Nguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng Huy

08.07.2016

Nguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng Huy

Tôi làm quen và gặp gỡ Nguyễn Văn Bổng trước tiên là qua bậc đàn anh - Giáo sư Huỳnh Lý, người đồng hương Quảng Nam với nhà văn. Sau này, lại hiểu nhà văn nhiều hơn một cách gián tiếp qua giao lưu với bậc trưởng lão Tô Hoài - người có nhiều thân tình và hứng thú văn chương với Nguyễn Văn Bổng.

Làm nhiệm vụ giảng dạy văn học hiện đại Việt Nam, tôi có nhu cầu và hứng khởi tìm gặp các tác giả đang hiện diện trong sự nghiệp văn chương phần này, và dĩ nhiên, các tác giả Truyện Tây Bắc, Con trâu, Vùng mỏ, Xung kích, Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm,... trong giáo trình là đích ngắm trước nhất, ngay từ năm 1960.

 

Đọc tác phẩm,  đọc kỹ sẽ hiểu được phần nào tác giả. Khi gặp gỡ, giao lưu, lại càng thấy rõ con người, nhất là qua lao động sáng tác, cả công việc ở tầm vĩ mô như xây dựng hình ảnh, sắp xếp, chọn lựa câu chữ... Rồi ta lại biết cả những cái  “ngoài văn”, “xa văn” như ý của Chế Lan Viên.

Xung quanh Con trâu, tôi may mắn sớm biết được không khí chiến đấu, hoàn cảnh sản xuất và người nông dân Liên khu V... những điều mà Nguyễn Văn Bổng phát biểu về sáng tác cuốn tiểu thuyết đã làm nên danh hiệu cá nhân từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đó là vào dịp sau này, chủ yếu qua Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu Năm (Đà Nẵng, 2007).

Hiểu rõ về tác giả ở từng trang viết, qua nhiều tác phẩm của hành trình sáng tác là đã nắm chắc được cả hồn văn lẫn hồn người. Và, thu hoạch lớn nhất từ Con trâu đến Cửu Long cuộn sóng, Rừng U Minh... là hiểu được cốt cách, bản lĩnh nhà văn, nhìn chung lại là nhân cách cao đẹp của nhà văn chiến sĩ hàng đầu Nguyễn Văn Bổng.

Tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn mặc áo lính như Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi... Họ đã từng cầm bút và cầm súng. Ngoài ra, họ cũng đã tham gia các chiến dịch, các trận đánh.

Do nhiệm vụ, Nguyễn Khải được vào Vĩnh Linh, ra Cồn Cỏ, để rồi viết nên các tác phẩm Ra đảo, Họ sống và chiến đấu, theo bộ đội công binh làm nên Đường trong mây. Nguyễn Đình Thi nhập vai nhà văn quân đội, theo chân các binh chủng để viết được từ Xung kích đến Vào lửa, Mặt trận trên cao. Lại như Nguyễn Chí Trung cũng từng nhập ngũ từ 1946, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường thời chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, đặc biệt là cả chiến tranh chống bọn diệt chủng Pol Pot ở Campuchia. Nhà văn cũng đã để lại Bức thư làng Mực nổi tiếng, và những năm cuối đời còn miệt mài viết bộ tiểu thuyết về cuộc chiến chống nạn diệt chủng ở Campuchia.

Cũng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng Nguyễn Văn Bổng lại tham gia với tư cách nhà văn dân sự, với tư cách là phóng viên mặt trận, bám sát các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Đặc biệt là đợt ra Bắc tập kết, rồi hai lần nhà văn lại vào Nam - ngắn hạn có, dài hạn có - trong đó có hoạt động ở cả vùng giải phóng và thành thị miền Nam, nội đô Sài Gòn.

Bạn bè văn nghệ khâm phục đức kiên cường, quả cảm của nhà văn - chiến sĩ, đặc biệt sự may mắn hiếm có trên đời là được tham dự những cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử Tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Nói cách khác, Nguyễn Văn Bổng là nhà văn thực sự dấn thân trong lửa đạn chiến trường, vừa là chứng nhân, vừa là người góp phần làm nên lịch sử. Có thể nói không quá lời,  ông chính là nhà văn mang cốt cách người lính anh hùng.

Tôi đã được gặp Nguyễn Văn Bổng trong thời gian ở miền Bắc - như chặng tạm “giải lao” của cuộc trường chinh đánh Mỹ. Tôi ngưỡng mộ nhà văn như một người “vào sinh ra tử” trong chiến tranh. Nguyễn Văn Bổng đã có lần suýt chết hụt ở trung tâm Sài Gòn, bị địch bắt nhưng được giải cứu. Lại có lần nhà văn giáp mặt với mật vụ trong cuộc chạm trán nhận diện rất chính xác tại nhà bạn văn cơ sở nội thành. Nhà văn nhanh trí, chối bỏ, đối đáp, đánh lạc hướng và lẹ gót tẩu thoát.

Cái đức gan dạ kiên cường của nhà văn thật đáng khâm phục. Viết thư cho Nguyễn Tuân trong hoàn cảnh đặc biệt hiểm nguy về thân thể và tính mạng - đang lên cơn sốt, nằm chờ vượt thoát ở một địa điểm ven đường, nói tránh bí mật là “một nơi khá nguy hiểm” trong kháng chiến được quen gọi đó là  những “cửa tử” buộc phải vượt qua. Đoàn Minh Tuấn, trong bài viết mùa xuân năm 2011, cũng có cảm tưởng coi cuộc rượu với Nguyễn Văn Bổng ở nhà cụ Nguyễn sau khi nhà văn từ Nam ra là “mừng ngày gặp mặt sau bao tháng ngày xa cách, tử sanh cách biệt trong gang tấc” (Nguyễn Văn Bổng - nhà văn chiến sĩ).

Sau này, cũng theo bạn văn kể, Nguyễn Văn Bổng có dịp thuật lại qua ký ức “những quãng đường khói lửa hôm qua, những tháng năm khổ ải và mộng mơ” ở chiến trường miền Nam. Đó là những công tích vừa thầm lặng, vừa dữ dội của Thời đã qua mà qua đó bè bạn, đồng chí thêm cảm nhận sâu sắc về con người của nhà văn.

Cả trong Nam và ngoài Bắc, Nguyễn Văn Bổng đều là con người của quan hệ do nhiều công việc, nhiều cương vị của bản thân. Nổi bật trên tất cả, nhà văn là con người của cảm tình, thân thiện - con  người đôn hậu, nhân ái.

Trong cơ quan, cũng như ngoài đời, ông là con người hòa đồng, dễ tính, tất nhiên không phải là người hoàn hảo, nhưng đặc biệt trong giới văn nhân, ông được xếp vào loại ít có tị hiềm, oán trách nhất. Trái lại, ông lại được cảm thông sâu sắc và có sự đồng cảm, đồng thuận cao.

Thân thiết với nhau, ông thường được Tô Hoài mời đi uống bia hơi và trò chuyện. “Có đi” nhưng ít khi “có lại”: “Anh biết lương hưu của tôi không cho phép tôi chi những món “xa xỉ” như vậy” (Với Tô Hoài).

Ngược lại, Nguyễn Văn Bổng lại cảm thông rất nhiều với những khó khăn, trở ngại trong tình hình viết lách của bạn. Đến cả những điều không vui, sẽ “không bao giờ bằng lòng”, thậm chí cả nỗi buồn, nỗi oan trái, ấm ức của người bạn văn lớn.

Nguyễn Văn Bổng không ngại nhìn thẳng vào sự thật mà nói lên hiện tượng thực tế có vẻ phũ phàng: “Mấy năm gần đây, cái tên Tô Hoài không còn hấp dẫn trên thị trường chữ nghĩa như trước. Tuyển tập của anh định xuất bản thành bốn tập, chỉ một tập đầu được in ra, còn ba tập tiếp theo dừng lại”. Có tình trạng nhiều nhà xuất bản hứa hão, tác phẩm còn “nằm đắp chiếu”. Nguyễn Văn Bổng biết rõ có những chuyện chê trách Tô Hoài, và tâm sự bức xúc của bạn văn lớn: “- Chừng này tuổi đầu rồi mà viết vẫn không an toàn!”.

Vậy mà, điều đáng quý chính là, để có những món tiền tiêu, như tiền đãi bia cho bạn bè, Tô Hoài đã “phải viết đủ loại bài cho đủ các loại báo”. Qua cốc bia, thấy được tấm lòng của nhau: cái giá của đồng tiền kiếm được. Và cũng qua chuyện bia, ta thấy được cái cảm lòng của người được chiêu đãi, nhất là sự chân thành, dám nói thật của Nguyễn Văn Bổng. Bài viết này viết vào cuối năm 1991, in vào tuyển năm 2000, nghĩa là đã qua mắt Tô Hoài.

Thực ra, gặp văn Tô Hoài từ rất sớm - trước 1945, nhưng mãi đến 1954, sau hòa bình, Nguyễn Văn Bổng mới cùng Tô Hoài, Bùi Hiển cộng tác ở báo Nhân dân, ban Nông nghiệp. Sau đó, ở Hội Nhà văn, họ mới thường xuyên gặp nhau.

Việc hiểu nhau trong văn chương và qua văn chương quả là hiếm có.

Tô Hoài có một nỗi lòng sâu kín như mối tình u hoài một thuở. Nhà văn biết Nguyễn Văn Bổng đã từng phóng xe honda ra Bến Cát, ngược sông Sài Gòn lên Dầu Tiếng để tìm hiểu một bóng dáng xa xưa - Phượng của Tô Hoài. Và Nguyễn Văn Bổng cũng chứng kiến cả cảnh Tô Hoài thẫn thờ vào thăm các cửa hàng ở Dak Nông trong một chuyến đi dài như để tìm lại bóng dáng của một Phượng nào đó.

Với Tô Hoài và Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng có mối thâm tình vì nhiều nguyên do, nhưng tôi đoan chắc có một lý cớ đặc biệt - họ có chung hứng thú ngao du. Nguyễn Văn Bổng đi nhiều, hầu như khắp những nơi xa xôi nhất của đất nước. Đó là hứng thú của một tâm hồn tự do phóng khoáng, kết hợp với đầu óc ưa tìm hiểu, phát hiện thế giới tự nhiên và khám phá thế giới

tâm hồn. Tuy phiêu lưu đây đó, nhưng so với bạn bè thời xưa, nhà văn không quá mạo hiểm như Tô Hoài; xông pha, luân lạc nhưng không  thiên phiêu lãng kiểu Nguyễn Tuân.

Vì nhiệm vụ, trên đường ngược xuôi Nam Bắc, Nguyễn Văn Bổng đã 5 lần vượt dãy Trường Sơn. Thời chống Mỹ, nhà văn đã trải Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, hầu khắp Nam Bộ và cả Tây Nguyên. Nếu gọi là mạo hiểm thì đó là đợt ở trong vùng nội đô Sài Gòn (1966).

Sau hòa bình năm 1954, nhà văn có những chuyến đi rất lý thú.

Đi Hà Giang, Phó Bảng, Đồng Văn, Mèo Vạc,... vùng quê hương sáng tác của Tô Hoài. Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn cùng Tô Hoài lại có chuyến đi dọc đường Đông Trường Sơn, đi từ Hà Nội qua nghĩa trang Trường Sơn, A Sầu, A Lưới, Bến Giằng, Dak Tô, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, rồi vào thẳng Sài Gòn. Thật khác xa với cảnh vào  miền Nam lần đầu, Nguyễn Văn Bổng được đi ô tô vào Quảng Bình, rồi lội bộ từ Đông Trường Sơn, vượt qua dốc Ngàn lẻ một cao 1001 mét, qua Tây Trường Sơn rồi lội bộ tiếp đường trường vào phía Nam.

Nguyễn Văn Bổng có những chuyến đi xa với Nguyễn Tuân và một số văn nghệ sĩ. Ấy là chuyến “ngao du” lênh đênh các đảo biển vịnh Hạ Long sau ngày căng thẳng, dữ dội mùa xuân 1968 ở Sài Gòn trở về Bắc. Sau này, nhà văn lại rong ruổi với Nguyễn Tuân và Đoàn Minh Tuấn, Tế Hanh... trên vùng sông rạch đồng bằng sông Cửu Long những năm sau 1975.

Công du cũng là ngao du và ngược lại. Đi trước hết là để sống. Sống “đủ đầy”, sống “kiệt cùng” đời viết (Tô Hoài ), vừa thỏa chí tang bồng, vừa “thay đổi cảm giác” (Nguyễn Tuân) là tâm nguyện hứng thú của bè bạn văn nghệ sĩ. Những chuyến đi ấy cũng nhằm tìm hiểu hồn nước và lòng người. Và, vốn sống vô giá ấy sẽ làm nên văn chương như lời tâm huyết “kêu gọi giống nòi” (Trần Tuấn Khải), động viên “Vì nhân dân quên mình” (Lời ca từ) của người cầm bút như cầm súng một thời.

Tham gia hoạt động văn nghệ kháng chiến Nguyễn Văn Bổng tập trung phát hiện đất nước và con người Việt Nam khắp các vùng miền một thời để tìm ra và tạo dựng được hình ảnh những con người thời đại mới khí phách, hào hùng cùng với nền văn hóa truyền thống đầy tinh hoa và bền vững. Đó cũng là thành tựu tiêu biểu của cả một thế hệ nhà văn ưu tú của thế kỷ XX, trong đó có những tên tuổi từng gắn bó thân thiết đều đạt giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Tuân (1996), Tô Hoài (1996), Nguyễn Văn Bổng (2000).

Khi nói về hoàn cảnh viết Rừng U Minh trong cụm tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Bổng đã kể: “Tôi sinh ra ở miền Trung... đã quen với mặt trời mọc trên biển, lặn sau núi, đến nỗi lần đầu bước chân tới miền Tây Nam Bộ, buổi chiều nhìn thấy mặt trời lặn trên biển, tôi rất ngạc nhiên... Đến đây là sơn cùng thủy tận rồi... Con người đến đây là con người ngang tàng, nghĩa khí, tính mạng coi tựa lông hồng, tiền tài khinh như rơm rác... Họ không cần nhà đẹp, nhà của họ là “nhà đạp”, “nhà đá”, dựng lên đó, ở đó, nhưng nếu không chịu nổi áp bức, thì “đạp” đi, “đá” đi, đến chỗ khác mà ở. Họ chẳng cần mặc sang, và có thể ăn, cũng không cần lo cho ngày mai lắm, nhưng họ lại là những người đầy tình thương, giàu nghĩa khí, trọng thực tế và khao khát được làm người dân của một đất nước tự do độc lập” (theo Kiến Văn, Nguyễn Văn Bổng từ “cuộc đời” vào “tiểu thuyết”, baomoi.com, 14/7/2011 )

Đây chính là con người Nam Bộ mà trong văn Lý Văn Sâm, Sơn Nam,... đã từng thể hiện

 Đời văn sống, đi và viết là sự phát hiện và chiêm nghiệm thường xuyên, liên tục về con người. Quan niệm nghệ thuật về con người chính xác đã tạo nên những trang viết đặc sắc về con người đất nước đậm chất nhân bản.

Tôi muốn khẳng định thêm cho thật rõ về tố chất cơ bản - nhân văn và anh hùng đã làm nên nhân cách nhà văn - chiến sĩ Nguyễn Văn Bổng, cũng như thế hệ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Thái Nguyên Chung (Nguyễn Chí Trung), Bùi Đức Ái (Anh Đức),...

Con người là “tổng hòa những  quan hệ xã hội” (KarlMarx). Trong thể hiện sáng tác của Nguyễn Văn Bổng, con người chính là nhân dân thuộc đủ mọi tầng lớp, từ nông thôn đến thành thị. Họ là những người tuy phải chịu nhiều đau thương, nhưng anh dũng làm nên sự nghiệp giải phóng, từ ruộng rẫy đến chiến trường, từ Đồng khởi, rồi đến Tổng tiến công nổi dậy và đại thắng. Nguyễn Văn Bổng đã dành trọn vẹn lòng trắc ẩn, sự tin yêu và niềm kính phục nhân dân từ tấm lòng nhân ái và quả cảm của bản thân.

Là con người đời thường, nhà văn là người chồng thủy chung, son sắt, người bạn đời đồng nghiệp, người cha nhân ái và nghiêm minh trong gia đình qua Nguyễn Văn Bổng riêng tư một mảng đời. Tình yêu thương bè bạn, tình đồng chí, đồng đội nồng ấm... Tất cả đều xuất phát từ cốt cách nhân ái của nhà văn.

Có nét tương đồng với Nam Cao, Nguyễn Văn Bổng thể hiện lòng quả cảm trong sống và chiến đấu, thường đặt cho mình những thử thách gay cấn, đi đầu xông  tới những mũi nhọn, điểm nóng, tự nguyện đón nhận gay cấn, hiểm nguy. Trong lao động nghệ thuật, cũng là sự dũng cảm tự vượt mình để có những thành quả xứng đáng, có giá trị... Đặc biệt, nhà văn rất chịu lắng nghe, không chỉ là những lời động viên “có cánh” của các bậc đàn anh như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, mà còn dám nhận chê trách về những yếu kém, bất cập trong cách viết của những người viết chí tình, có trình độ như Chế Lan Viên, Đoàn Giỏi. Lần gặp nhau ở nhà Nguyễn Văn Bổng, cụ Nguyễn nói về chuyện chữ nghĩa, chủ nhà rất quan tâm vấn đề, chúng tôi cùng trao đổi hào hứng, sôi nổi.

 

Đã mười lăm năm đã qua kể từ ngày Nguyễn Văn Bổng ra đi. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rõ bóng hình nhà văn tiêu biểu của một Thời đã qua vẻ vang. Ông vẫn sống trong “Thời đang qua” cùng chúng ta và sẽ đồng hành đến “Thời sắp tới” như một nhà kiến trúc sư tinh thần mẫn cán đã từng và mong mỏi  hiện thực hóa khát vọng cao đẹp tự do, hạnh phúc con người  hướng tương lai.

Đ.T.H

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích