Lại một chuyến đi

03.10.2023
Nguyễn Thị Tuyết Mai

Lại một chuyến đi

Lớp 10/29 - Trường THPT Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng

Tôi là sách. Tôi thật tầm thường và cũ kỹ ở cái tiệm văn phòng phẩm này. Sở dĩ tôi nói vậy bởi tôi luôn là “kẻ xấu” trong câu chuyện của người khác. Họ nói tôi chẳng bóng bẩy và xinh đẹp được như họ - Những món đồ chơi cười nói. Họ nói tôi chỉ là một tảng giấy, quê mùa và cổ hủ - Những hộp trò chơi điện tử cho hay. Họ nói tôi không như họ, thích mắt và được yêu mến biết chừng nào. À mà thôi kệ họ, họ đâu nào biết và có lẽ cả đời họ cũng sẽ chẳng biết được bản thân đầy quý giá và xinh đẹp này của tôi đã từng được yêu quý đến đâu. Tôi dám khẳng định điều này bởi tôi là người vắt trên vai những sợi chỉ thời gian, thời gian kể những câu chuyện của các thần thoại Hy Lạp. Tôi khắc lên lưng mình những cuộc viễn chinh ngoài xa, khắc lên lưng những buổi trưa đẫm máu ráo riết tiếng vó ngựa. Tôi là dòng nước mát, chảy theo miền đất thần kỳ của Andersen để thắp lên tấm lòng thương người của những đứa trẻ. Tôi có thể nắm chặt lấy trái tim bạn, để cho câu chuyện đau khổ của Ruồi Trâu gạt đi nước mắt. Tôi gửi gắm nụ cười nhân hậu của bác Tom để xóa nhòa đi những góc tối cay nghiệt của tư tưởng. Tôi dạy bạn “Đắc nhân tâm” theo một cách Đắc nhân tâm hơn ai hết. Vậy hỡi ôi, tại sao bạn lại kêu tôi tầm thường? Tôi muốn hét lên những điều ấy với những kẻ đang châm chọc mình nhưng rồi chợt nghĩ chúng chẳng xứng đáng. Bỗng có một bàn tay nhẹ nhàng chạm vào tôi, một giọng nam trầm ấm và giọng trẻ con đầy nũng nịu vang lên đánh thức tôi khỏi những suy nghĩ miên man:

- Chọn cuốn này con nhé! Ba đã từng đọc rồi. Rất tuyệt con ạ!

- Không! Không! Con thích hộp đồ điện tử bên này cơ!

- Nào! Đây là món quà ba tặng con. Hãy để ba chọn nhé! Tin ba nhé!

 - Dạ vậy thì được… Nhưng con không chắc, con sẽ đọc nó đâu đấy.

 Thế rồi tôi cảm thấy mình được nhấc bổng lên. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình được dựng ngay ngắn trong một ngăn trong cái tủ đứng bằng gỗ vững chãi. Tôi đến nhà chị Ni đã được hai tuần và dần dà tôi có thể quen được nếp sống ở đây. Nơi ở mới của tôi là một cái kệ giá bằng gỗ nâu cũ kĩ. Ngoài tôi còn có một chiếc lắc tay sặc sỡ, một quyển vở đã loang màu, một chiếc máy quạt cầm tay và vài hình dán linh tinh. Chị Ni không ưa tôi, tôi biết thế khi lỡ nghe loáng thoáng cuộc cãi vã giữa chị và ba chị. Ba chị là một nhà văn, xem chừng nghiêm khắc lắm. Và chị cãi nhau bởi lẽ ra thay thế cho sự hiện diện của tôi phải là một chiếc máy điện thoại hiện đại như chị Ni mong muốn. Nhưng ba chị lại khác, ông thương tôi và nâng niu tôi như những đứa con tinh thần của ông vậy, và dường như tôi đã bắt gặp được ánh mắt đã mang theo dư vị của năm tháng ấy lóe lên một niềm hy vọng lớn lao từ đứa con gái thân yêu của mình. Nhưng có lẽ chị Ni sẽ chẳng thấy được đôi mắt ấy bởi chị đã bị tôi - món quà đáng ghét từ ba chị chiếm lấy sự ích kỷ mất rồi. Và tôi đôi khi băn khoăn rằng chính sự khác biệt giữa hai thế hệ hay trong sự đồng điệu về mặt tâm hồn đã dẫn đến những lời nói chói tai này. Loáng thoáng, chuyện gì đến cũng sẽ đến, chị Ni giận tôi kinh khủng. Chị không hề coi tôi là một quyển sách, chị trút hết mọi tức giận của chị lên người tôi theo nghĩa đen bởi sẽ chẳng có quyển sách nào lại được làm “dụng cụ sẵn tay”. Bạn đừng cười, đấy là sự thật! Sáng nay Bi - con chó nhà hàng xóm cứ sủa mãi mà gặp chị đang bực mình, thế là chị “sẵn tay” ném tôi như một xạ thủ thật sự. Tôi chệch khoảng 85 độ rồi rơi ngay thẳng vào mạng sườn của Bi. Xem chừng nó đau đớn lắm, kêu au áu mấy chục phút rồi chạy đi ngay trong khi chị hả dạ hơn ai hết. Và từ đó trong từ điển cuộc sống của tôi lại thêm một nhiệm vụ mới: “vũ khí công kích” hay hiển nhiên tôi trở thành kẻ thù xấu xa nhất trong mắt cu Bi. Chốc chốc, chị Ni lại đem tôi vào nhà và mỗi khi ba về chị lại rón rén buông máy điện tử xuống rồi đọc tôi như thể chị thương tôi lắm. Còn người cha đáng kính ấy lại chẳng biết cái điệu diễn xuất của chị mà tán dương chị một cách quá đà. Tôi biết chị Ni chỉ dùng mình để đối phó và bản thân tôi đã bị phủ định về sự tồn tại ngay cả khi mình còn đang hiện diện sờ sờ như thế. Tôi chỉ ước mình vô tri vô giác để khỏi nhận ra mình chẳng là gì cả, mình chẳng còn cao quý như các bậc đế vương hay nói, mình chẳng còn giá trị như những người thành công hay nói, mình chẳng còn sống ngay cả khi người ta hay nói. Và bây giờ tôi chỉ sống trong tim của những người như ba của chị Ni, những con người luôn biết rằng tôi là một vật vô giá. Đôi khi tôi tự hỏi mình rằng là do tôi không hiểu chị hay chị không hiểu tôi mà không thể cùng nhau làm bạn? Tôi muốn đem mình cống hiến tất cả nhưng “kẻ vô hình” như tôi làm sao có thể thể hiện cái tôi của mình giữa “thế giới toàn chị Ni”, giữa một thế giới lắm kẻ luôn nhìn tôi như nhìn kẻ thù của họ. Và những lúc này, liều thuốc chữa lành ngọt dịu luôn là giọng nói trầm ấm của ba chị Ni và ánh trăng khuya vắt mình theo cơn gió leo lắt qua ô cửa sổ. Khi đó những “tia nắng liu riu” của cậu đèn cầy chan hòa vào giọng nói khàn khàn, câu chuyện bắt đầu:

“Ngày xưa, khi mà con người và muôn vật cùng nhau làm bạn, ở đó là một chốn thiên đường bình yên. Nhưng rồi đến một ngày, một con người đã cãi nhau với sách và trút mọi tức giận lên nó. Đứa con trí tuệ tội nghiệp ấy đã bị đuổi ra khỏi nơi này bởi tội danh cố ý quấy rối. Không một ai chịu nghe nó giải thích cả và cả loài người ăn chơi hò hét cả một tháng theo cách mà họ thích. Cho đến khi… con yêu à, cho đến khi họ nhận ra cuộc sống của họ thật nhàm chán, thật đơn độc khi thiếu đi cậu bạn đáng ghét ấy. Bên cạnh họ mỗi sáng không còn là những câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn, bên cạnh họ không còn là bước đi của người hoàn hảo, bên cạnh họ không còn là những bộ óc vĩ đại trong các thập kỷ qua. Và bấy giờ họ mới biết lỗi của mình nặng lắm, ngày đêm tìm kiếm dáng hình nhỏ bé nhưng vĩ đại kia…”.

Chị Ni nhanh nhảu ngắt lời:

- Rồi loài người cũng tìm thấy sách, tìm thấy giá trị của cuộc sống và sách cũng tha lỗi cho họ. Từ đó mới có một nền văn minh của loài người ngày hôm nay chứ chi, có cái chuyện mà đêm nào ba cũng lôi ra kể.

 Chị Ni bĩu môi, đóng cửa cái rầm rồi đi ngủ. Chỉ còn ông với tôi, chỉ còn trăng và gió. Ai bảo trái tim không có lỗ tai, chẳng phải lúc này trái tim tôi và trái tim ba chị Ni đang lắng nghe nhau, lắng nghe về ngày xưa, ngày dẫu chỉ còn là một quyển sách cũ nhưng vẫn có người trân trọng ta, đêm châm đèn lên để chép vào lá chuối, chép lại những con chữ thắp sáng lên ước vọng. Ông không nói gì và tôi cũng vậy. Nhưng ánh đèn le lói lại biết rõ chúng tôi đang hoài niệm và nuối tiếc điều gì, nó buồn rũ rượi và hiu hắt. Còn tôi thì nằm trọn trong tay ông, tự hỏi liệu ông có thể trở thành “nhà” của tôi? Đêm thật dài mà cũng thật ngắn, cứ thế trôi qua. Khi mùi hơi đất còn sót lại đêm qua luồn lách qua mũi và tiếng chim khẽ hót ngỡ như rót mật qua tai thì tôi chợt tỉnh. Ra đêm qua ông già đáng kính ấy đã nhẹ nhàng để tôi lại trên kệ sách này một cách cẩn thận. Và hôm nay tôi lại có thêm người bạn mới - một viên đường hình vuông nho nhỏ. Chắc chị Ni lại “tiện tay” để lại đây. Chốc chốc, cả một đoàn quân kiến đánh mùi được và chỉ huy của nó hùng hồn ra lệnh cho cả đoàn tiến đến chiếm lấy chiếm để những hạt đường ngọt lịm đó. Và tôi, dưới tư cách là người canh gác nơi đây thì sao có thể cho chúng làm điều đó. Tôi nạt chú kiến đầu đàn theo một cách oai nhất tôi có thể. Hừ, nhưng cậu ta nào có nghe. Thế là tôi phải kể ra mình ghê gớm như thế nào. Cậu kiến lắng nghe một hồi, chất vấn tôi:

- Thế anh đã như tôi, vượt qua bao cánh đồng cỏ chưa?

- Tôi đã vượt qua bao khu rừng mà Tazan lướt qua.

- Thế anh có bay được như chim không?

- Chính tôi đã dạy loài người cách “bay”.

Khi ánh nắng không còn ửng hồng và cuộn tròn trong những chiếc lá, gay gắt chiếu lên lớp bìa ngoài của tôi một cách dữ dội, tôi đột nhiên hiểu ra tại sao nói chuyện lại tốn thời gian như thế. Tôi ngưng cuộc nói chuyện sau một tràng khoe tài. Cậu kiến nghe như đã chán, cậu lại chăm chỉ vụng trộm từng miếng đường béo bở về tổ. Mà sao đã quá trưa thế này rồi mà chị Ni còn chưa đi học về nhỉ? Lẽ ra giờ này chị Ni đã về và cả nhà phải rộn ràng lắm cơ mà? Và sự im ắng này tĩnh mịch đến lạ… Tối, cuối cùng cũng có tiếng người về. A! Ba chị Ni bước vào, lấy tôi xuống một cách vội vàng rồi đút tôi vào một cái túi nhỏ trong suốt. Loáng thoáng, tôi bị xách lên một chiếc xe và chạy nhanh đến mức tôi có thể thấy được những cơn gió đang phả vào mặt ba chị Ni một cách điên cuồng. Ông luôn là một ngươi điềm tĩnh và khó có gì có thể lay chuyển được cái tính ấy của ông nên tôi có thể chắc chắn được rằng có một chuyện gì đó ghê gớm sắp xảy ra. Và quả đúng như vây, tôi được đưa vào bệnh viện và ba chị Ni phải năn nỉ cô y tá dữ lắm cô mới miễn cưỡng đưa tôi tới chỗ của chị Ni. Bởi vì tình hình dịch, ba chị Ni không thể vào cùng chị. Thế là tôi nghiễm nhiên được ông gửi gắm hết tình cảm của mình để trao tận trái tim của chị Ni. Cơn đau ở chiếc chân phải bị gãy và cánh tay bị trầy xước nhiều chỗ lại gặp cơn nóng của ngày hè càng khiến chị Ni đau đớn và khó chịu biết nhường nào. Tôi đoán chắc hẳn chị đã bị tai nạn xe. Chị thất thần nằm trên giường bệnh cả ngày và khi những tia nắng yếu ớt vội chạy theo hoàng hôn rồi trượt chân ngã xuống sau những vách núi, mùi thuốc khử trùng và bóng đêm càng làm cho chị nhớ nhà. Ở đây, chị chẳng một ai thân thích, ngoài đối mặt với không khí căng thẳng của dịch bệnh, được cô y tá chăm sóc, chị chỉ biết nằm nhìn lên trần nhà cho qua ngày. Chị không thể di chuyển được, mỗi lần chị cố gắng di chuyển, cơn đau từ chân như gặm nhắm cả dây thần kinh của chị, làm mặt chị trắng bệch, đôi môi ngậm chặt từ từ run rẩy. Và rồi, chị bật khóc… Nước mắt nhạt nhòa cả đôi mi, ướt nhẹp cả cổ, chị đau đớn cả tâm hồn và thể xác, chị chưa bao giờ thấy được gặp ba là điều tốt nhất như lúc này. Thút thít một lúc lâu đến tận khuya, chị đột nhiên nhìn qua tôi. Chị nhẹ nhàng giở từng trang sách của tôi ra, phải chăng chị đã nhớ tới lời ba chị dặn “sách là liều thuốc chữa lành tâm hồn”? Chị bắt đầu đọc những dòng đầu tiên, chị lật trang tiếp theo rồi tiếp theo… cho tới trang 98, chị đã khóc. Nhưng chị chẳng khóc cho mình nữa, chị khóc cho một con người chẳng thật trong câu chuyện, một con người còn đáng thương hơn cả chị. Cứ thế, chị như quên luôn cả cơn đau dằn vặt mình cả một buổi tối nhờ tôi đã chữa lành cho chị đấy. Chị đồng cảm, chị thương sâu sắc những con người tội nghiệp được vẽ nên bởi ngôn từ. Trái tim chị rung cảm, thấu hiểu và nỗi đau của tâm hồn cũng như thể xác đã được chị san sẻ. Bởi trong tôi có ghi rằng, cách để quên đi nỗi đau nhanh nhất chính là chia sẻ. Cứ thế, chị như vui vẻ hẳn cả lên rồi bật cười bởi những câu chuyện thú vị nhưng không kém phần ý nghĩa, giờ thì cô đơn chẳng thể nào làm đau chị. Chị “trò chuyện” cùng với tôi cho đến khi chị mệt thiếp đi. Chạng vạng, chị được tiêm thuốc rồi lại âu yếm đọc tôi. Chị nhận ra tôi chẳng đáng ghét như chị nghĩ hay nói một cách khác chị thấy tôi “dễ thương” hơn nhiều. Dường như mọi rối rắm trong trái tim hay những suy nghĩ bị mắc kẹt trong đầu chị đều được tôi gỡ rối dần dần và tôi vui mừng kinh khủng khi chị Ni đã hiểu tôi… Khóe miệng chị chợt nhoẻn lên, cuối cùng chị cũng biết tại sao ba chị lại đưa tôi tới đây, chị biết tại sao ba chị lại thương tôi đến vậy, chị biết… Biết nhiều lắm…

* * *

Mùa hè, hoa phượng đỏ rực cả góc phố, vài cơn gió heo mây thổi nhẹ làm rối mái tóc ngắn của người cô đáng kính. Chị Ni năm nào giờ đã trở thành một cô giáo mà bao người ngưỡng mộ. Trong từng bài giảng của cô luôn có một ngọn lửa nhiệt huyết, một trái tim hăng say dạt dào tình yêu với sách. Và cô thổi từng ngọn lửa ấy, thắp lên trong lòng những thế hệ trẻ một ánh sáng bất diệt, một tâm hồn, một trái tim đồng cảm với sách. Hay mỗi khi ánh mắt trìu mến của cô bắt gặp hình bóng chị Ni năm nào trong những đứa trẻ, cô lại thơm lên đôi má và kể lại câu chuyện của cô ngày xưa. Gió sẽ vẫn thổi và thời gian thì vẫn hát, nhưng tình cảm với sách ấy sẽ ngày lớn lên dần nếu ta chịu khó trao tấm lòng cho những quyển sách và sẽ càng nhiều người thành công, tốt bụng như chị Ni trưởng thành nếu sách là liều thuốc tâm hồn cho họ… Bạn có nghĩ như tôi không, những chủ nhân tương lai của đất nước?

N.T.T.M