Sự kết hợp truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân

03.10.2023
Vũ Đình Anh

Sự kết hợp truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Truyền thống là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử và hiện có nhiều tác dụng, tác dụng đó có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực”. Học giả Nguyễn Văn Xuân đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Trong tác phẩm của ông, dù rất đề cao văn hóa truyền thống, song ông đã cân bằng và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Tư duy độc lập, sắc sảo đã giúp ông vừa có sự trân trọng truyền thống song lại cũng có sự đấu tranh chống lại những gì đã lỗi thời, lạc hậu, vừa có sự đề cao những chuẩn mực hiện đại tốt đẹp. Ông không lấy truyền thống hay hiện đại làm cơ sở, mà tiêu chuẩn ông xác lập chính là những giá trị tích cực, hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân, vì sự phát triển của nước nhà.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Văn Xuân là nhà văn phong tục, bởi các tác phẩm của ông đề cập đến nhiều tập quán truyền thống của quê hương. Điều này chúng ta bắt gặp trong nhiều sáng tác của ông giai đoạn trước năm 1945 như Tết, Dư - ở phường Xoan, Ngày giỗ cha, Ngày cuối năm trên đảo… Tuy nhiên, qua cách miêu tả, nhà văn cho thấy nhiều thói tục truyền thống của quê hương phiền phức, lạc hậu, có tác động không tốt đến con người trên con đường kiếm tìm tự do, hạnh phúc. Truyện ngắn Dư, ở phường Xoan đề cập đến sự ám ảnh của tục lệ, tập quán của gia đình trong tâm trí nhân vật Dư. Cô đã từng cố gắng để thay đổi theo nếp sống khác của người “chồng hờ”, nhưng cô đã không vượt qua được. Cuối cùng, cô quyết thực hiện cái tục lệ đi “ăn xin, ăn cắp” vốn đã thành “lẽ sống” của những con người trong xóm ăn mày ven chợ Hàn. Chính khi ấy, Dư đã đánh mất hạnh phúc mình đang có, người “chồng hờ” đã ngay lập tức bỏ Dư khi biết Dư là con của phường ăn mày. Truyện Ngày giỗ cha miêu tả sự gồng mình vay mượn, chạy vạy để có tiền tổ chức đám giỗ cha của lão Cửu. Qua đó, lão muốn “trả nợ miệng”, để che giấu đi sự làm ăn sa sút, những khoản nợ nần chưa bị bung ra, để lấy danh tiếng với xóm làng… Truyện Ngày cuối năm trên đảo đề cập các tục lệ thờ cúng thần linh của trời, của đất, Hà Bá, Thủy quan, chúa Tiên Huyền nữ, các vị Ngũ hành, bà Mộc, bà Hỏa… trên đảo Cù Lao Chàm xa xôi giữa biển khơi chi phối nhân vật Nguyện. Điều đó khiến Nguyện cảm thấy mình nhỏ bé và yếu đuối, không có khả năng vươn lên bởi “lưới bủa của chư vị thần linh trên hải đảo bí mật đáng ghê sợ này”… Như vậy, Nguyễn Văn Xuân miêu tả các phong tục, tập quán của quê hương trong tác phẩm của mình chính là sự nhận thức, đánh giá lại tập quán truyền thống trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Qua đó để nhận chân sự cổ hủ, lạc hậu của các thói tục đã trì níu, cản trở con người, nhận ra sự cần thiết phải đổi.

Trong nghiên cứu, Nguyễn Văn Xuân dành nhiều tâm huyết về văn hóa truyền thống, về bản sắc dân tộc. Ông luôn tâm niệm: “Bản sắc dân tộc là điều ai cũng phải công nhận rất quan hệ đối với dân tộc, không chỉ ở hình thức mà nặng nhất là ở tinh thần, tùy theo mỗi thời đại lại uyển chuyển thúc đẩy hoặc dẫn dắt dân tộc ấy tiến bước”. Vì vậy, ông luôn có ý định khám phá rõ cái gốc gác, các giá trị truyền thống của người Quảng, người Việt. Học giả xứ Quảng cho rằng, nền văn hóa truyền thống Việt Nam bị/ được các luồng văn hóa lớn, “đầy sinh lực” là Ấn Độ và Trung Quốc, sau này lại thêm văn hóa phương Tây chi phối, tác động. Vậy nên phải “chịu thiệt thòi quá nặng như ở tình trạng hiện tại”, rất khó khăn để tìm về gốc gác. Nhất là khi ở Việt Nam chưa có truyền thống gìn giữ tư liệu, ghi chép hay viết hồi ký lưu giữ những việc trong quá khứ. Song ông vẫn luôn khẳng định, nền văn hóa dân tộc ta đã “có sắc thái riêng biệt của ta, đã lớn, đã mạnh, đã đủ sức tự lập trước khi chịu ảnh hưởng”. Dân tộc ta, văn hóa ta đã trưởng thành từ trước thì mới đủ bản lĩnh “thâu nhận sự phong phú tràn ngập từ bên ngoài vào và sức tràn ngập ấy như vũ bão mà không làm mất nổi cái căn bản như sắt thép của ta”.

 

Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập

Nhưng Nguyễn Văn Xuân cũng nhận thấy văn hóa ta đã phải tiếp nhận quá nhiều, dù vẫn có bản lĩnh, bản sắc riêng song khả năng “tự lập” chưa thật cao, “tự cung ứng” chưa tốt. Vì vậy, văn hóa Việt Nam trong tình trạng “có vay không có trả”, ít khi “xuất cảng”. Ông cho rằng, muốn “có trả”, muốn “xuất cảng”, cần phải đào tạo nên nhiều nhà văn hóa lớn. Mà muốn có các nhà văn hóa lớn, lại phải “trở lại một cách kiên nhẫn, kiên cường tìm lại, đào lại, xới lại cái nhân cách, cái bản sắc, cái đặc tính của dân tộc Việt Nam”. Ông cho rằng, trách nhiệm tìm cho ra “bản sắc dân tộc một cách rõ ràng, sâu sắc và có niềm tin như chém sắt, chặt đinh” chính ở các nhà nghiên cứu, biên khảo. Họ phải “khám phá cho ra chân tướng” của người Việt, khi đó mới có thể “lấy tinh thần và căn bản dân tộc làm chỗ dựa” mà chủ động nhận ra cái hay, cái dở, để kiểm soát việc chúng ta cần học hỏi, tiếp thu cái gì. Nếu các nhà nghiên cứu chưa đủ khả năng để tìm ra bản sắc thì nên “cố gắng suy tư” về điều đó.

Tuy nhiên, không phải vì đề cao bản sắc dân tộc mà Nguyễn Văn Xuân xem nhẹ sự giao lưu, học hỏi cái hay, cái tốt từ bên ngoài. Bản thân ông tự thừa nhận: “Tôi đọc nhiều sách, hầu hết là Pháp văn, là thứ văn hóa mà tôi tiêm nhiễm”. Trong nghiên cứu, ông nhận thấy trí thức Việt sớm có tinh thần giao lưu, học hỏi, điều đó không chỉ thể hiện khi tiếp xúc với các nền văn hóa lớn ở châu Á, mà cả với nền văn hóa phương Tây. Nhiều trí thức Việt Nam đã sớm có tầm nhìn rộng rãi, “thức thời” không kém Nhật Bản. Điều đó được thể hiện qua các sách, sớ, biểu của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ đề xuất canh tân đất nước từ trước năm 1865 (trước thời điểm Nhật Bản duy tân). Song rất tiếc vua Tự Đức không được như Minh Trị Thiên Hoàng, nên đã không chấp nhận cho tiến hành duy tân đất nước. Tác giả so sánh và cho rằng vua Tự Đức không được như vua Gia Long, bởi dưới thời Gia Long, Việt Nam đã học hỏi phương Tây khá nhiều. Ông dẫn lại ý kiến của nhà nghiên cứu Nhật Bản - ông Yoshiharu Tsuboi trong sách Nước Đại Nam đối diện Pháp và Trung Hoa: thời Gia Long đã từng cộng tác với người Pháp để áp dụng nhiều kỹ thuật phương Tây hơn cả các nước Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản cùng thời. Dù không được triều đình chấp thuận, song các ý tưởng, các đề xuất duy tân đất nước của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với các lớp trí thức người Việt về sau.

Đối với nền văn hóa Việt Nam, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, một mặt cần đánh tan những phong tục, “tích tệ ngàn năm” không phù hợp, đang cản trở phát triển; mặt khác phải học hỏi những cái mới, cái hay, cái tốt của nước ngoài để phục vụ sự phát triển. Ông khẳng định người Việt phải học nghề, cải tiến máy móc, phương tiện làm việc, làm ăn có phép tắc, có giờ giấc, phải đoàn kết, biết chung vốn làm ăn, phải bỏ mê tín dị đoan…

Nguyễn Văn Xuân có quan niệm phù hợp với quy luật kế thừa và giao lưu trong phát triển văn hóa. Về mục đích, ông cho rằng không phải cố giữ cái cũ bằng mọi giá, cũng không phải thay mới hoàn toàn, mà vấn đề chính là lựa chọn những yếu tố phù hợp để phát triển đất nước. Muốn thực hiện được điều đó phải tạo nên những “tân nhân vật”, “những con người mới” có tư duy tiến bộ, tích cực và sẵn sàng hy sinh, “dám chết vì nghĩa”. Ông cũng khẳng định, người dám chết “vì đại nghĩa” ở đây “không chỉ có cứu nước mà còn làm sao xây dựng đất nước trong thế giới mới”. Tức những người nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà cũng cần được coi trọng. Mọi sự đóng góp cho/ vì dân tộc cần được Tổ quốc ghi công, chứ không chỉ ghi công những anh hùng, liệt sĩ xả thân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đây là một quan niệm mở và rất phù hợp trong bối cảnh hòa bình, đổi mới và phát triển hiện nay.

Một trong những vấn đề Nguyễn Văn Xuân dành nhiều tâm sức chính là vấn đề phê phán truyền thống Nho học cổ lỗ; đề cao Tân học được các nhà Nho Duy Tân quê hương ông khởi xướng từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trong các nghiên cứu của mình, ông cực lực phê phán lối học khoa cử, từ chương thời phong kiến, bởi nền giáo dục ấy “vô bổ”, thiếu thực tế, không góp phần phát triển đất nước. Theo ông, hoạt động của các nhà Nho tự tách biệt với đời sống, xa rời các hoạt động kinh tế, thương mại. Những ngành nghề buôn bán chủ yếu “trong tay đàn bà”, còn “thương mãi lớn khác bao trùm khắp nước và cả xuất nhập khẩu thì từ lâu vẫn nằm trong tay người Hoa”. Đó là những nguyên nhân căn bản mà ông cho rằng “nước ta cứ nghèo mãi”. Ông gọi lối học từ chương là lối học sai, không giúp ích mà còn gây hại, cản trở sự phát triển: “Học đã sai thì còn mong gì mở mặt non sông mà chỉ dìm thêm non sông vào bóng đêm những trang thảm sử”.

Nguyễn Văn Xuân phê phán lối học từ chương nhằm đề cao thực học bởi thực học mới có kiến thức mà ứng dụng được vào đời sống, góp phần phát triển non sông. Đây là xu hướng giáo dục xuất hiện từ thế kỷ XVIII ở Nhật Bản, sau đó trở thành phong trào ở một số nước khu vực Đông Á trong thế kỷ XIX. Phong trào này chống lại lối học từ chương, giáo điều, xa rời thực tế; đã đóng góp to lớn vào công cuộc khai hóa, canh tân và phát triển ở nhiều quốc gia, tiêu biểu nhất là Nhật Bản. Ở Việt Nam, ông cho rằng, kể từ phong trào Duy Tân về sau, nhiều người đã nhận thức sâu sắc về tinh thần thực học, thực nghiệp, đổi mới.

Trên tinh thần đề cao thực học, ông đánh giá lại một biểu tượng nổi tiếng của truyền thống quê hương: “Ngũ phụng tề phi”. Theo Nguyễn Văn Xuân, chỉ nên coi “Ngũ Phụng tề phi” là dấu son trong thi cử, song thực tế lại biến thành một thứ huy hiệu, một chân lý không bàn cãi: xem sự đỗ đạt, bằng cấp là mục đích, là kết quả của sự học. Ông phân tích và cho rằng: công danh, sự nghiệp của “Ngũ Phụng tề phi” chỉ là đỗ đạt và làm quan trong giai đoạn Pháp đã chiếm Việt Nam. Vậy đỗ đạt và làm quan có ích gì cho đất nước, cho nhân dân trong thời ấy? Ông bất phục một danh xưng chưa xứng tầm để nhằm xây dựng một “tượng đài” khác của quê hương xứng đáng lưu danh hậu thế. Theo cách gọi của ông là Ngũ Phụng bất tề phi, là “năm vị đại khoa khác thực sự học giỏi, thực sự có tài năng, có chí khí, xứng đáng làm gương cho hậu thế về mọi mặt”: đó là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Phú Thứ, Phạm Như Xương. Điểm mấu chốt chính là sự học vấn, giáo dục, tài năng của Ngũ Phụng bất tề phi thể hiện tinh thần hy sinh để dựng nước, để giữ nước.

Như vậy, Nguyễn Văn Xuân là học giả có quan điểm giáo dục tiến bộ. Ông phê phán lối học từ chương, xa rời thực tế, vì bằng cấp, “học để làm quan”; ngợi ca tinh thần đấu tranh vì thực học và giáo dục toàn diện. Ông cho rằng, muốn đất nước phát triển cần phải lấy giáo dục làm cơ sở: “giáo dục và đào tạo là điều căn bản cho sự hình thành dân mới, nước Việt mới”. Giáo dục tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, phải “lấy giáo dục đào tạo làm cơ sở cho phát triển kinh tế, văn hóa”. Vì vậy, muốn xây dựng đất nước Việt Nam mới, phồn thịnh, hạnh phúc phải dựa trên nền tảng giáo dục đúng đắn.

Đó là những luận điểm có ý nghĩa, có tính thời sự cho đến giai đoạn hiện nay. Đây cũng chính là quan điểm “Ôn cố tri tân” luôn được ông thể hiện. Ông cho rằng, học lịch sử, học văn hóa không phải chỉ để biết, để giữ lại, mà điều cốt yếu chính là vì nguyên lý phát triển. Rằng, người Việt ta cần bỏ đi những thói hư tật xấu, chỉ gìn giữ những truyền thống có giá trị, mà cốt yếu hơn là “tạo nên tập tục cho các giá trị mới trở thành truyền thống mới để phát triển”.

V.Đ.A