Phía đông một dòng sông
(Mến tặng Tăng, Thạnh và các bạn 6A-70 Đông Giang)
Ngôi trường nằm ở phía đông của dòng sông chảy ngang qua thành phố, nên được mang tên rất đỗi nhẹ nhàng và êm dịu: Trường trung học Đông Giang. Học trò của ngôi trường này cũng hiền lành, nhẹ nhàng như tên ngôi trường vậy. Nhiều năm tháng trôi qua cùng với những biến động của thời cuộc, từng lớp học trò đến rồi đi, trôi giạt thật xa trường cũ.
Anh chỉ học ở ngôi trường ấy đúng một năm rồi chuyển trường vào học nội trú ở trường dòng. Ngôi trường anh học không xa trường cũ bao nhiêu, lên sân thượng có thể nhìn thấy cột cờ của trường cũ trong sương mù mỗi sớm mai. Nhưng cho đến bây giờ anh vẫn không hiểu tại sao ngày ấy mình không tìm về thăm trường cũ và những người bạn thân thiết của mình. Có lẽ lúc ấy còn nhỏ, anh chưa tự quyết định được điều gì, cũng chẳng có phương tiện mà đi.
Rồi cùng với những chuyến xe lăn bánh nhanh trong cuộc đời, anh phiêu bạt vào một thành phố lớn, xa hẳn tuổi thơ mình. Những chuyến xe cuộc đời thường đưa người ta đi xa hơn là trở về. Có những thành công và những thử thách, có những niềm vui và những tiếc nuối, nhưng anh không tài nào tìm lại được bạn bè xưa. Những cái tên thuở nhỏ nghe thật mơ hồ: Tăng, Đông, Thạnh, Nhạn, Sâm… Đôi khi thấy trên danh sách nào đó có người có cái họ lạ, trùng với họ một người bạn học cũ, anh hỏi thăm, may ra gặp em hay cháu của bạn mình. Nhưng đáp lại chỉ là những đôi mắt tròn xoe…
Ở Sài Gòn không có mùa hạ. Nói đúng hơn, mùa hạ về trong sân trường với màu phượng đỏ tươi mát. Nói như một nhà thơ, màu đỏ hoa phượng là màu đỏ duy nhất mang vẻ dịu dàng. Và đó là nét duy nhất của mùa hè. Còn cái nắng và cơn mưa thì cũng như mọi mùa quanh năm. Vì không có mùa hè hay mùa hạ, nên trường học vẫn mở cửa quanh năm, học trò vào ra liên tục, anh cũng không có mùa hè để rời bục giảng.
Và một ngày đầu mùa hè đơn điệu như thế, anh nghe tiếng chuông điện thoại từ một số lạ, giọng nói lạ nhưng lại thân quen đến không ngờ:
- Mình là Thạnh, bạn học cũ 6A Đông Giang. Tăng và mình đã tìm ông lâu nay. Có post lên Facebook “tìm bạn” mà cũng không tìm thấy.
Bất chợt anh thấy lòng rưng rưng. Có lẽ lần đầu tiên trong đời anh thấy thời gian như không còn nữa. Mấy mươi năm chỉ như hiện tại. Hình ảnh những cô cậu học trò bé bỏng ngày ấy. Những chú bé quần xanh áo trắng gọn gàng, những cô bé áo dài tinh tươm xếp hàng đi vào lớp mà tay chân vẫn như muốn tiếp tục bông đùa. Anh còn nhớ rõ giờ Pháp văn của cô Ý Nhi vừa vui vừa sợ. Cô giáo người Huế dịu dàng mà nghiêm khắc bắt đầu giờ học đầu tiên với un homme, une porte. Và đám học trò nhỏ bước vào thế giới mới của tuổi học trò như thế đó.
Cuộc điện thoại ngắn ngủi của Thạnh cho anh nhiều thông tin: có bạn cũ thành công trong cuộc đời, như Thạnh từng làm hiệu trưởng trường, có người thành đạt trong thương trường, có bạn sống xa quê hương, có người đau yếu và cũng có người đã ra đi. Cuộc đời vô thường. Nhiều chục năm trước không ai biết được mỗi người rồi sẽ đi đâu.
Hồi ấy ngôi trường còn đơn sơ hơn bây giờ nhiều. Sân trường còn nhiều cát trắng. Có một chiếc cổng phụ phía sau, học sinh có thể ra vào mà không phải băng qua sân. Hình như ai cũng còn nhớ chú cai trường, dáng người đậm chắc, rất hiền lành đối với học trò. Trường chưa có căn tin, nhưng quán chè nho nhỏ của vợ chồng chú cai trường là nơi đón những cái ngáp dài mệt nhọc, những tiếng cười giòn tan và cả những tiếng cãi nhau chí chóe.
Anh còn nhớ trong một kỳ thi, khi được hỏi anh nhớ gì nhất về tuổi học trò, anh trả lời không cần suy nghĩ: quán chè của người cai trường. Nhưng khi giám khảo hỏi lại tại sao như thế thì anh bật cười, có lẽ tiếng cười không đúng lúc mà lại quá trong trẻo làm cho giám khảo mủi lòng mà cho anh qua kỳ thi dễ dàng. Dường như cái gì của tuổi thơ cũng giúp người ta lớn lên một chút trong cuộc đời này.
Trong quán chè của chú cai trường ngày ấy, có một điều bí mật anh mãi mang theo: cô bạn nhỏ hứa cho anh mượn cuốn tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và anh cũng hứa cho bạn mượn một cuốn. Nhưng bí mật ấy cũng thành bí mật cả với chính anh, vì anh không tài nào nhớ ra được đó là những cuốn sách gì. Nhưng người bạn nhỏ ngày ấy thì anh vẫn nhớ.
Thời ấy chưa có Internet hay điện thoại thông minh, nên sách vở được trân trọng hơn bây giờ, và thú vui tao nhã nhất vẫn là đọc sách. Anh cũng như các bạn đọc sách như bây giờ lớp nhỏ chơi game, chỉ có điều sách thì không bao giờ làm người ta chán.
Hồi đó Tăng, Bình và anh ngồi bàn đầu, nên được thầy cô chú ý khá kỹ. Những đứa nhỏ con luôn được chú ý trong bất cứ môi trường nào (trừ môi trường thể thao). Anh không nhớ mình thuộc bài được bao nhiêu lần, nhưng những lần bị la thì khá đủ để viết hồi ký. Hồi đó anh chưa biết đến nhà thơ Xuân Diệu, nhưng cũng tiên đoán được câu thơ của ông: “Chàng trai đi học nghe chim giảng”.
Trong sân trường và trên những thanh ngang trước hành lang, bầy chim sẻ hay gọi nhau về ríu rít. Tiếng giảng bài của thầy cô lắm khi được kết thúc bằng tiếng hót của bầy chim, mà đoạn kết thì luôn dễ nhớ, cho nên đám học trò khi trả bài cũng líu ríu như chim ca. Và cứ như thế, những học kỳ chầm chậm trôi qua.
Vì ngôi trường nằm ở phía đông dòng sông chia đôi thành phố, nên muốn sang phố chợ thì người ta đi qua chiếc cầu dài hay đi trên chuyến phà nửa già cỗi nửa thơ mộng. Trên phà, hình ảnh tà áo dài bay bay bên cạnh chiếc xe đạp mini đôi khi cũng gợi hứng cho một nhà thơ đang lên, có thể có câu thơ như khoa học viễn tưởng: “Chiếc xe đạp sang sông, mà bánh xe không ướt, tà áo dài tung bay, trên sóng nhẹ dòng sông, cô gái vút đến bờ, mà chân không cần đạp”.
Có lần Thạnh sang phố chợ mua sách, về trễ chuyến phà cuối nên thất thểu đi dọc bờ sông về hướng chiếc cầu xa xa. Thình lình trong nỗi chán chường mệt lử ấy, một tà áo trắng trên chiếc xe mini dừng lại:
- 6A đúng không? Lên đây cho quá giang nè.
Thạnh tần ngần:
- Bạn là…
Tiếng áo dài cười nhỏ:
- Mình là 6B, em họ 6A.
Hóa ra là Phụng bên 6B, là em họ của Tăng. Anh chàng vui vẻ nhảy lên yên sau ngồi. May mà 6B khá to khỏe.
Hôm sau trong lớp Thạnh chưa kịp kể chuyện thì cả lớp đã biết. Thấy Thạnh bước vào, ai cũng nhao nhao:
- Trả tiền xe đi chứ Thạnh.
- Mai mốt cho mình đi ké với…
Câu chuyện chỉ chấm dứt khi thầy Bạn vào lớp và nói lớn:
- Chuẩn bị dò bài!
Nhiều năm sau này, khi anh và các bạn đã bước vào đời, có những lúc lặng lẽ đi giữa dòng người xuôi ngược, người mệt lử, muốn nhìn thấy một tà áo dài thân quen nhưng nhiều khi chỉ thấy những người xa lạ, lạnh lùng. Tuổi thơ bao giờ cũng êm đềm nồng ấm, khi người ta thoát ra khỏi tuổi thơ thì cũng như con bướm thoát khỏi chiếc kén ngà, có vui có buồn thì cũng chẳng còn êm ả như ngày xưa.
Anh bâng khuâng xem lại tấm thiệp mời họp và những kiểu phù hiệu mà bạn Hoàng vừa gửi đến. Kiểu nào cũng đẹp và cũng đáng yêu, bởi vì có khuôn mặt thân thương của bạn bè của thời rất đẹp và rất đáng yêu.
L.Q.V