Sách của một đời - Trần Đức Tiến
Mình mê sách từ hồi nhỏ. Sớm làm quen với bảng chữ cái, 5 tuổi đã đọc thông. Mỗi lần đi làm xa về, bố mình ghé Nam Định mua quà, thường là bánh nướng (hồi đó gọi là bánh cao lâu) và sách. Đến tận giờ vẫn còn nhớ vài ba quyển sách đọc đầu tiên trong đời - mấy tập truyện cổ tích mong mỏng khổ lớn, kèm nhiều tranh minh họa. Lớn lên vài tuổi nữa đọc Robinson Crusoe, Dế Mèn phiêu lưu ký. Rồi Không gia đình, Túp lều của bác Tôm, Đảo giấu vàng, Thanh đoản kiếm, Ti-mua và đồng đội... Hết cấp 1 nuốt trọn mấy bộ Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký. Sang cấp 2 chết mê chết mệt với Ruồi Trâu, mê hơn Thép đã tôi thế đấy nhiều. Thời thanh niên của mình là chiến tranh, là bao cấp. Đói vàng mắt, nhưng nhiều khi nhịn đói để dành tiền mua sách đọc. Những hiệu sách nhân dân ở Hà Nội không chỗ nào là mình không ghé qua. Có những hôm phải mai phục từ sáng đến chiều để mua bằng được một quyển sách vừa xuất bản. Như quyển Bút ký người đi săn của Turgenev ở hiệu sách nhân dân phố Huế. Mình nhớ lần ấy ở hiệu sách này chỉ bày bán có 2 cuốn thì mình mua được một. Trả tiền rồi, cầm sách mà tay vẫn run. Lần khác, mua được tập truyện của Pautovski (dân mê văn chương hồi ấy quen gọi ông một cách âu yếm là “Pau”, giống như gọi Đoxtoievxki là “Đốt”). Ra ghế đá Bờ Hồ ngồi đọc, đến cái đoạn kết truyện ngắn Lẵng quả thông, bỗng nhiên bật khóc... Tuổi mười tám của cô nàng Đanhi Peđecxen đẹp làm sao. Và bản hòa tấu của nhạc sĩ thiên tài Grig - món quà dành tặng cô, mới quý giá, tuyệt vời làm sao! Cả buổi tối hôm ấy bỏ ăn, một mình lang thang bờ hồ như bị Pau bỏ bùa, bây giờ kể lại không khéo có người bĩu mỏ: rõ là đồ dở hơi biết bơi!
Mê sách, đi tìm mua sách cũng là một cái thú. Ngày trước mình thường nghe ngóng thiên hạ bàn tán quyển này quyển kia hay dở ra sao rồi mới đi lùng. Nhưng về sau bị nhiều vố nhầm khá đau, nên tự rút ra bài học là chả tin các bố ấy được! Khen nhau vì những lý do ngoài sách không nói làm gì. Nhưng ngay cả khi khen thật, thì quan niệm HAY của mỗi người cũng khác nhau lắm. Tốt nhất cứ tự mình đi mà chọn. Giữa một rừng sách như rừng người lạ ở cửa hàng sách thì tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản là những gợi ý. Với những tác giả mình từng đọc và từng thích, khi ra sách mới khó có thể bỏ qua. Với những tác giả chưa đọc, nhưng tên tuổi đã láng máng nghe đâu đó, cũng dễ gây tò mò. Tác giả có tài đặt tên sách cũng hay. Nhà xuất bản uy tín không dễ gì bán rẻ thương hiệu. Đến cái bìa sách thì... Theo mình biết, các nhà xuất bản rất kén chọn họa sĩ vẽ bìa. Chỉ những người làm sách dày dạn kinh nghiệm mới biết bìa thế nào sẽ gây sự chú ý, sẽ bán được sách. Nhấc lên quyển này, đặt xuống quyển kia cũng chính vì cái bìa. Nhà văn viết sách, họa sĩ vẽ bìa (nhà văn tự làm bìa sách cho mình vô cùng hiếm). Họa sĩ giỏi, hành nghề một cách lương thiện có thể làm cho hồn sách, hồn tác giả hiện ngay ra bìa. Những quyển sách hay cũng thường là những quyển sách có bìa đẹp.
Người ngoài nghề có khi chỉ nghĩ đơn giản: làm nghề văn thì đọc sách văn. Đương nhiên, đọc văn là hết sức cần thiết. Đọc để biết thiên hạ đang làm như thế nào, và mình đang ở cái xó xỉnh nào trong làng văn, liệu có cơ chường mặt ra chỗ sáng sủa hơn tí không? Nhưng thực ra người làm văn không ai dại chỉ giới hạn sự đọc của mình trong phạm vi đó. Cả đời đọc sách mà chỉ đọc văn học không khéo có nguy cơ... tự làm nghèo đi tâm hồn mình. Thậm chí tệ hơn: ngộ độc tâm hồn, giống như ngộ độc thức ăn với những kẻ lười thay đổi thực đơn ăn uống. Mình đọc sách tùy hứng và ngẫu nhiên. Có lẽ việc đọc của mình cũng giống như vô số bạn đọc bình thường khác. Hồi trẻ đọc sách còn ham hố thu lượm, tích cóp kiến thức này nọ. Kiến thức biết thế nào là đủ thế nào là thiếu, thế nào là đúng thế nào là sai? Đủ thì không bao giờ đủ. Đúng hôm nay đến mai lại sai toét. Bây giờ mình đọc sách cốt để thưởng thức, và một trong những cái thú thưởng thức đó là nhìn ngắm tâm hồn người khác. Tâm hồn không phải là “món” độc quyền của ông bà nhà văn nào. Vì thế, mình đọc tuốt tuột những gì mình có, hay nói cách khác: đọc sách của những ai viết sách! Được nhiều. Nhưng lắm lúc lỗ phải biết. Lỗ thời gian vì những cuốn sách dở. Nhưng suy cho cùng, chả đi đâu mà thiệt. Gặp chuyện dở cũng là điều hay! Tiện thể ở đây xin khẳng định: có khối cuốn sách “phi văn học” còn thú vị bằng mấy thơ phú, truyện ngắn truyện dài.
Sách là món ăn tinh thần, như nhiều người nói. Nhưng theo mình, đọc sách không giống như ăn (vật chất). Với ăn, có ba điều không thể không đặt ra khi bàn về ăn: Ăn cái gì? Ăn với ai? Ăn ở đâu? Người kỹ tính còn có thể đòi hỏi thêm: ăn như thế nào?
Còn đọc? Đọc cái gì thì mình nói rồi: mình có thể đọc thượng vàng hạ cám những gì rơi vào tay mình. Nhưng hỏi đọc với ai thì... hơi buồn cười. Mình không định bắt chước anh Hoàng trong Đôi mắt của Nam Cao, ngồi rung đùi nghe vợ đọc Tam quốc! Cũng chả thích đọc sách trong thư viện hay bất cứ chỗ nào có bóng người. Nhà mình có một chiếc ghế bố, để ngả lưng mỗi khi cần nghỉ ngơi, và để nằm đọc. Trên cái đôn bên cạnh bao giờ cũng có ba, bốn cuốn sách đọc dở. Sách người lớn lẫn sách dành cho trẻ con. Tiểu thuyết, truyện ngắn lẫn du ký, kiếm hiệp, chưởng, thiền, tâm lý học, y học, kinh tế học... Có nhiều cuốn thú vị để đọc thật sướng. Mình thích đọc vài ba cuốn một lúc. Đọc cái này mệt thì chuyển sang cái kia. Chả tội gì phải đọc dứt điểm cuốn nào. Sách hay nên để dành mà “ăn” dè. Đọc sách cũng như ăn cỗ, mỗi quyển sách hay là một món ngon. Ăn xoay vòng, dần dần mỗi món một ít. Thế chẳng ngon hơn là cứ chén tì tì một món cho đến hết sao? Thấy cuốn nào khó nhằn thì bỏ đấy, không đọc nữa, sau này hết sách lôi ra đọc lại. Làm như thế sẽ không bao giờ chán đọc.
Thỉnh thoảng mình lại phải làm một cuộc thanh lý cho tủ sách của mình. Mình không phải loại người sùng bái sách đến mức thượng vàng hạ cám gì cũng khư khư giữ mãi trên giá. “Rác tinh thần” cũng cần phải thải loại. Tiễn một số hết giá trị sử dụng theo chân chị đồng nát để tạo cơ hội bổ sung những cuốn mới. Bổ sung bao nhiêu thì tùy vào kết quả lựa chọn và túi tiền của mình.
Nhẩn nha đọc, lai rai đọc, mấy chục năm đằng đẵng đọc, biết bao kỷ niệm với sách, nhưng có một kỷ niệm mà mình không thể quên.
Cuốn sách ấy gần 300 trang, là tập hợp những bài nói chuyện chuyên đề của tác giả. Mình chong đèn đọc liền trong một đêm. Đọc xong mỗi trang lại có cảm giác như vừa bị tác giả nện một gậy vào đầu. Bị “nện” liên tục như thế cho đến sáng. Bàng hoàng. Người lửng lơ như hồn ai vừa nhập. Những gì mơ hồ trong đầu bỗng trở nên sáng rõ. Một nguồn năng lượng khác thường, tươi mới, đang ngấm dần...
Vài chục năm sau, trong một lần vui chuyện với bạn, mình nhắc đến cuốn sách. Bạn mình, một nhà thơ khét tiếng, nghe kể qua rất hứng khởi, muốn mượn đọc cho bằng được. Về nhà, mình đem sách ra tiệm photo cho ông ấy một bản. Bẵng đi mấy năm không thấy bạn nói đi nói lại gì. Mình cũng không hỏi. Quá hiểu tính nhau: cái gì hay, cần nói thì hào hứng nói ngay. Lờ đi như không, có nghĩa là cuốn sách đã được... trân trọng cất kỹ lên giá sách!
Sách cũng như người. Sách hay như tri kỷ. Cả đời có cơ duyên may mắn gặp đôi lần. Cũng là chuyện thường, với ta gắn bó mặn nồng, nhưng có khi với ai kia lại vô duyên như rượu nhạt, như nước lã...
T.Đ.T