Cảm thức nhân bản trong tập thơ Thuyền trăng của Hồ Thế Hà - Nguyễn Quang Huy
- Tôi muốn tìm lại gương mặt mình vô ưu
(Cứu rỗi)
- Linh hồn ta đây, thân thể cường tráng ta đây…
- Bỗng vụt hiện niềm thiên lương bừng sáng
(Hư vô)
1. Mỗi một người thơ, trong cách thế và tâm thế sáng tạo của mình, đối diện với thế giới, bao giờ cũng tràn ngập những xao xuyến (angoisse) về cuộc đời, thân phận. Họ tự đặt ra các câu hỏi và đáp trả theo cách của riêng họ. Triết gia và thi nhân thường gặp nhau ở điểm này khi nhìn nhận về cuộc đời. Theo đó, nhà thơ trở thành kẻ sáng tạo – một danh xưng cao quý. Những suy tư của Hồ Thế Hà trong Thuyền trăng cũng hẳn không phải là một ngoại lệ: “Tôi đành áp nỗi thao thức vào giấc mơ/ Trong mơ bật lên thành tiếng/ Tiếng của vô thức hiện về/ Nghe như chính âm thanh của mình/ Từ tiền kiếp, từ cõi vô minh/ Âm thanh ấy có nhiều câu hỏi/ Con người là gì?/ Tình yêu là gì?/ Nhân ái là gì?/ Độc ác là gì?/ Làm sao để được khóc?/ Làm sao để được buồn?...” (Những câu hỏi, tr 76-77). Điều đáng nói là họ đã quan tâm đến điều gì của thân phận con người (la condition d’homme) và hướng thân phận con người đi về đâu. Khi tra vấn về các vấn đề Con người/ Tình yêu/ Nhân ái/ Độc ác/ Khóc/ Buồn… cõi thơ anh đã chạm đến phía siêu hình của thân phận, của cái bản thể người. Ở Thuyền trăng thi trình Hồ Thế Hà đã chuyển hướng vào trong, từ cái tôi (le je) hướng đến cái mình (le soi) để cảm nhận cuộc sống. Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã đề cập đến cái ngã và cái mình trong Thuyền trăng (tr 5). Đi sâu hơn, nếu nhìn nhận giá trị thi ca như một bản sắc riêng (identité), được đong đếm trong tương quan giữa bản sắc đối thể - cái nhất tính của sự vật và bản sắc chủ thể - cái nhất tính của nhân vị, thì việc hiểu cái mình (le soi) cũng đồng thời là tìm hướng về những mộng mơ (les rêve) cốt lõi nhất của một thi nhân về cuộc đời, do đó, là yếu tố cơ bản của bút pháp nghệ thuật. Tìm đến mình cũng là tìm đến một hình thái khác ngay trong thân phận mình – một cách thức chắp đôi số phận, một cách thức mở rộng tâm để cảm nghiệm thế giới ở chiều sâu bản thể. Dĩ nhiên, ở Thuyền trăng, tôi xuất hiện (tôi tìm/ tôi đã thấy…) nhưng cái tôi đó đã không còn nguyên vẹn nữa. Bắt đầu với tập Khoảnh khắc (1990), đến Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996), có thể xem Thuyền trăng (2013) là một ngả rẽ mới trong hành trình thơ của anh. Nếu để ý đến năm xuất bản, đến Thuyền trăng là một sự phát lộ mới trong những cảm nghiệm về cuộc đời. Trong bài viết này chúng tôi không đề cập đến những bước thay đổi ấy, xin dành lại trong một bài khác. Ở đây, chúng tôi xin hướng tập trung vào cảm thức nhân bản – cái say mơ trong Thuyền trăng.
2. Nhà thơ là kẻ vốn thuộc nòi tình. Ở Hồ Thế Hà, cái gen ấy trở thành một bản thể. Anh đem cái tình đại đồng để ứng xử với cuộc đời. Nó cứ theo bước chân nhà thơ mà tỏa lan khắp nẻo. Mỗi một chiếm cứ không – thời nào đó, tình cảm đó như một thứ thiên hương vương mắc vào tâm trí con người và tạo vật. Với người, anh trải lòng mình ra theo chiều thân phận; với đời, anh trải tim mình ra theo chiều vũ trụ; với vật, anh trải hồn mình ra theo chiều tâm giới. (Trong trường hợp này, chúng tôi muốn sử dụng từ trải, một cách thế sống đặc biệt trong sự thông hội/ cộng cảm hết biên độ, vượt hết trạng thái của ngã kỉ thì mới diễn tả hết cách thế sống của nhà thơ – lấy thơ/ người thơ/ lòng thơ/ tình thơ để đối đãi với cuộc đời. Điều này nhà thơ dùng một từ rất gợi hình trong trạng huống sống “mặp tình”). Và như thế không biết anh mắc nợ tình với cuộc đời hay cuộc đời vay nợ tình nhà thơ mà hai kẻ kia: nhà thơ – cuộc đời lấy tình – tình để thông giao với nhau. Đó cũng là nét nhân bản cao đẹp/ hướng thiện mà mỗi vần thơ trong Thuyền trăng tỏ lộ, tỏa lan.
Ngay từ tên thi phẩm, Thuyền trăng đã là một kì ngộ. Thuyền – trăng là sự níu nuối của hai miền không gian ngỡ như nghìn trùng, bỗng nhiên gắn kết. Có lẽ, chỉ vào lúc đêm, trong khoảng không – thời nhất định, hai biểu tượng không gian kia mới hội ngộ. Đó cũng là hai kẻ vướng nợ nhau từ ngàn kiếp nay. Chúng đến với nhau để nuôi hi vọng cho nhau, làm đẹp lẫn nhau. Không biết khi kết giao hai ảnh tượng kia, anh có nghĩ đến thi sĩ họ Hàn không – một kẻ không sinh ở Bình Định, nhưng lại sống trọn kiếp người- thơ ở đó. Hàn đã mộng ước đến tê điếng để chờ thuyền chở trăng về nhưng không được. Hồ Thế Hà cũng dính dáng quê hương bản quán đến Bình Định, theo đó thuyền trăng chở thêm nhiều tâm ý. Khi “bốn chiều không gian khép lại”, thì “chiếc thuyền trăng neo giữa thiên hà”. Nó làm nên một thế đứng – thế đứng trung tâm của vũ trụ. Và khi đó, nụ yêu , thiên thể, thiên thần, bóng trắng… đều theo “dáng thuyền trăng” , đều thành “thuyền ái ân” (Thuyền trăng, tr7). Với Hồ Thế Hà, trong thi phẩm này, ái – ân là ứng xử duy nhất, là mong muốn cơ bản. Cuộc đời là một cuộc ái ân thì xem ra mới cứu chuộc được thân phận người vốn nhiều tị hiềm ghen ghét. Nếu Dịch khuyên bậc chân nhân đi tìm nguyên lí bất dịch trong cõi biến dịch vô thường của cuộc đời thì có lẽ nhà thơ đã tìm được và sống với quẻ bất biến kia rồi. Xem ra, hướng cái tình đến nhau, đối đãi với nhau là ý hướng sắp đặt chính của nhà thơ. Khi tâm sự về những cách tân hình thức thơ, bản thân anh không mấy hứng thú, hay đúng hơn, đó không phải là cách duy nhất để hướng thơ vào cái mới. Anh thích theo một con đường khác, con đường suy tư về cuộc đời, nhìn cuộc sống trong các chiều sâu của nó, hướng biên độ thơ vào nội giới. Điều anh nói có lí riêng, bởi lẽ, nếu cách tân hay theo cái lạ, với một tâm hồn thơ được tiếp xúc nhiều lí thuyết hiện đại thế giới, với anh hẳn không khó. Quan trọng là ở chỗ, gốc nền của những dấu ấn thi ca nghệ thuật để lại lại là những quan tâm mới và sâu sắc đến những cách giải quyết các vấn đề thân phận con người đặt ra. Với Hồ Thế Hà, trong trường hợp đó là tình yêu, gốc nền đó là vị tha, là chuyển đến nhau những vị yêu, những nến tình. Nếu cuộc đời có khắt khe thì ít ra động thái kia cũng làm nên một giấc mơ nhân bản, hướng thiện. Vì thế Tình yêu trở thành một chủ âm của toàn tập thơ. Các biến thể khác như: ái ân, nụ yêu, nụ nhớ, nến tình, mối tình… luôn luôn ẩn hiện trong cấu tứ mỗi bài thơ.
Nguồn tình mà nhà thơ hướng đến chủ yếu xoay quanh Mẹ (Mẹ đã về chiều, Mẹ trong dáng ngồi bào thai tuổi 90, khu vườn mẹ); em (em dỗi hờn, tóc em); con (con gái tôi đương biên trẻ thơ – thiếu nữ); những người đàn bà che mặt. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi trên mặt chữ, phần đậm của chữ. Đằng sau nó, phần bóng chữ lại là những nỗi niềm khác, bản thể hơn, về lẽ yêu ghét ở đời, lẽ thiện ác trong mỗi con người. Dễ dàng để ý điều này vì trong số 45 thi phẩm, những bài thơ viết về tình cảm đôi lứa, về em rất ít (5/45 bài). Phần lớn tập thơ là những tra vấn phản biện: (Phản biện biển - tr38, Những mảnh vỡ - tr39, Yêu hay ghét - tr62, Sông Hương - tr 34, Tờ lịch - tr73…). Độc đáo nhất là ảnh tượng của Mẹ “trong dáng ngồi của bào thai” (tr8-9). Ít người lưu tâm đến hình ảnh mẹ trong tư thế này. Dưới cái nhìn Phân tâm học, dáng bào thai là hình dáng nguyên ủy của con người – dáng của con khi còn nương náu cư ngụ trong bụng mẹ. Mỗi một cá thể người đều sinh ra từ dáng khởi thủy ấy và khi về già họ cũng ngồi như vậy, hai chân chạm lên đất, cằm chạm gối trong một khối cong hình cung. Cuộc ra đi (sinh) và trở về (chết) của con người theo một lối tương đồng. Theo đó, nhìn thấy mẹ trong dáng ngồi của mẹ là dáng mình, đi rồi về với bản thể của chính mình.
Cái anh tập trung hướng đến là nỗi đau, tình yêu và trăn trở của nhiều số phận về lòng thương yêu:
Những mảnh vỡ thiên thạch
Những mảnh vỡ vũ trụ
Những mảnh vỡ tâm trạng
Những mảnh vỡ kí ức
Sao con người không nhặt và ghép thành trái tim
(…)
Sao con người không luôn tròn đầy trong nhau?
Sao lại là những mảnh vỡ buốt nhức?
(Những mảnh vỡ- tr 39).
Đây cũng là những điều khác so với các tập thơ trước đó.
3. Vũ trụ thơ Hồ Thế Hà trong Thuyền trăng được dệt nên từ những ảnh tượng, chất liệu “phía dịu mềm”. Đó là phía vầng trăng (trăng khuyết, trăng mờ, trăng lữ thứ), phía nước (nước mặp tình, nước ngọt tan, dòng sông êm, biển), phía mẹ - em – con gái, phía cỏ (vệ cỏ, cỏ muộn sầu), hương hoa (hoa sữa nồng nàn), phía vườn cổ tích, phía sương (sương mù, sương móc), phía đêm (đêm tái mặt)… nghĩa là phía của vũ trụ âm tính. Đó cũng là phần mặt khuất, phần ít được lưu tâm cộng cảm, đồng thời làm nên phần mơ mộng riêng trong tâm thức nhà thơ. Mơ mộng (rêve) ở đây được hiểu, trong tâm thức sáng tạo, điều nhà thơ viết ra là viết với tất cả nguồn sống, năng lượng và nhịp sống của mình. Động thái của các ảnh tượng trên, trong con mắt, tâm ý nhà thơ luôn muốn hướng chúng vào nhau, tìm nhau, nương tựa nhau, nghĩa là sống trong nhau: thôi thì nằm thương với cỏ, phía bến sông con thuyền neo, biển phải hướng đến chất kết tinh tình ái, Đà Lạt ngấm vào tôi… Tất cả tạo nên một khẩn thiết hướng về phía yêu thương gắn kết. Đó cũng là hướng trở về tâm linh mà nhà thơ nhắn nhủ:
Con người là một cây sậy biết tư duy
Pascal đã thức nhận
Không ảo tưởng, siêu hình
Hãy yêu sự sống và nhân vị
Đó là thượng đế vĩnh cửu
Là minh triết của tự do và bác ái.
(Trở về tâm linh, tr30-31).
Đó là thức nhận của một cõi lòng đã thấm thía các ý vị của cuộc trần, mang cái tình vị tha, mang ái ân để tương giao với cuộc đời và cũng là cảm thức nhân bản, giấc mơ về nhân bản sâu sắc mà Thuyền trăng muốn hướng đến.
N.Q.H