Cây chim đêm - Tường Linh

08.07.2016

Cây chim đêm - Tường Linh

Giường của ông Tiền tại bệnh viện kê sát cửa sổ. Bên ngoài dãy phòng này là dải đất hẹp phía sát đường lớn. Trên dải đất ấy chỉ có duy nhất một cây cổ thụ cao, tán lá tỏa thật rộng, cành nhánh um tùm.

Nhìn qua khung cửa sổ, ông Tiền chỉ thấy được từ giữa thân cây trở lên một khoảng ngắn. Ông nghe các bệnh nhân cùng phòng đến trước ông nói ngày nào cũng vậy, cứ khoảng sau mười tám giờ, hàng trăm con chim từ đâu bay về cây cổ thụ này. Chúng kêu thành một thứ hợp âm ồn ào, hỗn tạp như gọi nhau, cãi nhau chứ không phải hót. Vì chúng tụ về lúc chạng vạng, lại do những chòm cành lá tối om không thể nhìn thấy chúng và chúng chỉ kêu chứ không phải hót nên chẳng ai biết đây gồm những loại chim gì.

Vào lúc ấy nhiều bệnh nhân mấy phòng gần cây cổ thụ và người nhà thăm nuôi thường bày bánh trái, thắp nhang quanh gốc cây đang có bầy chim đông đúc tụ về bên trên. Họ đều tin rằng bầy chim là vong hồn các bệnh nhân trở về nơi từ đó họ ra đi. Bệnh viện này được lập từ trước Bảy lăm nên số người chết không ít.

Mỗi chập tối, những người đến cúng tại gốc cây đều van vái chư vong linh phù hộ cho họ hoặc người nhà đang nằm viện mau lành bệnh, không gặp sự rủi ro nào.

Nghe kể về chuyện trên, ông Tiền chợt có điều suy nghĩ lung lắm. Ông nhớ và nhận ra cây cổ thụ này là một cây si họ đa mà ông đã biết từ lâu. Ông mới nhập viện một ngày đêm. Sáng hôm sau, ông gọi điện cho người nhà đến thăm nuôi từ lúc mười sáu giờ nhớ đem vào cho ông thẻ nhang và ít bánh trái.

Đến thăm nuôi cha, cô gái út của ông Tiền đem theo đủ thứ ông dặn và hỏi ông để làm gì. Nghe cha kể, con gái ông, một Hiệu trưởng cấp Ba lễ phép phản đối:

- Người ta tin, người ta cúng vái, mặc kệ họ. Ba mà cũng tin, cũng làm như họ vậy sao?

Ông Tiền nói như sự giải thích không đầy đủ ý ông với con gái:

- Chẳng biết phải nói như thế nào cho con hiểu về việc này! Thật lòng, như con biết đấy, ba cũng không tin chuyện linh hồn người chết hóa thành vật này vật nọ. Nhưng riêng về trường hợp này, có một sợi dây tình cảm liên quan đến ba nên ba không thể, đúng ra là không nỡ điềm nhiên tọa thị. Sợi dây tình cảm vốn vô hình, chỉ ai có liên quan thực sự mới cảm nhận được. Với chuyện này ba không đặt thành vần đề hữu lý hay vô lý mà chỉ bày tỏ chút lòng thôi.

Ngay tối hôm ấy ông cùng con gái đi ra chỗ cây cổ thụ khi bầy chim đã thôi kêu ồn ào. Ông nhận ra đúng là cây si nay đã rất già. Quanh gốc cây có mấy người đang đốt nhang, khấn vái. Ông bày bánh trái trên một tờ giấy báo đặt xuống cạnh gốc cây, đốt nhang. Ông không khấn vái như mọi người hiện diện mà chỉ khoanh tay đứng nhìn lên giữa tầng lá tối om và nhớ đến một người… Lúc này ông càng không đặt vấn đề hữu lý hay vô lý như đã nói với con gái.

 

Họ là hai chàng trai trẻ ở Quảng Nam, sau khi đỗ Tú tài, hai người rủ nhau vào Sài Gòn để tìm việc làm và học tiếp Đại học.

Vào Sài Gòn, họ mướn nửa căn nhà nhỏ trong một hẻm cụt để ở. Họ mua chiếc đi-văng gỗ, bên trong đựng đồ dùng, sách vở, hai người ngủ chung bên trên. Hiện nay ông Tiền còn giữ chiếc đi-văng cũ kỹ ấy làm vật kỷ niệm nhiều ý nghĩa.

Ngày ngày đi làm hay đi học họ đều đi ngang bệnh viện ông Tiền nay đang nằm. Lúc đôi bạn Giang và Tiền vào Sài Gòn thì bệnh viện này lập đã lâu, sát lộ giới đường chỉ là dãy hàng rào sắt cao hơn đầu người chứ chưa xây tường.

Mỗi lần đi ngang đây Giang đều dừng xe đạp mấy phút nhìn qua hàng rào để ngắm một cây si cao lớn,  nhiều nhánh lá rậm rạp xanh mướt. Có lẽ cây si này đã mọc sẵn trước khi xây bệnh viện được người ta giữ lại. Đây là cây si ngày nay đã thành cổ thụ, mỗi chạng vạng có rất nhiều chim tụ về.

Giang thường nói với Tiền là anh rất thích và yêu cây si này. Hỏi vì sao, Giang không thể giải thích.

Giang theo học trường Mỹ thuật Gia Định, chuyên về hội họa, Tiền vào Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Đến năm học thứ hai, Giang được mấy đoàn cải lương, kịch nói hợp đồng vẽ phông, bảng quảng cáo các tuồng hát, vở diễn. Cũng năm thứ hai Đại học Văn khoa, Tiền đã là cộng tác viên thường xuyên của một nhật báo, một tuần báo và hai tạp chí. Thu nhập của hai người đã khá.

Tốt nghiệp, Tiền làm thư ký tòa soạn cho tờ nhật báo đã cộng tác lâu nay, Giang được một trung tâm quảng cáo mời làm việc. Tiền vẫn viết tiểu thuyết đăng báo mỗi kỳ (feuilleton) cho hai nhật báo. Cứ trên dưới nửa năm, khi tiểu thuyết đăng báo của Tiền vừa kết thúc liền có nhà xuất bản mua bản quyền để in thành sách. Mức sống của đôi bạn đã khá hơn trước rất nhiều. Họ quyết tâm theo tiếp bậc Cao học. Hai người mướn riêng một nhà trọ dài hạn và vẫn ở chung. Mỗi người đã mua một chiếc vespa để đi lại.

Tiền đầy đủ sức khỏe, mỗi sáng chủ nhật đều đến tập luyện tại một võ đường quyền Anh. Giang bị bệnh tim bẩm sinh, vẫn tiếp tục chữa nhưng chưa khỏi. Chủ nhật nào anh cũng ở nhà để vẽ tranh. Cuộc triển lãm tranh lần đầu của Giang tại Sài Gòn, số tranh trưng bày được mua gần hết, trong đó bức sơn dầu có tên “Miếu Sơn Thần” được mua giá cao nhất. Bức này họa sĩ Giang đã vẽ một cảnh thật là miếu thờ sơn thần của làng anh tại đầu cửa truông vào rừng. Bức tranh có một cây si lớn thật đẹp đứng trước ngôi miếu. Lại một cây si...

Những ngày làm việc, đôi bạn về gặp nhau tại nhà trọ rất đúng giờ, đều đặn. Nếu có đi chơi đêm, xem xi-nê, họ cùng đi chung.

Chiều thứ bảy nọ, Tiền về nhà đợi hơn tám giờ tối mà Giang chưa về. Rồi chín giờ, mười giờ đêm vẫn không thấy Giang đâu. Tiền thực sự lo âu. Giang đang đau tim.

Sốt ruột quá, Tiền cưỡi vespa đến nơi Giang làm việc. Nơi đây cho biết Giang đã về nhà từ lúc chiều như mọi ngày. Hoảng quá, Tiền đến từng nhà các bạn thân của hai người đều nghe trả lời rằng Giang không ghé lại.

Tiền bèn trở về nhà xem Giang đã về chưa. Khi ngang bệnh viện có cây si, Tiền chợt nảy ý thử ghé vào hỏi xem.

Người của bệnh viện cho Tiền biết  là lúc chập tối có nhận một ca cấp cứu. Người đàn ông này nằm bất tỉnh bên lề đường. Bệnh nhân được hai thanh niên tốt bụng ở gần đó chở đến bệnh viện, chiếc vespa của bệnh nhân còn dựng trước thềm phòng cấp cứu.

Đúng là Giang. Anh đã được chuyển vào phòng, các bác sĩ, y tá đang tiếp tục cứu chữa. Giang hôn mê sâu. Tiền đứng bên cạnh, nước mắt ràn rụa, cứ luôn miệng gọi tên Giang nhưng vô vọng. Mọi người đều vô vọng. Chàng họa sĩ tài ba còn trẻ trút hơi thở cuối cùng lúc năm giờ bốn mươi sáng.

Tiền vuốt mắt bạn. Anh đau buồn khôn cùng và cứ nắm mãi bàn tay Giang. Tình thương vô hạn với bạn đã khiến Tiền quên bàn tay của một tử thi đã lạnh.

Lễ tang của Giang được tổ chức ngay tại Nhà Vĩnh Biệt của bệnh viện. Rất đông đồng hương và bạn bè đến phúng viếng, tiễn đưa Giang.

Sáng sớm ngày mai táng, Tiền yêu cầu đội mai táng khiêng quan tài Giang dừng lại chỗ cây si. Họ nâng lên, đưa xuống chiếc hòm của Giang ba lần như chào vĩnh biệt chỉ với một gốc cây. Không một ai biết tại sao Tiền cho làm việc ấy.

 

Ca giải phẫu căn bệnh đường tiết niệu của ông Tiền hoàn thành tốt đẹp. Bệnh nhân phải nằm thêm mấy hôm để hồi sức và bệnh viện theo dõi.

Tuy bệnh không còn hành hạ nhưng vì nằm tại bệnh viện cũ có kỷ niệm buồn, gặp lại cây si..., ông Tiền ngủ rất ít. Bốn giờ ông đã thức đến sáng. Lúc ấy ông chú ý về phía cây si cổ thụ và nhận thêm một điều khó hiểu. Như ông và mọi người tại đây đã biết, cứ mỗi chạng vạng, bầy chim hàng trăm con tụ về cây này kêu inh ỏi, nhưng từ bốn giờ mãi tới sáng không hề nghe tiếng chúng. Chẳng biết chúng bay đi lúc nào trong đêm.

T.L 

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích