Nghệ thuật ngôn ngữ và giọng điệu trong thơ Đỗ Thượng Thế - Huỳnh Minh Tâm
Đến nay, sau khi đã cho ra mắt độc giả tập thơ “ Trích tôi” ( Nxb Hội Nhà văn, 2009), và tập thơ in chung 5 tác giả “ Như cỏ dại như lá úa như cây xanh (Nxb Văn học, 2011), thì Đỗ Thượng Thế đã có một cuộc hành trình “ vượt biển thơ” nhiều thử thách, sóng gió. Tôi vẫn còn thấy anh bền bỉ những khát vọng về việc lạ hóa ngôn ngữ và giọng điệu thơ. Điều ấy thật quí giá và đáng trân trọng. Bởi vì, nói gì thì nói, sự nỗ lực, ý thức làm mới mẻ thơ ca, cách tân hình thức, phương thức biểu hiện, thay đổi cách nhìn sự vật, cách tiếp cận các đối tượng được phản ánh, dẫu được hoặc chưa được vẫn là những điều hết sức khó khăn, nặng nhọc.
Xét trên bình diện ngôn ngữ - đó là chất liệu, là phương tiện để tạo nên một tác phẩm văn học, mang tính đặc trưng đặc thù của văn học, như gạch, xi măng để tạo dựng ngôi nhà. Tuy vậy, nếu suy xét sâu rộng hơn, thì ý nghĩa của ngôn ngữ, ngôn từ thơ ca, các tác động của nó còn hơn thế nhiều. Không dưng người ta bảo“ Văn học là nghệ thuật của ngôn từ”. Đã là nghệ thuật thì ngôn ngữ có cái hồn của chữ, của câu, của cách sắp xếp…để làm lay động cảm xúc của độc giả . Thử đọc một đoạn thơ của Đỗ Thượng Thế:
dòng sông khải ca ngày về trùng khơi sóng
ầm ào tiết điệu tuổi hai mươi rộ trổ mây khơi
những đám mây một đời không trôi
vĩnh viễn không tan
chỉ bung nở sắc màu ám ảnh
bung nở gương mặt hồn nhiên rạng thì mùa em dậy biển
mùa ta lộng buồm
mắt thuyền trắng ngọn đăng khuya
tháng tháng ngày ngày tụng tế câu thơ
chưa siêu thoát một trái tim ngư luỵ
(Không đề)
Dễ dàng nhận thấy, các từ “ khải ca”, “ầm ào tiết điệu”, “rộ trổ mây khơi”, “tụng tế”, “siêu thoát”, “ngư luỵ” rất ít, nếu không muốn nói là chưa gặp, trong các bài thơ “truyền thống” trước đây. Đọc đoạn thơ, ta cũng cảm nhận ra, tác giả có một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, nhiều sắc thái và bùng vỡ.
Hoặc đọc:
Hồi hộp khói hải hồ đêm
hiện lên bằng đôi cánh bay hộc tốc về miền ký ức
là nơi em thiết gì phải đến
chỉ niềm tiếc nuối con tàu thời gian luôn thám hiểm
những tảng băng đè nghiêng trong lồng ngực trái
trầm tích ánh trăng bật run
nụ hôn tươi rói tình đầu
(Mãnh lực một câu)
Thì “hải hồ”, “hộc tốc”, “trầm tích ánh trăng bật run” cùng nằm trong một đoạn thơ ngắn tạo ra một nhận thức lạ hóa, khơi gợi một khát vọng mãnh liệt, một tình yêu thơ nồng nàn, ngôn ngữ đầy ẩn dụ, riết róng, sắc bén.
Nhận ra những ám ảnh con chữ, nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong thơ Đỗ Thượng Thế, nên Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã từng nhận định: “những thao thức tìm tòi không chịu dễ dãi khi lao động với những con chữ. Dường như đối với Đỗ Thượng Thế, thơ là một “cứu cánh” đưa anh vượt lên cái đời thường khó nhọc này như một kẻ mộng du”( Báo văn nghệ trẻ 8/10/2006 Nguyễn Việt Chiến). Đúng là nhà thơ “ chịu chơi” với ngôn từ, với lý trí, ý chí, ám chướng, mê hoặc của “ cõi ta bà thi ca”.
em
hiện hữu
vắt kiệt cùng ngọn lửa niềm yêu
dồn nén ngữ ngôn không vần không điệu
nơi ấy
tôi lại trở về sau niềm tin canh bạc
nơi ấy
mãnh lực một câu
ném lên làn khói
(Mãnh lực một câu)
Vì ngôn từ là phương tiện để phản ánh nội dung tư tưởng, ngôn từ là biểu đồ vẽ nên xúc cảm chân thực của tâm hồn tác giả, ngôn từ là tính “ vật chất” để thể hiện cái “ linh hồn thiện mỹ” của bản thể, nên khi ngôn từ mới lạ ùa vào thơ dẫn đến những cấu tứ mới lạ, cách nhìn sự vật mới lạ, cách diễn đạt mới lạ ( lẽ dĩ nhiên cũng có những tác động tích cực ngược lại vậy !) làm cho bạn đọc-cái miệng ăn những đồ ăn thức uống quen thuộc, dễ bị “sốc”, khó cảm nhận, chia sẻ lúc ban đầu, ở tư thế chưa chuẩn bị sẵn sàng. Dường như trong thơ Đỗ Thượng Thế chúng ta ít gặp những ngôn ngữ “ giao tiếp” thường ngày, những tính từ, mỹ từ khêu gợi, mà ngôn ngữ anh dùng có chọn lọc, gọt dũa và rất riêng biệt. Mặc dù, nó cũng nằm trong “ từ điển tiếng Việt”, chứ cũng không “ quá mức” như một số nhà thơ “ chơi chữ mới” để đưa vào từ điển. Điều này nhà thơ Phùng Tấn Đông cũng đã có những nhận xét cụ thể về tập thơ “ Trích tôi” : " Đọc “trích tôi” thấy ngay đây là một giọng lạ. Lạ là vì kẻ viết “bập” ngay vào cuộc giao đãi ít nhiều đỏng đảnh của thơ hôm nay với bạn đọc bằng những cơn rồ dại chữ, những chữ rừng rực ấm nóng, những chữ bỗ bã thân tình, mặc bạn thích hay không-kẻ viết như nhủ thầm- tôi cứ “ trích tôi” mà tỏ bày trò chuyện. Thì có chi trịnh trọng đâu, chỉ là “cái thằng tôi quê bần”, một thằng người cứ mãi hồn hậu thơ ngây, mãi không chịu lớn khôn bằng cách xa rời kí ức. Đọc “trích tôi” cảm nhận được chất lửa đam mê cuộc chữ, cuộc người, lúc nào tác giả cũng thích đẩy mọi cảm nhận, mọi suy gẫm đến tận cùng, đến chót ngưỡng, đến rời rã bã bời để truy tìm bằng được cảm giác thơ, vẻ đẹp thơ”. Viết chí lí chi li như thế là đã đời “con vụ”. “ Những con vụ trụi trần/ ném thâm vào cuộc/ còn cách nào khác được/ ngoài/ cuồng quay/ những con vụ cuống cuồng/ hun hút bóng trong đau/ xảo thuật vẽ lòng vòng chóng mặt/ tin yêu nhạt nhoà vành môi khoé mắt/ xoay theo chiều bão giông” ( Những con vụ). Thật không dễ dàng chút nào khi đọc thơ của Đỗ Thượng Thế để lĩnh hội, để cảm nhận, để thăng hoa.
Xét về mặt giọng điệu, nhiều nhà nghiên cứu nhận định mỗi nhà thơ có một giọng điệu riêng, mỗi thế hệ , mỗi thời đại có một giọng điệu riêng. Vế đầu dễ dàng chấp nhận, nhưng vế sau còn phải xem lại. Dẫu rằng, theo tư duy logic thì đúng vậy, nhưng lý trí mách bảo, khó mà xác nhập nhiều giọng điệu vào một “ cái rọ”, nhất là sáng tạo nghệ thuật văn chương. Các nhà lý luận cũng chỉ ra, nào giọng điệu giải bày tâm sự, trữ tình, triết lý bình luận, chất vấn, tư vấn, nghi vấn…Ở bài viết này, tôi không xét cụ thể, rành mạch từng loại, từng bài, mà xem các tác động của giọng điệu, nhịp điệu, ngôn ngữ thơ của Đỗ Thượng Thế qua hệ ý thức sáng tạo của tác giả trong cái nền chung nhất nhưng với nhiều khác biệt
Chẳng hạn, đọc:
Bà ơi
Ngày ngày
Ngụp trong bụi phố
Cháu lại thấy
Con sông quê mình phăm phăm về phía nghẹn đêm
Đêm vỡ ải như trạnh cày sục ruộng
Từng đàn bò quày đầu bên kia bờ ào lên cơn sập nước
Lớp lớp chân non giạt những mùa giông
Giạt tiếng chim bập bềnh sương giá
Giạt tàn đuốc sậy giạt thất thanh đỉnh lũ giạt lùm lùm khuya
Dế giun thức nồng hơi đất
Bãi cồn dần dần nhô lên mỗi lúc một xanh
( Niệm Sông- Bài đoạt giải Ba cuộc thi Thơ ca và Nguồn cội, do Hội Thơ Làng Chùa tổ chức 2011)
Một nhịp điệu thơ róc rách, róc rách, mang tâm sự giãi bày, chia sẻ, một giọng thơ “ thất thanh”, “ ma mị” với những hình ảnh ấn tượng. Bút pháp tự do, phóng khoáng, chất văn xuôi trữ tình đã ùa vào thơ anh. Tôi chú ý nhất là những câu: con sông quê mình/ phăm phăm/ về phía/ nghẹn đêm, từng đàn bò/ quày đầu/ bên kia bờ/ ào lên/ cơn sập nước/, giạt tàn đuốc/ sậy/ giạt/ thất thanh/ đỉnh lũ/ giạt/ lùm lùm/ khuya/, Bãi cồn/ dần dần/ nhô lên/ mỗi lúc / một xanh. Chỉ một đoạn thơ ngắn, nhưng ta bắt gặp nhiều nhịp điệu, nhiều cách ngắt trong khi đọc, nhiều “ dấu lặng” trong cách tiếp nhận tác phẩm ( ở trên chỉ là một cách ngắt nhịp chủ quan của tôi, còn có nhiều cách khác) Tự bạn đọc có thể nhặt ra một số ngôn từ ít gặp trong các tác phẩm thơ khác nhưng ở bài này đã đạt được một số hiệu quả thẩm mỹ nhất định, tạo ra nhiều xúc cảm và ấn tượng.
Hoặc:
Thỏm trong mắt/ ngày về/
Nắng/
Nắng/
Chị/ và/ ruộng/ đồi/
Và/ dốc làng/ và/ mây xa…/
Bùng sôi/ đom đóm/
Nào/ thương…/nào/yêu/…nào/nhớ/
Nào/nào/
Thơ/về/ quê hương
nhiều hơn/đá cháy
nhiều hơn/người cuốc bệ/
(Viết theo nhát cuốc của chị - Bài đoạt giải Ba cuộc thi Thơ ca và Nguồn cội, do Hội Thơ Làng Chùa tổ chức 2011. Tôi tự ngắt nhịp bài thơ)
Cũng một giọng điệu thơ tâm sự, nỗi niềm, nhịp điệu tự do, thật tự nhiên, giản dị, không mang lề thói đã định sẵn.
Thử đọc bài “Giấc cỏ chỉ”
Hố hời hố hợi…mỏi đò chợ qua
Quán rượu ông già nằm bệnh
Lũ sẻ liu thiu giấc thơm cỏ chỉ
Gà gáy tét tét te te
Nghé đồi nghé ọ
Trưa nhỏm ngồi đó
Ai ngu mà khóc
Rẫy đen bắp non dựng cờ
Khỉ đói bầy đàn
Chó thèm hơi chó
Lật nia lật nong mi cứ nằm tru mẹ
Buồn chi chi
Hỏi người buồn mãi
Nhúng theo chân nắng đánh giậm mùa thu
Bài có hơi hướng đồng dao, cô đơn, mà cái ý vị bài thơ đem lại là giọng điệu hóm hỉnh, giễu nhại, tươi non về giấc mơ đời sống
Ở bài Trích tôi:
cơm thịt mứa tràn cũng thành rác tuốt
chột những đầu đêm cám heo chó táp
bạn chức quyền rồi đâu đẩu đâu đâu
còn dái mít đặc ngọt thời lưng trâu
áo và váy em cách tân táo bạo
tê dại thèm một rằm trăng nguyên mẫu
từng giờ từng phút… cuộc sống thời trang
thâm căn cố đế thằng tôi quê bần
Lại là giọng thơ buông tuồng, mỉa mai, đau xót, tra vấn, đề tài có tính “thời sự”, một giọng thơ “ gây hấn”, dễ bị “ hiểu nhầm”, ngôn ngữ “ sỗ sàng”, dường có tính “ hậu hiện đại”.
Nói chung thì đúng, chẳng hạn, viết về tình yêu thì giọng kể nồng nàn âu yếm, viết về khát vọng thì róng riết, ca thán, viết về quê hương, kỷ niệm thì mông lung thương nhớ, viết về thế sự thì triết lý, bình luận. Tuy nhiên, nghệ thuật tổ chức ngôn ngữ, nhịp điệu câu thơ… mới là cơ sở vật chất tạo ra cái nền giọng điệu riêng của một phong cách thi ca. Và như đã trình bày ở trên, có thể khẳng định, Đỗ Thượng Thế đã có những đống góp nhất định và có những thành công trong sáng tạo nghệ thuật ngôn ngữ và giọng điệu cho thơ ca.
H.M.T