Pierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến Loan

08.07.2016

Pierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến Loan

Năm 1906, nhà in Làng Sông xuất bản cuốn sách Ấu học của Pierre Trần Lục(*).

Nhà in Làng Sông là một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, được ra đời trước năm 1872 tại Bình Định (Căn cứ vào Báo cáo tình hình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1873 của Giám mục Charbonnier viết năm 1872 có ghi: “ Giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in”), đến năm 1885 bị hỏng, được Giám mục Damien Grangeon Mẫn xây dựng lại vào năm 1904 và giao cho Linh mục Paul Matheu, một người rất thông thạo về kỹ thuật in, làm Giám đốc. Với hệ thống máy in hiện đại nhất thời bấy giờ nhà in Làng Sông đã xuất bản được một số lượng sách báo rất lớn.

Ngoài những sách tiếng La Tinh, tiếng Pháp, nhà in Làng Sông đã in nhiều sách Quốc ngữ gồm nhiều thể loại như Giáo lý, Kinh Thánh, Ấu học, Trung học, tiểu thuyết, tạp chí, kịch, tuồng, sách dịch v.v…Trong đó sách Giáo dục chiếm số lượng lớn, nhiều cuốn được tái bản nhiều lần như Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3).

Ấu học và Trung học là hai cuốn sách Giáo dục của Linh mục Pierre Trần Lục do nhà in Làng Sông ấn hành. Ấu học xuất bản năm 1906 ghi là  Qui-Nhon (Annam) Imprimerie de Lang Song còn sách Trung học xuất bản năm 1911 ghi Librairie Imprimerie Qui Nhon (Annam) phía trên có logo LS, như vậy hai tên đó hay tên Imprimerie de Qui Nhơn hay Impriemerie de la Misson de Qui Nhơn đều là những tên gọi nhà in Làng Sông.

Tháng 11 năm 1933 một cơn bão lớn đã phá sập nhà in Làng Sông, năm 1934 giáo phận xây nhà in mới trong khuôn viên chủng viện Quy Nhơn. Sau khi tu sửa, năm 1935 nhà in Làng Sông hoạt động song song với nhà in Quy Nhơn, sau đó sáp nhập vào nhà in Quy Nhơn.

Pierre Trần Lục là một Linh mục, nhà Giáo dục, nhà Văn thời chữ Quốc ngữ mới phổ biến đầu thế kỷ XX. Ông ra đời năm 1868 tại thôn Tùng Sơn, địa phận Phú Thượng, xã Hòa Sơn, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 13km. Thuở nhỏ ông rất thông minh, lanh lợi nên năm 13 tuổi được vào học trường La Tinh tại Làng Sông - Quy Nhơn. Năm 1885, trường Làng Sông bị phong trào Văn Thân phá hủy, ông được chọn gởi sang học ở Pinang. Năm 1889 ông trở về Việt Nam đi giảng đạo tại Phan Rang, dạy tiếng tại Phan Thiết. Năm 1892 về học Lý đoán tại Làng Sông. Năm 1898 được phong Linh mục, sau đó ra An Ngãi giúp Cố Thiên (P. Maillard) 5 năm.

Năm 1904 ông làm việc tại nhà in Làng Sông đến năm 1906. Tại đây ông đã viết sách Ấu học, Trung học. Năm 1911-1914 trở vô Làng Sông dạy Quốc văn và giúp việc cho tòa Giám mục.

Năm 1914 làm Cha Sở địa phận Lệ Sơn.

Năm 1917 trở về Đại An dạy ở trường Thầy giảng.

Năm 1923 đổi vô Làng Sông làm Phó ký lục tòa Giám mục và giúp nhà in Làng Sông kiểm duyệt các sách vở quốc âm.

Ông mất khuya ngày 23 tháng 12 năm 1927 tại bệnh viện Quy Nhơn, an táng tại Làng Sông.

Linh mục Pierre Trần Lục là người thông minh, cương trực, có tài văn chương, giàu lòng thương người.

Ông còn để lại các sách: Ấu học, Trung học, Thánh giáo tự lễ, tiểu thuyết Song nghĩa tự, Đồ của Hời, Hai chị em lưu lạc, cùng nhiều sách nhỏ về đạo lý luân thường, ông đã đặt nhiều kinh văn dễ đọc, dễ hát trong những ngày lễ.

Linh mục Pierre Trần Lục là người rất thiết tha đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Ông nhận thấy trong xã hội đương thời nhiều bậc cha mẹ ít quan tâm đến việc dạy dỗ con cái. Về sách vở thì chưa có cuốn sách nào viết bằng chữ Quốc ngữ để dạy trẻ nhỏ cho có khuôn phép nên ông viết cuốn Ấu học hầu giúp cho trẻ em “tập đọc và sửa tính nết, ăn ở cho theo phong tục, cho có lễ phép”. Căn cứ vào Lời tựa của tác giả, Ấu học được xem là cuốn sách Giáo dục trẻ em bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên tại nước ta. “Thuở giờ chưa ai bày sách nào riêng chữ Quốc ngữ, mà dạy trẻ nhỏ cho biết khuôn phép; có một hai ca vãn cao ý, trẻ nhỏ đọc, mà không hiểu; nên nay bày làm một cuốn nhỏ mọn này, hầu giúp trẻ nhỏ tập đọc, và cũng dạy nó sửa tính nết, ăn ở cho theo phong tục, cho có lễ phép.”  (Lời tựa sách Ấu học, tr 3-4)

Sách gồm có lời tựa và 30 đề mục trong đó 4 chương đầu từ chương 1 đến chương 4 nói về đặc điểm và cách dạy trẻ em theo từng lứa tuổi. Từ chương 5 đến chương 30 tác giả kể những câu chuyện thông qua đó răn dạy các đức tính cho trẻ nhỏ như “Phải tập con nít ở thật thà, Con cái phải mến cha mẹ, Con cái phải giúp đỡ cha mẹ khi nghèo nàn, Hãy thương xót kẻ khó khăn, Đừng mê ăn mà chết v.v... “Những mẩu chuyện có tính cách như những tấm gương để trẻ nhỏ tránh xa thói xấu, noi theo việc tốt. Kết thúc câu chuyện là những bài học đạo đức để khắc sâu trong tâm trí của trẻ con: “Vậy con nít phải biết ơn cha ngãi mẹ sinh dưỡng, từ nhỏ đến lớn; chớ bao giờ dại dột nói mất lòng cha mẹ; cha mẹ kêu phải dạ; cha mẹ sai biểu, phải vưng lời. Phải ở cho khôn như con Ân, thằng Ái”, hay “Vậy trẻ còn nhỏ phải xa lánh sự mê ăn, và xa lánh dịp hiểm nghèo; như đi chơi bời, cờ bạc, coi hát, kẻo ma quỷ hại mà sau mất linh hồn”.

Tác giả đã dạy cho trẻ nhỏ những bài học đạo lý không nặng nề, khô khan, mà bằng những câu chuyện gần gũi, sinh động khiến cho trẻ ham thích đọc sách từ đó trở nên “trai lành, gái tốt” như mong  muốn của tác giả.

Cách hành văn giản dị, đơn sơ theo cách nói của trẻ em quen nói, dần dần nâng lên cách nói xuôi hơn và có ý tưởng cao hơn cho những trẻ lớn hơn.

Chữ Quốc ngữ trong sách Ấu học được tác giả viết cách đây hơn một trăm năm mà ngày nay đọc lại vẫn rõ ràng, dễ hiểu, không khác mấy với chữ Quốc ngữ hiện đại.

Ở chương 1 : Con nít từ hai tuổi sấp lên . Tác giả viết:

“Thường con nít nên hai, đà tập nói; ban đầu lấy tay đánh trên miệng, và đánh và la; đứa giữ em kêu cách ấy là va va; lại biểu em rằng: nề em nề, va va, va va; miệng nói còn tay thì vả trên miệng mình cho em ngó thấy mà bắt chước làm theo...

Chương 2: Tính con nít năm sáu tuổi

Thường tính con nít mới có trí khôn thì hay bắt chước; hễ thấy cái gì, thì thường bắt chước theo mà chơi, chẳng luận là hay dở, xấu tốt. “Con trai thấy người ta cưỡi ngựa, thì lấy tàu cau, tàu dừa, giả đò ngựa mà cưỡi; tay cầm tàu cau, tay cầm roi, chơn chạy miệng kêu ột ột, đặng giả đò ngựa kêu hậu...”

Về từ ngữ : Với chủ trương “chẳng nói cao kỳ chữ nghĩa chi, chỉ nói đơn sơ, theo thói trẻ nhỏ quen nói, từ ba bốn tuổi sấp lên” nên tác giả dùng những từ ngữ giản dị gần gũi với cách nói trong đời sống hằng ngày: “Có đứa thấy người ta gánh đất, đắp nền làm nhà, thì cũng rủ nhau bưng đất, hốt cát, dựng nhà, xây thành, đào hố. Lũ thì bắt chước bọn săn, đứa làm chó, đứa làm nai, lấy áo, lấy dây làm lưới, rồi đập đuổi la lối om sòm...”

Cũng vì thế mà trong sách tác giả dùng nhiều từ ngữ trong văn phong “nói” mang nặng tính chất Quảng Nam: nề (này) (nề em nề) mới trúng (mới đúng), giậm chơn (giậm chân), đờn bà (đàn bà, phụ nữ), xiên ngoa (lời nói hay xiên ngoa),vưng lời (vâng lời), lùng bùng (không dám nói đi nói lại vì sợ đòn, song cũng lùng bùng), tốt hung (tốt lắm, rất tốt) ơn cha ngãi mẹ (ơn cha nghĩa mẹ), la ngầy (la rầy), nghé! (nghe) (kẻo bể con nghé!, hay kẻo nó ăn hết lúa đi nghé!), qua (tôi) (qua không đi làm được hay qua không có đạo), hồi đó (khi đó, lúc đó), giỡn hớt (đùa giỡn), nạnh (đùn đẩy cho nhau) (nạnh lộn nhau), hung (nhiều) (sao con khóc hung vậy con? ) v.v...

Tác giả dùng nhiều thành ngữ dân gian: đứng xớ rớ, khỏi ít ngày, chong mòng chóc mỏi, ngồi đâu ăn đó, xem trước ngó sau, lửa gần rơm v.v...

Nhiều tiếng tượng thanh: va va, va va (âm thanh của trẻ em mới tập nói ), ột ột (miệng kêu ột ột, đặng giả đò ngựa kêu), bê bê ( tiếng kêu của con bê) (kêu la bê bê)...

Tượng hình: bạc phếu, run lập cập, bước cao bước thấp, xiêu bên nọ, xẹo bên kia, đi lụm cụm...

Dùng cách so sánh ví von: Hai đầu cụng nhau như hai con bò báng lộn, đòi ăn như sáo sáo.

Những biện pháp nghệ thuật đó giúp cho câu văn giàu âm thanh, hình ảnh, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.

Tác phẩm Ấu học của Piere Trần Lục có thể xem là quyển sách Giáo dục đầu tiên của Việt Nam viết bằng Quốc ngữ và cũng là một trong những tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên của miền Trung. Ấu học giúp cho chúng ta ngày nay biết được phần nào diện mạo của chữ Quốc ngữ ở miền Trung vào thời kỳ những năm đầu của thế kỷ XX.

Chữ Quốc ngữ trong tác phẩm Ấu học đạt đến trình độ tương đối hoàn thiện có khả năng diễn đạt mọi khía cạnh của cuộc sống, rất gần với chữ Quốc ngữ ngày nay.

 

(*) Pierre Trần Lục (1868 - 1927) người làng Phú Thượng, xã Hòa Sơn, thành phố Đà Nẵng, khác với cụ Phêrô Trần Lục (1825 - 1899) là một linh mục Thiên Chúa giáo, quê quán ở thôn Mỹ Quan, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh

Thanh Hóa.

C.L.A

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích