Giả vờ yêu nhau - Truyện Tiêu Đình

13.05.2013

  Giả vờ yêu nhau  - Truyện Tiêu Đình

“Ta giả vờ yêu nhau đi anh!”

Nàng đề nghị. Tôi đồng ý. Hợp đồng được ký kết qua tin nhắn. Ký xong, cười ngất được. Vì cả tôi và nàng đều không biết giả vờ như vậy để làm gì. Hình như đôi tay nàng thừa thãi đã bấm vào phím di động như người ta huýt sáo cho vui miệng, cho đỡ cảm thấy mình đơn độc. Còn tôi, đang lang thang một mình, thấy viên sỏi giữa đường vui chân đá lăn vào bụi rậm. 

Ngay hôm sau tôi và nàng bắt đầu hò hẹn. Chúng tôi vào sâu trong rừng để tìm cảm giác nguyên sơ của tình yêu bản năng. Nàng tênh hênh lõa lồ trên thảo nguyên mướt xanh, tôi thả hồn nghe suối hát vội vàng bản tình ca chiều muộn. Nắng vẫn còn đủ để nhìn thấy đôi chân nàng không thẳng, gồ lên cơ bắp nam tính. Nàng xoay sang ôm tôi. Tôi cũng giả vờ ôm nàng. Ảo giác giấu vào váy, nuốt vào bụng vẫn nghe đăng đắng vị mật ói mửa, tởm lợm mùi ung hư thây rữa. Rừng vắng quá. Không có ai trông thấy chúng tôi yêu nhau. Nghĩ cũng buồn.

Hôm sau, tôi và nàng lại rủ nhau xuống biển. Hoàng hôn biển thẫm màu cứt chó, tôi choàng tay qua bờ vai chảy đầy tóc dày, ngẩng cao đầu thách thức những cặp mắt xét nét. Gió từ hướng nàng gió sang, vọc tóc bay rạo rực mùi thơm gợi dục. Tôi giả vờ xoay người ôm hôn tóc ấy. Nàng  nghiêng đầu tựa vào vai tôi, cười tỉnh queo như đang xem phim hài: Gớm, vai anh xương xẩu, đau cả má em…. Bộ em tưởng mình ngon lắm hả? Đi như chạy. Con gái tướng đi ấy vận cả thiên địa gian truân vào đời. Nàng im lặng, rồi bỗng dưng buồn, có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó. Tôi rẽ hướng khác, hướng suy nghĩ về sự loạn luân của giòng họ Buendia của Marquez để kết thúc một lần hò hẹn.

  Hẳn thiên hạ xung quanh muốn biết chúng tôi là tình nhân, là anh em hay vợ chồng của nhau? Tôi nghe và cười với gió, có là tình nhân mới tình tứ đến thế. Đúng là tình tứ thật. Nhiều lúc chúng tôi lại đi ăn với nhau tại các nhà hàng sang trọng của thành phố. Thiên hạ say hay tỉnh đều có lý do để tò mò nhìn chúng tôi như đang tận mắt trông thấy hiện tượng nhật thực toàn phần. Nàng trẻ đẹp, nhanh nhẹn. Tôi cố giấu cái “lão giả an chi” cũng không giấu nổi. Tôi và nàng đều thích thú khi lừa được phán đoán của người khác: chắc là bồ nhí của sếp lớn.

-Thế là vui rồi. Cũng là một trò chơi anh nhỉ?

-Trò chơi của những người cô đơn?

-Đúng!

Sau một thời gian giả vờ yêu nhau, phố đồn ầm lên rằng tôi bồ nàng hay nàng bồ tôi gì đó. Chúng tôi nhìn nhau cười cười, nụ cười thật như dưới chân tôi là đất, ma mảnh như đôi mắt liếc dao cau. Hai người lặng lẽ bốc hơi hướng này người ta lại đốt lửa, đánh mõ la làng hướng khác. Nàng kể, ở cơ quan nàng bị đưa ra kiểm điểm dữ dằn, như thể đơn vị sắp có đại họa hay ít ra cũng bị tổn thương danh dự lớn lắm. Tôi hỏi, mà kiểm điểm cái sự gì cơ chứ? Quan hệ bất chính. Ôi trời, chứng cớ đâu? Chuyện trai trên gái dưới có bắt tận tay vày tận cánh mới đủ chứng lý. Già chối vào là xong hết. Nàng cười, bộ yêu thiệt rồi hả? Không yêu thiệt sao lại hỉ nộ ái ố kiểu đó. Tu gần hết kiếp người rồi mà tâm vẫn chưa tịnh! Coi chừng bị cắt hợp đồng đấy nhé. Tôi cười theo, ừ há, đã nói là giả vờ yêu nhau kia mà. Vậy em nói sao với đơn vị? Em nói, thì không đi chơi với anh Thông tôi biết đi chơi với ai. Có ai dám yêu tôi không nào? Dám thì nói để tôi không còn đi chơi với anh ấy nữa. Ai đâu? Who dare? Ha ha, hì hì… em hỏi luôn bằng tiếng Anh, khiến có người không nhịn cười được. Một tuần sau em bỏ việc quách, chẳng cần xin phép ai. Cái nghề giáo lặp đi lặp lại vòng vo tẻ nhạt ấy em cũng đã chán tới óc rồi. Cứ tự mình làm khổ nhau bởi những chuyện thi đua, sổ sách…vặt vãnh không đâu.

Số phận tôi cũng chẳng hơn gì nàng. Ông anh họ chỉ hơn tôi hai tuổi nói như một ông già bảy mươi: “Mày cứ sống lang chạ kiểu đó biết bao giờ mới có vợ. Gần bốn mươi rồi còn gì. Đến khi muốn có vợ cũng không ai dám lấy”. Bà già bán ớt tỏi, mỳ chính, mắm muối…ở đầu xóm thấy tôi với nàng đi qua liếc nhìn có vẻ bí ẩn như vừa phát hiện một tay giết người hay buôn ma túy lợi hại. Rồi bà rỉ tai nhỏ to gì đó với con mụ bán rau dở hơi, vừa lấm le lấm lét nhìn tôi. Đến con Hạ không chồng mà chửa cũng đòi trò khái quát nhân cách: “Ông đó mà, kinh lắm…”.

Vậy anh nói với họ thế nào?  Anh nói, các cô hãy vòng tay lại cúi đầu bái sư phụ đi! Nói thế được chưa? Rồi như mọi khi, anh chỉ cười, có lẽ cười với bộ mặt đáng ghét lắm. Nàng khen, không biết là thật hay đùa, mặt anh càng khinh bạt càng thích đấy, xứng danh đàn ông hơn. Em yêu anh!

Chúng tôi tiếp tục giả vờ yêu mà không biết rốt cuộc mình sẽ về đâu. Phố xoáy cuộn thành từng cục, từng mảng vô tình trôi trôi. Rừng thản nhiên câm nín như ông già mắc chứng trầm uất. Ngày vàng đòi héo hắt cho hết những gì còn lại. Đêm xanh bệnh hoạn ánh trăng mười tám. Lại nhớ câu thơ của Xuân Diệu: Tôi với người yêu qua nhè nhẹ / Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ. Huống gì chúng ta là hai người chỉ giả vờ yêu nhau em nhỉ? Gì? Anh nói gì? À…chuyện nhà hiền triết gì đó mà. Ông ta nói rằng, nơi ồn ào nhất là nơi cô đơn nhất. Nàng nói, dù chỉ giả vờ yêu nhau ít ra anh cũng phải mua tặng em cái gì đi chứ. Ngày mốt là sinh nhật của em rồi. Hoặc ít ra cũng để em khám phá anh, xem cái ấy của anh vẫn còn hay đã teo mất rồi. Còn nhớ được sinh nhật của mình là khá lắm đấy, quà trời cho. Cần gì anh nữa!

                                            *****

Nàng kể, em cố tình săm soi mình hơn, ăn mặc hở hang trắc nết một chút. Cho bỏ ghét dù chẳng biết ghét ai đây. Có khi em mở tin nhắn của anh ra đọc, cố tình thả trên giường rồi vào toa-lét. Chồng em vẫn tiếp tục đọc Krishnamurti, vẻ bình thản đến muốn đấm vào mặt. Em cố lớn tiếng trả lời điện thoại của anh, bằng cả môi cười động cỡn và đôi mắt láo liên. Chồng em vẫn ung dung bước lần ra vườn, trầm ngâm đốt thuốc nhìn trời đất. Không biết ngồi làm gì ngoài đó mà sương xuống, đêm bắt đầu lạnh vẫn còn ngồi. Có lần em hỏi, anh trả lời: “Xem con sâu làm tổ”. Hết, không thêm được lời nào.

Em thích chơi độc mà chồng em lại độc hơn. Đúng rồi! Bạn bè nói chồng em bị bệnh. Bệnh vô sinh? Không, đừng thấy em không có con mà đoán mò, bệnh dị ứng người. Dị ứng người? Có lẽ đúng đấy, nhiều lần cơ quan tiếp khách, liên hoan thấy anh bỏ về nằm đọc sách một mình. Bạn bè tranh nhau bốc phét đủ điều trong các cuộc nhậu, anh chỉ lặng lẽ uống rồi lặng lẽ ra về. Hỏi, anh chỉ nói không thích nơi đông người ồn ào. Thế thôi. Thực lòng em chẳng muốn vậy, em chỉ thích anh xả láng hết cuộc đời cho đã. Tội gì tự chuốc buồn vào thân. Nhưng nói ít, chẳng biết có lọt tai hay không, anh còn im lặng, nói nhiều anh bỏ đi quách. Dị ứng người là bệnh cô đơn xã hội. Ai cũng yêu nước kiểu chồng em thì lấy đâu ra người phục vụ cộng đồng. Đức ông Trần Quốc Tuấn mà còn sống chắc phải đổi lại lời hịch của mình: Trang sách thơm làm sao đốt cháy được quân thù?

Anh chỉ được cái mạnh miệng. Không phải anh đã từng nói với em rằng anh bị bệnh cô đơn nghề nghiệp đó sao? Cô đơn nghề nghiệp dẫn đến sợ vào công sở, sợ hội họp, sợ đọc văn bản hành chánh, sợ góp ý phê bình đồng nghiệp, sợ bình xét thi đua. Con chó điên thấy nước là ngợp, con người điên như anh thấy linh tinh công việc hành chánh là lạnh xương sống, nổi da gà. Bi kịch nhất là anh vẫn tồn tại, vẫn nhận lương hằng tháng như một vị la hán chẳng giống ai và cũng chẳng ai giống mình. Nhớ lại chưa, ông tướng mâu thuẫn? Sản phẩm của mình mà sao vội quên? Ha ha…em chỉ được mỗi cái tài nhớ dai các tiểu tiết. Sao không giỏi bàn đến cái vĩ mô của tổ quốc xem sao! Nói vậy thôi, anh vẫn sống và công tác tốt đấy chứ. Bằng chứng là cuối năm anh vẫn được bình bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận một trăm đồng tiền thưởng. Trong các phiên họp quan trọng anh đều được mời phát biểu như một người duy nhất có bằng thạc sĩ trong đơn vị.

Tự dưng nàng buồn rượi. Ít khi thấy tố chất mạnh mẽ nam tính của nàng chịu héo rũ nhanh đến thế. Bình thường chuyện gì nàng cũng cười được, hình như cười mỉa mai nhiều hơn là vì vui. Tôi hỏi, sao vậy, em mệt à? Không, em buồn thật sự mà. Không quá cá tính chắc bây giờ em cũng có bằng thạc sĩ như anh. Mẹ em chỉ mong muốn thế nhưng lại nhận được cú bỏ việc nửa chừng của con gái trước khi nhắm mắt. Phụ nữ bướng bỉnh bất cần chỉ thiệt thân. Đúng không anh? Trầm ngâm, rồi nàng kết luận, số em số khổ. Lông bông nghề nghiệp, có chồng cũng như không.

Vậy em quy kết nó vào loại cô đơn gì? Không biết! Chỉ biết chả phải em thiếu thiện cảm với cuộc đời này, từ gia đình đến xã hội. Nhưng em càng tiến tới, cuộc đời càng thụt lùi, quay lưng, ngoảnh mặt. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng phải không anh? Nhưng bây giờ thì em đã có anh để bù trừ rồi. Chắc gì, em không tin. Hình như từ lâu em đã bị khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Không biết rồi ngày mai hay ngày mốt chúng ta sẽ chấm dứt mối quan hệ này. Như em đã từng chấm dứt nhiều mối quan hệ theo kiểu đó. Và lại đi tìm…. “Tìm anh như thể tìm chim. Chim bay bể Bắc em tìm bể Nam”.

Là nàng nói vậy nhưng sau hơn một tháng hợp đồng giả vờ yêu nhau tôi thấy nàng đẹp hẳn ra, như người đang yêu thật. Mắt nàng long lanh thêm, môi nàng mọng đỏ thêm, da căng mịn và miệng cười đố ai còn dám chê là khắc khổ. Rủ bỏ được công việc đơn điệu tẻ nhạt hay là nàng đang yêu thật sự? Nàng trả lời câu hỏi của tôi bằng cách hỏi ngược: Thông minh để đâu? Thấy tôi buồn buồn, nàng triết lý tiếp, cũng buồn buồn: Thì anh biết rồi đó, em là người chúi mũi chúi lái làm việc mà kết quả lại thuộc về người khác, không được cái hạnh phúc tận mắt trông thấy, tận tay sờ vuốt sản phẩm. Chán chết đi được. Anh còn có cuốn sách, bài báo mang tên chính mình. Mang tờ báo gói đồ hay vứt đi cũng còn được một cái tên….

Cũng còn được một cái tên. Hay! Có lẽ tôi nên ăn cắp ý tưởng của nàng phát triển thành một truyện ngắn. Đại loại truyện sẽ kể về sự tồn tại của một cái tên, một cái tên viết hoa. Có thể kèm theo chức danh, nhưng chỉ là một cái tên. Còn hồn xác được đưa vào hư cấu huyễn tưởng, hoặc cho bốc hơi thành thứ không sắc màu mùi vị, hoặc cho thối rữa như thây ma, không ai dám đến gần. Trong giấc mơ kết truyện, ông bụt hiện lên hỏi: tên là gì? Tỉnh dậy toát mồ hôi hột, nhân vật chính vẫn không trả lời nổi tên là gì. Trời thì mưa dai dẳng bên ngoài.

Đang tự sướng với cái truyện của mình thì nàng hỏi: Đã hết hợp đồng của chúng ta chưa anh? Hơn một năm rồi đó. Ký tiếp hợp đồng khác hay là yêu thật đi. Yêu thật? Ý tưởng hơi ngộ đấy. Tôi hỏi như một kiểm nghiệm kết quả: Rốt cuộc mình được gì? Anh nói trước đi. Em mất việc! Không, anh nhầm rồi, đó là điều lớn nhất em đã làm được cho cuộc đời mình. Điều lớn tiếp theo, em sẽ bằng mọi giá ly hôn cho được thằng chồng đang giết lần mòn cuộc đời em bằng những khoảng lặng…. Còn anh? Cô đơn. Cô đơn và buồn hơn cả trùng điệp con sóng gợn tràng giang của Huy Cận.

Nữa, không chỉ có cô đơn và nỗi buồn. Em thấy không, chẳng có cả một nụ hôn tự nguyện thật sự là nụ hôn của tình yêu. Tất cả đều là giả, là lọc lừa, ma mỵ, toan tính….Tình yêu thật không có ở trên đời, hay luôn ẩn dạng, mọi biểu hiện bằng ngôn ngữ, hành động đều phải cảnh giác, trừ những ngón tay cấu cào của Chí Phèo lên thân xác Thị Nở vào cái đêm lộng gió bờ sông. Đó là những suy nghĩ cuối cùng trước khi kết thúc hợp đồng giả vờ yêu giữa tôi và nàng. Còn đây là tin nhắn cuối cùng nàng gửi cho tôi, như bản thanh lý hợp đồng: “Suy cho cùng, cô đơn là bệnh khó trị nhất”.

Rồi chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Thương không thương, ghét không ghét

                                                               T. Đ