Đi tìm Hội An trong những ca khúc hay
Hội An về đêm
Hội An - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của Xứ Quảng, của miền Trung và đất nước đã có tên trong không ít tác phẩm “thơ ca, nhạc, họa” trong tiến trình lịch sử phát triển của đô thị đặc biệt này. Trong nhiều năm qua, bên cạnh các ca khúc viết riêng cho Hội An, có không ít bài có “nhắc đến” Hội An khi viết về Quảng Nam hoặc Quảng Nam - Đà Nẵng (trước đây) mà trong đó tác giả lồng vào một số hình ảnh hay ca từ có đề cập đến Hội An như Tình em xứ Quảng của nhạc sỹ Trần Ngọc; một số bài của nhạc sỹ Trần Quế Sơn có Hội An “thoáng qua” như trong Yêu cái mặn mà, Tình quê…
Các ca khúc viết về Hội An tạo được “dấu ấn” trong những năm qua có thể kể đến hai tác phẩm: Chiều Hội An của Hoàng Lân và Đêm hội phố Hoài của Nguyễn Duy Khoái. Hai ca khúc viết vào những giai đoạn khác nhau và đều có chung một điểm là bắt đầu bằng buổi chiều. Bài Chiều Hội An đã nói lên điều đó ngay từ tựa đề bài hát và tất cả nét thanh bình được tác giả khắc họa qua khung cảnh buổi chiều của Hội An, không những chỉ về phố cổ mà là cả một Hội An từ phố đến sông, từ đất liền đến biển đảo (Cửa Đại, Cù Lao Chàm): “Chiều về Hội An mênh mông mênh mông hai bên đường gió cát/ Rì rào hàng cây trong gió lao xao nghe như một khúc hát/ Về những ngôi nhà còn in dấu xưa/ Một thành phố nhỏ trông ra biển Đông/ Dọc theo bến sông những ngôi chùa cổ vọng vang tiếng thoi rộn ràng…”
Hội An được tác giả giới thiệu một cách khái quát qua những giai điệu mượt mà, ca từ dung dị nhưng chắt lọc và hình ảnh nên thơ. Tất cả nói lên một Hội An đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa mới và cũ. Đó là Hội An của những năm tháng sau khi đất nước thống nhất còn nhiều gian khó trong cái khó khăn chung của đất nước thời bao cấp nhưng vẫn tràn đầy lạc quan: mái trường vẫn tươi màu ngói đỏ, niềm vui vẫn dâng tràn, thuyền về cá đầy khoang. Và trên hết là cái tình yêu giữa người và người lồng ghép trong tình yêu quê hương thật thấm đậm: “Trời xanh mắt em nước sông Thu Bồn, đường xa mới quen mặn nồng, giọng ai thương lắm đó…”
Đoạn kết của bài hát vút lên đầy tự hào và yêu thương trìu mến: “Ơi Hội An quê hương em, một tiếng đàn gợi thêm bâng khuâng, cho bài ca hôm nay niềm tin gói trọn cùng em, thủy chung son sắt như màu tím biếc chân mây”. Tác giả ca khúc - nhạc sỹ Hoàng Lân tuy là một người con đất Bắc nhưng khi viết về Hội An, có cảm giác như ông đã hóa thân vào thành con người Hội An để ngợi ca mảnh đất con người nơi đây với tất cả cảm xúc dâng trào của mình.
Sau Chiều Hội An có thể nói một ca khúc mang tính điển hình về Hội An là Đêm hội phố Hoài của nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái. Cũng bắt đầu vào một buổi chiều bên bờ sông Hoài trong lòng phố cổ, tác giả đã đưa người nghe đến với với những hoài niệm, ký ức về một Hội An xưa cũ, trầm mặc rêu phong. Toàn bộ ca khúc thấp thoáng chút nuối tiếc, lưu luyến, vấn vương về những hình bóng cũ đã gắn với Hội An với “những phố xưa nhà cổ, trong vắt hồn phố xưa…”. Một cảm giác thật khó tả về quê nhà khi những hình ảnh, âm thanh của phố cổ được diễn tả qua nhưng hình ảnh đầy chắt lọc, súc tích: “Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phố. Vẫn ánh đèn đêm xôn xao chợ khuya. Vẫn tiếng rao trăm năm vọng về. Trên thuyền hoa, lời tình xưa ru ai xao xuyến…”. Là người quê Hội An, người viết như lặng người đi khi nghe đến những câu hát này, hình ảnh thật riêng có về một Hội An của những năm tháng cũ với tiếng rao đêm của bà bán chè, tiếng guốc khua loẹt quẹt của cô bán tàu hũ…, như vọng về trong thời buổi ồn ào, có phần xô bồ phố cổ thời mở cửa hội nhập. Bài hát có nhưng ca từ thật “đắt” như “tiếng guốc khua trên con đường gầy, mái chùa cong, vầng trăng trong câu thơ nghiêng che…”, nghe xong tâm hồn như bay bổng, lâng lâng giữa quá khứ và hiện tại.
Có thể nối rằng, Đêm hội phố Hoài là một ca khúc viết về Hội An lắng đọng lại trong lòng người nghe không chỉ của người Hội An, để lại những cảm nhận thật sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Tác giả như muốn nhắn nhủ vào đây Lời người từ trăm năm xa xưa, gởi lại ngàn sau dấu vàng son để những ai “ngồi đợi trăng trên bến sông này” phải “ngẩn ngơ về đêm hội phố Hoài”, một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại và cả tương lai, cũng là nhắc nhớ người Hội An phải gìn giữ, trân quý và phát huy bản sắc độc đáo của Phố Hội.
D.H