Một đời báo, một đời văn đồ sộ

30.12.2019

Một đời báo, một đời văn đồ sộ

Tôi trân trọng lật giở từng trang và gạch dưới nhiều từ, nhiều đoạn trong cuốn hồi ký Trên nẻo đường này xưa ta đã đi (NXB Văn học, 2019) của nhà báo, nhà văn Phan Quang. Như ông đã tự bạch ở ngay trang đầu sách: “đó là mảnh thời gian tác giả chọn nhặt từ một quãng đường tác nghiệp, khởi đầu với ngày rời làng quê bước vào nghề báo và tạm ngưng khi được bồng bềnh trên các kinh rạch dải đất tột cùng của Tổ quốc sau ngày đất nước giành lại độc lập, tự do, tháng 5-1975”.

Nói chính xác, với 15 bài chọn in trong cuốn hồi ký này chỉ là những “mảnh” rất nhỏ trong cuộc đời làm báo, viết văn đồ sộ của ông khi vào năm 2018 vừa qua, ông tròn 90 tuổi đời và 70 tuổi nghề sôi động. Một mốc son đáng nhớ ấy, đã giúp tôi hiểu thêm những cống hiến đáng nể phục của một cây bút đã sản sinh hàng trăm bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn (trong tập này in lại truyện ngắn Lửa hồng viết xuất thần trong đêm do yêu cầu của Ban Biên tập báo Cứu quốc Liên khu 4 để kịp in số Tết năm 1948), truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận cùng nhiều cuốn sách dịch thuật…, góp sức làm rạng danh giới báo chí cách mạng Việt Nam. Đúng ngày 7-9-2018, Đài Tiếng nói Việt Nam (mà ông từng là Tổng giám đốc Đài) tổ chức kỷ niệm ngày thành lập; nhân đó tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách Nhà báo Phan Quang - 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề.

Trong thành phần tham dự hôm đó, có đại diện một số ban, ngành và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ra tận Đài chúc mừng người con quê hương trường thọ và thành danh. Buổi giao lưu diễn ra sôi động bởi nhiều tiếng nói tâm huyết từ trái tim nhiệt thành của nhiều thế hệ làm báo, viết văn, tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân người anh, người thầy, người đồng nghiệp tài năng với tấm gương lao động miệt mài, nghiêm túc, yêu say đắm cả nghề báo lẫn nghề văn, nhưng rồi thực tiễn cuộc sống làm báo đã cuốn ông vào dòng chảy sự kiện thời sự trong hơn 70 năm gắn bó với báo chí. Đúng như ông tâm sự: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo…”.

Rời 58 phố Quán Sứ, hòa trong dòng cảm nghĩ dâng tràn ấy, tôi viết bài thơ Còn ắp sức xuân kính tặng ông và gửi Báo Nhân Dân đăng (sau đó nhiều báo khác đăng lại). Ở đoạn kết bài thơ, tôi viết: mừng ông Cửu thập niên trường/ Tằm nhả tơ/ Sáng óng từng con chữ/ Ấm nóng tình đời, tình bạn. Tôi không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, lại được vinh hạnh đón “cuộn tơ vàng” do ông gửi tặng tôi cuốn Hồ Chí Minh - người có nhiều duyên nợ với báo chí. Ba tháng sau, ông lại gửi tôi bản thảo về cuốn hồi ký này. Tôi thật sự ngỡ ngàng, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì “kho tư liệu” của tác giả ngồn ngộn, quá đa dạng và phong phú, bài nào tôi cũng muốn chọn in, nhưng ông bảo: cứ tạm chọn 15 bài, trong đó có nhiều bài gắn với những thời điểm làm Báo Nhân Dân - như đã gửi…

Thật tình, những bài trong cuốn sách về Hồ Chí Minh cũng như hầu hết các bài trong tập hồi ký này, tôi đã từng đọc, nhưng nay được tác giả chọn lựa, sắp xếp theo từng mảng chủ đề thể hiện qua các mốc thời gian gắn với những năm tháng bi tráng và hào hùng của đất nước ta, dân tộc ta, đã giúp tôi có cách nhìn toàn diện về sự nghiệp báo chí và văn chương của ông; trên cơ sở đó, tự lý giải được ngọn nguồn trưởng thành vững chắc của chàng thanh niên miền trung gió Lào, cát trắng, “những đồi sim không đủ quả nuôi người”, tự nguyện và hăm hở rời làng Thượng Xá bên sông Nhùng của quê hương Quảng Trị để đi theo cách mạng. Đất nghèo rèn chí anh hùng, sản sinh nhiều việc làm và con người anh hùng.

Làng Thượng Xá của ông - nơi lập chi bộ cộng sản đầu tiên vào cuối năm 1930, đã trụ vững trong mưa bom bão đạn qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trở thành một trong ba xã đầu tiên của tỉnh Bình Trị Thiên khói lửa, sau năm 1975 được đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên. Quê hương luôn đau đáu trong ông, và thật sự là tiếng gọi lay thức tâm hồn ông, trở thành một trong những nguồn động lực tinh thần vô giá, giúp ông có những tác phẩm để đời. Tôi thật sự bị cuốn hút khi đọc các bài Từ tiếng mõ buồn đến bếp lửa hồng; Mười bốn ngày đêm nơi tuyến lửa; Đôi bờ ngăn cách… Đấy là những bài ông viết khi tôi chưa về nhận công tác tại Báo Nhân Dân (ông hơn tôi 17 tuổi). Song, điều kỳ lạ là, hàng loạt những bài tiếp theo ở tập này đề cập các chủ đề cụ thể, với những sự kiện ở các địa danh cụ thể, mà lúc đó, với tư cách là phóng viên báo Đảng, tôi được Ban Biên tập cử đến những địa danh mà ông đã từng qua.

Lịch sử diễn ra những chuyện ngẫu nhiên mà thú vị, vì những bài trong tập này, ông đã viết nhiều trang phóng sự khi hành trình dọc dài đất nước, từ con đường Khâm Thiên trong 12 ngày đêm máy bay B52 hủy diệt Hà Nội vào cuối tháng 12-1972, chỉ tính một đêm, đã có hơn 300 người vô tội thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương. Rời Thủ đô, ông vào Quảng Bình, đường 20, cửa ngõ huyết mạch của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại; đến tháng 3-1975, ông lần lượt qua Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn đang bừng bừng khí thế quét sạch ngoại xâm, non sông từ nay liền dải.

Những cuộc gặp mặt đầy nước mắt sau 20 năm chia ly của không ít gia đình cũng như niềm hân hoan của cả dân tộc được hưởng không khí tự do, độc lập, được ông miêu tả góc cạnh, chiều sâu với cái nhìn nhân văn và niềm lạc quan cách mạng. Tiếp đó là những ngày ông xuống đồng bằng Nam Bộ viết loạt phóng sự dài kỳ, trong đó có bài về vùng đất mũi Năm Căn, với nhiều tư liệu quý giá về nơi đầu sóng ngọn gió của “Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc” trong cuộc chiến đấu giữ trọn cương vực phía nam đất nước. Những nơi ông qua, tôi cũng may mắn từng qua; và lẽ đương nhiên, tôi và ông đã gặp, đã tâm tình cùng nhiều lớp người khác nhau với những tâm tư sâu lắng khác nhau về bước chuyển vần quá nhanh của thời cuộc.

Tôi đã đọc lại sổ tay ghi chép của mình, thấy thật thú vị khi biết, mình là một trong những phóng viên chỉ đến sau những nơi ông đã đặt chân trước đó vài ba tháng. Song, với người làm báo, đến trước hay đến sau một địa điểm, chứng kiến một sự kiện thời sự nào đó, chỉ mang ý nghĩa tương đối. Vấn đề là qua bài viết, tác giả không chỉ thuần túy miêu tả sự kiện, mà điều quan trọng là phát hiện chiều sâu sự kiện, diễn tả cái tâm trạng chủ đạo của mỗi lớp người mình đã gặp, được đối thoại, tâm tình với họ; từ đó dự tính chiều hướng phát triển mang tính quy luật trong tương lai. Nói cách khác, đọc xong bài viết ấy, người đọc thấy “chạm trái tim” mình, được truyền tin yêu và hy vọng vào cuộc sống đã và sẽ diễn ra, dù trước mắt còn bộn bề lo âu, gian khó.

Với nhận thức ấy, khi đọc các bài Phố Khâm Thiên và Điện Biên Phủ trên không; Nơi đây đất đỏ lòng vàng; Tháng ba kỳ diệu; Về với sông Hàn; Lần đầu tôi gặp Sài Gòn; Nổi dậy ở Phú Tân Sơn; Nơi đây vừa lạ lại vừa quen…, tôi thật sự cảm phục tầm nhìn của ông cùng nghệ thuật khai thác tư liệu và cách diễn đạt nhẹ nhàng, khéo léo, gây dấu ấn sâu đậm từ mỗi bài viết. Có lẽ vì thế, cho đến hôm nay, những câu chuyện tưởng đã xưa cũ trong tập hồi ký này, vẫn cuồn cuộn sức sống, vẫn hấp dẫn thế hệ hậu sinh chúng tôi; mặc dù tôi cũng như một số người làm báo đã từng viết những bài về đường Trường Sơn huyền thoại; về Sài Gòn chuyển mình sau giải phóng; về vùng đất Năm Căn, rẻo đất tột cùng của Tổ quốc trong những ngày hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV - Đại hội đầu tiên khi nước nhà thống nhất, diễn ra vào tháng 12 năm 1976 tại Thủ đô Hà Nội…

Nhà thơ Chế Lan Viên khi đọc lại những bài viết của nhà văn Đoàn Giỏi đã nhận xét chí lý: “Sau ba mươi năm, hai mươi năm, mười lăm năm, nhiều bài của anh đọc lại vẫn “chịu” được… Năm Căn và hàng trăm bà má khác, tôi đã gặp rồi, thế sao đọc các bài văn kia, tôi vẫn xúc động. Có gì ở đằng sau các chất liệu kia… vừa là nó, vừa không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đã qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian…”.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với 15 bài trong tập hồi ký này, thì nhận xét của Chế Lan Viên về Đoàn Giỏi, khá trùng hợp với suy nghĩ của tôi khi nghĩ về giá trị lâu bền của nhiều tác phẩm báo chí, văn học của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang đã để lại cho đời.

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
(nhandan.com.vn)