Cái bóng - Nguyễn Duy Khoái

01.06.2016

Cái bóng - Nguyễn Duy Khoái

Chiều chập choạng.

Nguyễn nằm trên căn gác gỗ một mình, và đang đói. Đói lắm. Đói thật sự. Trong đời Nguyễn, lúc lên voi, lúc xuống chó, không ít lần chàng đã bị cơn đói hành hạ, nhưng chưa bao giờ, nó lại trắng trợn, tàn bạo, khốc liệt như lần này. Trước kia, cái đói chưa bao giờ làm Nguyễn thôi hết mơ mộng, trong cơn đói, bao giờ Nguyễn cũng tìm ra cách để cảm thấy cái hương vị ngọt ngào của người tự chọn con đường khổ hạnh. Bây giờ, cái đói bắt chàng nhận thức một cách cay đắng về cuộc sống hiện tại của mình.

Mấy chén rượu uống suông hồi trưa với thằng bạn cũ không còn đánh lừa cái dạ dày lép kẹp của Nguyễn được nữa rồi. Cơn hưng phấn qua đi, cái quá khứ vàng son oanh liệt, cái tương lai rực rỡ huy hoàng mà Nguyễn khéo tưởng tượng ra, đã qua đi. Chất men cay chỉ còn là chất cường toan bào xé ruột gan chàng. Nó bắt chàng vật vã từng cơn, rồi lại từng cơn bắt chàng lã người đi trong nỗi cay đắng xót xa, nỗi cay đắng xót xa làm chàng muốn khóc, bằng đôi mắt đỏ vằn những tia máu.

Thời gian như giòng sông đen, đặc quánh trôi bên ngoài cửa sổ, rót từ từ, chầm chậm vào căn phòng đầy bóng tối đẫm mùi gỗ mục. Bây giờ, chỉ còn lại một chút màu vàng trong đôi mắt của Nguyễn, chút màu vàng của một ngày đang hấp hối. Và rồi, điều - đó - đã - xảy - ra.

Nguyễn cảm thấy có người nào đó đang câm lặng nhìn mình trong căn phòng tối. Người Nguyễn nổi gai vì cảm giác sợ hãi. Chàng muốn vùng dậy, chạy trốn, hay ít nhất cũng tìm cách xoay lưng lại vào vách tường. Nhưng vô ích, người chàng cứng đờ, bất động, chỉ có đôi mắt mở trừng trừng của chàng là nhìn thấy, HẮN đang nhè nhẹ đến gần. Bóng tối không cho chàng nhìn rõ khuôn mặt, nhưng cử chỉ, dáng dấp của HẮN trông quen quá. Rõ ràng là Nguyễn đã gặp HẮN ở đâu đó rồi. Vẫn không gây một tiếng động nào, HẮN đã đến bên Nguyễn. Khuôn mặt bị cái ánh sáng cuối ngày hắt vào, ánh lên trong đôi mắt lạnh lẽo của HẮN làm Nguyễn rùng mình, muốn hét lên: Đó chính là khuôn mặt của Nguyễn, mười mấy năm về trước.

Có thể đây chỉ là một giấc mơ? Nguyễn cắn mạnh đầu lưỡi, và cái đau làm buốt nhói trái tim chàng cùng với nỗi sợ hãi và thất vọng. Tất cả chuyện này là sự thật sao? Tôi không tin! Không tin! Không tin!

Nhưng, HẮN đã đến bên bàn viết của Nguyễn, lặng lẽ lật từng trang bản thảo, khuôn mặt nghiêng nghiêng chìm trong bóng tối, vẫn không giấu được cái cười thương hại.

- Với tất cả những thứ này, bạn sẽ không bao giờ đi đến kết thúc.

Giọng nói của HẮN như vọng từ quá khứ, chậm rãi, đều đều, không âm sắc.

- Tại sao? Ta còn trẻ. Ta có tâm để viết đúng và có tài để viết hay. Ta còn có thời gian.

- Không còn có thời gian nào cho bạn nữa đâu. Cái đói và nỗi cô đơn sẽ đánh gục bạn trước khi bạn kết thúc những cái này.

HẮN tàn nhẫn ném tập bản thảo của Nguyễn vào một góc phòng tối. Bây giờ, dòng sông đen của thời gian đã dâng ngập căn phòng. HẮN chỉ còn là một khối đen câm lặng như cái bóng của Nguyễn, nhưng là cái bóng mang đầy sức mạnh ma quái đang chi phối con người thực của chàng.

 Tiếng nói lạnh lẽo lại cất lên:

Trước đây, chúng ta đã từng sống với nhau, từng tranh cãi, rồi dung hòa, có khi lại lợi dụng lẫn nhau. Nhưng thời ấy, bao giờ tôi cũng là người dẫn dắt bạn. Bạn sống nhờ vào tôi, vì tất cả nghĩ suy, mong ước, hy vọng thực sự là của tôi. Và chúng ta đã có gì? Cả tiền bạc, cả tình yêu, cả danh tiếng. Còn sau đó, khi bạn tàn nhẫn chối bỏ tôi, trong cái giây phút bốc đồng mà bạn gọi là sống thực? Không có tôi, bạn được gì ? Những trang viết không ai in, tình yêu, bạn bè xa lánh, chỉ có cái đói theo đuổi hằng ngày. Như bây giờ, có phải bạn đang chết dần vì đói khát và cô đơn?

- Nhưng cái đầu là của ta. Ta làm chủ nó, không ai có quyền thay ta suy nghĩ. Cái đầu là của ta. Của ta!

- Ha ha ha! Về cái đầu của bạn, chắc bạn còn nhớ câu chuyện của người bị mất đầu? Có anh chàng  sau khi bị hành hình, không biết mình không còn có đầu, vẫn bình thản đi về nhà. Dọc đường, đói bụng, anh ta quyết định mua một chiếc bánh. “Anh không có đầu làm sao ăn được?”. Người bán bánh hỏi, nhưng cuối cùng vẫn đưa bánh cho anh ta. Anh ta muốn đưa bánh vào mồm, nhưng mồm chẳng có, đau đớn thốt lên: “Không đầu cũng có thể xong, nhưng không mồm thì toi mạng”. Đó, bạn thấy không, bạn cố giữ cái đầu của mình làm gì, trong khi còn tệ hơn anh chàng kia nữa, bạn chẳng có bánh mà đưa vào mồm.

Đã nhiều lần, Nguyễn đọc câu chuyện này ở đâu đó rồi, nhưng lần nào, Nguyễn cũng hiểu nó theo triết lý riêng của mình: “Những người không có đầu thì chẳng bao giờ biết được mình đã mất những gì”.

Nhưng đó là trước kia, cái thời mà dù đã trở về con người thực, chàng vẫn còn sống với dư âm tên tuổi mình. Bạn bè vẫn còn giúp đỡ, dù thái độ đã khác trước kia. Những gì chàng cần, đơn giản chỉ để duy trì sự sống và sáng tác những tác phẩm chẳng còn ai là độc giả nữa. Còn bây giờ, liệu chàng còn có đủ can đảm để tiếp tục sống với niềm tin của mình?

Tiếng nói vẫn vang lên từ bóng tối, rõ ràng là HẮN đã đọc được những suy nghĩ của Nguyễn:

- Có phải thời gian qua, bạn vẫn thường nhớ đến tôi? Dù căm thù, dù ghê tởm, có phải bạn vẫn nhiều lúc hối tiếc vì đã xua đuổi tôi. Hối tiếc những gì tôi đã đem đến cho bạn? Xin bạn đừng dối lòng mình nữa! Có ai hiểu rõ bạn bằng tôi đâu? Bây giờ, tôi đưa tay cho bạn nắm đây.  Lần cuối, bạn hãy tĩnh táo và chọn lựa. Nào, hãy nhắm mắt lại đi!

Nguyễn cố cưỡng lại, nhưng hoàn toàn bất lực. Bàn tay lạnh giá của HẮN đã nắm lấy tay chàng, đôi mắt chàng nặng trĩu, từ từ khép lại. Rồi trong chừng một phút đồng hồ, Nguyễn bỗng cảm thấy cái sống, cái chết, cái hư, cái thực, cái quá khứ, hiện tại, tương lai trộn lẫn, hòa chung nhau trong một màn mây u ám, hỗn độn. Không còn cái cảm giác đau xé ở dạ dày vì đói, không còn cái mùi ẩm mốc của củi mục trong không khí buổi chiều, không còn cả nỗi sợ hãi khi phải trò chuyện với cái bóng của mình. Tất cả đều biến mất...

Bây giờ Nguyễn đang đứng trước một ngôi nhà lớn, đèn giăng rực rỡ cả khu tiền sảnh. Nhiều pa-nô, áp phích chào đón một nhà văn nào đó có tên Uyên Uyên. Nguyễn cảm thấy có điều gì không thật xảy ra với mình, chàng cảm thấy lạc lõng, sợ hãi khi đứng chôn chân giữa chốn sang trọng này. Nhiều người đến, ai cũng có vẻ hạnh phúc, tự mãn, phụ nữ đều như những minh tinh, họ đem đến rất nhiều hoa. Cả một xã hội đầy những tinh hoa đang đi qua trước mắt chàng, để đi vào ngôi nhà đầy ánh sáng và màu sắc. Nguyễn ngạc nhiên nhìn thấy các vị chức sắc trong làng văn làng thơ, chàng e dè núp sau một bồn hoa lớn. Nỗi tủi hổ ngăn chàng lên tiếng chào họ, những người có thời kỳ tìm đủ cách để được kết  thân với chàng. Nguyễn muốn rút lui, bước xuống đường, hòa vào dòng người dân dã ngoài kia, nhưng có một sức mạnh nào đó, bắt chàng ở lại, rồi bắt chàng  tần ngần bước vào bên trong.

Hình ảnh, màu sắc, âm thanh nhòe nhoẹt như một tấm tranh bột màu bị ngâm nước. Đó là ấn tượng đầu tiên của Nguyễn, khi chàng bước vào căn phòng rộng đầy người, đầy hoa, tràn ngập ánh đèn màu và đẫm mùi hương phụ nữ.

Chỉ một lúc sau đó, Nguyễn mới ghi nhận  được, một cách từ từ, toàn bộ hình ảnh quanh chàng. Dọc theo bốn vách tường ốp gạch men hồng, gắn đầy tranh và phù điêu, là bốn dãy bàn phủ vải nỉ xanh, trên đó, la liệt nào hoa nào rượu, nào đồ ăn thức uống hảo hạng. Nguyễn đã từng là thượng khách của những buổi chiêu đãi sang trọng, nhưng đây là lần đầu tiên, chàng chứng kiến cái vẻ xa hoa cực kỳ của thế giới văn nghệ mà chàng từng quen thuộc. Cả cái không khí cũng như đã được làm lạnh bởi hương hoa  hồng ngào ngạt.

Nguyễn đưa mắt nhìn quanh. Cả làng văn nghệ hình như đã tụ tập lại đây. Gần một trăm người chia thành từng nhóm mà Nguyễn dễ dàng phân biệt bởi phong cách rất riêng mà cũng rất chung của họ. Chiếm nguyên một dãy bàn là những người ăn mặc lùi xùi, phá phách, nhưng lại tỏ ra ồn ào, tự nhiên nhất. Đó là những nhà văn, nhà thơ , lực lượng đông đảo quy tụ những người tài năng nhất, cũng như những người bất tài nhất trong nghiệp cầm bút. Trong số họ, không ít người in tác phẩm của mình, bằng tiền người khác, và cũng có người dùng tiền của mình để in tác phẩm người khác, với bút danh của mình. Kế bên là nhóm người ăn mặc bảnh bao hơn. Cũng có người râu tóc rậm rì nhưng họ sạch sẽ  và chải chuốt. Nói năng vừa phải, họ luôn đưa mắt nhìn nghiêng quanh phòng như thể xem thường tất cả cao lương mỹ vị trước mặt, chỉ chú ý tìm đề tài và bố cục một tác phẩm lớn sắp ra đời. Đó là các họa sĩ, nhà điêu khắc, những người năm qua có thu nhập cao nhất trong làng văn nghệ, bằng các tác phẩm của mình, đôi khi là của người khác. Nhóm thứ ba, ít ồn ào nhất, lại là những người vẫn “tạo ra âm thanh đẹp đẽ cho cuộc đời”. Đó là các nhạc sĩ mà số lượng thành viên ít ỏi vẫn thường là một lợi thế. Họ có vẻ hiền lành, có người lại rụt rè như thầy giáo mới. Trong số này, Nguyễn quen biết nhiều người, vì trước đây, chàng vẫn thường cùng họ hợp tác viết “ca khúc tự biên” theo đơn đặt hàng của các cơ quan, xí nghiệp. Ngồi chen lẫn giữa các nhóm người này là các nhà báo, diễn viên, ca sĩ và đáng chú ý nhất là một số mạnh thường quân văn nghệ mới phất lên vài năm nay. Tất cả, tất cả tạo nên một bức tranh tổng hợp đầy màu sắc và mùi vị, giống quang cảnh của một “hội chợ phù hoa” hay một “tấn trò đời”.

Khi Nguyễn rụt rè ngồi xuống chiếc ghế còn trống, tiếng ồn ào đã nhỏ dần.  Chỉ còn nghe tiếng cắn hạt dưa và tiếng cười khúc khích của các nữ diễn viên, nữ ca sĩ xinh đẹp. Rồi tất cả bỗng im hẳn đi. Nguyễn nhìn lên. Một nhà thơ đang rất quen biết, từ bên trong trịnh trọng bước ra. Ông là người thường xuyên dẫn dắt các chương trình thơ từ xã, phường đến tỉnh, với một kỹ thuật điêu luyện, dễ ru ngủ người  nghe, với những xúc cảm dịu dàng. Bây giờ  ông đang nói, giọng trầm bổng lôi cuốn:

- Thưa các bạn, tất cả chúng ta, không có ai là khách, không có  ai là chủ, chúng ta đến đây là đến với mái nhà chung của chúng ta. Chúng ta là người nhà, là anh em ruột thịt. Có những người anh đã dạn dày kinh nghiệm, những đứa em vừa mới trưởng thành, tất cả đều đang vững vàng đi trên con đường vinh quang mà vô cùng gian khổ. Đó là con đường sáng tạo. Hôm nay, chúng ta đến đây, để nhân lên, một trăm lần hơn nữa, hạnh phúc mà người anh em chúng ta vừa mới giành được, bằng nỗ lực sáng tạo và tài năng của mình. Chúng ta đến đây để khẳng định về phong cách của một tài năng đa dạng mang một cá tính dữ dội. Anh đã làm những trái tim chai lì nhất phải rung động ngay từ những tác phẩm đầu tay của mình. Rồi trong khi đang ở trên đỉnh cao vinh quang, anh lại can đảm tự hy sinh cho những thể nghiệm mới. Các tác phẩm “Cái bóng”, “Chiếc nôi ru người lớn”, “Nếu thiên đường có thật” ra đời. Tuy thất bại, nhưng thể nghiệm là thể nghiệm, từ đó anh đã tìm ra con đường riêng cho mình, với bút pháp và phong cách mới lạ, dữ dội, táo bạo mà không ai trong chúng ta có đủ tài năng và sức sáng tạo để làm bạn đồng hành với anh. Các thiên tiểu thuyết “Nụ hôn màu lửa”, “Bóng đêm ban ngày”, “Nước mắt trên phím dương cầm” đã nhanh chóng tạo thành một hiện tượng mới trong văn học. Hàng trăm bài báo ngợi ca, hàng chục kịch bản phim ra đời từ tiểu thuyết của anh, rồi những hội thảo về văn phong mới, đã đưa anh đến gần với quần chúng, trở thành một đóa hoa đồng nội, giản dị mà đầy hương sắc nở giữa lòng mến mộ của tất cả chúng ta. Vinh quang mà anh mang lại không chỉ làm vinh dự cho giới văn học nghệ thuật mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao cho những ai còn biết yêu thương, đau đớn, hy vọng vì cuộc đời đầy nụ cười và nước mắt này. Xin nâng cốc chúc mừng người anh em thân thiết đầy tài năng của chúng ta: Nhà văn Uyên Uyên!...

Tiếng vỗ tay rào rào, pha lẫn tiếng huýt gió, tiếng cụng ly đầy phấn khích. Hai thái dương Nguyễn ướt đẫm mồ hôi, trống ngực đập thình thình, nắm chắc hai tay vào mép bàn, Nguyễn sợ mình sẽ ngất đi mất. “Cái bóng”, “Chiếc nôi ru người lớn”, “Nếu thiên đường có thật” chính là những tác phẩm tâm huyết nhất của chàng. Chàng đã từng ngợp người đi trong hạnh phúc kỳ diệu khi những nhân vật của chàng ra đời, sống bằng những nghĩ suy, trăn trở, vì những đam mê, khát vọng của chàng. Chàng đã khóc vì hạnh phúc khi đặt dấu chấm hết xuống trang bản thảo cuối cùng, mở ra một câu hỏi lớn dành cho phần lương tâm thánh thiện của con người. Và, “Bóng đêm ban ngày”, “Nụ hôn màu lửa”, “Nước mắt trên phím dương cầm” là một loạt đơn đặt hàng của mấy tay đầu nậu mà chàng đã thẳng thừng từ chối. Thế mà... Nhà văn Uyên Uyên , hắn là ai?  Các ngọn đèn trần chợt tắt, chỉ còn sắc màu tím thẫm của các chùm đèn pha lê lung linh. Nguyễn lạnh toát cả người, khi HẮN, từ trong bước ra trong tiếng vỗ tay vang dội. Nguyễn đã nhận ra HẮN. Chính HẮN, cái bóng của chàng. HẮN đứng trong ánh đèn màu như đang đứng trong ánh vinh quang. Bộ vet-tong sẫm màu, cái kính trắng gọng vàng, đôi giày đen bóng tạo cho HẮN cái vẻ điển trai tài tử mà Nguyễn chưa bao giờ tìm thấy ở mình.

Bất giác, chàng e ngại nhìn lại bộ áo quần sờn cũ và bỗng lấy làm lạ sao người ta chẳng ai trông thấy mình.

Lại một tràng pháo tay nữa , lần này càng cuồng nhiệt hơn. Từ hàng ghế thực khách, diễn viên Lê Thanh Thủy duyên dáng bước lên với tràng hoa kết đủ màu. Cô diễn viên điện ảnh mà Nguyễn chỉ được nhìn thấy qua màn ảnh, sách báo, bây giờ đang e lệ ghé hôn vào má HẮN một cách rất đầm, sau khi đã choàng vào cổ HẮN tràng hoa đủ màu.  Đèn flat chớp sáng liên tục. Đợi cho tiếng vỗ tay nhỏ dần rồi tắt hẳn, HẮN bắt đầu nói:

- Thưa các bạn vô cùng quý mến! Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn về những tràng pháo tay, những bông hoa mà các bạn đã dành cho đêm nay. Xin cảm ơn về sự cổ vũ nhiệt tình cho “Tuần phim Uyên Uyên” và chương trình ca nhạc “Nụ hôn trên phím dương cầm” mà các bạn đã tổ chức rất thành công.  Xin cảm ơn về những lời phát biểu có cánh trong hội thảo vừa qua, về những bài báo sâu sắc, chân thực, và thái độ cương quyết, nhất trí của các tác giả trong cuộc đấu tranh một mất một còn giữa hai khuynh hướng sáng tác:  Vì số đông con- người- thực-tế hay vì Những ý nghĩ viễn mơ của con- người- riêng- lẻ ? Trong trận chiến đó, tư tưởng chung của chúng ta đã thắng. Nguyễn Nguyễn, tên nhà văn viễn mơ, phi thực tế, xa rời quần chúng đã gục ngã. Nhưng không, trong mỗi chúng ta, bên cạnh chúng ta, vẫn còn nhiều tên Nguyễn Nguyễn khác. Chúng ta phải tận gốc tiêu diệt, để chỉ còn lại một khuynh hướng sáng tác lành nạnh và là chân lý duy nhất. Sáng tác vì những người chung quanh ta. Nào, chúng ta hãy sát cánh bên nhau, tiêu diệt cho đến tên Nguyễn Nguyễn cuối cùng!...

Căn phòng như vỡ ra trong tiếng gào rú điên loạn. Như trong cơn động kinh tập thể, tất cả mọi người, không trừ ai, đều kêu rú, vùng vẫy. Mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, họ cuống cuồng lăn xả vào nhau. Máu tung tóe đỏ cả phòng. Nguyễn bỗng nhìn thấy HẮN đang tìm cách lao đến, cố giết chàng bằng một con dao sáng loáng. Chàng vùng dậy, xô ngã cả bàn ghế, cả nhà thơ, cả cô diễn viên xinh đẹp, để lao ra đường. Tiếng la hét cuồng nộ, những bàn chân rầm rập đuổi theo.

Ra ngoài đường, quang cảnh càng ghê rợn hơn. Phố xá chìm trong ánh trăng vàng vọt. không khí như mang mùi lưu huỳnh và mùi tanh của máu. Hàng ngàn người, ăn mặc sang trọng, đang lồng lộn chạy trên đường. Kẻ thì ôm đùm ruột lòng thòng, trắng lốp, người thì nắm trái tim màu đen thẫm. Họ gào thét, chửi rủa, khóc lóc van xin ai đó trả lại trái tim cho mình.

Nguyễn lại nhìn thấy HẮN, ngực mở banh, trống rỗng, tay nắm chặt con dao giờ đã nhuốm đầy máu. HẮN lao đến bên Nguyễn: “Giao trái tim cho ta!”.  Nguyễn vùng chạy, nhưng hai chân bỗng cứng đờ. Chàng tuyệt vọng nhấc bàn chân lên, nhưng vô ích. HẮN đã đến ngay bên chàng. Trong giây phút cuối cùng đó Nguyễn bỗng thấy mình bay lên. Người chàng nhẹ bổng, trượt trong không khí, trôi bềnh bồng trên đầu cả đám người đang kêu gào hỗn loạn kia.

Cảm giác hạnh phúc tuyệt vời được thoát ra khỏi thân xác trì độn nâng chàng lên cao, lên cao mãi. Trên cao, không gian yên ắng, bầu trời xanh thắm, mịn màng, ánh trăng đã trở lại màu trắng sữa, lấp lánh những vì sao đêm. Nhưng, HẮN vẫn không chịu buông tha chàng. “Giao trái tim cho ta!”. Tiếng HẮN vang vọng, xoáy lốc trong không gian, dội vào chàng nỗi khủng khiếp và tuyệt vọng. Rồi chàng bỗng thấy hụt người đi, rơi nhanh xuống một vực thẳm tối đen, sâu hun hút, vang động tiếng gào của HẮN: “Giao trái tim cho ta!”. Nguyễn hét lên.

Nguyễn hét lên, và giật mình tỉnh giấc. Đêm đã khuya. Trên căn gác gỗ đẫm mùi củi mục, Nguyễn đang ngồi một mình trước bàn viết, người đẫm mồ hôi, trái tim đau nhói đập dồn trong ngực. Không biết mình ngồi đây bao lâu rồi? Ai vừa mới vào phòng, đi ra mà chưa gài chốt cửa? Nguyễn run rẩy từ từ nhớ lại mọi chuyện, và chàng biết chắc rằng chẳng phải chàng vừa qua một giấc mơ. Rõ ràng, HẮN đã đến đây. Tập bản thảo bị ném tàn nhẫn vẫn còn nằm trong góc phòng. Và giọng nói của HẮN...

- “Lần cuối, bạn hãy tỉnh táo và chọn lựa ...”.

Những hình ảnh lại lần lượt xuất hiện trước mắt Nguyễn như một đoạn phim câm mà phần nhạc nền là tiếng kêu gào của HẮN. “Hãy giao trái tim cho ta!”. Căn phòng đầy màu sắc, các nhà làm văn nghệ, ông nhà thơ, cô diễn viên, HẮN, và cảnh hỗn loạn của đám người bị động kinh tập thể. Cảnh đường phố dưới ánh trăng vàng vọt, những người rạch ngực, đi tìm trái tim của mình. Rồi cảnh trời đêm đầy sao trên cao, cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời được trôi bềnh bồng trong không gian xanh thắm mịn màng. Cuối cùng là cơn lốc âm thanh cuồng nộ kéo chàng xuống đáy vực thẳm.

Nguyễn biết mình phải chọn lựa, cuộc chọn lựa cuối cùng. Chàng bước đến đẩy tung cửa sổ. Gió đêm thổi vào hơi sương khuya lành lạnh và hương hoa lý nhà ai. Trên cao, trăng đã lên, sáng màu sữa, sao lấp lánh, không gian mịn màng... Tất cả đều bình yên, ngập tràn hoan lạc. Nguyễn như nghe rõ tiếng chồi non nẩy mầm trong đất. Cuộc sống đáng yêu biết bao.

Nguyễn biết mình đã chọn lựa đúng, như mình đã từng chọn lựa. Chàng đến góc phòng, nhặt tập bản thảo, âu yếm, nâng niu ấp vào ngực. Nước mắt chảy ròng ròng trên má, vì niềm hạnh phúc tràn ngập, chàng đu người đứng trên thành cửa sổ, nhìn lên cao.

Vẫn âu yếm ôm những trang bản thảo của mình, chàng mỉm cười với trăng sao, và tung người bay ra ngoài không gian. 

N.D.K