Giỗ riêng - Như Trang

08.07.2016

Giỗ riêng - Như Trang

Ông bà nội cưới trong thời chiến tranh và có với nhau bốn mặt con. Ba tôi là con trai đầu, rồi đến cô Ba, cô Bốn đều lấy chồng ở thành phố, chú Út sống cách nhà tôi không xa. Ông nội đã về với cõi đất từ lâu, bà nội thì sống cùng gia đình tôi ở cái đất tổ tiên thời khai hoang đến bây giờ. Dạo trước, ngày giỗ ông nội, con cháu luôn quây quần, sum vầy, cùng nhau lo chu toàn lễ cúng đầy đủ. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, gia đình bên nội tôi đều tan đàn xẻ nghé, cô chú cương quyết làm giỗ riêng cho ông nội chỉ vì chuyện đất đai. Và những lúc bà nội tôi ngất lịm đi khi chú Út và cô Ba, cô Bốn đòi chia đất cũng trở thành một lẽ thường tình...

Bao năm rồi, sự chuyển mình, thay da đổi thịt hay công nghiệp hóa đất nước làm cho đất đai eo hẹp và lòng người cũng hẹp dần đi. Ai nấy đong tấm lòng bằng chiếc phong bì tiền vô cảm. Đi đâu, đến đâu cũng nghe thấy chuyện đền bù đất đai hay chuyện có một khu đô thị mới sắp mọc lên. Đó là tín hiệu tốt cho sự phát triển nước nhà, nhưng lại là tín hiệu xấu cho những người thực dụng quá tham vọng đến tiền bạc. Bà nội vẫn thường kể tôi nghe bao câu chuyện với chủ đề như thế, nhưng bà không nghĩ rằng các con của mình lại vướng vào cái vòng lẩn quẩn giữa đồng tiền. Đất của tổ tiên, gia đình tôi sống ở đây cùng bà nội đã lâu, thế mà chưa khi nào ba tôi dám đặt lời nói với nội chuyện phân chia đất đai, cho dù đất là đất mặt tiền và có giá gấp bội các lô đất khác. Tuy nhiên, có lẽ do ảnh hưởng nếp sống đô thị, cô Ba và cô Bốn về nói với ba tôi và chú Út về việc phân chia đất ra thành bốn lô chia đều rồi bán. Lòng chú Út bỗng lung lay, rồi chú về cùng một phe với các cô đòi chia đất. Ba tôi một mực không chịu, nhất là khi bà nội vẫn còn sống, ba không muốn nội phải nhọc nhằn chứng kiến các con vì đồng tiền mà bán đi đất tổ tiên. Rồi tình cảm giữa ba và các cô chú dần sứt mẻ, cứ cuối tuần các cô lại kéo về. Ngay cả khi bà nội ốm nằm một chỗ, các cô vẫn mua vải gấm lụa là may cho nội mặc nhằm nhắc khéo nội viết di chúc chia đất. Vì giận hờn ba tôi ở cái lẽ không chịu đứng ra chia đất và bán lúc đất đang có giá, chú và cô Ba, cô Bốn lại làm giỗ riêng cho ông nội. Dù rằng hai nhà làm đám giỗ cách nhau chẳng bao xa, và cả xóm làng ai nấy đều lời ra tiếng vào.

Bữa đó, tôi đạp xe về nhà sau giờ học thì thấy thằng Bờm ở gần nhà tôi đang phóng xe như bay. Cái xe của nó không có phanh nên khi thấy tôi, Bờm thắng lại không kịp mà phải chà chà bàn chân xuống mặt đường. Nó thở hổn hển: “Tranh ơi! Nhà mi... nhà mi...”. “Nhà tao răng?”. Tôi hốt hoảng. “Nhà mi... mấy cô của mi lại về giành đất, la om sòm, bà nội mi xỉu rồi kìa!”. Tôi vội đến quên cả nói lời cảm ơn Bờm, chỉ biết tức tốc đạp nhanh về nhà. Đến ngõ, tôi quăng xe đánh rầm vào hàng dâm bụt. Tôi len lỏi vào đám đông đang vây kín bà nội của tôi ở giữa sân nhà. Tôi hét lên: “Nội! Nội ơi! Tỉnh dậy nội, con về rồi...”. Nội không trả lời, chân tay nội mềm bủn rủn, không động đậy. Tóc nội xõa xuống, gương mặt xanh xao và đôi môi tái nhợt như làm tăng thêm nỗi sợ hãi của mọi người, đặc biệt là các cô của tôi. Nín lặng, đau đớn nhưng tôi vẫn kịp tỉnh táo bấm điện thoại gọi xe cứu thương, và gọi ba mẹ tôi đang làm ngoài ruộng trở về. Ba mẹ về cũng là lúc bà nội được chuyển lên xe đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tôi cùng ba chăm nom bà nội ở bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán huyết áp nội tăng đột ngột và bệnh tim lại tái phát. Tôi cảm giác tình hình của nội không ổn nữa rồi! Chú Út và các cô đến bên nội trong nỗi lòng chất chứa bao ân hận. Nội vẫn không tỉnh dậy, mấy hôm liền nội phải thở bằng máy, cả cơ thể nội bỗng gầy yếu đến tội nghiệp. Nội của tôi vốn là người nhân từ, độ lượng, bởi nội tin trên đời này có nhân, có quả. Các cụ thường nói “Phúc đức tại mẫu”, và chính nhờ nội nên phận con cháu chúng tôi có được sự bình yên qua nhiều biến cố. Tuy nhiên, biến cố trong gia đình lần này lại khiến cả lòng nội và chúng tôi khó có thể bình yên.

Đêm, nội bỗng choàng tỉnh và nói chuyện với ba, với tôi rất nhiều. Nội kể lại chặng đường gian truân một mình nội nuôi bốn người con mà chẳng nề hà gì việc nặng, việc khó. Từ thuở nội gánh thúng đi mua lúa rồi bán lại kiếm lời, nội nuôi heo, trồng đậu, trồng bắp... phần để ăn trong nhà, phần thì đem bán kiếm tiền nuôi các con ăn học. Đến ngày các con của nội trưởng thành, có vợ có chồng, ăn nên làm ra, lòng nội cũng thêm phần an ủi. Nội bảo rằng: “Đất, tao có thể bán, có thể chia, nhưng chia làm gì khi cuộc sống chúng bây đã ổn định! Tao muốn để đất tổ tiên lại và hướng con cháu trở về sum vầy cho biết cội, biết nguồn. Chỉ khi nào gặp bất trắc trong cuộc sống, hoạn nạn, ốm đau, cần đến tiền chữa chạy thì hãy bán lấy rồi nương nhau mà vượt qua!”. Nội vẫn tỉnh táo giải quyết mọi sự về đất đai, nguyên do của việc nảy sinh giỗ cúng riêng trong gia đình. Rồi nội lại tiếp lời với hai ba con tôi: “Còn giỗ riêng cho cha bây, ông nội bây, có ai lại muốn điều đó bao giờ? Dẫu cho linh hồn ổng có trở về, liệu ổng có vui khi nhìn cảnh mỗi nhà mỗi giỗ?”. Và nước mắt trượt dài theo mi mắt nội, làm ướt đẫm chiếc gối nội nằm. Nội mệt và nội bỗng muốn thiếp đi trong miên man suy nghĩ. Tôi và ba đều như thấu hiểu lòng nội...

 

Đã 8 giờ sáng nhưng nội vẫn chưa tỉnh, hai ba con tôi, mẹ, vợ chồng chú Út, cô Ba, cô Bốn ngồi ngoài phòng hồi sức và hồi hộp nhìn nội từ cửa kính với bao lắng lo. Vị bác sĩ trở ra sau khi khám, bác sĩ bảo gia đình tôi vào gặp nội lần cuối. Tôi như không kiểm soát nổi bước chân mình, trong vô thức tôi đã tiến vào phòng, đến gần bà nội. Trên chiếc giường trắng toát, nội nằm lặng im, mặt nội vẫn buồn như phủ lớp sương. Ba tôi gượng nói, giọng ra vẻ giận: “Bộ hết chuyện giỡn rồi sao, hở mẹ?”. Có vẻ không tin, khi ba cho rằng nội vẫn đang còn ngủ. Ba nghĩ chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh vác hết mọi nhọc nhằn trên đôi vai nội thì sẽ được đền đáp xứng đáng, thì nội sẽ khỏe mạnh ở bên gia đình tôi. Có vẻ không tin được… Ba tôi đã lịm đi trong cơn mê sảng, quãng hành trình đưa nội từ bệnh viện về nhà, dường như đối với ba rất dài, nó vắt kiệt hai dòng lệ nơi khóe mắt ba tôi.

Ba ngày gia đình tôi đứng chịu tang bên chiếc quan tài nội nằm cũng trôi qua lặng lẽ theo tiếng khóc than, tiếc thương của họ hàng và xóm làng. Ngày chôn cất nội, ba tôi đem đốt hết những đồ đạc của nội. Khói bay mù mịt, mùi vải, mùi nhựa cháy khét lẹt, những áo gấm tím, hay xanh, hay hồng mà các cô may cho nội cũng rúm co lại, chảy thành tro. Duy chỉ có những lời nói của nội trong đêm cuối cuộc đời, ba tôi cố gắng nhớ lại, viết vào cuốn sổ gia đình. Chôn cất bà nội xong, ba đứng trước bàn thờ bà đọc cho mọi người trong gia đình nghe. Ngay khoảnh khắc ấy, cô Ba, cô Bốn và chú Út mới bùi ngùi nhận ra hình như bản thân đã bỏ quên một thứ gì đó. Chỉ đến khi đứng trước di ảnh nội, thắp nén hương trầm tưởng nhớ nội, tất cả mới nhận ra rằng tình cảm anh em ruột rà quý báu biết bao nhiêu. Và nỗi niềm giỗ riêng cũng vì thế mà thoát khỏi tâm trí của mỗi thành viên trong gia đình tôi…

N.T 

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích