Nghĩa tình Đà Nẵng - Ký Văn Thành Lê
1.
Anh bạn hàng xóm rời Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, vô Sài Gòn làm báo gần hai chục năm nay, do đặc thù công việc, anh đi về chẳng khác nào đi chợ, thế mà vẫn không khỏi tròn mắt khi khám phá những góc nhìn rất lạ của Đà Nẵng. Cuối năm, anh vác máy ảnh chạy lòng vòng quanh phố cổ Hội An. Khi đã “no” với phố xưa nhà cổ, với những cô gái Tây chạy xe đạp lòa xòa tóc rối trên bến Bạch Đằng, với những anh chàng ngả người trên xích lô chờ đón khách,... anh kéo tôi về lại Đà Nẵng.
Về, với anh, ý định ban đầu chỉ là một cuộc dạo chơi thư giãn ven biển thôi. Nhưng rồi, khi ánh chiều đổ những bóng dừa ven đường Hoàng Sa nghiêng xuống bờ cát dài biển Phạm Văn Đồng, sóng trắng xóa một miền làm nhòe đi tượng Phật Bà Quan Âm nơi chân núi xa, anh bỗng cảm thấy như có ai níu chân mình lại. Ừ, anh bảo, mình đi về hoài, mà chừ mới phát hiện ra cái cảnh tượng thành phố quê nhà nên thơ đến thế.
Tôi để cho con người đam mê hình ảnh ấy lặn xuôi lội ngược với lỉnh kỉnh máy móc, chọn riêng cho mình một chỗ ngồi dưới tượng Mẹ Âu Cơ trong Công viên Biển Đông. Chiều xuống êm đềm, những chú chim bồ câu chao nghiêng cánh trên bầu trời trước khi đỗ xuống Vườn chim Hòa bình cạnh đó. Nhìn ngọn sóng ầm ào ngoài mé biển, chợt nhớ có lần một anh bạn từ Hà Nội vào, nhân ngắm nhìn sóng biển Non Nước, kể chuyện đã có lần đến Cuba và rất đỗi ngạc nhiên về những ngôi nhà sặc sỡ sắc màu ở thủ đô La Habana, bên bờ Đại Tây Dương. Khi nêu thắc mắc về cái sự rực rỡ đến chói chang đó thì người dân xứ sở loại xì-gà nổi tiếng thế giới này giải thích: “Màu sắc sặc sỡ trên các tầng nhà như là một đối trọng với biển cả mênh mông, nhìn tác phẩm của mình rực rỡ dưới nắng, con người sẽ không còn cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ nữa”.
Chợt nhớ ra, đất nước mình, thành phố mình cũng nhìn ra biển cả, mấy năm trở lại đây đã biết bao thay đổi phi thường. Xa thành phố tháng trước, tháng sau về đã thấy khác. Nhiều công trình, dự án thi nhau ra đời, lần lượt đính từng nụ hoa lên chiếc áo cho thành phố bước vào mùa xuân thế kỷ. Nhìn ra biển cả mênh mông, công dân thành phố giờ đây không còn cảm thấy bé nhỏ nữa, gối đầu vào quá khứ hiển linh, nâng niu những thành tựu vừa đạt được, tất cả cùng hòa ca khúc hát lên đường dệt nên một bình minh thế kỷ.
Nhiều văn nghệ sĩ đã ngợi ca Đà Nẵng, một vùng nên thơ núi sông biển. Sau khi nhạc sĩ Đình Thậm cho ra đời bài hát “Đà Nẵng tình người” phổ thơ Ngân Vịnh có câu “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” một thời gian thì tôi từng được nghe Kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng, chia sẻ một thông tin rất thú vị. Lần đó, ông ngồi tâm sự với Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự ở Furama Resort Đà Nẵng. Có lẽ chẳng ai xa lạ gì với ngành Du lịch tiếng tăm của Khánh Hòa, thế nhưng lãnh đạo của xứ sở Trầm hương này cũng phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng: “Tôi rất tự hào về du lịch biển của Khánh Hòa, nhưng ra đây cũng phải công nhận là bãi biển Đà Nẵng quá đẹp”.
Vẻ đẹp của bãi biển Đà Nẵng thì đúng là không còn phải bàn cãi gì nữa, bởi từ năm 2005, Tạp chí Forbes đã bình chọn đây là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
2.
Nhân nói đến bài hát “Đà Nẵng tình người”, ngẫm lại thấy người Đà Nẵng sống thiệt là có tình, không chỉ với nhau mà với cả những ai đến Đà Nẵng. Nói chi xa, nội cái việc “trả lại tên em” cho chợ Cồn cũng đã thấy chan chứa nghĩa tình rồi.
Ở Đà Nẵng, có những tên chợ đã đi vào đời sống xã hội bao đời nay. Nếu chợ Hàn đi vào thơ ca dân gian “Đi Phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng” thì chợ Cồn dù một thời được đổi thành “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng” nhưng người dân vẫn gọi một cách thân thương là chợ Cồn. Chợ Hàn nằm bên sông Hàn thì rõ rồi, còn tên gọi chợ Cồn hẳn cũng phải có một nguồn gốc nào đó.
Có lần vô Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, nơi giáp với phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, không khỏi ngạc nhiên khi nghe người dân gọi chợ Điện Ngọc là chợ Cồn. Hỏi các cụ cao niên thì hay rằng, chợ Cồn không chỉ là “thương hiệu” của cái chợ nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng và là chợ bán sỉ, lẻ lớn nhất của Đà Nẵng và cả miền Trung, mà còn là tên gọi chung của những chợ được “khai sinh” trên một cồn đất cao và được người dân địa phương quen miệng gọi thành tên.
Chợ Cồn Đà Nẵng ban đầu được xây dựng trên một cồn cát đầy lau sậy và lạch nước, các gian chợ là những nhà chòi tre. Theo thời gian, người kinh doanh tu bổ bằng những vật liệu kiên cố hơn. Một số người nhiều đời truyền nhau buôn bán ở chợ, xem chợ như là nhà mình với biết bao kỷ niệm buồn vui. Và cũng có rất nhiều đời người xem chợ Cồn là nơi mình có thể “chọn mặt gửi vàng” trong chuyện mua sắm. Có lẽ xuất phát từ tình cảm đó mà cuối năm vừa qua, UBND thành phố đã quyết định “cải danh” cho Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng lấy lại tên “cúng cơm” cũ là chợ Cồn.
Bạn tôi dừng chân khá lâu trước cái bảng hiệu “Chợ Cồn” trên nóc chợ. Chọn một góc thật ưng ý để ghi lại mấy tấm hình vô Sài Gòn “khoe” với vợ: Em mau về lại Đà Nẵng mà đi chợ Cồn “chính chủ” để khỏi phải trông mong nữa nè.
3.
Đến Đà Nẵng mà đi taxi thì có cảm giác như là bị móc túi! Nhiều người nghĩ thế. Cũng từng đó tiền cước nhưng đi taxi ở Sài Gòn hay Hà Nội thì ngồi xe “được” lâu hơn, chứ không như Đà Nẵng... Người Sài Gòn có câu cửa miệng: Nói vậy mà không phải vậy. Câu này mà vận vô cái chuyện taxi Đà Nẵng ở đây thì quá đúng luôn!
Đường sá Đà Nẵng thênh thang, xin phép nhại câu thơ của Vũ Hữu Định (trong bài Còn chút gì để nhớ, đã được Phạm Duy phổ nhạc) để nói cái sự dịch chuyển rất mau lẹ ở thành phố biển này bằng phương tiện đường bộ: Đi dăm phút đã... vèo chốn đến. Một số người vì chán cái cảnh sáng tắc xe chiều nghẽn đường ở các thành phố lớn hai đầu đất nước mà đành lòng “gả” đi con xe yêu quý, đến khi choáng ngợp trước hạ tầng của Đà Nẵng thì lại mơ mộng được vi vu sau tay lái.
Người ta đã nói nhiều về một Đà Nẵng rất bình yên, thoáng đãng đối với người đang sống như thế nhưng ít ai biết rằng thành phố cũng dành cho người đã khuất những tình cảm, quan tâm hợp đạo nghĩa.
Còn nhớ, 10 năm trước, có đoàn công tác tỉnh Bình Dương (lúc đó đang có nhiều bức xúc trong công tác di dời, giải tỏa) đến thăm Đà Nẵng, bạn rất ngạc nhiên khi thấy Đà Nẵng cấp đất chôn cất người chết mà không thu một khoản lệ phí nào. Và bạn càng ngạc nhiên hơn, khi biết ra rằng việc làm nhân nghĩa đó đã góp phần đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, thể hiện tính nhân văn bắt nguồn từ truyền thống dân tộc “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Cuối năm rồi đi một vòng quanh các nghĩa trang, nghe Phó Trưởng ban Nghĩa trang thành phố Phùng Quýt kể chuyện rằng, Tết Nhâm Thìn trước đó, 27 tháng Chạp bề bộn chuyện nhà chuyện cơ quan nhưng anh em phải lo đi thuê phương tiện san ủi mặt đường ở Nghĩa trang Sơn Gà để dân thuận tiện đi viếng mộ. Chuyện là, lãnh đạo thành phố nhận cuộc điện thoại qua đường dây nóng, dân than phiền rằng đường đất nội bộ ở đây bị lở lói, đọng nước, tết nhứt mà như thế thì còn thể thống gì nữa. Thế là lãnh đạo đã “lệnh” cho anh em tức tốc làm ngay để giữ “thể thống” cho người dân viếng mộ ngày xuân.
Nghĩa trang là nơi gặp gỡ của hai “thế giới” - người sống và người đã khuất. Bình yên cho nơi yên nghỉ của hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người là điều cần thiết. Bởi lẽ, dương sao âm vậy, nghĩa trang cũng là một trong những công tác an sinh xã hội.
4.
Nếu sông Hàn làm nên chất thơ thì cầu Sông Hàn đã trở thành điểm nhấn của bức tranh đêm Đà Nẵng. Đã qua 5 kỳ liên tiếp, bức tranh ấy càng lộng lẫy sắc màu và dìu dặt âm thanh mỗi khi diễn ra Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC). Trong hai ngày cuối tháng Tư này, thuyền hoa lại xuôi ngược trên sông, hoa đăng lại sóng sánh cùng sông nước... tất cả chấm phá thêm nét duyên cho ngày hội pháo hoa lần thứ 6.
DIFC là cuộc thi tài phối hợp hài hòa đầy nghệ thuật giữa giai điệu, tiết tấu âm nhạc với độ đậm nhạt, khoan nhặt của pháo hoa, tất cả hợp nhất cùng nhau trong một bản đại hòa tấu nhiều chương hồi trên bao la sóng nước sông Hàn. Cũng không ngoa, nếu nói rằng đó là sự giao thoa giữa kỹ thuật của khoa học hiện đại và nghệ thuật của trí tuệ con người.
Người viết đã từng tác nghiệp pháo hoa trên tầng 20 của Khách sạn Green Plaza – nơi được Trang tin nhanh bất động sản dothi.net xếp vào một trong “Top 5 địa điểm ngắm Đà Nẵng tuyệt đẹp từ trên cao” (sau núi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà và cầu Sông Hàn), không khỏi choáng ngợp, choáng ngợp không phải vì độ cao mà vì đêm Đà Nẵng hiện ra với những nét quyến rũ làm ngây ngất lòng người. Từ chênh chếch nơi góc trái tầm nhìn, dõi theo ánh đèn điện mắc dọc đường dẫn lên cầu Thuận Phước, có thể nhận ra hai trụ dây văng, sau khi giấu mình một ít sau những tòa nhà cao tầng, lại hiện ra với những cung sáng hình cánh võng suốt chiều dài thân cầu. Nối tiếp theo hướng này là những chấm sáng nâu thẫm hình chữ V với hai cánh nằm ngang không cân xứng. Đó là đường lên đỉnh núi Sơn Trà, nơi trên chót vót cao có hai ngọn đèn của Trạm ra-đa canh giữ biển trời.
Sông Hàn tháng Tư này đẹp hơn với cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đã được khánh thành đưa vào sử dụng, góp thêm những nét cọ lung linh để pháo hoa lại nở vào trời đêm Đà Nẵng những cụm hoa nhiều sắc màu, hình thể và nở vào lòng người những cảm xúc khó thể nguôi quên.
Năm nay, hẳn vẻ hoành-tráng-đến-tê-người (như cách gọi của một văn nghệ sĩ Đà Nẵng) của pháo hoa bên sông Hàn sẽ khiến cho lãnh đạo địa phương nổi tiếng với các hoạt động văn hóa – du lịch tầm cỡ quốc tế như Nha Trang sẽ phải có một cái nhìn đầy “cạnh tranh” hơn về Đà Nẵng.
5.
Bạn tôi đã rời quê nhà hôm mồng 2 Tết, hẹn tháng Tư này trở lại. Anh quê Duy Xuyên, bên dòng sông Thu thơ mộng. Hôm rồi anh gửi e-mail cho tôi, không viết lằng nhằng như mọi lần, chỉ mấy câu ca dao mà anh nói là vừa chép được ở quê: Dù cho cạn nước Thu Bồn/ Hải Vân hóa cát, Biển Đông thành đèo/ Dù cho cay đắng trăm chiều/ Cũng không lay được tình keo nghĩa dày.
Thì vậy, nói như người xưa, dù bãi biển có hóa nương dâu chăng nữa, nghĩa tình Đà Nẵng vẫn không gì lay chuyển nổi…
V.T.L.