Đôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi Xuân

08.07.2016

Đôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi Xuân

Năm 1912, The MacMillan Company đã xuất bản tập Thơ Dâng (Gitanjali) của Rabindranath Tagore với Lời giới thiệu của Nhà thơ,

Nhà soạn kịch Ireland William Butler Yeats1. Liền sau đó, Thơ Dâng đã được Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển xét tặng giải thưởng Nobel văn học năm 1913. Từ đây, sách của R. Tagore ngày càng được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông đã trở thành một kỳ quan của văn học thế giới. Ông đã để lại cho chúng ta một gia tài văn hóa đồ sộ, gồm 52 tập thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, trên 2000 bài hát, nhiều bức tranh, nhiều bút ký, luận văn, diễn văn và thư tín. 

 

Ở Việt Nam, R. Tagore được giới thiệu khá sớm. Báo Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée), số 18, ra ngày 16 tháng 6 năm 1924, đã đăng bài Lòng ái quốc của Tagore của Nguyễn Tinh, bút danh của Nguyễn An Ninh, một trí thức yêu nước, người chủ trương và chủ bút của tờ báo2. Cũng vào năm này, tạp chí Nam Phong số 89,

đã đăng các bài: Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây của Thượng Chi, bài diễn thuyết của R.Tagore ở Pháp vào năm 1921 với tựa đề Lời tuyên cáo của phương Đông (Message de l'Orient) cùng với đáp từ của một học giả người Pháp (Maurice Croiset), qua bản dịch của Hoa Đường. Thượng Chi và Hoa Đường đều là bút danh của Phạm Quỳnh, một học giả và là chủ bút của tạp chí Nam Phong.

Đặc biệt, ngày 21 tháng 6 năm 1929, trên đường từ Nhật Bản về lại Ấn Độ, Tagore đã ghé thăm Sài Gòn. Ba ngày lưu lại tại “Hòn ngọc Viễn Đông” này, Tagore đã được đón tiếp rất trọng thị. Các tờ báo: Diễn đàn Đông Dương (Tribune Indochinoise), Thần Chung (số ra ngày 23 tháng 6 năm 1929), và nhất là báo Phụ nữ tân văn, được Tagore đến thăm tòa soạn vào ngày 23 tháng 6 năm 1929, đã đăng tải nhiều tin, bài về Tagore trong các số báo 9 và 10, ra  ngày 27 tháng 6 và ngày 4 tháng 7 năm 19293. Chuyến ghé thăm Sài Gòn của R. Tagore đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp đối với công chúng yêu văn chương của nước ta thời bấy giờ, bởi theo nhà thơ Đông Hồ, trong cái nhìn của trí thức tiến bộ Việt Nam lúc ấy, nhà thơ Tagore và thánh Gandhi “đều là những chiến sĩ trên trận tuyến chống thực dân, đế quốc”4. Cũng kể từ đó, tức từ năm 1929 đến năm 1943, trong vòng 14 năm, tiếp theo Lời tuyên cáo của phương Đông, đã có thêm hai tác phẩm của Tagore được chuyển ngữ sang tiếng Việt.  Năm 1929, Diệp Văn Kỳ đã dịch tác phẩm Thần Ái tình của Tagore, do Nhứt Đức - thư xã ấn hành. Năm 1939, liên tiếp 6 số liền của tạp chí Tao Đàn, từ số 6 đến số 13, đã đăng tải cuốn tiểu thuyết Ngôi nhà và thế giới (The Home and the World) của Tagore. Năm 1943, tác phẩm biên khảo Thi hào R. Tagore của Nguyễn Văn Hai (bút danh của Kiều Thanh Quế) được Nhà xuất bản Tân Việt phát hành, đã cung cấp cho độc giả nước ta một cái nhìn tổng quan về thân thế, sự nghiệp và vẻ đẹp diệu kỳ của thơ Tagore. Song kể từ sau cuốn sách Thi hào R. Tagore của Nguyễn Văn Hai, trong bối cảnh sục sôi của cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), và kể cả những năm đầu tiên đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc (1954 - 1957), ở nước ta không có thêm một tác phẩm dịch thuật hay giới thiệu nào về Tagore.

Năm 1958, một mốc lịch sử diễn ra trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và đất nước của Rabindranath Tagore với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ. Người đã đến thăm Nhà lưu niệm R.Tagore ở Calcutta và trên báo Nhân Dân số ra ngày 19 tháng 3 năm 1958, Người đã nhận xét: “Đại văn hào Rabindranat Tago cả thế giới đều kính trọng”, như là một sự gợi mở cho việc dịch và giới thiệu Tagore ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Năm 1961, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của R.Tagore, việc nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm của Tagore được khởi động một cách mạnh mẽ, nhiều tác phẩm của R. Tagore đã được dịch thuật và xuất bản, với sự vào cuộc đầy hào hứng của nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Cao Huy Đỉnh, La Côn, Đào Xuân Quý... Thành quả tiêu biểu của cao trào này là sự ra đời của các tuyển tập: Rơvin Đranat Tagor (1861 - 1941), do Xuân Diệu, Yến Lan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông dịch, gồm 24 bài thơ của Tagore; Rơvin Đranat Tagor, do Cao Huy Đỉnh và La Côn dịch, gồm 50 bài thơ và 2 vở kịch của Tagore. Cả hai tác phẩm này đều do Nhà xuất bản Văn học xuất bản vào năm 1961. Trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Xuân Diệu, Cao Huy Đỉnh… đã có các bài viết, tiểu luận “phác thảo một cách khá toàn diện về cuộc đời, tư tưởng, và những thành tựu nghệ thuật đặc sắc của R.Tagore”5. Trong lúc đó, ở miền Nam, việc dịch và giới thiệu Tagore có chậm hơn một vài năm và đi theo một hướng khác. Nếu các nhà thơ, nhà văn, dịch giả ở miền Bắc đầu tư làm các tuyển tập, mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về R.Tagore, thì các nhà văn, nhà thơ, dịch giả ở miền Nam lại chọn lựa con đường dịch trọn vẹn cả một tác phẩm, chủ yếu là các tập thơ do chính R.Tagore chuyển ngữ từ tiếng Bengal sang tiếng Anh. Ngày 01 tháng 8 năm 1964, Tập san Văn ra số chuyên đề, đặc biệt về R. Tagore, cùng với Nhà thơ Đông Hồ là sự cộng tác của những tên tuổi như Hoài Khanh, Nguyễn Quang Hiện, Vũ Đình Lưu và Doãn Quốc Sỹ. Từ năm 1969 đến năm 1974, hàng loạt các tác phẩm của R. Tagore được dịch và xuất bản: Lời dâng (Gitanjali, Nxb Ba Vì, 1969, Nxb An Tiêm, 1972), Tâm tình hiến dâng (The Gardener - Nxb An Tiêm, 1969), Tặng vật (Lover's Gift, Nxb An Tiêm, 1973) do Đỗ Khánh Hoan dịch, Mảnh trăng non (Crescent Moon, Nxb Nguồn sáng, 1969), Khúc hát dâng đời (gồm các tác phẩm Gitanjali, Lover's gift, The Crescent Moon và Stray Birds, Nxb Nguồn sáng, 1971) do Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thủy dịch, Thực hiện toàn mãn (Sadhana, Nxb An Tiêm, 1973) do Nguyễn Ngọc Thơ dịch, Thực hiện tâm linh (Sadhana và The Religion of an Artist, Nxb Kinh Thi, 1973) do Như Hạnh dịch..., trong đó nổi tiếng nhất là 3 tác phẩm Lời Dâng, Tâm tình hiến dâng và Tặng Vật do Đỗ Khánh Hoan dịch. Cũng cần nói thêm rằng, trong khi dịch thơ Tagore, các nhà văn, nhà thơ và dịch giả ở miền Bắc thường sử dụng thể thơ tự do, trong khi đó ở miền Nam, các nhà văn, nhà thơ và dịch giả chủ yếu sử dụng thể thơ văn xuôi, theo đúng với các bản tiếng Anh do chính R. Tagore hoặc những cộng sự thân tín của ông chuyển ngữ từ tiếng Bengal sang tiếng Anh. Theo Giáo sư Lưu Đức Trung thì “các bản dịch thơ theo thể thơ văn xuôi có nhiều ưu thế hơn”6.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bạn đọc cả nước được hưởng những thành tựu dịch thuật và giới thiệu Tagore ở hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, tuy mấy năm đầu cũng có những khó khăn nhất định. Năm 1979, Tuyển tập thơ R. Tagore của Đào Xuân Quý được xuất bản. Năm 1981, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tagore, báo Nhân dân, tuần báo Văn nghệ... đã đăng khá nhiều các bài viết của các tác giả đã thành danh với những lời bình luận thật sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Tagore. Đặc biệt, năm 1984, Giáo sư Lưu Đức Trung cho xuất bản cuốn giáo trình Văn học Ấn Độ (từ khởi thủy đến năm 1950), trong đó Tagore được giới thiệu như một đỉnh cao của văn học thời kỳ phục hưng Ấn Độ. Từ đây, các trường Đại học và Cao đẳng ở nước ta, R. Tagore nói riêng và văn học Ấn Độ nói chung, “chính thức được đưa vào nghiên cứu giảng dạy”7. Tiếp theo, năm 2004, Nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa Đông Tây đã xuất bản bộ sách R. Tagore tuyển tập tác phẩm, gồm 2 tập, do Giáo sư Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu; tập 1 gồm Tiểu thuyết và Kịch, dày 885 trang khổ 14,5 x 16,5 cm, trong đó tiểu thuyết Đắm thuyền và tiểu thuyết Nàng Binôdini được đưa vào tuyển tập, tiếc là không có Tiểu thuyết Gora;  tập 2 gồm Truyện ngắn, Tiểu luận, Hồi ức, thư từ, Thơ và Phụ lục, dày 920 trang khổ 14,5 x 16,5 cm. R. Tagore tuyển tập tác phẩm có thể được xem như là bản tổng hợp các thành tựu nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu Tagore ở Việt Nam trong gần một thế kỷ với sự góp mặt của các tên tuổi như: Cao Huy Đỉnh, La Côn, Nguyễn Dy Niên, Đào Xuân Quý, Lưu Đức Trung, Nhật Chiêu, Trương Thị Thu Vân, Hoàng Dũng, Hồng Tiến, Hoàng Cường, Hoàng Hải, Hoàng Hữu Đản, Nguyễn Vũ, Nguyễn Tâm, Nguyễn Cảnh Lâm, Phạm Huy Kỳ, Nguyễn Mai Liên, Nhị Tường, Mạnh Chương, Chiêu Phong; Đỗ Khánh Hoan, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy (tiếc là thiếu Trí Hải,  dịch giả của tập truyện ngắn Ảo hóa do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản vào năm 2002, gồm những truyện ngắn của Tagore và Hermann Hesse). Riêng mấy năm trở lại đây, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã xuất bản liên tiếp 3 tập dịch thơ R. Tagore của Bùi Xuân là Bầy chim lạc (Stray Birds, 2012), Mùa hái quả (Fruit - Gathering, 2014) và Người thoáng hiện (The Fugitive, 2015), được sự chú ý của nhiều chuyên gia về R. Tagore và bạn đọc. 

Công việc dịch thuật và giới thiệu Tagore nhất định sẽ còn tiếp tục, tuy nhiên, để hiểu Tagore - “nhà thơ của trí tuệ muôn màu”, “họa sĩ vẽ bụi đất và ánh sáng của mặt trời” như William Butler Yeats đã nhận xét - không phải là một việc dễ làm8, bởi “Tagore là một tổng hợp thiên tài kì diệu của văn học Ấn Độ từ Upanishad qua tài liệu Phật giáo đến thơ Kalidasa rồi tinh thần nhân đạo thời trung cổ, cùng với tính chất lãng mạn tiến bộ của văn học Anh và tinh thần đấu tranh chống đế quốc giành độc lập của nhân dân Ấn Độ” như nhận xét của Nhà Ấn Độ học Liên Xô (cũ ) Cheliep9. 

Trong tham luận này, tôi xin phép, không bàn đến giá trị tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ trong các tác phẩm của R. Tagore, chỉ xin nêu lên hai nhận xét ngắn gọn mà nhiều người quan tâm, tưởng dễ hiểu mà chưa thật sự thống nhất trong nhận thức: - Có hay không một Thượng đế trong thơ R. Tagore?, - Có hay không thời kỳ “hậu Thơ Dâng” trong văn nghiệp của R. Tagore?

Ở vấn đề thứ nhất, đọc R.Tagore, ta thấy ông luôn hướng về Thượng đế với lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Song, không nên nghĩ Thượng đế trong thơ R. Tagore là một đấng tối cao với hình ảnh giống con người, như hình ảnh Chúa Trời trong Kinh Thánh. Không có một họa sĩ nào, dù giỏi hơn những họa sĩ thời kỳ Phục Hưng ở Phương Tây có thể vẽ được hình ảnh của Thượng đế trong thơ R. Tagore. Thượng đế trong thơ Tagore chính là quan niệm về Brahman - linh hồn vũ trụ, hay bản thể tuyệt đối tối cao của vũ trụ theo tinh thần của kinh Upanishad của Ấn Độ giáo, ở đó Brahman có thể là hình người (như tượng thần Brahma ở tháp Mẫm, đang được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng), có thể là cỏ cây, cũng có thể chỉ là nguồn ánh sáng... “Brahman là cái ở đằng trước, Brahman là cái ở đằng sau, Brahman là cái ở bên phải, Brahman là cái ở bên trái, Brakman ở chót vót trên cao và ở tận cùng đáy sâu”10. Brahman là cái toàn thể, “cái vĩ đại nhất”11, là nguồn sống của tất cả nhưng không hiện hữu như là cái duy nhất, bất biến, mà xuất hiện ở những dạng thức khác nhau. Những dạng thức khác nhau ấy là Atman, là linh hồn cá nhân, vừa khác lại vừa đồng nhất với Brahman. Brahman tựa như đại dương mênh mông, còn Atman như những con sóng, mỗi con sóng tuy có khác nhau về hình thức biểu hiện, nhưng đều là nước của đại dương. Thấu thị tinh thần đó của Upanishad, trong Thơ Dâng, R. Tagore đã cất lên tiếng kinh cầu với giọng điệu “sùng kính” nhưng không “thần bí” (chữ của nhà văn hóa Ấn Độ Nira Chandhuri), không rơi vào bi lụy, bởi mỗi linh hồn cá thể đều tự biết mình là một thành phần, đồng nhất với linh hồn vũ trụ, và con người hay rộng hơn là vạn vật có hướng đến Thượng đế cũng chính là hướng đến một trạng thái tâm hồn yên tĩnh, tìm đến sự tự do khoáng đạt.

Ở vấn đề thứ hai, qua tìm hiểu, tôi thấy có một dòng chảy xuyên suốt trong sự nghiệp văn chương của R.Tagore, như con sông Hằng linh thiêng trên quê hương R.Tagore cứ chảy, chảy mãi, không ngừng nghỉ hoặc đổi dòng. Nhìn lại bối cảnh thế giới trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), ta mới thấy sự biến động của thời cuộc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn của R. Tagore. Ở vào thời đó, nhân dân Ấn Độ vừa phải sống dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân Anh, vừa hy vọng thôi thúc về cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh ấy, giọng điệu sùng kính đặc trưng trong Thơ Dâng đã có phần rơi rớt (nhưng không có nghĩa là chìm khuất) và giọng điệu thúc giục nhân dân vùng lên đấu tranh chống áp bức, với hình ảnh đặc trưng là những người chèo thuyền, vượt qua sóng dữ, đưa con thuyền đi về phía bến bờ của tự do, thể hiện rõ ràng hơn. Điều này có thể thấy trong Mùa hái quả, Những cánh thiên nga và đặc biệt là trong Người thoáng hiện. R. Tagore nói rõ là mình cùng chung số phận với những người cùng khổ với ý thức trách nhiệm của một trí thức trước vận mệnh của dân tộc.  Bài thơ Lễ tạ ơn (Thanksgiving) ở cuối tập thơ Mùa hái quả, đã nói lên đầy đủ quan điểm này của R.Tagore:

Những người đi trên lối mòn của niềm kiêu hãnh đã chà đạp những cuộc đời hèn mọn dưới chân mình, và phủ lên màu xanh dịu dàng của trái đất bằng những vết chân đẫm máu.

Lạy Chúa, xin cảm ơn người, hãy để cho họ vui mừng, bởi đó là ngày của họ.

Nhưng con xin tạ ơn người đã cho con cùng chung số phận với những người hèn mọn đã chịu nhiều khổ đau và gánh nặng cường quyền, đã phải giấu mặt và bóp nghẹt những tiếng nức nở của mình trong tăm tối.

Bởi từng nhịp đập đớn đau của họ đã đập trong đêm thẳm sâu bí ẩn, và mỗi lời sỉ nhục đều được thu vào sự im lặng lớn lao của người. Ngày mai là của họ.

Mặt trời ơi, hãy mọc lên trên những trái tim rỉ máu đang nở thành hoa trong sớm mai, và ngọn đuốc hoan lạc của niềm kiêu hãnh sẽ phải lụi tàn.

(Bùi Xuân dịch)

Trong Người thoáng hiện, R.Tagore miêu tả cảnh chém giết nhau để tranh giành quyền lực trong các vương triều phong kiến Ấn Độ, về xung đột tôn giáo giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo, cũng như những nỗ lực để đấu tranh cho sự bình đẳng nam nữ, tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của người phụ nữ... Vì vậy, đề tài R. Tagore trong thời kỳ “hậu Thơ Dâng” được mở rộng, phong phú hơn thời kỳ trước, tuy vậy, khi đề cập đến những nội dung  tư tưởng trong thời kỳ này, không nên cường điệu thái quá giữa “tiền Thơ Dâng” và “ hậu Thơ Dâng”, mà xem đó là sự phát triển tự nhiên do bối cảnh lịch sử đã thay đổi, có chiều hướng xấu cho đời sống của nhân dân nhưng lại thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc. Và phải nhớ một điều, dù giảm thiểu hơn, song giọng điệu “sùng kính” vẫn là chủ âm trong thơ Tagore, hay nói cách khác, trước sau R.Tagore vẫn là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ có khuynh hướng lãng mạn trữ tình. Và có phải vì vậy mà bất cứ trong hoàn cảnh nào, thơ tình yêu của R.Tagore cứ vẫn ngọt ngào bay lên, u buồn mà hạnh phúc, như khúc hát của Jnanadas12 ở cuối tập Người thoáng hiện: 

Tôi đi suốt cả ngày và mệt mỏi, thế rồi tôi cúi đầu hướng về cung điện vương giả của người, vẫn còn rất xa.

Đêm sâu hơn, nỗi ham muốn thiêu đốt trái tim tôi, bất cứ điều gì của những lời tôi hát, đau đớn khóc than qua chúng, thậm chí là bài hát mà tôi hằng khao khát. Ôi người tình của tôi, người yêu dấu của tôi, thân thiết nhất của tôi trong cõi đời này!

Khi thời gian dường như đánh rơi quyền trượng của nó trong bóng tối tay người để cầm lên cây đàn luýt, khảy hợp âm vô cùng; và trái tim tôi vang lên tiếng hát, Ôi người tình của tôi, người yêu dấu của tôi, thân thiết nhất của tôi trong cõi đời này!

A, có cánh tay của ai ôm tôi không?

Bất cứ điều gì tôi để lại xin cho tôi để lại, và bất cứ điều gì tôi phải chịu đựng xin cho tôi chịu đựng. Duy nhất, hãy cho tôi đi cùng người, Ôi người tình của tôi, người yêu dấu của tôi, thân thiết nhất của tôi trong cõi đời này!

Bước xuống từ khán phòng của người, bước xuống giữa những  niềm vui và nỗi buồn; giấu trong tất cả các hình thức và niềm sung sướng, trong tình yêu và trong trái tim tôi; ở đó hát lên những bài hát của người, Ôi người tình của tôi, người yêu dấu của tôi, thân thiết nhất của tôi trong cõi đời này!

(Bùi Xuân dịch)

Trong thời đại ngày nay, trong bối cảnh của một thế giới phẳng, sự hợp tác và đấu tranh cứ như một cặp song trùng, chen vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Con người cần hòa bình, vì nền hòa bình thế giới quá mỏng manh. Con người cần sống tốt, vì thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Con người cần “nối vòng tay lớn” (chữ của Trịnh Công Sơn) nhằm xóa đi hận thù, đề cao lòng từ bi, bác ái, ta bỗng thấy những tư tưởng của Gandhi, Phan Châu Trinh, R.Tagore... như đang đồng hành cùng nhân loại. Và phải chăng, do phát hiện sớm được điều đó khi dịch tác phẩm Thơ Dâng của R.Tagore, André Gide - nhà văn Pháp được tặng giải Nobel văn học vào năm 1947, đã phát biểu: “Tôi nhận thấy không một tư tưởng nào của thời đại chúng ta lại xứng đáng được kính trọng - tôi định nói xứng đáng được tôn sùng - cho bằng tư tưởng của Tago. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé tầm thường trước Tago như chính Tago cảm thấy nhỏ bé lúc ca hát trước Thượng đế”13.

 

Qua những gì đã thu hoạch ở trên, và qua thực tế tìm hiểu về văn học dịch Việt Nam hiện nay, tôi xin có một vài kiến nghị như sau:

- Trước mắt, đề nghị Hội đồng văn học dịch quan tâm giúp đỡ để tổ chức lại một bộ tuyển tập R.Tagore tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh hơn cả về mặt bố cục, nội dung và hình thức trên cơ sở bổ sung, nâng cao tuyển tập R. Tagore tuyển tập tác phẩm do Giáo sư Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản vào năm 2004. Trong tương lai, đề nghị tổ chức dịch trọn bộ tác phẩm của Tagore.

-  Thứ hai, trước thực trạng văn hóa đọc hiện nay, vừa có điều mừng vừa có nhiều điều lo, đề nghị Hội đồng văn học dịch cần tham mưu cho Hội liên hệ, liên kết với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tôn vinh văn hóa đọc, lấy nhà trường làm cơ sở, lấy học sinh, sinh viên làm đối tượng, xem việc đọc sách là một nếp văn hóa của tuổi trẻ, từ đó, phát triển, lan tỏa ra cộng đồng... Trước hết, Hội cần duy trì Ngày thơ Việt Nam và góp phần tích cực làm cho Ngày Sách Việt Nam ( 21- 4 hằng năm) trở thành ngày  hội đọc sách, có sức lôi cuốn công chúng. Trong Ngày Thơ Việt Nam, bên cạnh giới thiệu, tôn vinh các nhà thơ Việt, nên dành thời gian cho việc giới thiệu những gương mặt thơ hiện đại của thế giới, gần hơn là những nhà thơ Châu Á, và gần hơn nữa là những nhà thơ Đông Nam Á.

 

1 W.B. Yeats đoạt giải thưởng Nobel văn học  vào năm 1923, sau Tagore 10 năm.

2 Nguyễn An Ninh là người chủ trương và là chủ bút của báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè). Bài báo Lòng ái quốc của Tagore được Nguyễn An Ninh ký bút danh là Nguyễn Tinh.

3 Phụ nữ tân văn là tờ báo được Tagore đến thăm vào ngày 23 tháng 6 năm 1929.

4 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr 306.

5 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 322.

6 Tagore: Tuyển tập tác phẩm, tập 1, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr VII.

7 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore… sđd, tr 337.

8 Theo Giáo sư Lưu Đức Trung, việc dịch tác phẩm Tagore khó vì người dịch phải tiếp xúc văn bản tiếng Anh cổ, cách thể hiện các tác phẩm Tagore đa dạng, tư tưởng của Tagore quá sâu sắc.

9 Dẫn theo: Lưu Đức Trung: Rabinđranat Tago trong nhà trường, Nxb Trẻ, Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TPHCM, 2002, tr 27.

10, 11 Doãn Chính (chủ biên): Veda, Upnishad những bộ kinh triết lý tôn giáo Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001,

tr 78.

3 Phụ nữ tân văn là tờ báo được Tagore đến thăm vào ngày 23 tháng 6 năm 1929.

4 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr 306.

5 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore với thời kỳ phục hưng Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 322.

6 Tagore: Tuyển tập tác phẩm, tập 1, Nxb Lao Động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr VII.

7 Nguyễn Văn Hạnh: Rabindranath Tagore… sđd, tr 337.

8 Theo Giáo sư Lưu Đức Trung, việc dịch tác phẩm Tagore khó vì người dịch phải tiếp xúc văn bản tiếng Anh cổ, cách thể hiện các tác phẩm Tagore đa dạng, tư tưởng của Tagore quá sâu sắc.

9 Dẫn theo: Lưu Đức Trung: Rabinđranat Tago trong nhà trường, Nxb Trẻ, Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TPHCM, 2002, tr 27.

10, 11 Doãn Chính (chủ biên): Veda, Upnishad những bộ kinh triết lý tôn giáo Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001,

tr 78.

 12 Trong The Fugitive III: Tagore chuyển ngữ 3 bài hát bằng tiếng Hindu của Jnanandas sang tiếng Bengal.

13  Dẫn theo Lưu Đức Trung: Rabinđranat Tago  trong nhà trưởng, Sdd, tr 27.

B.X

Bài viết khác cùng số

Giỗ riêng - Như TrangChiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao SơnCây chim đêm - Tường LinhMầm sống - Phạm XuânChùm truyện ngắn - Hoàng Nhật TuyênNhớ chuyến đò xưa - Trần Nguyên HạnhChùm tản văn - Trần Huy Minh PhươngVì đất nước, hy sinh cả cuộc đời... - Ngô Thế LâmThăm các nhà văn đã nằm lại chiến trường miền Trung - Phạm Bá DựcMùa hạ - Nguyễn Đông NhậtMùi trầu - Huỳnh Trương PhátTrăng đi - Nguyễn Bá HòaKhông đề - Ngô Thị Thục TrangÝ nghĩ sau bữa cơm chiều - Nguyễn Hoàng ThọNgoái về tháng sáu - Tăng Tấn TàiKhoảng trống - Nguyễn Trúc TâmNỗi đau từ lòng biển - Xuân HiệuThơ Vũ Quốc KhánhThơ Tô Minh YếnThơ Nguyễn Thị Minh ThùyLỡ hẹn - Trần Sỹ KỳTiếng chim cu trong thành phố - Huỳnh Minh TâmÔng Trung làng Mực - Thanh QuếNhà văn Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc ThanhNguyễn Văn Bổng như tôi biết - Đoàn Trọng HuyĐôi nét chấm phá trong việc dịch các tác phẩm văn học của Rabindranath Tagore - Bùi XuânThơ NGUYỄN CÔNG TOẢN - Tâm tình một lối quê chung(*) - Nguyễn Nhã TiênPierre Trần Lục, Người Đà Nẵng viết sách giáo dục bằng chữQuốc ngữ đầu tiên của nước ta - Châu Yến LoanDiễn xướng dân gian xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập văn hóa - Văn Thu Bích