên/ Hải Vân hoành giới viết Nam thiên (Nước thống nhất, bánh xe cùng một cỡ, một kiểu chữ, một cương vực. Hải Vân vạch ngang ranh giới xuống trời Nam). Câu thơ rạch ngang một nhát chém giữa trời Nam mạnh mẽ, mang sức mạnh của một lời khẳng quyết.

Bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của Chúa Nguyễn Phúc Chu là bài thơ được truyền tụng trong giới văn nhân. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là một trong những vị Chúa đã tạo dựng được nhiều công nghiệp ở xứ Đàng Trong, đặc biệt là có công thu phục được xứ Hà Tiên từ Mạc Cửu, một người Hoa không thuần phục nhà Thanh đã đến khai khẩn vùng đất này, về tay nước Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu sáng tác rất nhiều bài thơ chữ Hán, Chúa là người hay sưu tầm đồ kiểu của Trung Hoa và cho in những bài thơ của mình trên mấy cái chén kiểu. Bài thơ Ải Lĩnh xuân vân là một tứ thơ trác tuyệt của một vị Chúa tài hoa viết sau khi qua đèo Hải Vân chông chênh cách trở Việt Nam xung yếu thử sơn diên/ Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên/ Đãn kiến vân hành tam tuấn lĩnh/ Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên/ Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết/ Thập tiễn y thường khởi thị tuyền/ Duy nguyện hải phong xuy tác vũ. (Nguyễn Phước Hải Trung dịch thơ: Mây xuân trên Ải Lĩnh: ...Xung yếu về Nam có núi này/ Khác chi đất Thục điệp non xây/ Bóng giăng chỉ thấy ba tầng lớn/ Người ở, nào hay mấy đỉnh mây/ Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng/ Áo xiêm ngâm, dẫu chằng nguồn vây/ Chỉ mong gió biển đem mưa tới/ Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày). Ải Lĩnh là tên cũ của một dãy núi tây nam kinh đô Huế. Bài thơ được viết năm 1719, nhân một chuyến tuần du của Chúa Nguyễn Phúc Chu vào xứ Đàng Trong. Tác giả đã không khỏi cảm khái trước ngọn đèo cheo leo khúc khuỷu hiểm nguy “khác chi đất Thục”, thể hiện niềm phấn khích dào dạt khinh khoái với vị thế “xung yếu về Nam” của ngọn đèo trên bước đường mở rộng về phương Nam, thi ảnh “Muôn dặm dâu xanh bát ngát đầy” của những biền dâu có thể hiểu là chuyện thăng trầm thế sự và xa hơn là hình ảnh của xứ Đàng Trong. Bài thơ còn tỏ rõ tấc lòng sâu kín và nỗi tự hào của một vị Chúa với đất nước.   

Trần Bích San là một danh sĩ Bắc Hà, làm quan dưới thời vua Tự Đức, ông viết bài thơ Tam quá Hải Vân được văn nhân thời ấy, truyền miệng, thông qua bài thơ bàn luận những nét đẹp hùng vĩ của đèo Hải Vân, rồi vịnh, họa thơ... đã không ngớt lời ca tụng, xem như là một “Đệ nhất hùng quan thi phẩm” cũng trong một trường nghĩa với tác giả “Ải Lĩnh xuân vân” về sự khó nhọc, trắc trở, gian truân khi vượt đèo. Tam quá Hải Vân: Tam niên tam thưởng Hải Vân đài/ Nhất điểu thân khinh độc vãn hồi/ Thảo thụ bán không đệ nhật nguyệt/ Càn khôn chích nhỡn tiểu trần ai/ Văn phi sơn thủy vô kì khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài/ Hữu đạo Tần quan chinh lộ hiểm/ Mã đầu hoa tận đới yên khai (Dịch nghĩa: Ba năm ba lần lên đèo Hải Vân/ Con chim thân nhẹ một mình qua lại/ Cây cỏ giữa tầng không/ Mặt trời mặt trăng đều ở dưới thấp/ Cả đất trời thu vào con mắt, cõi trần coi như nhỏ không/ Văn không có sơn thủy thì không có khí lạ/ Người chưa dãi dầu sương gió rèn trí luyện tài thì chưa thể già dặn/ Thôi đừng nói qua ải Tần là hiểm trở/ Nơi đầu ngựa hoa đội mây mà nở...) Lồng trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cheo leo khuất khúc của đèo, tác giả còn gửi gắm một quan điểm về sáng tác thơ ca: văn chương mà không có núi biển thì không có khí chất mạnh mẽ hùng tráng, người mà chưa được thử thách trước sóng gió cuộc đời thì văn không thể chín tới được (Nhân bất phong sương vị lão tài). Kết thúc bài thơ bằng một thi ảnh nên thơ mà hùng tráng “nơi đầu ngựa hoa đội mây mà nở” thật lãng mạn bất ngờ. Cao Bá Quát thì muốn treo ước mơ trên cánh chim hồng hạc bay vút tận trời xanh. Hãy đọc Đăng Hải Vân quan để thấy một tâm hồn thơ hào sảng, đầy sục sôi khát vọng nhưng cũng trầm lắng suy tư của nhà thơ họ Cao: Thập cấp hành nan tận/ Bằng cao vọng dục mê/ Địa phân kinh dã tiếu/ Thiên nhập quảng sơn đê/ Khám hải phàm như diệp/ Môn quan tự lộ tự thê/ Hỉ khán thâm thụ ngoại/ Bạch xứ thị thanh khê/. (Lần theo từng bậc leo lên mãi mà không hết/ Từ trên cao nhìn ra xa chỉ thấy lờ mờ/ Đất chi kinh thành đất như nhỏ lại/ Trời hòa vào cùng núi rộng như thấp xuống/ Trông xuống biển: cánh buồm như chiếc lá/ Lần theo cửa ải đường đi như chiếc thang/ Thích thú ngắm nhìn mé ngoài vùng cây rậm/ Nơi có màu trắng kia chính là dòng suối trong). Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn trong nền văn học cổ. Ông viết rất nhiều thơ chữ Nôm, riêng thơ chữ Hán còn lưu lại khá đồ sộ tới 1267 bài. Thơ chữ Hán của ông mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện một tâm hồn thơ đầy khí phách trách nhiệm, thấm nhuần một tư tưởng nhập thế với khát vọng cống hiến tài năng cho đất nước. Bài thơ được Cao Bá Quát viết khi vào Đà Nẵng chuẩn bị đi Tân Gia Ba trong một tâm trạng sau khi bị triều đình “khiển trách” tại Huế. Cảnh sắc thiên nhiên Hải Vân quan trong thơ họ Cao luôn vang vọng một nỗi niềm trước đèo cao trời rộng, hình ảnh và ngôn ngữ thơ sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập, đối chọi tạo nên sự mạnh mẽ, khinh khoái của một con người đầy khí phách hiên ngang.     

Trong dòng văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19, Huỳnh Mẫn Đạt người đã dùng ngòi bút vạch mặt bọn tay sai thực dân và ca tụng những chiến công, sự hi sinh anh dũng của các nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ. Ông còn là bạn thơ xướng họa với Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu... Khi qua Hải Vân Quan, ông cảm tác bài thơ Lên đèo Hải Vân được nhiều người nhắc đến: Đối liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu/ Chia hai Thuận Quảng một con đèo/ Lá dòm mặt nước cây mong đợi/ Biển bọc chân non, sóng muốn trèo/ Mặt đất day ngang đường khuất khúc/ Sườn non dựng ngược đá cheo leo/ Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo. Cảnh vật thiên nhiên trong bài thơ đều được nhân hóa, ngôn ngữ thơ thuần Việt, sử dụng những từ rất dân dã như: dòm (nhòm), day (xoay trở), đoái (ngoái lại), tót (trên cao)... làm cho người đọc dễ thẩm thấu, cảm nhận. Đường lên Ải Vân quan vô cùng hiểm trở nhưng với cảnh núi liền biển, mây vờn xuống trên đường đèo, tác giả không khỏi sảng khoái trước cảnh quan trời đất. Bài thơ được sáng tác khi đất nước còn yên bình thể hiện niềm tự hào ngất trời về quê hương đất nước.           

Một cửa ải, một con đèo hiểm trở suốt 700 năm đã từng chứng kiến biết bao danh sĩ, bậc trượng phu của đất nước đi qua. Và hình như, mỗi người đều muốn để lại cho hậu thế đôi điều tâm sự gan ruột của lòng mình. Nghĩ, trong ý thức lập ngôn, lập chí nhuốm màu nhập thế phương Đông của bậc kẻ sĩ thời xưa thì đèo Hải Vân như là một hình ảnh muốn hiện hữu hóa cái khát vọng dấn thân vượt qua những khó khăn cao ngất trong đời để đi đến cùng ước vọng của họ. Không biết mặt nhau, chỉ nghe khẩu khí trong lời cảm khái trên đèo mà Nguyễn Thượng Hiền nhận ra Phan Bội Châu: Nhà ai từng đọc Tam đô phú/ Chiếm được hoa mai đã bạc đầu. Chê lối học từ chương, đỗ đạt làm quan để làm gì khi mà đất nước vẫn tang thương nô lệ. Cuộc sơ ngộ ở Hải Vân quan đã kéo những người bạn Đông Du keo sơn gắn kết bền chặt hơn cho đến sau này. Nghe nói cụ Nguyễn Thượng Hiền liền khi đó mời cụ Phan về nhà rồi cùng nhau làm một cuộc hành phương Nam để phát dương phong trào yêu nước. Còn Trần Cao Vân trên độ cao 500 mét, lời thơ như muốn xé ngang trời: Sầu lắng biển xanh, tầm mắt vút/ Hờn lên mây trắng nắm tay vung. Với Nguyễn Thông thì hào sảng khôn lường: Nhẹ cánh chim hồng dạo Hải Vân/ Ngắm rộng càn khôn coi cũng bé. Thơ viết trên đèo ai cũng khí khái, trầm hùng và đầy chí khí bởi chính giữa cái nơi chỉ còn mây trắng, biển xanh, đồi núi, và sừng sững thiên hạ một hùng quan, hơn khi nào hết, ai cũng muốn bày tỏ cái khát vọng lớn lao của mình đối với đất nước, cuộc đời. Nhất là đối với tầng lớp kẻ sĩ xứ Đàng Trong, vượt đèo là một thử thách đầu tiên trên bước đường về kinh đô với ý thức lập thân, xác định thái độ sống và sự trải nghiệm của mình, theo cách nói của Mao Trạch Đông khi nói về Vạn lí trường thành: Bất đáo trường thành phi hảo hán.

Trần Quý Cáp khi qua đèo đã để lại bài thơ Vãn quá Hải Vân Quan: Thôi ngôi vạn nhận cổ hùng quan/ Kỷ độ đăng lâm phủ ngưỡng gian/ Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại/ Nộ quyền huy phá bạch vân đoan/ Cô chu phân điệu hoang thôn mộ/ Quyên điểu đầu lâm cổ mộc hàn/ Thất lý oanh hồi xuyên quá hậu/ Uất thông giai khí Ngũ Hành Sơn. (Hùng quan chất ngất đỉnh non xây/ Bước đã quen nơi cúi ngữa này/ Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển/ Giận tung quyền phá bốn bề mây/ Chiều quang mái trú đìu hiu bến/ Mỏi đáp rừng chim lạnh lẽo cây/ Bảy dặm quanh co đèo vượt khói/ Non Hành giai khí ngút trời bay). Đau buồn vì đất nước đang lâm nguy, lọt vào tay giặc Pháp mà ngậm ngùi nhìn biển xanh dưới chân đèo, nỗi sầu ràn rụa lệ tràn chứa chan (Sầu nhãn vọng cùng thương hải ngoại).  

Nhưng với dân gian thì khác, đèo Hải Vân là hiện thân của nỗi ám ảnh trường kì... “Dân ở dưới đèo rất khổ, quan binh đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà” (Thích Đại Sán). Nỗi khổ phu phen làm đèo, băng rừng vượt suối còn để lại rất nhiều nỗi khiếp sợ, buồn tủi mênh mang trong ca dao: Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi... Chiều chiều mây phủ Hải Vân/ Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân thêm buồn... Anh từ trong Quảng đi ra/ Leo lên đèo Ải chữ chi mập mờ... Những câu thơ buồn vời vợi, đầy thổn thức được truyền miệng của lời nhắn nhủ đau thương một thời... Đèo Hải Vân nhìn từ 2 phía, 2 tầng lớp bày tỏ rất rõ nét thái độ, quan điểm của mọi tầng lớp trong mỗi giai đoạn khác nhau.

Chúng tôi ngồi uống rượu trên đỉnh đèo, trong đầu óc luôn khinh khoái suy nghĩ đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Nhiều khi trên nắp hầm lô cốt, nắng vừa tỏa dày thì khoảng chốc mây, sương, hơi đá và gió lạnh lại ập xuống rất nhanh. Khi ấy cảm giác như mình đang trôi đi xa lắm, trong men rượu nồng nàn tưởng đang cùng sương trắng bay la đà ra khỏi cõi nhân gian. Nhưng thông thường thì trời vẫn u ám hay mưa ở bên phía Bắc, qua bên này thì nắng sáng lòa. Có người bạn ở xa, thắc mắc về một câu hát của Trịnh Công Sơn: Lòng vui như nắng qua đèo. Lên đèo là lúc mà nắng chỉ còn vương vất trên đầu núi, buồn chết đi được, nỗi buồn của đèo cao quán chật sao gọi là vui. Thời tiết, khí hậu của Hải Vân là vậy, từ Huế đang mưa lại chuyển sang nắng hè (Tản Đà) khi qua địa phận của Đà Nẵng là hiện tượng thường gặp. Không vui sao được khi đi từ trong mưa gió bập bùng bỗng chốc gặp trời loang nắng quang tạnh thì thật bất ngờ và hạnh phúc.

Hải Vân quan một danh thắng lịch sử văn hóa “thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca xưa. Các nhà thơ, danh sĩ từ Nam chí Bắc đã gởi gắm lòng yêu thương và nỗi tự hào với quê hương đất nước bằng những áng thơ bất hủ để lại cho hậu thế.

H.S.B