Cái tôi tự vấn trong thơ Trương Đăng Dung

04.10.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy

Cái tôi tự vấn trong thơ  Trương Đăng Dung

Nhà thơ Trương Đăng Dung

Tôi có dịp tiếp xúc với nhà thơ Trương Đăng Dung trong một cuộc hội ngộ thú vị cùng vài ba người bạn. Nhận được lời mời gặp gỡ một nhân vật danh tiếng, ban đầu tôi có chút e ngại nhưng khi nói chuyện cùng nhà thơ, khoảng cách dường như cũng dần được kéo gần hơn. Nụ cười gần gũi trên gương mặt phúc hậu cùng cách bắt chuyện khá duyên của ông làm không khí cuộc gặp càng lúc càng trở nên gần gũi, chan hòa. Bay về Hà Nội sau chuyến công tác ở Đà Nẵng, nhà thơ gửi liền tặng tôi hai tập: Những kỉ niệm tưởng tượng và Em là nơi anh tị nạn. Hai tập thơ mỏng mảnh, trang trí bìa đơn giản, mỗi tập chỉ 25 bài thơ nhỏ được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, gói gọn biết bao tình ý, nỗi niềm trong đời thơ của thi sĩ.

Trương Đăng Dung vốn là một nhà nghiên cứu lý luận văn học, bảo vệ luận án ở Viện Hàn lâm khoa học Hunggary và làm việc tại Viện văn học Việt Nam từ 1978 cho đến nay. Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học nổi tiếng nhưng đồng thời còn là một nhà thơ với những nỗi niềm nhân thế. Tập thơ đầu tay Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung ra mắt bạn đọc khi ông đã ở tuổi 57. Ngay lập tức đã gây hiệu ứng cho nhiều độc giả, chỉ trong vòng một năm có đến 36 bài tiểu luận phê bình, cảm nhận về tác phẩm này. Tập thơ đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội ngay trong năm 2011.  Trong lời giới thiệu tập sách, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã nhận xét: “Tư tưởng thơ Trương Đăng Dung không đông đặc mà trôi chảy với một khí lực mạnh mẽ vào từng câu chữ, khiến ngôn ngữ thoát khỏi được thân phận công cụ, để có đời sống tự thân, đôi khi tự phát sinh tư tưởng”. Gần mười năm sau, Trương Đăng Dung xuất bản tập thơ thứ hai có nhan đề Em là nơi anh tị nạn. Tập thơ đã cuốn hút nhiều bạn đọc và Nguyễn Thanh Tâm tinh tế nhận ra: “Ở tập thơ thứ hai này, Trương Đăng Dung đã có những phản tư chính mình, dần rời bỏ cái nhìn từ bên trên của siêu hình học để nhập vào đời sống với những biểu hiện cụ thể”.  Còn lĩnh vực nghiên cứu lí luận, tập Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của Trương Đăng Dung cũng vinh dự nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, là người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) sang tiếng Hunggary…

Phạm trù cái tôi thực chất là một khái niệm triết học. K. Marx định nghĩa về “cái tôi” như sau: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và đối với bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình”. Cái tôi đã ảnh hưởng lớn lao đến nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Như Trương Đăng Dung đã từng tâm sự: “Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được một cách phong phú hơn, đa diện hơn cái tôi luôn bất an trước thế giới”. Thơ ông giàu chất tự sự, chở nặng những ưu tư, trăn trở về phận kiếp của con người giữa của cuộc đời này. Ở đó, ta gặp một cái tôi lạc lõng, cô đơn và bất an trước hiện thực xung quanh, khát khao quay về với chính mình để tra xét, tự vấn. Bằng cách “xúc xắc ngôn từ” độc, lạ,  thơ Trương Đăng Dung tìm được niềm tri âm từ rất nhiều độc giả. Tôi cũng là một độc giả yêu thích thơ ông bởi lẽ “không phải thơ của thời mà đó là thơ của một đời”.

 Thật vậy, cái tôi tự vấn xuất hiện thường xuyên trong thơ ông qua cảm xúc thời gian, nỗi cô đơn và niềm ám ảnh về cái chết. Vì khắc khoải trước sự trôi chảy, tàn phai, biến động; nên thời gian ở thơ ông là thời gian bên trong, chuyển vận trong thể xác và tâm hồn con người mà mắt thường ta không thể bắt kịp: “Anh không thấy thời gian trôi/ thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khóe mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất/ thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi” (Anh không thấy thời gian trôi). Một niềm ám ảnh về hiện sinh, nỗi suy tư về phận số con người bàng bạc trong từng ý thơ để ta nhận ra một Trương Đăng Dung luôn thiết tha với cuộc đời. Mặc dù bài thơ có tựa đề “Anh không thấy thời gian trôi”, nhưng ta vẫn hình dung một chủ thể trữ tình đang lặng lẽ chiêm nghiệm sự trôi chảy và sợ hãi trước bước luân chuyển của thời gian vì con người hôm nay gặp ngày mai có thể biến mất trong cuộc đời như một làn hơi nước. Trong một tâm thế luôn bất an, ông luôn âu lo trước mọi sự mất mát diễn ra trong thực tại nên cần vật chứng để chứng minh cho sự hiện hữu của tình yêu, đời người: “Em đừng xếp lại chăn/ Em đừng chải lại tóc/ Em đừng tô lại môi/ Cứ để nguyên áo quần trên ghế/ cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/ Anh cần vật chứng/ trước thời gian” (Vật chứng). Không ai có thể níu kéo được thời gian và sự tàn phai nên Trương Đăng Dung tha thiết cần vật chứng để chứng tỏ sự hiện hữu của tình yêu trên cõi đời này…

 Hạnh phúc là gì? Một câu hỏi không lời giải đáp. Mỗi thi nhân lại có cách lý giải khác nhau nhưng với Trương Đăng Dung, ông không trả lời trực tiếp bằng định nghĩa mà đi vào suy luận. Trong quá trình hiện hữu, con người không bao giờ bằng lòng với hạnh phúc đến từ những điều bình dị quanh mình nên mải miết đi tìm ở những chân trời xa thẳm và họ đã gặp toàn nước mắt rơi: “Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời/ sông trả lời anh sông chỉ biết trôi/ anh hỏi ngọn núi/ núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi/ anh hỏi con người/ người trả lời anh bằng nước mắt rơi” (Ảo ảnh). Thơ Trương Đăng Dung là thơ tư tưởng; để có thể chuyển tải những tư tưởng gửi gắm; ông thường dùng những hình ảnh ẩn dụ, lời thơ đậm màu sắc triết lí: “Thành phố phía chân trời/ mặt trời lên/ những con người ngồi trên xe/ những dấu hỏi chạy trên đường/lặng lẽ” (Thành phố phía chân trời). Hình thức ẩn dụ “những dấu hỏi chạy trên đường/lặng lẽ” mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc; những dấu hỏi gợi dáng người ngồi trên xe hay đó còn là câu hỏi lớn về số kiếp khổ đau của con người. Dường như nhà thơ đang tự tra vấn, hỏi chính mình về sự tồn tại của con người. Tại sao con người ngay từ lúc mới sinh ra, đã chào cuộc đời bằng tiếng khóc? tiếng khóc là sự hiện hữu một sinh linh hay tiếng khóc bắt đầu cho những khổ đau của kiếp người? Cùng một hình thức tra vấn như thế, Trương Đăng Dung luận giải: “Ngày ta sinh ra là ngày ta nằm bệnh viện”, có ai sinh ra mà không khẳng định mình bằng tiếng khóc giữa bệnh viện, giữa nỗi đau quằn quại của mẹ ta khi trở dạ.... Rõ ràng, Trương Đăng Dung không hề truyền cho độc giả niềm bi quan về cuộc đời mà chỉ phản ánh cái thực tại cay đắng của kiếp người qua cái nhìn đầy triết lí nhân sinh.

Đọc thơ Trương Đăng Dung, ta đồng cảm cùng ông nỗi khắc khoải trước những khoảng cách không lời nhưng sức cản ngăn và công phá của nó thật đáng sợ biết bao. Chính những bức tường vô hình ấy đã kìm hãm sự vươn lên của con người; hình ảnh biểu tượng: “những bức tường” cho thấy mỗi chúng ta đang tự tạo ra khoảng cách, tạo ra rào cản; vượt lên những bức tường là vượt lên chính mình, chiến thắng những trì níu của chính bản thân mình. Trong hành trình cuộc đời mỗi người, làm sao có thể chiến thắng chính mình mọi lúc mọi nơi, họa chăng chỉ đến lúc ta nhắm mắt xuôi tay thì những bức tường không lời ấy mới được phá bỏ: “Những bức tường, những bức tường, những bức tường/ có mặt khắp nơi/ trong những lời vui đoàn tụ/ trong những lời buồn chia tay/ những bức tường ta không xây/ những bức tường không thể phá…/ Đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ/ cười nói huyên thuyên trên những bức tường này” (Những bức tường). Một nỗi trăn trở rất đời, dường như nhà thơ lo sợ cho sự trơ lạnh và cằn cỗi trong trái tim người. Con người đang tự tạo ra khoảng cách cho chính mình thì trên đời này liệu có còn những đồng điệu, sẻ chia? Đó cũng là lí do nhà thơ luôn ám ảnh về cái chết; cái chết ở đây không chỉ là sự không tồn tại của một ai đó trên cõi đời này mà là sự ra đi của những yêu thương, sự tàn lụi của tâm hồn con người ngay khi còn sống. Norman Kusin đã từng nói: “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống”. Bởi thế, trong lời dặn con của người cha Trương Đăng Dung, ta thấm thía được bao điều: “Mai này con lớn lên/ bố không biết những điều con sẽ nghĩ/… bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con” (Viết cho con). Những lời gan ruột của người cha nhắn nhủ con cũng là lời nhắc nhở của thế hệ trước đối với thế hệ sau, hãy biết sống sao cho ra con người.   

Chính vì cô đơn trong hiện thực, nhà thơ tìm nơi “tị nạn” nơi mẹ, nơi em. Chế Lan Viên năm xưa không chấp nhận thực tại mà trốn trong thế giới của muôn “ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”, tránh mọi “ưu phiền đau khổ với buồn lo” nơi “tinh cầu giá lạnh” thì Trương Đăng Dung lại tìm về với mẹ, chỗ dựa vững nhất  giữa lúc tâm hồn bất an và thể xác bất toàn: “Thân xác con đau/ tâm hồn con biết làm gì chia sẻ?/ Con chỉ mong được về nhà với mẹ/ cho tâm hồn và thể xác về theo”.  Đọc những ý thơ này, ta như gặp lại một Ê-xê-nhin trong ước mơ được về với mẹ trong lúc buồn đau và tuyệt vọng nhất: “Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì/ Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước” (Thư gửi mẹ - Ê-xê-nhin). Hai thi sĩ sống trong hai không gian và thời gian khác nhau nhưng cùng nỗi khát khao được về bên mẹ để tìm nơi trú ẩn bình yên cho tâm hồn. Bên cạnh đó, nhà thơ còn tìm nơi an trú từ nơi “em”. Em ở đây có thể là vợ cũng có thể là biểu tượng cho tình yêu, cho thi ca bởi “thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn”… Và không hơn một lần, nhà thơ tri ân vợ mình, bởi người phụ nữ ấy là hiện thực với những lo toan đời thường; có một người vợ tảo tần như thế mới có một Trương Đăng Dung mải mê đi tìm chân lí nơi chân trời: “Ngày anh sinh có mẹ/ ngày anh sống có em/ khi anh mải khắc khoải phận người/ nghi vấn bóng đêm/ em lặng lẽ lo từng bát gạo” (Một lần nữa).

Bên cạnh những trăn trở về cuộc đời, thơ Trương Đăng Dung còn thể hiện sự tra vấn của một người cầm bút; ông suy ngẫm về vấn đề ngôn từ trong văn chương nghệ thuật: “Ngôn từ như con tắc kè hoa, có đời sống riêng và không ngừng thay đổi” (Tự bạch). Mỗi nhà thơ có một đường vân tay, một cách riêng khi gửi gắm tư tưởng vào thơ và đôi khi những văn bản mở ấy cũng gặp nhiều tình huống tiếp nhận ngoài dự tính: “Bạn đọc bài thơ/ như vấp ngã vào tấm lưới ngôn từ/ dệt bằng những ý tưởng riêng tư/ tôi sắp đặt… Tôi hưởng lợi và chịu thiệt thòi/ từ sự phản bội/ của ngôn ngữ”. (Sự phản bội ngọt ngào). Qua thơ, Trương Đăng Dung bày tỏ những nghĩ suy về con đường xa thẳm, đầy chông gai mà người thi sĩ đang dấn thân: “Ngựa đã gục ngã trên cánh đồng hoang/ tàu vẫn chạy/ mặt trời vẫn mọc/ thi sĩ bước nhanh cho kịp bóng mình/ đi như không thể hoãn/ đi như không thể dừng/ cuộc rượt đuổi thời gian bất tận” (Tô Thùy Yên). Nghệ thuật là một “cuộc rượt đuổi thời gian” bất tận mà ở đó nghệ sĩ phải nhanh chóng hoàn thiện bản thân, thậm chí giẫm lên cái bóng của mình ngày hôm qua để mà bước tới, tạo ra những sáng tác vượt trội: “cuộc hành trình tự nguyện/ trong đau khổ hoài nghi/ một chấm nhỏ thi sĩ/ cuối chân trời”. Dù có hoài nghi, thất vọng với cuộc đời nhưng đã là thi sĩ thì phải viết, viết để người gần người hơn; chính vì điều đó trong một bài tiểu luận, Trương Đăng Dung cũng bày tỏ “Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì trong một thế giới mà con người đang tiếp tục bị lãng quên. Thơ có thể và cần phải nói được nhiều hơn về con người theo cách của thơ” (Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại).

Có thể nói, thơ Trương Đăng Dung là thơ của nỗi ám ảnh về sự mất mát, về sự tàn phai. Nếu không có một niềm yêu không vơi cạn với cuộc đời này, làm sao ông phải khắc khoải về sự biến chuyển của thời gian và vạn vật đến như vậy? Tiếp xúc với những bài thơ kiệm lời của ông, ta nhận ra một cái tôi luôn trăn trở, thao thức cho nhân sinh và Trương Đăng Dung đã đưa cái tôi cá thể trở thành cái tôi bản thể, cái tôi phổ quát có tính nhân loại; đây là điều khá hiếm trong thi ca. Tác phẩm của ông có sức cuốn hút bởi được chắt lọc kĩ càng từ những trải nghiệm, cách diễn ngôn cô đọng, thi ảnh được ẩn dụ hóa, lời thơ xen kẽ giữa thực và ảo, trí tuệ và xúc cảm. Qua thơ, ta nhận ra một Trương Đăng Dung luôn đau đáu trước khổ đau của con người, khát khao đi tìm cái bản ngã để sống và yêu thương vô hạn; mặc dầu ông đã từng tự bạch: “Tôi không mang đến điều gì mới lạ, giữa quá khứ và tương lai tôi chỉ là đứa trẻ biết già”.

N.T.T.T