Đi B - hai tiếng thiêng liêng - Bùi Công Dụng
LTS: “Đi B - hai tiếng thiêng liêng” - trích từ Phần V. Vượt Trường Sơn lần 2- trong Truyện ký “Cha tôi” của nhà văn Bùi Công Dụng, dự kiến phát hành tháng 5/2013. Tạp chí Non Nước giới thiệu đoạn trích viết về tình cảm gia đình cùng ý chí mãnh liệt của những cán bộ tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu những năm 60 của thế kỷ trước.
Đó là một buổi chiều nôn nao. Mẹ tôi bồn chồn từ sáng vì bao nhiêu sự việc cứ dồn về. Cha tôi sắp lên đường đi vào Nam. Chỉ còn mấy tiếng nữa thôi giờ khắc thiêng liêng ấy sẽ đến. Tình cảm gia đình người thân, mẹ sẽ còn hay mẹ sẽ mất hết, không thể nào diễn tả hết tâm trạng xốn xang của mẹ. Mẹ tôi ra đến vườn Bách Thảo lúc mười bốn giờ thì chú Phu cũng đã đến và đang đứng nói chuyện gì đó với cha tôi. Những ngày này chú tôi cũng rất rạo rực. Chú cũng chuẩn bị tinh thần đi B từ rất lâu mà tổ chức chưa thu xếp được. Cách mạng là sự nghiệp lâu dài, phải chọn đúng người, đúng việc, đúng thời điểm cho nên chú cũng phải chờ vậy thôi. Mỗi lần xuống 24 Hàng Bồ chơi, tôi thấy chú đứng bên cạnh chiếc tủ gỗ nhỏ kê phía góc nhà, ghé sát tai vào cái ra- đi-ô nghe tin tức miền Nam, có lúc chú nghe cả đài địch nữa, nghe mấy bài hát vận động bầu cử quốc hội thế này: “…dân chủ tự do trông vào đây quốc hội lập hiến, mỗi phiếu bầu mỗi viên gạch dựng xây tương lai”…Hồi đó người ta cấm, không cho nghe đài địch, họ mở sóng làm nhiễu đài, lập sóng dò đài phát hiện ở đâu, khu vực nào đang có tần số đài địch để cảnh báo, nhưng chú tôi tỉnh bơ, có nghe thông tin thì mới biết thực tế tình hình tư tưởng dân chúng sau này mới biết cách mà đối phó chứ!
Cho đến lúc ấy, cha tôi vẫn ung dung và bình thản lạ thường. Cha tôi muốn tỏ ra là người luôn thanh thản, ung dung tự tại để mẹ và mọi người yên tâm và tin tưởng. Và thực tế là thế, ông cần cho mọi người biết vào Nam chiến đấu là cả một niềm tự hào. Đi B, tiếng gọi ngọt ngào mà khao khát lúc bấy giờ đã trở thành niềm kiêu hãnh của mọi người dân vì sự sống còn của đất nước, mẹ tôi hiểu điều đó lắm, nhưng rồi bà vẫn cảm thấy lo, càng thấy thương nhớ ông.
Cha tôi vào chiến trường miền Nam giữa lúc cuộc chiến tranh mà theo cách gọi của người Mỹ là “chiến tranh đặc biệt” đã ở vào giai đoạn cuối. Kế hoạch Staley- Taylor với ý đồ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, tức là đến hết tháng Mười Hai năm 1962 chúng giải quyết xong miền Nam, để từ đó bắt đầu tăng cường hoạt động phá hoại, tiến đến tấn công miền Bắc..., là những ảo tưởng hết sức ngông cuồng của kẻ địch. Trong khi đó cách mạng miền Nam càng ngày càng lớn mạnh, phong trào đấu tranh của Phật tử, sinh viên học sinh dấy lên toàn miền Nam. Anh em Ngô Đình Diệm bị giết, các cuộc đảo chính tranh giành quyền lực làm lung lay đến tận gốc chế độ Sài Gòn, ở nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Kennedi bị ám sát, ..., những sự kiện đó làm bầu không khí chính trị nước Mỹ rối tung. Một hãng thông tấn phương Tây đã có nhận xét: Vấn đề không còn phải là xem xét có phải là Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đang thua hay không mà là thua ở tốc độ nào...Lúc này, người Mỹ bắt đầu tính đến việc phải tìm một giải pháp cho vấn đề cuộc chiến ở Việt Nam. Thế nhưng càng lún sâu vào chiến tranh, giải pháp càng mờ mịt. Phải đến năm, sáu năm sau đó mới hình thành được một lối ra, bởi đế quốc Mỹ đã cảm thấy thực sự húc đầu vào bức tường quyết tâm giành độc lập thống nhất đất nước không lay chuyển nổi của dân tộc Việt.
Những người lính, dù là lính dân sự như cha tôi lúc đó đã đi vào cuộc chiến với một tâm thế như thế, có nghĩa sau hơn mười năm kể từ ngày ký Hiệp định Giơ- ne- vơ đình chiến tại Việt Nam, bao nhiêu tiền của vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của kẻ địch đổ vào trong giai đoạn này nhằm thực hiện phương châm “dùng người Việt đánh người Việt”, Mỹ đã lộ mặt nay càng ra mặt là kẻ phá bĩnh hiệp định. Vì vậy việc tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam buộc kẻ thù phải tìm những giải pháp phù hợp quay trở về với việc tuân thủ nội dung của Hiệp định Giơ –ne -vơ năm 1954 càng trở nên quyết liệt.
Mẹ nhìn cha tôi, thấy ông có gầy đi một chút vì vừa mới trải qua hơn một tháng tập luyện hành quân vác nặng. Ngày ngày, ông cứ phải vác chiếc ba lô ba mươi ki lô gam gạch mà hành quân đến trên hai chục cây số, qua các địa hình rừng núi, sông suối giả định, đi xuyên đêm, suốt một tháng ròng như thế, cũng ảnh hưởng một phần đến sức khỏe, nhưng ông cũng rắn rỏi hơn. Sức vóc cha tôi không được tốt nhưng ông đã phải gắng chịu đựng để vượt qua mỗi ngày như thế.
Chú Phu thấy mẹ tôi tần ngần đứng chờ, chú đi gặp mấy người khác trong đoàn để mẹ tôi nói chuyện với cha tôi. Mẹ tôi nghẹn ngào nói với ông:
- Anh đi mạnh khỏe. Vào đến nơi thì biên thư về cho mẹ con em.
Cha tôi nói:
- Anh đi chắc cũng mất vài ba tháng, đến đâu mà có điều kiện anh sẽ viết thư về.
Rồi ông đặt tay lên vai mẹ tôi: Em về đọc cái thư anh để dưới gối nghe!
Thế rồi cha tôi cùng mọi người lên xe. Đoàn xe từ từ chuyển bánh.
*
* *
Tối về, khi cơm nước đã xong xuôi, chúng tôi mỗi đứa một góc ngồi học bài, mẹ tôi vào bên trong, hồi hộp giở chiếc gối lên. Mẹ nhìn những dòng chữ thân yêu hiện lên trong lá thư, lòng mẹ dạt dào cảm xúc:
"Dặn Hai,
1. Bình tĩnh. Đối với mọi việc không hấp tấp, nôn nóng, hời hợt, dễ tin; phải thấy tận mắt, nghe tận tai rồi mới nhận xét, tránh thành kiến.
2. Làm cách mạng thì phải gặp khó khăn, nhưng thắng lợi sẽ ngày càng nhiều. Trong thắng lợi vẫn có khó khăn; thấy thắng lợi không lạc quan quá mức, gặp khó khăn không ngã lòng bi quan. Phải tin tưởng, lạc quan.
3. Ở Cửa hàng, tuyệt đối phục tùng tổ chức, không hiểu thì hỏi, chưa thông thì nhờ giải thích, không thắc mắc vụn vặt.
4. Ở nhà: Con hư tại cha mẹ. Đối với con, chủ yếu là giáo dục, giải thích, không lớn tiếng la hét ảnh hưởng đến tính tình của con. Lấy gương tốt giáo dục, thấy chuyện xấu dạy con tránh xa; thương con mình nhưng cũng thương con mọi người.
5. Chi tiêu có kế hoạch. Triệt để tiết kiệm. Có gửi tiết kiệm để bảo đảm chi phí bất thường.
6. Học tập văn hóa (Nói Minh bày).
7. Tích cực công tác. Luôn luôn suy nghĩ công tác. Lấy công tác để đánh bại những suy nghĩ, nhớ, buồn vv…”
Cha dặn mẹ có bảy điều đó thôi. Và ông đã ra đi, ra đi không hẹn ngày về.
Từ buổi chiều chia tay đó, mẹ tôi tính vẫn còn thời gian và cơ hội để mẹ nhận được tin cha tôi. Thời gian và cơ hội nhỏ nhoi ngắn ngủi đó chính là thời gian quãng đường đi từ Hà Nội vào điểm cuối cùng nào đó, điểm kết thúc ở đâu đó trên đất Bắc mà chưa ai nhận ra được. Ngay cả người trong cuộc như cha tôi cũng chưa biết là sẽ đi đến đâu thì bắt đầu không còn liên lạc với nhau được nữa.
Cha tôi dặn mẹ: Khi nào anh dùng dấu chấm hết (./.) trong một lá thư nào đó thì em hiểu là anh đã bắt đầu đi vào nơi gian nan rồi, không còn điều kiện viết thường xuyên cho em nữa, chỉ còn đợi và hy vọng khi có tin tức mới ở cuối cuộc hành trình mà thôi.
Mẹ đọc và ghi nhớ lời dặn đó của cha tôi. Mẹ nhớ lúc xe chạy là 15 g 00 ngày 22 tháng Năm năm 1964 tại thủ đô Hà Nội, mẹ tiễn cha tôi đi từ ngôi nhà 76 Nguyễn Trường Tộ, đi đến Vườn hoa Bách Thảo... và giờ đây mẹ chỉ còn biết ôm cái áo của cha còn trên móc áo mà ngủ để nhớ đến ông.
Hai ngày sau mẹ nhận được thư và một áo len cha tôi gửi về. Một ngày nữa mẹ nhận được thư và một vài giấy tờ vụn vặt. Mẹ bóc thư ra xem, thấy cha tôi gửi lại bốn con tem. Cuối dòng thư có dấu chấm hết (./.). Mẹ trào nước mắt. Thế là cha tôi đã chính thức bước vào con đường gian khổ, con đường Trường Sơn muôn ngàn gian khó. Bắt đầu từ đây mẹ và cha tôi sẽ không còn liên lạc với nhau được nữa, cũng có nghĩa từ đây, ngày này sang ngày khác mẹ và chúng tôi cứ thế mong ngóng tin cha.
Bên dưới những lời cha tôi viết dặn lại, mẹ tôi làm mấy câu thơ:
“Bên ngọn đèn khuya em nhớ anh
Chứa chan giọt lệ suốt đêm thanh
Giờ đây anh ở phương nào nhỉ?
Hồn vẫn vươn mình theo bóng anh
….
Lúc ra đi áo quần anh để lại
Em gối đầu, ôm ấp mãi giữ hơi anh…”
Cha tôi đi được mươi ngày thì đến sinh nhật em Thu tròn sáu tuổi. Mẹ tôi mua bánh kẹo, mua đôi dép mới, một cái áo mới cho em. Em mừng lắm, nói “Nếu có cha ở nhà chắc cha vui lắm vì cha thấy chúng con ăn mặc đẹp”. Tội nghiệp các em tôi, lít nhít 6, 8, 10 tuổi, ngay cả tôi nữa cũng không biết cha tôi sẽ đi công tác lâu như thế. Mới đầu em Thanh bảo chắc cha đi chỉ một học kỳ rồi về ấy mà, sau nhận được thư cha viết về cho các em: Cuộc chiến đấu ở miền Nam hiện nay cũng ví như chiếc xe đang lên dốc, đỉnh dốc là thắng lợi, ta đã gần đến đỉnh rồi: Dốc cao xe nặng đường trơn, Một người quyết đẩy bằng hơn ba người, Nhớ con, cha nguyện một lời, Xe chưa vượt dốc chưa rời hai tay…Khi đọc những dòng chữ đó, chúng tôi mới biết ông không thể về được mà còn công tác rất lâu dài. Các em tôi đã phải chịu đựng vắng bóng người cha thân yêu đến tận bảy năm trời…
Hồi đó, cứ đến thứ bảy là nhân dân thủ đô lại tổ chức lao động, kiểu như thực hiện ngày lao động cộng sản ở Liên Xô trước đây. Những công trình thủy lợi, nạo vét ao hồ, xây cống rãnh, nạo vét mương giữ môi trường thành phố…có rất nhiều. Đó là chưa kể hậu quả nặng nề trận lụt vỡ đê từ các năm trước nên những công việc như làm kè, đổ đất đá hàn gắn những đoạn đê vỡ, hoặc xây dựng mới…, ai ai cũng có việc và mọi người đều náo nức. Trên các công trường lao động, người ta mắc loa phóng thanh điều hành công việc, có tuyên dương khen thưởng thành tích các tập thể, cá nhân lao động tốt. Những công trình kéo dài nhiều ngày thì cán bộ, nhân viên được nghỉ việc ở cơ quan để tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa. “Mỗi người phải hăng hái lao động và công tác, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”, lời kêu gọi đó của Bác Hồ thật sự đi vào trái tim khối óc người dân thủ đô lúc bấy giờ.
Mẹ tôi cũng đã tham gia lao động như thế. Mẹ nhớ lời dặn của cha tôi Tích cực công tác. Luôn luôn suy nghĩ công tác…, nên lao động rất hăng say. Đợt lao động cộng sản nào bà cũng được nêu tên biểu dương trên loa phóng thanh của công trường. Mẹ tự hào và coi đó là việc làm thiết thực nhất thể hiện lòng thương nhớ cha tôi đang ở chiến trường.
Nhưng rồi, cũng vì làm việc quá sức, lại mất ngủ nhiều đêm vì nỗi nhớ cha day dứt, mẹ mệt mỏi và bị nhuốm bệnh. Bà bị xuống sức và bị sút mất bốn, năm cân. Bà được cơ quan cho đi dưỡng bệnh một tháng ở khu điều dưỡng Quảng Bá. Nằm ở đây mẹ mới thấy rằng bà cần phải điều trị một cách nghiêm túc vì bác sĩ nói sức khỏe mẹ bị suy nhược, rất đáng báo động. Nằm trên giường bệnh, mẹ tôi mới thấy còn nặng nợ cuộc đời biết bao. Chúng tôi còn nhỏ quá, đang tuổi ăn học, cha thì bận việc nước đâu có chung tay với mẹ mà lo được.
Mẹ nghĩ phải sống, phải vượt qua nỗi nhớ thương xa cách, phải sống vì năm đứa con, sống vì nhiệm vụ cha tôi đã giao cho mẹ. Điều đầu tiên tìm lại sự sống đó là phải tập ngủ và ngủ sâu. Đêm đầu tiên mẹ đếm đến một ngàn lần, các đêm sau rút xuống, dần dần bà ngủ được, ngủ êm.
Trong khi mẹ nằm viện, cha tôi vẫn tiếp tục mòn mỏi trên con đường hành quân. Khi ông dùng dấu chấm hết để báo hiệu đã cùng đồng đội đi vào vùng không tên, thì chúng tôi cũng hình dung sơ sơ con đường mà cha đang đi. Con đường đó nằm ở đâu đó trên những vùng rất hoang vu rừng núi, những vùng đất an toàn nhưng không phân biệt rõ biên giới quốc gia. Có thể ông đi từ các quốc lộ 7, 8, 9 để về hướng tây, cũng có thể theo quốc lộ 12 A để qua cửa khẩu, nhập vào con đường mòn lịch sử. Ông đi trên những con đường nào thì chúng tôi không thể biết được.
Khi cha đi, tôi cũng đã mười bốn tuổi. Hồi đó, anh em chúng tôi có nghe nói về những con đường mòn dẫn về miền Nam. Con đường đó chỉ dành cho những người chiến sĩ gan góc, con đường đó chỉ có núi non trùng điệp, cây rừng, lau lách, sông suối vách đá cheo leo…, nhưng không một ai chùn bước vì mục tiêu phía trước. Chúng tôi không thể hình dung từ những năm 60, con đường mòn đó nó đã có sức mạnh như thế nào mà kẻ địch lo sợ đến thế, nhưng một điều chắc chắn mà chúng tôi luôn biết là trên con đường đó, cha tôi cùng đồng đội đã hành quân, đã sống và chiến đấu những ngày dài gian khổ, con đường mang tên Trường Sơn lịch sử hào hùng đầy bi tráng.
Hồi còn ở nhà, cha tôi mắc hai thứ bệnh, đó là bệnh trĩ và bệnh sần da ở cổ, còn gọi là chàm. Vết chàm kéo dài xuống tận bả vai, gây cho ông cảm giác ngứa ngáy, rất khó chịu…Khi có lệnh đi B, cha tôi được các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn tận tình chữa trị cả hai bệnh đó. Hai tháng sau thì bệnh tình ông khỏi hẳn. Trước khi đi, lúc còn trên chỗ luyện tập ông viết thư về dặn chúng tôi phải luôn biết vâng lời bà, mẹ. Phần tôi, cha khuyên phải gương mẫu, cố gắng bày các em học. Có lúc được cha gửi cho tiền, chả đứa nào tiêu, cha phải hỏi đã tiêu hết năm hào cha cho chưa, bữa nào về cha cho thêm. Hồi đó năm hào cũng mua được năm gói kẹo trứng chim, hàng trăm viên, tha hồ ăn nên các em tôi quý cái năm hào đó lắm, để dành suốt. Cha nói mẹ gửi cái lý lịch của bà để cha tôi báo cáo với tổ chức, nhắn anh Minh về để cha gặp trao đổi cái gì đó trước khi đi, đặc biệt sự lo lắng của cha tôi về sức khỏe của bà ngoại. Cha tôi biết bà ngoại bây giờ là chủ lực trong việc nuôi dạy chúng tôi, cơm nước hàng ngày cho chúng tôi đỡ đần cho mẹ tôi đang đi làm.
Cũng không hiểu sao, trước những chuyến đi xa, tình cảm như bị dồn nén bây giờ cứ bung ra hết như thế. Cha tôi dặn dò, nhắn hỏi mọi người. Khi đã lên xe rồi, ngay trên đường đi, cha tôi cũng tranh thủ viết thư về, khuyên mẹ: công tác tốt, học tập tốt, thương mẹ, thương con, giữ gìn sức khỏe. Cha còn nói đó là cách tốt nhất để tự động viên, an ủi mình mỗi khi nhớ đến cha. Đối với bà ngoại, cha tôi dành tình cảm trọn vẹn và sự quan tâm đặc biệt, bởi vì cho đến lúc này ít nhất bà ngoại cũng đã hai mươi năm gắn bó liên tục với gia đình tôi, nuôi nấng giúp đỡ chúng tôi để cho cha được yên tâm công tác. Trên đường đi, mỗi lần có dịp thư về cha tôi lại dặn mẹ cố gắng mỗi tháng dành năm đồng mua thuốc cho ngoại uống. Mỗi thư về cha tôi đều thăm hết cả nhà, viết đủ cho mười mấy đứa con trong đại gia đình chúng tôi. Cha nói bữa nay thì không còn phải viết nhớ em bé chửa biết tên nữa rồi, cha mong các con ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, bà, anh chị. Cha tôi nói ông rất nhớ, nhưng càng nhớ thương thì ông càng phải ra sức công tác, bởi vì có công tác tốt thì Tổ quốc mới mau thống nhất, các con mới sung sướng và cha con mới mãi mãi sum họp một nhà. Ông khuyên chúng tôi có nhớ cha thì phải chăm học, làm đúng 5 điều Bác Hồ dạy. Cha còn dặn chú Phu thỉnh thoảng lên nhà cho chúng tôi đỡ trông khi ông đi vắng…
Tình thương và trách nhiệm của ông với gia đình như vậy, làm sao mà mẹ tôi nguôi ngoai được nỗi nhớ thương.
*
* *
Mợ Chín là vợ cậu Phan Nam, không đi tập kết theo cậu mà ở lại miền Nam. Mợ rất đẹp, lại rất năng động hoạt bát, làm kinh tế rất giỏi. Cậu Nam đi tập kết, công tác ở Bộ Nông nghiệp hàng chục năm như thế cứ lủi thủi một mình, ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân. Thỉnh thoảng cậu ghé về thăm cô, là bà ngoại tôi, thăm mẹ tôi và chơi với chúng tôi.
Có lúc, cũng vì khao khát một mái ấm gia đình trên đất Bắc, cậu thổ lộ với cha tôi về những điều day dứt. Cha tôi hết sức cảm thông trước cuộc sống lẻ loi đơn chiếc của cậu. Chiến tranh kéo dài đã quá lâu, chưa biết lúc nào mới chấm dứt, nó cứ lạnh lùng tàn nhẫn ngăn trở hạnh phúc của biết bao gia đình, và cũng biết bao gia đình đã phải tự tan vỡ, người vợ, người chồng đã tự xây dựng cho mình một cuộc sống mới bởi sự chia cắt lâu dài và khốc liệt đó. Mỗi lần nghe cậu tâm sự, cha tôi cũng chỉ biết nói: hiện giờ vẫn chưa có tin tức về mợ Chín, nhưng nếu được tin mà biết mợ vẫn còn đang chờ đợi cậu thì đó chính là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc nhỏ nhoi mà chiến tranh đã không hủy diệt được. Cậu phải bảo vệ niềm hạnh phúc đó cho đến ngày gặp gỡ.
Một dạo cậu Nam bị bệnh dạ dày, phải ăn kiêng đủ thứ. Cậu không nằm viện, cũng không ở nhà tập thể Bộ Nông nghiệp mà về nhà tôi ở, cậu nói để nhớ lại cái thời xa xưa ở Phan Rang, anh em từng quây quần bên nhau, đến bữa mẹ dọn cơm cho mấy anh em ăn. Hôm nào trăng sáng, lại trải chiếu trên sân, cùng ngắm trăng, đọc thơ Tố Hữu...
Bây giờ cũng thế, cũng vẫn được gần nhau. Cha tôi kê cái giường đơn phía gần cửa ra vào cho cậu nằm. Đến bữa, cả nhà ăn cơm cùng mâm nhưng cậu vẫn có món ăn riêng. Mẹ tôi nấu những món ăn phù hợp với cậu theo yêu cầu của bác sĩ.
Cậu Nam cũng có nguyện vọng đi B, nhưng tổ chức chưa cho cậu đi vì lý do sức khỏe. Cha mẹ tôi đều biết nỗi khát khao đi B của cậu, không chỉ làm nghĩa vụ người cán bộ với cách mạng miền Nam, mà còn mong gặp lại người vợ hiền xinh đẹp, mợ Chín. Vắng bóng vợ đã mười năm, quãng thời gian rất dài và cậu đã tìm mọi cách mà vẫn không thể nào liên lạc được. Cậu chỉ nghe loáng thoáng tin mợ Chín có quan hệ buôn bán làm ăn gì đó với mấy người tên Ngô Đạm, Liễn, cũng mật thiết lắm. Cậu chưa đi được thì cha tôi có nhiệm vụ tìm hiểu để báo cho cậu biết, dù chỉ là những thông tin mong manh trên đường, để phần nào thỏa nỗi khát khao ngày đêm dày vò cậu.
Một ngày kia, trên đường đi cha tôi viết thư về, nói rằng có một cán bộ địa phương cho biết, gia đình ông Ngô Đạm không được tốt với cách mạng cho lắm. Ông Liễn thì hiện làm giám đốc xưởng dệt quân nhu cho quốc gia, có lẽ nếu vậy thì thông tin về việc mợ Chín tổ chức xưởng nhuộm để thành mạng lưới dịch vụ của ông Liễn là đúng, đặc biệt mợ vẫn đang sống một mình. Tin đó làm cho cậu Nam vui mừng và tràn trề hy vọng.
Qua những thông tin đó, chúng tôi đoán biết cha tôi đã đi đến địa phận phía tây tỉnh Quảng Nam, tức là đoàn công tác của ông đã vượt qua khu rừng già Kẻ Bàng và miền hoang địa Bulapha của Lào, đang đi trên chặng đường mà mười năm trước từ Thăng Bình cha đi lên Thạnh Mỹ, xuyên đường rừng huyện Hiên nhập vào dãy Trường Sơn.
Nhưng lần vào Nam này ông đi con đường khác, hoàn toàn đi theo các nhánh phía tây Trường Sơn. Qua ngã ba biên giới Việt- Lào- Miên, đoàn công tác đi theo nhánh từ Savarane- một huyện ở hạ Lào- tới Đắc Tô, Tân Cảnh tỉnh Kon Tum….tiến về hướng Bù Gia Mập- Bình Phước, rồi Phước Long…
Có đi trên con đường gian truân này mới thấm thía điều gì đã mang khổ đau lại cho dân tộc như thế. Mười năm trước, lúc ông Phạm Văn Đồng nói với đoàn công tác của cha tôi ở chiến khu Việt Bắc là Liên khu 5 hãy cứ giữ vững nhịp độ đấu tranh, thực hiện phương châm bao vây kìm chân và tiêu diệt quân Pháp, đẩy mạnh phát triển sản xuất lương thực trên tinh thần tự túc tự cường,.... là thủ tướng đã tính toán đến từng đồng bạc cuối cùng để dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hạ mục tiêu trận này không những chỉ đánh thắng, mà còn đánh cho chúng gục không gượng dậy nổi làm thế mạnh trên bàn đàm phán ở Giơ- ne- vơ, để chúng chỉ còn một con đường, con đường duy nhất là rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam. Với cái thế vững mạnh như vậy, lúc đó không những Liên khu 5 mà các liên khu khác trên cả nước không cần trung ương hỗ trợ tiền bạc sẽ vẫn chiến thắng kẻ thù. Và thủ tướng đã đoạt được thế mạnh đó. Ông đâu biết sự tráo trở của ông bạn Tàu khi đã giúp ông dồn Pháp kẹt cứng ở chân tường rồi, lúc đó mới bắt đầu ra tay mặc cả với Pháp. Vào thời điểm đó, trước sự mong muốn hợp tác với các nước phương Tây phát triển công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, các nước phương Tây không mặn mòi gì, nên ông bạn Tàu này chỉ còn biết khai thác khả năng Pháp đang lâm trận tại Điện Biên Phủ. Thủ tướng đã không đồng ý chia cắt Việt Nam như gợi ý của Trung Quốc, vì chiến thắng của ta quá rõ ràng, ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường miền Bắc, kiểm soát một vùng rộng lớn tại Liên khu 5 và cả Nam Bộ, quân Pháp thì đã rệu rã tinh thần…không có lý do gì chấp nhận giải pháp chia cắt cả. Thế nhưng, sự thật luôn phũ phàng. Dù ưu thế chiến trường thế nào, dù ý chí dân tộc ra sao, với một nước nhỏ Việt Nam đã phải chịu sự chi viện quân sự khí tài quá lớn của anh bạn Tàu để đánh Pháp, ta vẫn không sao thoát khỏi áp lực mua bán mặc cả quyền lợi giữa các nước lớn. Quân Pháp đã rút lui với tư thế ngạo nghễ khi đã nhận phần thưởng danh dự chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17.
Sẽ không biết còn bao nhiêu năm nữa, những người lính phải tiếp tục bền bỉ đi trên con đường vào Nam gập ghềnh gai góc này để đánh Mỹ, sẽ còn đấu trí bao lâu nữa khi những nước lớn cùng phe luôn muốn tranh giành ảnh hưởng... thế nhưng, một điều chắc chắn mà mỗi người dân Việt đều thấm thía, đó là phải kiên quyết gìn giữ độc lập tự chủ, không chấp nhận mọi sự can thiệp vào đường lối chiến lược của Việt Nam, mặt khác cũng rất cần sự thận trọng, mềm mỏng khéo léo giữ mối quan hệ tốt với cả hai người bạn lớn và bạn bè quốc tế để tranh thủ thêm nhiều viện trợ vũ khí. Chúng ta sẽ tự chiến đấu bằng sức của mình. Và điều quan trọng, tại phòng hội nghị kết thúc chiến tranh lần này dứt khoát sẽ không còn bóng dáng những phái đoàn lớn, sẽ không tồn tại một âm mưu mua bán đổi chác nào nữa hết, mà chỉ có hai chiếc ghế, trên hai chiếc ghế ấy là hai đối thủ: Việt Nam và Mỹ!
B.C.D