Chiều nay số xổ...Hay: Giấc mơ của chú Năm Đời - Kao Sơn
Nhà Tư Ngang bữa nay trúng số, mở tiệc khao. Tin loang khắp hang cùng ngõ hẻm làm cho con sóng dưới kinh Vàm Cọp cũng nhảy dựng. Chú Tư đi ra đi vô thỉnh thoảng lại cười ha ha, giậm chân bịch bịch. Bữa đứa cả đi làm mộc ngoài phố về đưa cho bố năm trăm bảo để bố mua thuốc trị bệnh đau bao tử, chú nghĩ cái bệnh đó giờ nhiều người mắc chớ đâu riêng chú, nó phát bệnh vì trước có cái ăn thường xuyên, giờ đói thì nó dở chứng thôi. Liền mấy vụ nay tôm chết trắng mắt, đất bị ngấm mặn cũng trắng bệch, nhiều nhà không còn vốn. Nghe nói chơi số, một kiểu đánh bạc nhưng mà lại nhà nước cầm cái, chả lo chạy làng, dễ trúng, nếu hên còn trúng lớn, ai cũng ham. Một đồn mười, mười đồn trăm. Cánh bán số đi xe máy về tận đây chào mời... Chú Tư cũng đang trong cảnh vay nợ. Chú tính nát óc rồi nhận ra chỉ còn cách mua số may trúng thì mới thoát. Chú ra ngoài miễu cúng ông tà, đêm ấy về nằm mơ thấy ông tà dòm chú cười hinh hích. Sáng sớm gặp con mẹ bán số sồn sồn đi ngang ngõ, chú gọi vào mở gói giấy bóng bọc số tiền thằng con đưa móc ra một trăm lấy đại hẳn tệp số chục con, ai ngờ giờ trúng cái rụp liên khúc giải nhứt thu liền tay về ba chục triệu. Chú mừng ngất. Chi cho con mẹ bán số lấy vía chút đỉnh, tự tay mua hoa quả tới miễu tạ lễ ông tà rồi kêu vợ lên ngân hàng trả ngay tắp lự món nợ 25 triệu vay từ hồi mở vuông tôm còn ứ đó, xong còn lại bữa nay chú quyết định khao bà con trong ấp hết.
Ngay từ sáng sớm một đoàn đờn ca tài tử ngoài phố đã được rước về. Tụi con nít nghe tiếng so dây cò ke từng tưng kéo đến đứng chật ngoài hàng ranh rướn cổ ngó mấy anh chị nghệ sĩ ăn mặc xấp xãi, tóc để dài, thi nhau chun mũi hít mùi nước hoa theo gió bay ra.
Cách ngõ nhà Tư Ngang một vạt liếp tràm, chú Năm Đời cũng ngồi so lại dây cây đờn Guitar kiếm cơm. Chiếc đờn đã cũ, phím mòn vẹt, bụng đàn đã có chỗ bong ra bằng bàn tay. Tiếng loa đài bên nhà Tư Ngang vọng sang lấn át, chú buông đờn kêu con Rệu: Thôi, cứ đi con. Con Rệu đang đứng ngoài hàng ba ngóng nhìn sang đám nhà Tư Ngang, nghe cha gọi liền rụt cổ lại chạy vô: Ủa, ba hổng sang đó hả. Chú Tư kêu ba từ mấy hôm lận rồi? Chú Năm kéo cái cần đờn lên, tựa cằm vào đó, đôi kiếng đen dõi vô định ra ngoài, gương mặt thất thần. Ba đừng làm chuyện, chú Tư với nhà mình chung lối, chú mời, ba không sang kỳ lắm. Người ta lại cho là nhà mình giận rẫy chi chú Tư. Con Rệu nhắc rồi ngồi xuống giựt tay ba nó: Hay ba qua đó một chút cho chú Tư vui rồi về mình đi, con đợi ha? Chú Năm gục gặc đầu hồi lâu rồi thở đánh sượt. Ừa thì... Vậy con chờ ba nghen. Chú lụi cụi đứng dậy. Con Rệu đón lấy cây đờn dựng vô liếp vách, dướn người lấy chiếc áo màu xanh trên móc cột xuống khoác lên mình cho ba nó: Ba bận chiếc áo này vô cho đàng hoàng. Đi hát khác mà đi đám khác. Mình tới dự đám là phải đàng hoàng... Chú Năm trân mình chịu trận, mặc cho con Rệu xoay. Rồi chú lụi cụi bước... Con Rệu đứng trân nhìn theo ba lặng buông một tiếng thở dài. Nó biết không cần nó dắt ba nó vẫn có thể một mình sang nhà chú Tư Ngang được.
Trong nhà Tư Ngang người chen người. Cánh đàn ông ngồi bẻ vó trên nền gạch bông phanh áo uống rượu. Vừa uống vừa bàn với nhau xem chiều về mua số gì. Lại kể truyền tai cho nhau: Nghe nói bên Cái Nước có người mua số trúng tiền tỉ. Nhiều gương mặt đen đúa ghé lại: Một tỉ là bao nhiêu tiền vậy ta ? Thôi nào, ai trong ấp mình đã có tiền tỉ mà biết. Nhưng chắc là nhiều, nhiều nhất trong những số trúng. Cứ để nó đó, lang thang mãi rồi cũng có ngày chán đời ông địa nó sẽ về ấp mình. Khi đó... chà, nào Zô, trăm phần trăm nha. Cứ trăm phần trăm đi đã rồi tính. Đám đàn bà cũng nâng ly chúc nhau, không Một, hai, ba - Zô! như cánh đàn ông nhưng tửu lượng thì không hề kém. Uống xong vén quần ngang đùi cho mát rồi ca vọng cổ ồi ồi, tiếng xuống xề dài hun hút. Mấy bà sui với chú Tư ấp bên sang ngồi cầm đôi đũa dừa canh nhịp, vừa nhịp vừa gục gặc đầu. Cánh đàn ông chĩa qua: Mấy bà đang tiêu hủy nghệ thuật. Có ông vờ não nuột: Mấy bà ca thế, trung ương nghe thấy về lôi mấy bà đi bảo tồn văn hóa truyền thống, tụi tôi ôm gốc mù u cô đơn. Kệ, không chấp. Đời người được mấy khi vui đâu. Hôm nay cứ mở lòng cho hết, mai lại đầu tắt mặt tối rồi.
Chú Năm Đời được tuyển vào đoàn văn công của khu, chuyên đi hát phục vụ bộ đội rồi lại hát binh vận khi mới chỉ đứng cao hơn lai quần người lớn chút đỉnh. Khi hòa bình, đoàn văn công giải tán, vừa đờn hay lại vừa giỏi diễn, chú xin vào và trở thành kép chính của đoàn cải lương Bông Xanh. Khi xưa, quãng tám bảy tám tám chi đó, cuộc sống của các đoàn cực lắm. Cuộc sống mới đem lại cho người ta cái nhìn mới, cái tai mới. Bọn trẻ nháo nhào đêm đêm chạy tới các sân khấu nổi ngoài trời nghe nhạc Hip-hop. Cải lương lâm vận bĩ. Chú Năm phải theo đoàn ra tận mấy tỉnh phía bắc. Mượn được cái sân kho hợp tác với mấy gian nhà bỏ không, cả đoàn tá túc ở đó, cơm nước tự lo. Hồi đó nghe gánh hát trong nam ra nhiều nơi còn lạ. Nhưng chỉ được một vài đêm đầu. Cái chất giọng của cải lương miền nam với những câu xuống xề dài dặc nín nghe muốn đứt thở vẫn còn xa lạ. Người ta đến vì tò mò nhưng sau cái tò mò thì thôi. Lại dắt díu nhau đi như chuột chạy lũ. Chú Năm Đời hồi đó cũng đã có một gia đình riêng. Chú được cô kép nữ chuyên đóng vai Hoàng Hậu thương. Ban đêm lên sân khấu đóng vai Vua có cung nữ theo hầu, lính tráng dưới ghế oai nghiêm hô Thánh thượng vạn vạn tuế, đêm về Vua và hoàng hậu sau bát mì tôm ăn liền không có nước sôi phải đổ nước lã vào ăn rồi ôm nhau nằm dưới gầm sạp diễn đánh nhau với muỗi và chuột bọ. Những đêm đoàn ế vở không có khách, chú ngồi dựa vách lán, vào vai Châu Tuấn đờn và ca cho nàng Thoại Khanh nghe. Nàng Thoại Khanh vừa quạt đuổi muỗi cho chú vừa khóc.
Mấy năm liền như vậy. Cho đến một ngày đoàn Bông Xanh cũng buộc phải giải thể. Chú Năm cùng vợ nhập vô mấy gánh hát nhỏ đi hát thuê cho các nhà hàng ẩm thực. Hồi đó chú biết nhiều tuồng tích cổ, thường vào vai Lương Sơn Bá, vai Tiểu anh hùng Sở Vân Võ Văn An, rồi cả Tiết Đinh San cùng công chúa Phàn Lê Huê động phòng hoa chúc... Hát miết, nghèo miết, không dám có con. Mãi đến đầu năm 2000 cái Rệu mới ra đời. Cái Rệu còn chưa tròn tuổi thì vợ chú mất vì bệnh lao. Cái nghề bạc như vôi, trắng như cứt cò đã cướp đi bà Hoàng hậu chưa một lần được biết sướng. Chú Năm địu con Rệu đi lang thang tìm người xin cho con bú thép. Vướng con nhỏ, bỏ vai nhiều, các gánh thương chú nhưng đành cắt hợp đồng. Không biết nghề gì kiếm sống ngoài giọng ca và cây đờn, chú chuyển sang đi hát dạo. Đi hát dạo thì phải lên phố hát mới có đông người, mới kiếm được tiền. Nhà chú lại cách thành phố những hơn chục cây số lận. May mà ở đầu xã có cái bến xe lôi. Mấy bác làm nghề xe lôi thương cảnh chú thường cho hai bố con đi ké không mất tiền. Lại lúc cúc bế con đi, khản giọng kiếm sống. Nhưng khi đổi nghề về hát dạo, có khách đang ngồi nhậu, hứng làm le với bạn vứt ra mấy đồng bạc bắt hát tân thời. Bài hát mới không quen giọng, đành giở mấy bài nhạc tiền chiến ra ca: Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái nhiều... Dòng đời trôi như những khóm lục bình trên sông Cửa Lớn, gặp nước dềnh thì dềnh, gặp vũng xoáy thì cứ tự nhiên cho nó hút xuống. Mấy năm gần đây cái Rệu đã đỡ được cho chú phần nào. Chú yếu quá rồi, mắt mờ dần rồi lịm tắt, giọng ca hụt hơi cắc cỏm cả sang tiếng đờn nhiều khi lỡ nhịp. Cái Rệu thừa hưởng chất giọng của vợ chồng chú nên hát mượt lắm. Nó bảo chú đờn nhẹ thôi, cứ để nó hát. Nó cố hát thiệt to để giấu đi tiếng đờn lỗi nhịp cho ba nó. Ngày ngày hai cha con dắt díu nhau, cái Rệu ôm bộ loa, đeo bình điện với hộp tăng âm đi trước, chú Năm Đời bứng cây đờn lóc cóc theo sau. Cứ cái dây nối chú với cái Rệu chùng thì chú đứng lại, thấy giựt giựt căng căng thì chú lại bước tiếp.
... Con Rệu nói là một chút, nhưng rồi bị chèo kéo bởi hết người này đến người khác, mãi đến khi đám khao rã, nắng không chiếu sau ót mà chiếu chếch vô gò má trước mặt, chú Năm Đời mới rời được nhà Tư Ngang, lụi cụi bước theo con Rệu trên con đường từ nhà ra bến xe lôi lên thành phố. Bên hông chú chiếc đờn kiếm cơm đập vô hông nghe cà rụp, cà rụp... Không khí oi nồng. Cái Rệu nhìn trời rồi kêu ba nó sắp có mưa. Chú Năm bảo mưa cũng phải đi, càng mưa càng tốt, có nhiều người vào đâu đó trú mưa, mình đến đó hát dễ kiếm tiền hơn, đi con. Nhưng rồi trời đổ mưa ngay khi cha con chú vừa mới từ bến xe đi vào thành phố chưa kịp mỏi chân, chưa tìm thấy chỗ nào đông người để hát. Con Rệu kéo chú vào núp dưới hàng ba một nhà hàng còn thưa khách. Nhìn xem đây là đâu con. Nếu là nhà làm tiệm hàng thì mình đi chỗ khác nghe con. Đứng ở đó người ta la. Con Rệu không nói, im lặng cúi lần mở công tắc loa rồi ngoẹo đầu hất mớ tóc đuôi gà sang bên: Chiều nay mưa trên phố Huế, Kiếp giang hồ không bến đợi…Chú Năm Đời vội lật cây đờn ra trước bụng, nâng lên: Mà mưa sao vẫn dăng dăng đầy cho lòng nhớ ai… hát chậm lại tí con, chờ ba so lại cái dây đờn chút. Ngày chia tay hôm nao còn đây.. tưng từng tưng tưng… Dạ, đa tạ. Hổng phải, tay con đó ba. Để con vặn ngựa cho ba... Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ hôn…tưng tưng… Được rồi đó ba. Tiếp đi… Cắc cỏm. Đứt khúc. Nối. Chiều thiết tha… Lại đứt khúc. Cha, ca gì mà lôm chôm như ngựa lội đầm zậy, cha nội? Đi chỗ khác ca đi. Sắp quay số rồi, để người ta nghe loa ra kết quả xổ đi cha. Dạ, con xin chú. Dạ... Hò ơi…. Ơi hò… mà chiều mưa, Huế buồn…Tưng tưng tưng, người ta đuổi hả con. Được mấy ngàn rồi? Một người biền biệt nơi mô, để nhớ nhớ thương một người… ủa, sao vậy ba. Sao ba không đờn? tưng tưng tưng.. từng tưng… ba đờn đây. Mà người ta vừa bảo chi đó con. Chiều nay lại mở số à? Mình đang đứng ở gần chỗ quay số hả con? Tưng tưng… chú Năm bật lửng hai tiếng rồi bỗng thần mặt ấp tay lên phím. Cây đờn im bặt.
Sáng sớm hôm nay, ngay từ lúc chưa nghe tiếng thử dây của đám đờn ca tài tử vang lên bên nhà Tư Ngang, còn đang lụi cụi ngoài chái nhà tính luộc tạm mấy củ khoai để đem đi làm bữa trưa cho hai cha con thì chú nghe tiếng chân bước vội rồi là cái mùi tóc khét nắng ập tới cùng cái giọng trẻ con: Chú Năm, mua vé số đi chú. Chú ngẩn ra. Chà, từ hôm nhà Tư Ngang trúng số, không biết ở đâu mà bọn bán vé số dạo kéo về bu lấy cái rẻo ấp của chú ghê quá trời. Đã mấy lần chú được chào mua nhưng chú đều từ chối. Tiền đi hát cả ngày chỉ đủ để chú và con Rệu lót lòng, dư đâu mà mua số? Vả từ trước, tánh chú cũng đâu có ham ba cái trò đen đỏ. Vậy mà nay chưa kịp mở ngày đã lại gặp cái thằng nhỏ này. Chú đã định lắc đầu như mọi bữa nhưng không hiểu sao hôm nay chú lại chỉ ngồi im, nhướng cặp mắt đục mờ chưa đeo kiếng lên. Chú thấy cái thằng nhỏ hay hén, miệng như kẹo kéo của thím Tư Ú nè: Chú mua vé số đi chú. Vé số tỉnh mình chính hiệu nè. Đất ta là mảnh đất vàng, Sớm bỏ mười ngàn chiều lãnh tỉ tư. Chiều nay xổ liền đó chú. Chú thấy chú Tư đó, mua vé của con đó, trúng phóc đó. Mà con coi bộ chú Năm hôm nay vượng khí lắm đó hen. Chú mua đi, con chắc trăm phần hôm nay chú Năm lãnh tiền tỉ! Chú Năm Đời lúc lắc đầu nhưng bụng tự dưng thấy nảy lô tô, miệng cười cười: Bộ mầy thấy qua đây giống cái mặt ông tỉ phú ha? Tiếng thằng nhỏ: Ừa, đúng chớ. Trông chú thế này mà tướng tá lắm đó chớ. Bây chừ không tin chú bỏ cái đờn gỗ xập xệ này đi, bỏ đôi dép đứt quai đi, bỏ luôn bộ quần áo chốt rỉa này đi, rồi ra phố vô tiệm Ngọc Nữ để mấy con nhỏ ở đó nó tắm táp, mat xa cho, rồi khoác bộ com lê... Đó, có tiền tỉ là chú thành thế đó. Oách xì ngầu luôn chớ bộ. Kém chi ai? Chú cứ để im cho thằng nhỏ nói. Chú biết nó đang xạo. Nó tán tỉnh để chú mua số cho nó. Nhưng cũng là để nghe thằng nhỏ nói hộ giấc mơ đời của chú cho chú. Thỉnh thoảng chú lại chêm ngang mấy câu cho đỡ tẻ: Ừa, mầy thấy vậy sao? Ừa... mầy thấy qua có thể thành y chang người thế ha? Nhưng trong bụng chú một nỗi ước ao cứ đang lớn dần. Ừa... phải chi mình trúng số. Chả cần trúng độc đắc. Chú nghĩ vậy. Số độc đắc chỉ có một mà người muốn có nó thì đầy nhóc. Trúng số nhỏ thôi, đủ để chú thay cái loa với bộ tăng âm cho con Rệu là được rồi. Cái loa giờ đã bẹp nhiều chỗ, bộ tăng âm thì chạm mạch chi đó cứ rọt rẹt phá giọng con Rệu hoài. Còn chú, híc, chú tự chọc quê mình: Hè, tướng tá chi cái thằng Năm Đời này. Mình bây giờ mà tự dưng lại vận áo quần như tài tử xi nê, lại đi giày đóng đinh rồi thắt áo có dây quấn cổ nữa thì chắc về nhà con phèn không nhận ra chủ, cắn đến khản giọng mất. Chưa biết chừng nó còn bỏ nhà đi hoang nữa. Chú lại lắc đầu. Thằng nhỏ vẫn bám trụ: Chú mua đi chú. Cơ hội ngàn vàng, duy nhứt xóa đói thoát nghèo đó. Mà nghĩ vầy đi, trúng trật gì cũng coi như mình không thiệt. Trúng thì đổi đời, một phát lên tiên. Hổng trúng thì coi mình là người yêu quê hương, đóng góp cho quê hương tấn tới mau lên xã hội phồn vinh mà chú...
Chả biết là tại cái gì, lời nói của thằng nhỏ về viễn cảnh xóa đói thoát nghèo, về tình yêu quê hương hay vì một giấc mơ nào đó mấy hôm nay âm ỉ từ sau khi nhà Tư Ngang trúng số tiền triệu. Hay vì một nỗi giận hờn cứ lúc lại nhói như bị chốt đâm khi thấy Tư Ngang không gọi ba con chú sang hát như hứa hôm đầu lại đi gọi đám hát ngoài phố... mà rồi cuối cùng chú Năm Đời đã có trong tay một tấm vé số thiệt. Chú lận tấm vé vô cái khoen dưới hộp đờn. Chú không dám nói với con Rệu. Mười ngàn. Số tiền đó đủ để cả hai cha con vô quán cơm bụi gọi hai tô cơm với vài con sặt rang muối. Vả lại con Rệu còn dại. Nó không hiểu đằng sau cái vụ mua vé số đó là cái gì. Đời chú đã có lần nghe người ta bảo theo người ta làm vầy, làm vầy rồi sẽ hết khổ, sẽ sướng. Chú đã tin làm theo người ta mà rồi kết cục đâu có hết khổ. Đâu có sướng. Đời chú vẫn như con thuyền rách bị sóng gió đẩy ra giữa cửa sông Cửa Lớn. Quay cuồng chả biết bao giờ lặng. Có lẽ chết sẽ lặng? Như nước dưới kinh Vàm Cọp kia lúc cạn sát đáy?...
Chú Năm Đời bảo con Rệu ngồi nghỉ chút con, ba mệt rồi. Con Rệu dìu cho chú lại ngồi ghé bên hàng ba, bảo ba ngồi đây con đi coi quay số nghen ba. Nghe thử xem ấp mình chiều nay có ai trúng số nữa không. Có người ấp mình trúng số là ba lại được mời làm khách nữa đó. Mà ba đừng đi đâu nghen. Ừa... ba ngồi đây thôi con. Chú bảo vậy rồi ôm cây đờn vào lòng thật chặt. Chú lần tay ra sau hộp đàn chỗ có cái khoen. Dưới cái khoen, tờ vé số mỏng bé xíu vẫn đó. Lòng chú như có lửa đốt. Đã nghe phía bên kia đường tiếng nhạc loa cất lên chộn rộn. Chú Năm Đời nhướng cổ hướng đôi mắt đục lờ sau cặp kiếng đen về đó miệng thầm nhẩm lại dòng số dài ngoằng mà thằng nhỏ bán số dạo hồi sáng đã đọc cho chú nằm lòng...
Chiều nay số xổ... Chiều nay... chú Năm Đời ngồi... mơ...
K.S